“Người đàn bà trong cồn cát” qua bản dịch của Nguyễn Tuấn Khanh

Thứ Hai, 24/05/2010, 12:47
Tiểu thuyết Suna no onna (Người đàn bà trong cồn cát) của Kobo Abe đã đến với độc giả tiếng Việt đầu tiên qua bản dịch Người đàn bà trong cồn cát của nữ văn sĩ Trùng Dương (xuất bản tại Sài Gòn trước 1975), sau đó là bản dịch của Phạm Đăng Thường và gần đây nhất là Nguyễn Tuấn Khanh.

Một buổi chiều tháng tám, có một người đàn ông đứng trong nhà ga xe lửa tại S…”. Câu chuyện bắt đầu như một sự tường thuật về một sự việc hết sức bình thường, không có gì đáng để chú ý. Nhân vật chính của truyện hiện lên là một người đàn ông không rõ tên tuổi, lai lịch xuất xứ, chỉ được giới thiệu trong vai trò là một nhà giáo say mê tìm hiểu côn trùng. Cuộc phưu lưu chỉ thực sự bắt đầu khi anh được đưa vào nghỉ trọ trong ngôi nhà của một người đàn bà sống trong hố sâu của cồn cát…

Nhân vật người đàn bà cũng xuất hiện hết sức mờ ảo, không tên, không tuổi, sống cam chịu dưới cồn cát đã nhiều năm. Chồng và con chị đã mất trong một trận bão cát, để lại chị cô đơn trong căn nhà được vây bọc bởi những bức tường cát. Cuộc sống của chị là những ngày dài nhàm chán nối tiếp nhau, đêm đào cát, ngày thì ngủ.

Sự có mặt của người đàn ông như một món quà kì diệu cho chị: “Từ xa nhìn lại, chốn này có vẻ như một mảnh đất nhỏ bé. Song một khi ở dưới đáy hồ ta sẽ không nhìn thấy gì hết, ngoài cát và bầu trời bao la. Một sự tồn tại đều đều buồn bã nằm gọn trong tầm mắt của ta. có lẽ chị đã sống trọn cả cuộc đời dưới đáy hồ này không một lời vỗ về an ủi. Phải chăng lúc này trái tim chị đang rộn lên trái tim một thiếu nữ, bởi vì nó đã bẫy được anh và dâng anh cho chị. Thực đáng thương biết bao!”. Bất chấp sự tức giận, thái độ thô lỗ của anh, chị ân cần chăm sóc, phục tùng anh như một người vợ chân chính.

Lúc đầu anh chỉ nghĩ đây là một chỗ trú chân tạm thời của mình. Cho đến khi chuẩn bị hành lý trên vai để tiếp tục cuộc hành trình thì anh nhận ra một điều rằng chiếc thang dây - cầu nối duy nhất của ngôi nhà trong hố cát này với thế giới bên ngoài đã biến mất. Bất ngờ, đau khổ, tuyệt vọng, anh vùng vẫy điên loạn trong cái bẫy thiên nhiên không có lối thoát này. Anh cố thử thoát ra bằng mọi cách từ cách đơn giản bột phát là trèo lên bức tường cát dựng đứng trơn tuột, đến việc vận dụng những kiến thức khoa học rồi dàn xếp một cuộc trốn chạy công phu… tất cả đều thất bại. Ở đây, anh có đầy đủ mợi thứ cần thiết: nước uống, thức ăn, thuốc lá, rượu thậm chí nếu muốn anh còn có thể đọc báo. Nhưng cái anh thiếu thốn nhất chính là tự do, là tiếng nói cộng đồng, là cuộc sống trước kia của anh. Đấu tranh không mang lại kết quả, anh nhượng bộ làm một người tù để chờ cơ hội chạy thoát.

Ta nắm trong tay tấm vé một lần đi đến vùng buồn chán, ú ù u…

            Vận may đến với anh sau bao ngày nung nấu ý đồ thoát thân. Bằng trí thông minh và sự quyết tâm của một con người khát khao tự do, anh đã thoát khỏi hố cát ngục tù. Tưởng rằng sau khi leo lên được bức tường cát đó, anh lại trở về với vị trí là một thầy giáo, với niềm đam mê côn trùng, với bạn bè, cuộc sống của anh trước kia. Nhưng rồi bất chấp tất cả nỗ lực và niềm hy vọng của anh, anh lại bị đẩy vào một cuộc rượt đuổi của dân làng để rồi kết thúc tuyệt vọng trong tiếng kêu cứu, khẩn nài của chính mình để được cứu sống cho dù chỉ là sống lại trong nhà ngục thiên nhiên đó.

Cuộc sống tù túng, niềm mong mỏi giao lưu với thế giới bên ngoài làm anh bất chấp mọi luân thường đạo lý, anh sẵn sàng làm tình với chị trước mặt mọi người để đổi lấy một chút tự do nhỏ nhoi. Anh đã làm tổn thương chị chỉ vì một trò tiêu khiển cho dân làng và rồi sự bao dung, nhẫn nhịn của chị đã thay đổi suy nghĩ của anh. Anh chấp nhận làm một thành viên trong cái tổ ấm mà “ngước mắt lên chỉ thấy cát và trời xanh”. Anh bắt đầu hòa nhịp vào cuộc sống, làm những công việc của chị, cùng nhau xây dựng một gia đình.

