Nghệ sĩ cello hàng đầu thế giới M.Rostropovich qua đời

Thứ Hai, 30/04/2007, 10:20
Sáng 27/4, sau một thời gian lâm bệnh nặng, nhạc trưởng người Nga, nghệ sĩ cello hàng đầu thế giới, Mstislav Rostropovich đã qua đời tại bệnh viện ung thư ở Moskva. Ông không chỉ là một nghệ sĩ lớn mà còn là một con người nổi tiếng chính trực, trung thực và giàu lòng nhân ái.

Cách đây một thập niên, vào tháng 10/1997, Rostropovich từng sang Việt Nam biểu diễn trong chương hòa nhạc do Hennessy tổ chức và đã để lại ấn tượng không thể nào mờ phai được trong lòng tất cả những khán giả may mắn được tham dự hai đêm nhạc của ông ở Hà Nội và TP HCM.

Rostropovich sinh ngày 27/3/1927 tại Bacu (thủ đô nước cộng hòa Azerbaijan), trong một gia đình rất giàu truyền thống âm nhạc. Cha ông cũng là một nghệ sĩ cello, còn mẹ ông là nghệ sĩ dương cầm.

Cậu bé Mstislav bắt đầu biểu diễn cello từ năm 12 tuổi. Từ năm 1932 tới năm 1937, ông đã theo học âm nhạc trường nhạc mang tên Gnesinykh.

Khi bắt đầu cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941), gia đình Rostropovich chuyển tới Orenburg. Tại đó, cha mẹ ông kiếm kế sinh nhai ở trường nhạc; cha ông còn làm thêm bằng cách chơi nhạc phụ cho các rạp chiếu bóng.

Ngày 31/7/1942, cha ông qua đời và "cậu bé lười biếng", như sau này chính Rostropovich tự gọi mình, phải đứng ra cáng đáng mọi việc trong nhà: thay cha giảng dạy ở trường nhạc và đi biểu diễn khắp nơi để tăng thu nhập cho ngân sách quá hạn hẹp của gia đình.

Trở về thủ đô năm 1943, Rostropovich thi đậu vào Nhạc viện Moskva. Khi chàng trai chăm chỉ và tài năng này học hết năm thứ hai, lãnh đạo Nhạc viện đã chuyển ngay Rostropovich lên năm thứ 5 vì những thành tích học tập quá xuất sắc.

Năm 1946, tốt nghiệp nhạc viện, Rostropovich đã nhanh chóng trở thành một "thương hiệu" của nghệ thuật biểu diễn cello, nâng công việc này lên tầm trác tuyệt. Hầu như tất cả những bản nhạc hay nhất soạn cho đàn cello trên thế giới đều đã được Rostropovich biểu diễn rất thành công.

Ông còn là một nhạc trưởng lỗi lạc với phong cách chỉ huy dàn nhạc giao hưởng vô tiền khoáng hậu. Rostropovich từng được phong danh hiệu NSND Liên bang Xôviết và đã được nhận Giải thưởng Lênin cũng như Giải thưởng Quốc gia về âm nhạc.

Thuyền to thì sóng cả. Bản tính quyết liệt và cương trực của Rostropovich từng khiến ông phải chịu không ít gian truân trong cuộc sống. Thế nhưng, dù ở đâu thì tấm lòng người nhạc sĩ vĩ đại vẫn luôn hướng về Tổ quốc mình.

Sau gần 20 năm lưu lạc nơi đất khách quê người, 17 năm chỉ huy dàn nhạc giao hưởng quốc gia Hoa Kỳ, tới năm 1991, Rostropovich trở lại với nước Nga. Từ đó đến nay, ông đã liên tục tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật cũng như từ thiện ở trên Tổ quốc mình…

Tháng 5/2006, hầu như không ai ngờ rằng ca phẫu thuật mà các bác sĩ Thụy Sĩ năn nỉ danh cầm thực hiện lại có thể dẫn tới những hậu quả không hay. Sau 9 giờ gây mê, các bác sĩ đã loại bỏ được khối u ruột từ lâu ẩn trong cơ thể danh cầm.

Sau ca phẫu thuật này, Rostropovich đang từ một nghệ sĩ đầy hứng khởi trở thành một cụ già kiệt sức. Tuy nhiên, ông vẫn cố hoàn thành những nhiệm vụ trượng nghĩa: tham gia chương trình ca nhạc kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà soạn nhạc lừng danh Dmitri Shostakovich và khai trương Viện Bảo tàng cá nhân ở Voronhezh…

Chính trong lễ khai trương đó, Rostropovich cảm thấy rất khó ở và ông đã trở về Moskva. Và ngay trong những ngày đầu năm nay, ông đã bay sang Paris. Các bác sĩ ở Thủ đô Pháp đã khám cho ông kỹ càng và đưa ra lời chẩn đoán: danh cầm sẽ không sống được lâu nữa.

