Nghệ sĩ xa quê đón Tết

Thứ Tư, 13/02/2013, 10:57
Ra đi gần như với bàn tay trắng, Hoài Linh trở về quê hương khi đã thành danh, luôn là cái tên để bán vé của nhiều chương trình. Tất bật chạy show cả năm nhưng anh chia sẻ rằng chưa có cái Tết nào Hoài Linh không khăn áo chỉnh tề thắp hương trước bàn thờ tiên tổ. Tự nhận mình là người “nệ cổ”, thế nên, những năm dài đón Tết trên xứ lạnh quê người, Hoài Linh càng da diết nhớ cái nắng ấm của mảnh đất phương Nam, dẫu rằng, Tết ở xứ người vẫn đủ đầy hương vị quê nhà.

Danh hài Hoài Linh: Hạnh phúc được đón Tết ở quê nhà

Vừa nghe đề cập chuyện đón Tết những ngày xa xứ, danh hài đã rổn rảng và có phần... chao chát: Tây đâu có biết tết ta. Ngày Tết của mình họ vẫn làm việc như thường. Nếu rơi vào ngày trong tuần, coi như... mất Tết. Chỉ khi nào rơi vào dịp cuối tuần cộng đồng người Việt mới có cơ hội đón Tết đúng ngày. Ngược lại, hoặc đón trước hoặc đón sau... Với Hoài Linh cũng thế.

Anh còn nhớ, năm đầu tiên qua Mỹ, được chừng vài tháng thì Tết đến gõ cửa. Chưa có duyên với nghiệp diễn nên ngày ấy, Hoài Linh vẫn phải cùng gia đình gói bánh chưng, bánh tét ra khu mua bán dành cho người Việt. Ở Mỹ nhưng hầu như mọi hương vị ngày Tết cổ truyền đều có thể mua sắm được.  Tuy nhiên, ấn tượng nhất vẫn là hoa đào. Có lẽ loài hoa hợp với không khí lạnh nên rất đẹp, có khi còn đẹp hơn đào ở Việt Nam. Riêng hoa mai thì “tìm đỏ con mắt” cũng không có lấy một cành.

Đêm giao thừa rất lạnh. Cả nhà quây quần, khăn áo chỉnh tề thắp hương tiên tổ. Nhìn quanh cũng chỉ vài ba gia đình người Việt, không du xuân hái lộc như ở Việt Nam, cả nhà gọi điện về hỏi thăm cho đỡ nhớ. Nghe chuyện đón Tết ở quê nhà, ai cũng buồn muốn khóc mà không dám. Sợ “dông” đầu năm mới, mỗi người lảng tránh mỗi góc, không dám nhìn nhau, sợ không ngăn được giọt nước mắt trực trào.

Những năm gắn bó với nghiệp diễn, không cùng gia đình gói bánh chưng, bánh tét ra chợ bán nữa nhưng gần như “luật bất thành văn”, đúng đêm giao thừa, Hoài Linh đều ở nhà, quần áo chỉnh tề làm lễ tổ tiên. Hoài Linh thừa nhận, một phần vì anh là con trưởng, phần vì anh là người “nệ cổ”.

8 năm, trải qua 8 cái Tết lạnh ở xứ người, Hoài Linh mới có dịp trở về quê hương đón Tết. Về “một mình một giang sơn”, Hoài Linh vẫn không bỏ nguyên tắc cũ: bày biện bàn thờ, áo dài truyền thống, trang nghiêm thắp hương cầu điều an lành cho năm mới. Với Tết Quý Tỵ 2013, danh hài chia sẻ rất thật rằng: chỉ mong được khán giả “thương” thật nhiều năm nữa...

Diễn viên Ngô Thanh Vân: Những mùa xuân nhớ nhà

Vân rời Việt Nam năm 7 tuổi, tuổi thơ 7 năm với cái Tết quê hương đến giờ vẫn không thể quên được. Thế nên, với Vân, Tết xa quê luôn là những mùa xuân nhớ nhà! Vân nhớ có ngày mùng 1 Tết nhằm vào ngày thứ 4, người thân trong nhà đi làm hết, trời lạnh buốt giá. Nằm nghe những đĩa nhạc Xuân của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, Vân nhớ Việt Nam, nhớ Tết quê khủng khiếp.

Vân nhớ những đòn bánh tét ở quê Vân gói vào ngày Tết, nhớ những đêm cùng người thân thức trắng làm cho xong bánh mứt để hôm sau kịp rước ông bà, nhớ những đêm ngồi ngoài hiên đếm từng ngày đợi giao thừa. Nhưng, Vân nhớ nhất, có lẽ là những ngày cuối năm cùng mẹ đi chợ Tết ở đường Nguyễn Huệ, được ngắm những cành mai vàng, những chậu vạn thọ, chậu cúc thơm ngát hương xuân.

Ở nước ngoài, ngày Tết vẫn được người thân lì xì nhưng cái phong đỏ và cái không khí không giống ở Việt Nam. Cũng tất bật đón Tết, cũng bánh mứt, hạt dưa nhưng Tết ở trời Tây giá lạnh, khác xa không khí ấm cúng ở quê nhà. Không có điều kiện về, Vân đành gọi điện để được nghe người thân kể chuyện. Thích nhất nghe đoạn đi chợ mua mứt, bánh, trái cây. Vân nhớ những trái dưa hấu to tròn có dán chữ Phúc trưng lên bàn thờ, ở giữa là cặp bánh chưng, bánh tét...