Trong quá trình khám phá ra cách lấy nước từ cát, vô tình anh đã làm mình xích lại gần, trở nên thân quen với cái hố cát này. “Sự thay đổi của cát phù hợp với sự đổi thay trong chính con người anh. Có lẽ cùng với nguồn nước trong cát, anh đã tìm thấy con người mới của mình” . Sự ân cần, chu đáo, tình cảm chân thành của chị đã làm anh cảm động và gắn bó với chị từ lúc nào anh cũng không hay biết…

            Chiếc thang dây thả xuống để đưa chị đi cấp cứu do chửa ngoài dạ con cũng là chiếc thang dây anh hằng mong ước. Vậy mà giờ đây đứng trước nó, anh lưỡng lự, mân mê nó, trèo lên trên để rồi lại leo xuống chỉ để sửa lại công trình nghiên cứu lấy nước từ cát của anh. “Chẳng cần phải vội vàng trong việc thoát thân. Trên chiếc vé khứ hồi mà anh đang cầm tay lúc này, chỗ để điền nơi đến và thời gian khởi hành vẫn còn bỏ trống để anh tự tay viết vào như ý anh muốn. Hơn thế, anh hiểu rằng anh đang nung nấu một nỗi khát khao được nói với  một người nào đó về cái bẫy nước. Và nếu anh muốn nói về nó, thì chẳng có thính giả nào tốt hơn  bọn dân làng kia. Anh muốn chấm dứt bằng cách nói điều đó ra với một người nào đó - nếu không phải hôm nay, thì ngày mai vậy”.

Câu chuyện kết thúc với bản thông báo mất tích của anh. Khi tên tuổi của anh được xác định, anh là một con người cụ thể thì cũng chính là lúc anh tình nguyện ở lại cái bẫy mà mình mắc phải. Tác giả không cho biết gì thêm về những cống hiến sau này của Niki Jumpei cho vùng cát. Nhưng chúng ta chắc chắn anh ở lại tới ngần ấy năm, tách biệt với xã hội, bị coi như kẻ mất tích, không chỉ vì để phổ biến cách lấy nước. Để làm việc ấy chỉ cần ba ngày. Chắc chắn anh phải tìm được cách ngăn cát thay vì lấy sức xúc cát suốt đêm. Chắc chắn, anh phải thấy cái gọi là hạnh phúc nơi vùng đất khắc nghiệt ấy. Hạt giống tình yêu đã nảy mầm trong anh để rồi đơm hoa kết trái và níu giữ anh với mảnh đất này, với những con người thiếu thốn cả vật chất và tình cảm nơi này.

Thông tin về tác giả:

Kobo Abe tên thật là Abe Kimifusa (Kobo là âm Hán-Nhật của chữ Kimifusa), sinh ở Tokyo, nhưng theo cha là một y sĩ sang Mukden, lãnh thổ Mãn Châu lúc đó đang bị Nhật chiếm đóng. Từ nhỏ, Abe thích Toán và sưu tập côn trùng. Năm 1941, 17 tuổi, ông trở về Nhật và hai năm sau vào học Y khoa tại Đại học Đế quốc Tokyo. Ông tốt nghiệp năm 1948, nhưng không hành nghề y sĩ mà bắt đầu nghề văn, gia nhập nhóm văn học do Hamada Kiyoteru lãnh đạo, nhắm đến việc dung hợp những thủ pháp văn học thuộc trường phái Siêu thực với ý thức hệ Mác-xít.

Ông bắt đầu sáng tác từ 1943, nhưng đến 1947 mới tự xuất tiền túi xuất bản tập thơ đầu tay là Mumei Shishu (Tập thơ vô danh). Năm sau đó, ông bắt đầu được biết tiếng nhờ tác phẩm Owarishi michi no shirube ni (Trên cột mốc ở đường cùng). Ông chịu ảnh hưởng của Samuel Beckett, Fyodor Dostoyevsky và nhất là Franz Kafka.

Ở Việt Nam, tiểu thuyết Suna no onna (Người đàn bà trong cồn cát; bản Anh ngữ: Woman in the Dunes) của Kobo Abe đã đến với độc giả tiếng Việt đầu tiên qua bản dịch Người đàn bà trong cồn cát của nữ văn sĩ Trùng Dương (xuất bản tại Sài Gòn trước 1975), sau đó là bản dịch của Phạm Đăng Thường và gần đây nhất là Nguyễn Tuấn Khanh.

Thông tin xuất bản:

  • Tên: Người đàn bà trong cồn cát
  • Tác giả: Kobo Abe
  • Dịch giả: Nguyễn Tuấn Khanh
  • Nhà xuất bản: NXB Văn họcCông ty Sách Bách Việt
  • Khổ sách: 13x20,5cm
  • Số trang: 284 trang
  • Giá bìa: 49.000 đồng

Ngọc Anh
.
.
.