Vợ ông, nữ danh ca Galina Vishnevskaia khi nhận được tin buồn này đã nói: Một nhạc sĩ Nga thì phải chết ở trên đất Nga. Và gia đình Rostropovich đã trở lại Nga.

Các bác sĩ hàng đầu ở nước Nga đã quyết định thực hiện ca phẫu thuật mà những người đồng nghiệp Pháp đã lưỡng lự không dám làm. Và thế là Rostropovich đã sống được qua Lễ sinh nhật 80 năm của mình để lần cuối gặp gỡ những người bạn tri kỷ nhất.

Đầu tháng 4 này, Rostropovich lại phải trải qua một ca phẫu thuật nữa. Tuy nhiên, cơ thể đã yếu mòn của ông không còn chịu đựng được một thử thách lớn như thế. Sau phẫu thuật, ông đã bất tỉnh nhân sự và không hồi tỉnh lại cho tới khi trút hơi thở cuối cùng. Phút ông lâm chung, ở liền cạnh ông vẫn là người vợ chí tình và hai cô con gái.

Trong bài trả lời phỏng vấn cuối cùng trước khi mất, Rostropovich nói: "Tôi không chút nào sợ chết. Tôi biết rằng, họ (những vĩ nhân đồng thời với ông - HTQ) đang chờ tôi ở thế giới bên kia. Tôi còn biết rõ rằng, trên một đám mây ở đó còn có một chai rượu đang chờ sẵn tôi…".

M.Rostropovich và vợ cùng bạn bè người Việt tại Hà Nội, tháng 10/1997.

Sinh thời, nhạc sĩ vĩ đại Ludwig Beethoven từng nói: "Âm nhạc cao hơn mọi triết lý và mọi sự khôn ngoan". Với Rostropovich, âm nhạc là tất cả. Ông từng thổ lộ, với tôi, cây cello cũng là phụ nữ.

Là một nhà quý tộc về tâm hồn, Rostropovich luôn biết nâng niu và xót xa phụ nữ và sự sống. Âm nhạc của ông luôn giúp ta thêm yêu ký ức tình cảm của chính mình.

Có cái gì đó chung trong tâm hồn Rostropovich với thi sĩ đồng quê Nga Nikolai Rubtsov (1936-1971). Ít ra thì khi dịch bài thơ "Trong những phút nhạc buồn tôi tưởng tượng" của Rubtsov ra tiếng Việt, tôi đã luôn nghĩ rằng, có lẽ khi viết bài thơ đó, nhà thơ đã bị đắm chìm trong những giai điệu tương tự như những giai điệu mà tôi từng được nghe Rostropovich biểu diễn trên sân khấu Cung Văn hoá Hữu nghị tháng 10/1997. Mặc dầu, Rubtsov viết về tiếng đàn violon, còn Rostropovich lại chơi đàn cello. Bài thơ của Rubtsov như sau:

Trong những phút nhạc buồn, tôi tưởng tượng

Lại đoạn sông sâu thẳm đục ngầu trôi

Và giọng người phụ nữ khi chia biệt

Và tiếng bạch dương náo động từng hồi

 

Và bông tuyết đầu tiên rụng xuống

Cánh đồng khuya dưới xám xịt khung trời,

Và con đường thiếu niềm tin, thiếu nắng,

Đàn sếu bay tránh nỗi lạnh kinh người.

 

Lòng đã mệt tự lâu, thôi chớ

Nhớ tình yêu, men rượu đã qua rồi!..

Lòng đã hiểu từ lâu: vâng, tôi vốn

Ham vô cùng những hư ảnh xa xôi!

 

Nhưng dầu sao trong căn phòng chao đảo

Violon cứ khóc quyện cùng nhau

Về tình yêu, về dòng sông ngầu đục,-

Chẳng thể nào ngăn nổi tiếng đàn đâu!

 

Và tôi lại rõ đến rơi nước mắt

Khúc sông sâu dưới xám xịt khung trời

Và giọng người phụ nữ thân thiết gọi

Và tiếng bạch dương náo động từng hồi.

 

Như ngỡ buổi chia ly là vĩnh viễn,

Như thời gian không có nghĩa chi…

Trong những phút nhạc buồn lai láng chảy

Xin đừng ai nói một câu gì…

Ngày 28/4/2007
.
.
.