Người đã chắp cánh cho bài thơ của tôi bay xa

Thứ Sáu, 03/07/2015, 08:49
Giờ đây, người nhạc sĩ lớn của chúng ta, một trong những người tiêu biểu nhất của âm nhạc đương đại Việt Nam - nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, đã ra đi mãi mãi. Những ca khúc của ông, từ những tác phẩm đầu tay khi ông còn là một chàng trai Đà Nẵng độ tuổi 18 đôi mươi cho đến những giai điệu mới nhất ra đời khi ông 90 tuổi, đã trở thành một phần không thể thiếu trong kho tàng đời sống tinh thần của nhiều thế hệ người Việt Nam. Sức lan tỏa của những giai-điệu-Phan-Huỳnh-Điểu rất rộng và rất sâu khi ông còn sống, đã khiến cho khi ông mất đi, nỗi tiếc thương trống vắng trong lòng người hâm mộ càng trở nên thật sự to lớn.

Riêng tôi, tôi luôn giữ những kỷ niệm không phai mờ với người nhạc sĩ lão thành kính mến, khi vinh dự được ông chọn một bài thơ nhỏ để chắp cánh cho nó trở thành một ca khúc mà đến nay, sau hơn 40 năm, vẫn còn nhiều người nhớ và hát. Tôi muốn nói tới nhạc phẩm “Hành khúc ngày và đêm” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Mùa hè 1968, tôi và bạn bè vừa kết thúc 4 năm Đại học Sư phạm Hà Nội, chuẩn bị đi nhận công tác. Lúc ấy, chiến tranh đã lan rộng ra miền Bắc. Bom Mỹ giội ngày đêm. Tất cả các trường học đều phải đi sơ tán. Thương nhất là các em học sinh, đang tuổi ăn học đã phải chịu bao khổ cực gian nan hiểm nguy như người lớn.

Ở một xóm nhỏ của làng quê Hưng Yên, chúng tôi ngồi lại với nhau trước khi bước vào ngưỡng cửa của cuộc đời dạy học thời chiến. Chúng tôi nói với nhau rất nhiều về nghề nghiệp trong tương lai, về sự khốc liệt của chiến tranh, và cả những trang trải nỗi lòng riêng tư về tình yêu, tình bạn. Những bức thư của người yêu các bạn tôi gửi từ chiến trường về được đọc lên đầy xúc động; cộng với những cảm xúc về tình yêu vừa nảy nở trong tôi với một cô gái cũng vừa bước vào năm thứ nhất cùng trường, cùng khoa... tất cả cứ trộn lẫn, tích tụ, trào dâng.

Một đêm, dưới ánh đèn dầu, tôi ghi vội những ý nghĩ của mình, và rất nhanh, một bài thơ nói về sức mạnh của tình yêu vượt qua cách trở, vượt qua đạn bom chết chóc đã ra đời. Tôi đặt tên cho nó là “Ngày và Đêm”. Giữa ngày và đêm, con người lao động, chiến đấu, yêu thương.

Thời gian trong chiến tranh như cũng chia lửa với con người, thử thách con người, làm bùng cháy ngọn lửa tình yêu mãnh liệt, truyền sức mạnh cho con người đi tới chiến thắng. Bài thơ hoàn thành, tôi gửi kèm một chùm 3 bài, sau đó 2 bài được chọn đăng Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam số ra ngày 20/11/1969, trong đó có “Ngày và Đêm”. Được đăng báo, thật là vui mừng khôn tả. Lại có nhuận bút nữa, những 30 đồng, bằng nửa tháng lương giáo viên mới ra trường lúc ấy.

Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu.

