Nghĩ bên lề một cuộc thi chọn thơ

Thứ Hai, 18/06/2007, 10:56
Tôi ủng hộ ý tưởng tổ chức cuộc thi 6+8=99 của các đồng nghiệp ở Báo Điện tử Tổ quốc. Nhưng tôi cũng lo cho họ vì đó là một việc làm khó mười phân vẹn mười.

Báo Điện tử Tổ quốc vừa phát động cuộc thi 6+8=99 nhằm tuyển chọn 99 bài thơ lục bát hay trong khuôn khổ thơ Việt thế kỷ XX với mục đích "tôn vinh giá trị của thơ lục bát truyền thống như một điểm nhấn của tinh hoa văn hóa Việt".

Ba ngày sau cuộc họp báo rất thân mật và sôi nổi ngày 8/6 với khá nhiều ý kiến đa dạng của các nhà văn, nhà thơ "soi" những mơ hồ mang đầy tính thi sĩ trong dự định của ban tổ chức, Tổng Biên tập Báo Điện tử Tổ quốc, nhà thơ Mai Linh đã gửi tới các cơ quan thông tin đại chúng thể lệ cụ thể của cuộc thi như sau:

- Phải là thơ lục bát có tác giả chính xác đã được xuất bản (thơ lục bát biến thể, truyện thơ, trường ca, thơ dịch và các đoạn trích đều không thuộc diện xét tuyển).

- Thời gian ra đời của bài thơ: Trong thế kỷ XX.

- Số lượng tuyển chọn: 99 bài (mỗi người dự thi cần gửi một danh sách đủ 99 bài mình tuyển chọn).

- Đề tài: Không hạn chế.

- Chất lượng: Hay.

- Đối tượng dự thi: Người yêu thơ trong và ngoài nước.

- Thời gian nhận bài: từ 17h ngày 15/6 tới 15/12 năm nay.

Ban giám khảo cuộc thi gồm có nhà thơ Nguyễn Duy, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Mai Linh, nhà phê bình lý luận Chu Văn Sơn và hai nữ thư ký hội đồng. Sẽ có 1 giải nhất trị giá 10 triệu đồng, một giải nhì 5 triệu đồng, hai giải ba mỗi giải 3 triệu đồng và 3 giải khuyến khích mỗi giải trị giá 1 triệu đồng…

Có thể thấy ngay tác động tích cực có thể có từ cuộc thi này: chí ít nhờ nó mà sự quan tâm tới lục bát như một thể loại thơ truyền thống của văn hóa Việt sẽ được hâm nóng thêm. Thực ra, dân ta chưa bao giờ xao lãng thơ lục bát vì đó là thể thơ gần như ai làm cũng được dù rất khó đạt được đỉnh cao. Và cũng vì số lượng các bài thơ lục bát ở đủ mọi trình độ xuất hiện thường xuyên và liên tục luôn ở mức độ quá lớn nên ít ai dám nghĩ tới việc lựa chọn ra từ "hằng hà sa số" những bài lục bát một đội ngũ hữu hạn nào đó những tác phẩm hay nổi trội hơn cả.

Cách đây gần chục năm, NXB Văn hóa - Thông tin đã cho ra đời một tuyển thơ lục bát 100 bài với sự tham gia của những nhà thơ cũng là khả kính, nhưng hình như cố gắng đó cũng chỉ như muối bỏ biển, đấy là chưa nói tới chất lượng của sự tuyển chọn đó có làm vừa lòng giới chuyên môn hay không. Phê phán tuyển tập đó mạnh nhất hình như là những nhà thơ tự cho mình có bài lục bát hay nhưng lại không được tuyển vào cuốn sách đó… Ôi, một miếng giữa làng!

