Người chiến sĩ CAND trong lòng công chúng điện ảnh
Lâu nay, với nhiều khán giả xem truyền hình, loạt phim Cảnh sát hình sự (CSHS) đã trở nên hết sức quen thuộc và gần gũi. Những bộ phim như Cổ cồn trắng (2002), Chạy án (2006 - 2008), Đột kích (2007), Kẻ giấu mặt (2008), Cuồng phong (2010),... thu hút khán giả không phải chỉ do được phát sóng trong khung giờ vàng, đề cập được đến những vấn đề tội phạm nhức nhối hay những vụ đại án mà còn bởi nó đã khắc họa khá thành công hình ảnh những chiến sĩ Công an - những bóng áo xanh dũng cảm trong lòng mỗi người dân.
Hình ảnh người chiến sĩ được thể hiện trong loạt phim hình sự nổi tiếng của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam đã đưa đến cho khán giả một cách nhìn khá đa dạng về thế giới của những người gác cửa bình yên cuộc sống. Nhiều khán giả yêu thích loạt phim này vẫn nhớ vai diễn về người lãnh đạo tài trí, trung thực của diễn viên Văn Báu. Thủ trưởng Khắc Trường trong 40 tập của nhiều phần như: Ngược dòng cái chết (1997), Truy đuổi tội phạm (1998), Kẻ giả danh (1999), Từ đen đến trắng (2000),... với cung cách làm việc quyết đoán, nghiêm khắc, bản lĩnh song luôn nhân hậu, thấu hiểu lý lẽ đã mang hình ảnh người lãnh đạo Công an nhân dân đến gần hơn với người xem, giúp công chúng hiểu nhiều hơn về những vất vả, gian lao của những người đứng đầu một tập thể; và nhiệm vụ đó còn khó khăn hơn khi công việc của họ luôn phải đối đầu giữa thiện – ác từng giây từng phút.
Đã mười bảy năm từ khi những tập CSHS đầu tiên được phát sóng, nhưng nhiều khán giả vẫn nhớ những câu chuyện của các chiến sĩ trên phim bởi chúng thật và quen, không hiếm để bắt gặp ngoài đời. Nhân vật Chiến mưu trí do nghệ sĩ Võ Hoài Nam thủ vai trong loạt phim kể trên đã hy sinh trong khi đỡ đạn cho đồng đội khiến nhiều khán giả xúc động và tiếc nuối. Nhưng đó không phải là những câu chuyện chỉ có trong phim, không phải sự hy sinh xa vời và diễn kịch; đó là những sự kiện thật mà các đạo diễn đã cố gắng chuyển tải trong bộ phim của mình như một phần không thể thiếu khi nói về công việc gian nan của người chiến sĩ Công an nhân dân.
![]() |
Một cảnh vây bắt đối tượng trong phim còn bộc lộ sự cứng nhắc. |
Năm 2013, phần 2 của Những đứa con biệt động Sài Gòn đã lên sóng và đón nhận nhiều phản hồi tích cực từ công chúng vì đã thể hiện chân thực hơn về cuộc đấu tranh của các chiến sĩ. Một trong những chi tiết gây ám ảnh với người xem là việc con một đồng chí Công an bị bọn tội phạm tiêm ma túy, sau đó nghiện ngập và chết về sốc thuốc. Đây là một chi tiết đắt giá phản ánh sự hy sinh thầm lặng đến đau lòng, những góc khuất trong cuộc sống nguy hiểm của những người đánh án mà không phải ai cũng biết.