Từ bài thơ đăng báo, cái “duyên” nghệ thuật của tôi với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cũng bắt đầu, khi tôi được vinh dự đứng tên cùng ông trong ca khúc mang tên “Hành khúc ngày và đêm”. Ấy là vào một ngày cuối tháng 12 năm 1974 ở Hà Nội. Tôi đang lang thang qua mấy quầy báo quen, bỗng bất ngờ thấy trên 1 trang của tờ Tuần báo Thống nhất, trọn bài thơ “Ngày và Đêm” của tôi nằm gọn ghẽ dưới những dòng nhạc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Trong bản gốc ấy, ông có đề tên tác giả lời thơ rất cẩn thận. Hồi ấy đang chiến tranh, nhạc sĩ chưa biết tôi là ai, ở đâu, làm gì, chỉ thấy bài thơ đã đăng báo, hợp ý hợp tình, hợp cảnh ngộ thì đem phổ nhạc. Sau ngày đất nước thống nhất, chú cháu có dịp gặp nhau tại quê hương Đà Nẵng, ông có nói với tôi điều ấy. Riêng tôi cảm thấy rất may mắn được giai điệu hành khúc trữ tình của ông đã chắp cánh cho bài thơ của mình.

Thường thì trong các chương trình ca nhạc, người ta ít khi giới thiệu tác giả phần lời, nhưng tôi không mấy băn khoăn, vì sự thực, khi đã thành lời hát, bài thơ tôi đã đến được với nhiều người, có thêm nhiều bè bạn hơn. Hồi ở bộ đội, trong các buổi sinh hoạt đơn vị, tôi thường đồng ca với mọi người bài hát ấy, mặc dầu có khi “nhịp với phách xem chừng sai cả”, còn lời ca thì hễ gặp chữ nào khó hát là đồng đội dễ dàng phiên phiến “cho qua” luôn, thay vào đó một từ khác cho dễ hát.

Cũng có người thắc mắc khi gặp một ca từ khó, tôi tự nhận mình có thuộc lời bài này, và chép giùm vào sổ tay cho họ. Chép xong, bạn bè ngạc nhiên: Ô hay, hóa ra nó là bài thơ! Sau này về sống và làm việc ở quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng, có thời kỳ tôi làm công tác quản lý ngành Giáo dục của tỉnh. Khi biết tôi là tác giả lời của bài hát rất quen thuộc, gắn với ngành nghề và mang đậm dấu ấn kỷ niệm một thời - kể cả kỷ niệm tình yêu riêng tư của những người đã hát bài hát ấy - thì đồng nghiệp cũng dễ thông cảm với mình hơn, thân tình hơn, có thể đi thẳng vào công việc mà bớt đi sự rào đón. Phải chăng đó cũng là hiệu quả tốt đẹp mà nhạc sĩ đã giúp thêm cho tôi trong công tác!

Cho đến bây giờ tôi vẫn xúc động vì những lời bộc lộ chân thành của nhiều bạn bè, đồng đội, đồng nghiệp về những kỷ niệm từ bài hát. Không chỉ các bạn trẻ, ngay cánh già như chúng tôi, mỗi lần gặp nhau lại cao hứng hát vang những bài ca đi cùng năm tháng, trong đó có “Hành khúc ngày và đêm”. Những lúc ấy mình hát lời thơ của mình mà vẫn thấy mới lạ và rưng rưng xúc động. Bạn bè những lúc ấy cũng nhìn nhau thân thiện hơn và quý mến nhau hơn. Có được tình cảm ấy, một phần hết sức quan trọng chính là nhờ người đã có công soạn ra giai điệu và tiết tấu có sức lay động lòng người: nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Khi tôi viết những dòng này, chỉ còn vài giờ nữa thôi, lễ truy điệu người nhạc sĩ tài hoa sẽ bắt đầu, và mọi người sẽ đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Dẫu đã bao lần nói lời cảm ơn và bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với ông, nhưng đêm nay tôi muốn một lần nữa thắp nén tâm hương với cảm xúc biết ơn sâu sắc người nhạc sĩ lớn đã chắp cánh cho bài thơ nhỏ của tôi, góp vào giai điệu hành khúc tình yêu của một thời đạn lửa. Cầu mong linh hồn ông yên nghỉ thanh thản nơi vĩnh hằng.

Đà Nẵng, 2/7/2015

Bùi Công Minh
.
.
.