Ngôn ngữ @: Cởi mở có chọn lọc

Thứ Ba, 10/04/2012, 20:15
“Trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi. Ngôn ngữ cũng vậy, người ta nói nhiều mà thành”, PGS. TS. Phạm Văn Tình lý giải.

Nhìn nhận ngôn ngữ thời @ bằng tình yêu tiếng Việt

Để biến tấu những câu nói đơn giản khó thành vần, nhiều bạn trẻ thời nay thích sử dụng “ngôn ngữ @” như một thói quen giao tiếp. Có nhiều câu đơn giản từ các em cấp 1 cho đến các bạn sinh viên vẫn thường hay sử dụng như: chán như con gián, chảnh như con cá cảnh, xấu như con gấu... cho đến những câu “mới du nhập” cho hợp thời như: Gái gú là phù du, thầy u là vĩnh cửu; thú vui tao nhã, giặt tã cho con …

Nếu như các bạn trẻ khá “thích thú” và thấy thoải mái khi dùng những từ ngữ cải cách có vần có điệu thì những người “hơi kĩ tính” cho rằng việc sử dụng và cách điệu này sẽ làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, gây tranh cãi trong việc tiếp nhận.

Vấn đề này còn gây băn khoăn hơn nữa khi xuất hiện cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” do nhà xuất bản Nhã Nam ấn hành (hiện đã ngưng xuất bản sau 2 tuần phát hành), được minh họa bởi họa sỹ Thành Phong với mong muốn tạo được tính “lạ” và hài hước để người xem cảm thấy thú vị theo một cách từ trước đến nay chưa từng có.

Để giải đáp những thắc mắc cũng như có những trao đổi một cách thân thiện nhất, tối ngày 29/03, những người quan tâm đến ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ của giới trẻ trong thời hiện đại đã có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện về vấn đề này trong cuộc tọa đàm kết hợp triển lãm “Ngôn ngữ giới trẻ thời @ qua tranh của họa sỹ Thành Phong”. Buổi tọa đàm do Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức, diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội) với sự tham gia của các diễn giả: PGS. TS. Nhà giáo Văn Như Cương, họa sỹ Thành Phong, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, PGS. TS ngôn ngữ Phạm Văn Tình cùng hàng trăm thính giả thuộc đủ lứa tuổi.

Giới trẻ thường nhanh nhạy, luôn khát khao khẳng định sự độc đáo cá nhân bằng những cái mới lạ nên sự hình thành ngôn ngữ giới trẻ thời hiện đại cũng là một hiện tượng dễ hiểu.

PGS. TS. Nhà giáo Văn Như Cương đã cởi mở đón nhận những “cái mới lạ”: “Ngôn ngữ của các bạn trẻ thời nay, có những câu tôi thích quá, đó là những câu thể hiện sự chuyển từ cái cũ sang cái mới… làm sao tôi không mê cho được”.

Xưa nay ông cha ta vẫn nói “Cái khó bó cái khôn”, ấy là để chỉ cái đói cái nghèo ngăn trở chúng ta thành công trong cuộc sống. Nhưng trong kháng chiến chống Pháp, cả dân tộc gặp “cái khó” mới “ló cái khôn”, nỗ lực vượt lên mọi khó khăn để chiến đấu. Tuy nhiên, nếu cứ đói mãi, cứ khó mãi, thì “cái khó ló cái ngu”, không có cách nào để chúng ta vươn lên được. Ba câu nói thể hiện sự chuyển biến của ba thời kỳ lịch sử khác nhau chứ hoàn toàn không phải là sự biến đổi ngôn ngữ tùy tiện.

Ông cũng liên hệ câu “Một điều nhịn là chín điều nhục” với tinh thần chiến đấu của văn kiện lịch sử bất hủ “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” -“Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới” để chỉ ra rằng không phải lúc nào “một điều nhịn” cũng là “chín điều lành”. Những cách nói như vậy bị “ghép tội” là tiếng Việt không trong sáng, nhưng bản thân tôi cho rằng, nếu chỉ xét về mặt hình thức văn bản, ngôn ngữ ấy là hoàn toàn trong sáng.

Một trong những câu cải cách được giới trẻ sử dụng

Thừa nhận, có chọn lọc để phát triển ngôn ngữ tiếng Việt

Ngôn ngữ có cơ chế tự chọn lọc của riêng nó. Thời gian sẽ “gạn đục khơi trong”, những yếu tố tích cực sẽ được giữ lại và thừa nhận rộng rãi.

PGS. TS. Phạm Văn Tình nhấn mạnh rằng không phải ngẫu nhiên mà tiếng lóng và ngôn ngữ chat được đưa vào bộ từ điển lớn như Oxford. Đó là sự ghi nhận chính thức ngôn ngữ mới đã dung nhập vào đời sống sau một quá trình chọn lọc đủ lâu dài.

PGS. TS. Văn Như Cương cho rằng “giữ gìn sự trong sáng không có nghĩa là  cứ khư khư với cái cũ”, cũng không phải là kiên quyết loại bỏ cái mới, cái ngoại lai.

Vốn trong tiếng Việt đã có nhiều từ gốc tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Hán. Việc mượn các yếu tố nước ngoài có thể làm giàu thêm cho tiếng Việt. Cũng như vậy, việc tiếp thu hợp lý ngôn ngữ hiện đại của giới trẻ cũng có thể khiến tiếng Việt thêm phong phú. Điều cần chú trọng ở đây là: Khi sử dụng ngôn ngữ mới của mình, giới trẻ vẫn cần có ý thức, tránh cách dùng tiếng Việt không trong sáng (tức là dùng từ nước ngoài xen lẫn tiếng Việt hoặc văn phong Tây)

Sự ra đời của ngôn ngữ mới, cũng như bất kỳ hiện tượng mới nào trong xã hội đều gặp gặp phải khó khăn về tâm lý tiếp nhận. Tuy nhiên, ngôn ngữ của giới trẻ trong thời đại @, thời của công nghệ thông tin đều là sản phẩm của trí tuệ, có sự trao đổi và tham khảo. Có thể bộ phận ngôn ngữ đó chưa được sử dụng trong các văn bản chính thống, trong các tình huống trang trọng, nhưng chúng ta không nên phủ nhận nó. Chưa bàn đến việc nó đúng sai hay dở như thế nào nhưng sự xuất hiện của nó cũng là minh chứng của những sáng tạo đáng ghi nhận trong ngôn ngữ.

Người lớn có chăng, nên mở rộng biên độ tiếp nhận, chấp nhận xu hướng mới có gạn lọc để rút ngắn bớt khoảng cách giữa các thế hệ?

“Hãy cứ xem ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay như một món ăn lạ đang tồn tại, việc có ăn nó hay không tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi cá nhân.” (PGS. TS. Phạm Văn Tình)

Trách nhiệm của các bạn trẻ là sáng tạo, chọn lọc, tiếp thu để ngôn ngữ giới trẻ thời @ đóng góp “đắc địa” cho tiếng Việt, để con cháu chúng ta được thừa hưởng nó như chúng ta được thừa hưởng di sản tiếng Việt đẹp đẽ từ ông bà, cha mẹ của mình

Hàn Ngọc Hảo
.
.
.