Không chỉ thành công trong việc khắc họa hình ảnh tích cực của người chiến sĩ Công an nhân dân, loạt phim hình sự cũng rất chú trọng đến việc nắm bắt được những hạn chế trong nội bộ ngành. Bên cạnh những chiến sĩ đang ngày đêm lao động bằng cả trái tim và nhiệt huyết của mình, đâu đó cũng có những cá nhân vì sự cám dỗ của đồng tiền mà đánh mất bản thân, tư cách đạo đức. Loạt phim hình sự cũng không né tránh điều này, mà thẳng thắn phê phán những tiêu cực phát sinh. Khán giả của bộ phim Bí mật tam giác vàng vẫn nhớ - một người từng đứng trong hàng ngũ Công an, nhưng bị mờ mắt bởi đồng tiền nên đã sa ngã. Những sự thật này được đưa lên màn ảnh giúp công chúng hiểu rõ hơn những góc khuất, bóng tối trong nghề, cũng như nhận ra được bản lĩnh của những chiến sĩ quả cảm, luôn đứng vững trong môi trường có nhiều cạm bẫy. Đây là những xu hướng thay đổi tích cực trong cốt truyện của phim với mong muốn tái hiện đầy đủ và khách quan hơn hiện thực ngành, mặc dù đó chỉ là những “con sâu bỏ rầu nồi canh”.
Tuy nhiên, dù nhận được nhiều phản hồi tích cực của người xem, song vẫn có những ý kiến cho rằng, phim hình sự còn tồn tại nhiều hạn chế như non kém về võ thuật; những màn đấu trí còn chưa thể hiện rõ các tố chất của các chiến sĩ ngoài đời thực… Khác xa với phim hình sự Hồng Kông và Âu - Mỹ - chú trọng đầu tư vào các pha rượt đuổi và đấu trí tinh vi, tính thuyết phục cao, loạt phim hình sự Bằng chứng thép, Đội điều tra đặc biệt,... của đài TVB từng rất thu hút khán giả bởi nhân vật Tổ trưởng Tổ trọng án Tiểu Nhu năng động, tích cực, xông xáo, quyết liệt trong điều tra phá án.
Bên cạnh các tình tiết phá án ly kỳ, hóc búa để thể hiện tài trí thì các màn đấu võ dứt khoát, mạnh mẽ, bản lĩnh của những điều tra viên chính là những yếu tố tô đậm hơn hình ảnh đẹp của người chiến sĩ. Phải thừa nhận rằng, việc thiếu sự đầu tư kỹ vào khâu hành động khi dựng phim, đã vô hình trung làm giảm phần nào ấn tượng của công chúng về tài nghệ của những người chiến sĩ Công an nhân dân. Ngoài ra, phim hình sự vẫn để cho các nhân vật chiến sĩ phát biểu quá nhiều, họp hành liên miên; lời thoại đa phần là giáo huấn; cảm xúc của các diễn viên nhiều khi không thật,... những hạn chế đó khiến cho khán giả đôi khi cảm thấy hình ảnh người chiến sĩ trở nên cứng nhắc, thiếu tự nhiên, xa lạ với ngôn ngữ và ứng xử đời thường.
Đánh giá khách quan có thể thấy, phim hình sự rất khó và chưa bao giờ xứng tầm với công lao và sự dũng cảm của những chiến sĩ Công an nhân dân ngoài đời thực. Chia sẻ về vấn đề này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - một thành viên tham gia viết kịch bản loạt phim CSHS đầu tiên cho biết: “Phim CSHS từ trước cho tới nay chưa bao giờ có thể lột tả hết sự phức tạp của tội phạm và sự hy sinh của những chiến sỹ trong cuộc đấu tranh chống tội phạm. Có hai lý do cơ bản dẫn đến hiện trạng này. Thứ nhất: chính những chiến sỹ tham gia cuộc đấu tranh chống tội phạm không thể nói hết tất cả những gì họ làm vì những quy định của công việc và vì họ không muốn nói về bản thân mình quá nhiều. Thứ hai: Hầu hết các phim hình sự ngày nay thiên về khai thác kịch tính, sự hấp dẫn của loại phim này mà vô tình làm nhẹ đi những điều quan trọng đã làm nên tình cảm, bản lĩnh và ý chí của các chiến sỹ CSHS”