Người dịch “Nhật ký trong tù” ra thơ lục bát Việt và Tày

Thứ Tư, 19/01/2011, 13:36
Là tác giả của 4 tập thơ, 2 CD âm nhạc, dịch giả của trên 10 tập thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn của nhiều tác giả nổi tiếng trên thế giới, từng giành nhiều giải thưởng của Trung ương và địa phương về sáng tác và dịch thuật, nhưng nhà thơ Triệu Lam Châu (cán bộ giảng dạy Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên) nói rằng, hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời cầm bút của ông là hoàn thành dịch "Nhật ký trong tù" của Bác ra tiếng Việt và Tày bằng thể thơ lục bát.

Ấp ủ dịch thơ Bác

Nhà thơ Triệu Lam Châu sinh năm 1952 tại thôn Nà Pẳng, xã Đức Long, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng - cái nôi của phong trào cách mạng. Làng ông có nhiều người từng được gặp Bác Hồ. Hồi nhỏ ông đã được những người lớn tuổi trong làng kể nhiều câu chuyện về Bác. Cạnh bản ông có một thung lũng nhỏ, gọi là thung lũng Anh Hồ. Đây là nơi Bác Hồ về tổ chức lớp huấn luyện cán bộ, du kích trong vùng trước Cách mạng Tháng Tám. Hồi nhỏ, mỗi lần vào thung lũng Anh Hồ, trong ông lại dâng lên một cảm xúc thật thiêng liêng về Bác và niềm tự hào về quê hương.

Nhà ông cách Pác Bó - nơi làm việc của Bác Hồ khi Bác ở nước ngoài về nước đầu năm 1941, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam - chỉ khoảng 30 cây số. Hồi học phổ thông, ông vẫn thường được nhà trường tổ chức về tham quan di tích lịch sử  Pác Bó. Những vần thơ đầu tiên của ông là về Bác, từ cảm xúc những chuyến đi như thế. Hồi nhỏ ông đã sưu tầm và thuộc khá nhiều thơ Bác.

Đến khi lên cấp III, học Trường Chuyên toán tỉnh Cao Bằng, được học thơ Bác, nhất là tác phẩm "Nhật ký trong tù" của Bác, ông càng yêu thơ Bác. Ông nghĩ: "Nhật ký trong tù" đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, tại sao chưa ai dịch ra tiếng Tày? Từ đó ông ấp ủ dự định dịch "Nhật ký trong tù" ra tiếng của dân tộc ông.

Nhà thơ Triệu Lam Châu với cuốn "Nhật ký trong tù" bằng song ngữ Việt - Tày.

Gần 40 năm cho một công trình

Trong suốt những năm học cấp 3, học Trường Đại học Mỏ Lêningrat (Liên Xô), cho đến khi trở thành người kỹ sư địa chất hay cán bộ giảng dạy Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hoà, "Nhật ký trong tù" luôn là cuốn sách gối đầu giường của Triệu Lam Châu. Ông nghiền ngẫm, thuộc lòng tất cả các bài thơ trong "Nhật ký trong tù", từ nguyên bản chữ Hán đến bản dịch tiếng Việt.

Ông còn tìm cuốn sách dịch "Nhật ký trong tù" ra tiếng Nga, tìm hiểu cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đọc nhiều tác phẩm khác của Người cũng như các tác phẩm viết về Người. Đến năm 2000, khi đã trở thành tác giả của nhiều tập thơ, dịch giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng trên thế giới, được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam và tự thấy đã có độ "chín" nhất định, ông mới bắt đầu bắt tay dịch "Nhật ký trong tù" ra tiếng Việt và tiếng Tày.