Cuộc thi do Báo Điện tử Tổ quốc phát động hiện nay, theo thiển ý của người viết bài này, chắc sẽ mang tính phổ cập rộng rãi và dễ đãi cát tìm vàng hơn vì huy động được tâm trí và hiểu biết của nhiều người yêu thơ. Trong cuộc thi này, có người đọc thơ lục bát vì yêu thơ lục bát thật, có người sẽ đọc thơ lục bát nhiều hơn vì muốn đoạt giải thưởng khá xôm trò mà ban tổ chức đã đặt ra. Dù trong trường hợp nào thì cũng không tồi, càng đông người tham gia càng tốt. Có điều, nếu ba người thợ giày bằng một thày Gia Cát nhưng ba người đọc tuyển thơ chưa chắc đã bằng một chuyên gia thực thụ về thơ.

Nhưng trong thời đại hiện nay, liệu có ai đủ tự tin và tự trọng để vỗ ngực cho rằng mình là chuyên gia thực thụ về thơ lục bát không? Ai dám nói rằng sự tuyển chọn của mình duy nhất là "khuôn vàng thước ngọc" trước các sự tuyển chọn khác? Điều này có lẽ sẽ là một khó khăn không nhỏ cho công việc chấm giải của ban giám khảo.

Anh hoàn toàn có thể nói rằng anh có luật chơi riêng của anh, nhưng nếu danh sách anh đưa ra không khiến đông đảo công chúng và những người làm chuyên môn chấp nhận thì có lẽ khó có thể nói cuộc thi thành công. Và ngay cả nếu rất đông người đồng tình với anh thì điều đó trong một số trường hợp nhất định nào đó cũng chưa có nghĩa là anh đang đút "chân lý" trong túi áo của mình.

Bản thảo tham dự cuộc thi 6+8=99  phải ghi rõ tên, địa chỉ, số điện thoại của người dự thi (xem mẫu tuyển chọn 99 bài lục bát thế kỷ XX trên Báo Điện tử Tổ quốc http://www.toquoc.gov.vn

Gửi về địa chỉ: Tòa soạn Báo Điện tử Tổ quốc, 86 Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

E-mail: lucbat99@gmail.com

Lễ công bố kết quả và trao thưởng sẽ được tổ chức vào cuối tháng 12 năm nay.

Tôi ủng hộ ý tưởng tổ chức cuộc thi 6+8=99 của các đồng nghiệp ở Báo Điện tử Tổ quốc. Nhưng tôi cũng lo cho họ vì đó là một việc làm khó mười phân vẹn mười. Sẽ rất khó lý giải phương án được chọn lựa vì sao lại hay hơn các phương án khác.

Và tôi cũng tự hỏi mình điều này: không rõ vì đâu mà hiện nay đang xuất hiện ngày một nhiều những người muốn đóng vai trò "cầm cân nảy mực" đến thế, ở trong đủ các lĩnh vực? Và cũng đang xuất hiện không ít người thay vì làm việc một cách thực chất lại đi tìm kiếm các "nhãn hiệu" từ các cuộc bình chọn, thi thố, cơ cấu tổ chức để chứng minh sự "ưu việt" của cá nhân mình.

Thực tế cho thấy, không phải cứ có thơ trong danh sách 99, 100, 101… bài thơ hay thì mình nghiễm nhiên là tác giả lớn; không phải cứ đoạt danh hiệu hoa hậu ở một cuộc thi sắc đẹp nào đó thì mình nghiễm nhiên là hình mẫu tài sắc vẹn toàn đối với phụ nữ; và không phải cứ cố công chạy vào một vị trí chỉ huy nào đó tức là mình mặc nhiên xứng đáng với sự tôn trọng dành cho cái ghế đó…

Thi và tổ chức thi trong mọi sự có thể được, đó là sự tiến bộ tới văn minh hay là một căn bệnh của nền văn minh hiện đại?!

Lập kỳ đức bao giờ cũng nan giải nghìn lần hơn là sắm y phục. Chân lý cũ, nhưng ý nghĩa luôn mới, luôn thời sự. Cảm ơn ban tổ chức cuộc thi 6+8=99 vì nhờ họ, tôi bỗng ngồi thừ người ra nghĩ tới điều, sống là phải làm sao để y phục xứng kỳ đức

.
.
.