Nghệ thuật hàn lâm "dò tìm" khán giả trẻ

Thứ Hai, 30/05/2011, 14:03
Mong muốn đưa kiến thức cơ bản về âm nhạc, đặc biệt là giao hưởng, vũ kịch, nhạc kịch, mới đây, Nhà hát Nhạc giao hưởng, vũ kịch và Thành đoàn TP HCM vừa quyết định tạo một sân chơi thử nghiệm định kỳ hằng tháng cho học sinh, sinh viên. Chỉ có điều, tâm huyết thì… có thừa, song để ý tưởng thành hiện thực lại là một khoảng cách dài.

Được mặc định là loại hình nghệ thuật… quý tộc xưa nay nhưng giao hưởng, vũ kịch, nhạc kịch gần như xa lạ với đại đa số người trẻ, lặng lẽ trước các trào lưu, ca khúc của pop, rock. Những tác phẩm đỉnh cao ít được biết đến, trong khi không ít những ca khúc ngô nghê lại tràn ngập trên nhiều phương tiện, trở thành "món ăn" ưa thích hằng ngày của thanh, thiếu nhi...

"Cười khổ" với người trẻ đi xem biểu diễn nhạc cổ điển

Được coi là một trong những sân chơi "đẳng cấp" nhất tại TP HCM, hội ngộ những gương mặt trẻ tài năng của nhạc giao hưởng, vũ kịch trong và ngoài nước, nhiều năm trở lại đây, "Giai điệu mùa thu" trở thành sự kiện được trông chờ khá nhiều.

Ngày công diễn, không ai bảo ai nhưng hầu hết những người cầm tấm vé đều ăn mặc sang trọng, quần là áo lượt, dập dìu trước tiền sảnh. Cánh màn nhung được kéo lên, khán phòng im phăng phắc, tất cả không gian được nhường lại cho thanh âm từ các nốt nhạc cùng nghệ sĩ thăng hoa. Thế nhưng, chỉ được ít phút, vài tốp nam thanh nữ tú đã rục rịch ra về vì "không vui tý nào". Một vài cặp, có lẽ đã quen với các kiểu thích đến thì đến, thích gì làm đó ở các chương trình nhạc trẻ nên mãi hơn nửa tiếng sau mới lò dò kéo đến, chìa tấm vé trước sự bất bình của người kiểm soát. Người đang dõi theo sân khấu ấm ức vì không gian xáo trộn.

Một số đêm diễn miễn phí dành cho thanh niên, học sinh, khán phòng cũng ăm ắp khán giả song không ít bạn trẻ xem rồi kêu… buồn ngủ. Nghe nghệ sĩ hát opera, có nhóm bạn ghé tai nhau thì thầm, cười rúc rích: Giọng này mà thi hét thì phải biết…

Sang trọng và hàn lâm nhưng múa ba lê và thính phòng giao hưởng sẽ cần gần gũi hơn với học sinh, sinh viên.

Tiếp cận thanh, thiếu nhi: Vẫn cần chữ "nhẫn"

Lý giải về thực trạng trên, khá nhiều ý kiến cho rằng, việc tiếp cận với các tác phẩm văn học nghệ thuật, trong đó có âm nhạc cho thanh, thiếu nhi đã "có vấn đề" ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Nhạc giao hưởng, vũ kịch TP HCM, cho biết, trong khá nhiều hội thảo, anh đã chỉ rõ tài liệu này hay tài liệu khác phục vụ cho giảng dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông đang có vấn đề. Ngay các bài hát được chọn để dạy cho các em cũng không hẳn là phù hợp, chưa phải là bài hát hay của Việt Nam. Học sinh là lứa tuổi tiếp nhận rất nhanh. Nếu tiếp cận không đúng trong khi các hình thức giải trí tràn ngập, "loạn xà ngầu", việc tìm đến đúng cái đẹp mà tìm hiểu cũng không dễ với các em.

Nỗ lực kéo người trẻ đến với nghệ thuật hàn lâm, hướng đến “chân, thiện, mỹ”, ban tổ chức một vài chương trình cố gắng "chen" thêm một vài buổi biểu diễn miễn phí cho học sinh, sinh viên tại các tụ điểm văn hóa, trường học xong chỉ như muối bỏ biển.

Bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM, một trong những người đặc biệt ưu ái các loại hình nghệ thuật hàn lâm từng than thở: Muốn tổ chức thêm các đêm diễn phục vụ cho thanh thiếu nhi nhưng không có kinh phí. Nghệ sĩ đến với chương trình không đòi hỏi thù lao, song vẫn đủ thứ cần đến tiền. Trong khi đó, các nhà tài trợ lại không mấy mặn mà nếu không muốn nói là đều lắc đầu trước các chương trình biểu diễn dạng này…

Góp phần mở thêm con đường giúp người trẻ tiếp cận bài bản hơn với âm nhạc, đặc biệt là giao hưởng, vũ kịch, nhạc kịch, TP HCM đã có quyết định đầu tư tổ chức "Giai điệu trẻ", chương trình miễn phí và định kỳ hằng tháng cho học sinh, sinh viên.

Theo đó, bắt đầu từ tháng 5, Thành đoàn TP HCM sẽ phối hợp với Nhà hát Nhạc giao hưởng vũ kịch thành phố tổ chức biểu diễn kết hợp giao lưu, giảng giải những kiến thức cơ bản nhất về âm nhạc định kỳ hằng tháng vào tối 29 tại Nhà Văn hóa thanh niên, Nhà hát thành phố.

Để gần gũi với bạn trẻ, người được chọn để thực hiện chương trình đều là các gương mặt trẻ tài năng: Trần Nhật Minh, Nguyễn Mạnh Duy Linh, Nguyễn Phúc Hùng… Chia sẻ về kế hoạch này, NSƯT Trần Vương Thạch hài hước bảo rằng anh và các đồng nghiệp mong muốn được đồng hành cùng thanh, thiếu nhi tìm đến và tìm hiểu đúng cái đẹp. Đơn giản nhất là phân biệt nhạc cụ, âm thanh của nhạc cụ hay hát như thế này là opera chứ không phải là hét…

Nghệ sĩ có tâm huyết, song nói theo cách của Phó Bí thư Thành đoàn, Bùi Tá Hoàng Vũ thì không thể nôn nóng. Làm thử nghiệm, nếu hiệu quả cao mới có thể quyết định tiếp tục triển khai đại trà ra các trường học hay không. Đồng hành cùng bạn trẻ hướng đến “chân, thiện, mỹ”, trong đó có cái hay cái đẹp của âm nhạc nói chung, giao hưởng thính phòng, vũ kịch, nhạc kịch nói riêng là hành trình vô tận trong tương lai…

Ngọc Nguyễn
.
.
.