"Nhật ký trong tù" đã được các nhà thơ nổi tiếng dịch rất hay ra tiếng Việt, liệu mình có làm cái công việc "múa rìu qua mắt thợ"? Triệu Lam Châu từng băn khoăn về điều này, nhưng rồi ông nghĩ, điều cốt yếu là ở tấm lòng của mình đối với Bác nên quyết tâm dịch. Tác phẩm "Nhật ký trong tù" của Bác viết bằng chữ Hán, theo thể Đường luật, dịch ra thể lục bát tiếng Việt đã khó, dịch ra thể thơ lục bát tiếng Tày càng khó hơn. Thể thơ truyền thống của người Tày là thơ thất ngôn (bảy chữ), tuy nhiên ông vẫn quyết định dịch ra thể thơ lục bát vì ông thấy đã có một số tác giả người Tày làm thơ lục bát bằng tiếng mẹ đẻ khá thành công, được đông đảo độc giả người Tày đón nhận. Hơn nữa, dù lục bát Việt hay lục bát Tày, đây vẫn là thể thơ dễ nhớ, dễ thuộc, có sức lan toả mạnh, vì vậy ông quyết định dịch ra thể thơ lục bát để có nhiều người Tày được đọc thơ Bác bằng tiếng dân tộc mình.

Ngoài "tín, đạt, nhã", theo Triệu Lam Châu, trong dịch thuật còn cần phải có cảm hứng. Những lúc nào cảm thấy cảm xúc thật dâng trào ông mới dịch thơ Bác. Có những bài như "Mới ra tù, tập leo núi", ông phải trăn trở nhiều ngày, tìm nhiều phương án dịch, chọn từ đắc địa mới tạm hài lòng.

Xưa nay chưa có mấy người dịch thơ chữ Hán ra tiếng Tày nên bắt tay vào dịch "Nhật ký trong tù" của Bác ra tiếng Tày đối với ông quả thật vô cùng khó khăn. Ông đã tìm đọc tất cả các sáng tác bằng tiếng Tày của các nhà thơ dân tộc Tày nổi tiếng như Nông Quốc Chấn, Hoàng Đức Hậu, Hà Trọng Quai… để "thấm", để sưởi ấm bằng tâm hồn Tày. Bên cạnh đó, đối với nhiều trường hợp, tìm từ tương đương trong kho từ vựng tiếng Tày không phải dễ, thậm chí là không có. Ông phải trăn trở chọn từ, thậm chí là "sáng tạo" từ, rồi khi dịch xong mỗi bài, có khi là mỗi câu, mỗi từ, ông điện về, hỏi các bạn thơ người Tày và bà con người Tày như vậy đã đạt chưa, ông mới yên tâm.

Phần thưởng lớn trong đời

Mất 30 năm ấp ủ và 8 năm tiến hành dịch thuật, đến năm 2008, nhà thơ Triệu Lam Châu hoàn thành dịch cuốn "Nhật ký trong tù" ra song ngữ Việt - Tày và được Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc ấn hành năm 2009. Cầm cuốn sách trên tay, mắt ông rưng rưng. Việc đầu tiên là ông gửi ngay một số cuốn cho bạn thơ người dân tộc Tày và các trường phổ thông ở quê ông và đều nhận được sự ngợi khen.

Cô giáo Bế Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Thị Xuân, Thông Nông, Cao Bằng cho biết: Sau khi chuyền tay nhau đọc phần dịch tiếng Tày tác phẩm "Nhật ký trong tù" của Bác Hồ, các thầy cô giáo ở đây đều rất thích và đề nghị dịch giả gửi cho trường nhiều cuốn nữa.

Cô giáo Chu Thúy Cảnh ở Trường Phổ thông cơ sở Ngũ Lão, Hoà An, Cao Bằng cũng cho biết: Một số cuốn thơ "Nhật ký trong tù" dịch ra tiếng Việt và Tày, do dịch giả tặng đã được Đảng uỷ các xã Ngũ Lão, Bình Long (huyện Hoà An) trân trọng đưa vào phòng lưu niệm của xã. Một số cuốn khác, cô giáo Cảnh chưa kịp chuyển tới bạn bè theo yêu cầu của dịch giả, đã "bị" ai đó yêu thích lấy làm của riêng.

Sau Tết vừa rồi, nhà thơ Tày Dương Sách ở xã Đức Long, Hoà An, Cao Bằng hồ hởi điện vào báo tin cho nhà thơ Triệu Lam Châu: Trong Đêm thơ xuân truyền thống của địa phương, câu lạc bộ thơ của xã đã tổ chức ngâm một số bài thơ lục bát tiếng Việt và lục bát tiếng Tày rút trong cuốn "Nhật ký trong tù" do ông dịch, được mọi người rất hoan nghênh.

Nhà thơ Triệu Lam Châu nói: Đó là phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời cầm bút của ông

Phan Xuân Luật
.
.
.