Thực ra không riêng Vân mà nhiều người Việt ở hải ngoại đều nhớ Tết. Muốn về Việt Nam ăn Tết đoàn viên nên luôn cố gắng làm việc, học tập siêng năng để dành ngày nghỉ, ngày phép về quê càng lâu càng tốt. Với Vân, cơ hội chỉ đến sau 10 năm xa quê đằng đẵng. Còn nhớ, xuân năm 1999, cả gia đình Vân quyết định về thăm Việt Nam. Cảm giác đón cái Tết ở Việt Nam lần đầu tiên sau nhiều năm đi xa trở về thực khó tả, cứ háo hức như đứa trẻ.

Đến nay, dù đã trở về nhiều năm rồi nhưng Vân vẫn không quên được cái Tết đầu tiên trở lại và cảm giác xao xuyến ấy. Ngày sum vầy, mẹ Vân vui cười mà mắt đỏ hoe. Mẹ bảo: "Cả chục năm con bé xa xứ, năm nay là năm đầu tiên gia đình mình ăn Tết đủ đầy nhất. Phải chi Tết năm sau cũng được như Tết này". Sau này, mong ước của mẹ là một trong những động lực thôi thúc Vân phấn đấu, sắp xếp trở về quê nhà.

Năm Quý Tỵ 2013 sắp đến, Vân luôn cầu mong mọi người xung quanh mình ấm no hạnh phúc, gia đình mình vui vẻ và mạnh khỏe, riêng Vân thêm một năm may mắn, vui khỏe để tiếp tục làm những điều mình thích. Công ty VAA của Vân tiếp tục vươn lên phát triển mạnh mẽ và các học trò ngoan của mình được khán giả đón nhận và yêu mến nhiều hơn nữa

Ca sĩ, nhạc sĩ Jimmii Nguyễn: Hoài niệm tết xưa

Sang Mỹ theo gia đình từ tấm bé nhưng Jimmi Nguyễn chia sẻ rằng, với anh, Tết cổ truyền của dân tộc từ thuở ấu thơ vẫn vẹn nguyên, lung linh trong ký ức.

Ngày đấy, tôi còn nhớ cha tôi thường tập trung cả nhà ở trước sân để sắp đặt nấu bánh chưng.

Cái không khí dọn dẹp nhà cửa cũng làm tôi nao nức vì đơn giản tôi biết Tết đang chuẩn bị đến và tôi sẽ được tiền lì xì, được mặc áo mới, được đưa đi chơi. Nhiêu đó đối với một cậu bé là Tết quá vui, quá ấn tượng rồi. Thế nhưng, khi sang Mỹ, tôi không còn có được những ngày Tết như ngày xưa nữa.

Những hình ảnh rộn ràng của Tết quê nhà chỉ còn là những kỷ niệm đồng hành theo năm tháng trưởng thành. Bởi, ở Mỹ người ta không đón mừng Tết Nguyên đán. Họ cũng đón mừng năm mới nhưng là Tết Dương lịch. Lễ, Tết của họ, trong cách nhìn của Jimmi đều giống nhau và đơn điệu: chỉ có cây thông Noel, ăn mừng, đếm ngược từ 10 đến 0 trong thời khắc đón chào năm mới.

Họ không biết thưởng thức cây mai, cây đào khi ra hoa, hé nụ như người Việt Nam. Thế nên không khí Tết cổ truyền Việt Nam ở Mỹ cũng nhạt nhẽo, mặc dù cộng đồng người Việt tại hải ngoại cũng đã cố gắng hết sức để lưu lại hình ảnh Tết truyền thống cho con cháu: lì xì, mua bánh chưng, bánh tét, bánh mứt, trưng hoa đào...

Khoảng cách địa lý, phong tục tập quán, kể cả luật pháp của nước sở tại có lẽ là rào cản lớn nhất. Một ví dụ vui vui thế này: Người Việt vốn có phong tục sáng sớm mùng 1 Tết ra đường hái lộc. Thực hiện đúng với Tết quê, sáng sớm Jimmi đi hái lộc thì đường xá vắng hiu. Người tây còn đang ngon giấc. Bà con xóm giềng Việt cũng không thấy đâu. Hơn thế, ở bên này, nếu bẻ cành bẻ cây của hàng xóm, người ta cũng có thể gọi cảnh sát, rất phiền phức.

Khi trưởng thành, có công ăn việc làm, Tết quê hương của thời ấu thơ vẫn luôn thôi thúc Jimmi tìm về nhưng phải đến mãi năm 1996, mong muốn về quê đón Tết mới trở thành hiện thực. Còn nhớ, ngày ấy Hà Nội rất nhộn nhịp. Giữa cái lạnh căm đặc trưng của không khí miền Bắc, người người nô nức chuẩn bị đón Tết, giống như gia đình ngày xưa của tôi. Người ta ra đường chọn đào, chọn hoa, chọn quả. Sau giao thừa, người ta lại rủ nhau viếng chùa, cầu may, xin lộc. Có khác chăng chỉ là thiếu tiếng đì đùng của pháo nổ...

Nhưng, đó là cái Tết đầu tiên trở về, nhiều háo hức. Giờ đây, ngồi viết những dòng chữ này lại ước được hòa mình trong những cái Tết rộn ràng, ấm áp tình thân, rực rỡ sắc hoa, lì xì bao giấy đỏ...

PV
.
.
.