Nghệ sĩ biểu diễn: Sáng tạo đi qua “mùa dịch” an toàn

Chủ Nhật, 28/02/2021, 06:42
Mặc dù các hoạt động biểu diễn tạm thời “đóng băng” trong thời điểm hiện tại nhưng với kinh nghiệm đi qua các đợt dịch bùng phát trước đó, trong những ngày này, các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ đã chủ động hơn trong hoạt động của mình.


Nếu không vì dịch bệnh bùng phát trở lại thì dịp Tết và khai Xuân, Nhà hát CAND đã tưng bừng các hoạt động biểu diễn phục vụ các cơ quan, đơn vị, các chuyến lưu diễn. Tuy nhiên, hiện tại, kể cả hoạt động tập luyện tập trung đông người cũng đang tạm dừng để phục vụ yêu cầu chống dịch COVID-19. NSƯT Út Lan, Phó Giám đốc Nhà hát CAND cho biết, các chương trình biểu diễn cận Tết, chào xuân đều hoãn, hủy hoặc chuyển sang hình thức ghi hình.

Chương trình gần như cuối cùng của nghệ sĩ ca múa nhạc của Nhà hát dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu là “Sắt son niềm tin theo Đảng” và tham gia biểu diễn cho chương trình “Xuân bình yên” của Truyền hình CAND. Đây là những chương trình đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân của lực lượng CAND nên các nghệ sĩ đều đã chuẩn bị, tập luyện rất kỹ.

Nghệ sĩ Nhà hát CAND trong buổi ghi hình cuối cùng phục vụ khán giả dịp Tết Nguyên đán 2021.

Đến tận ngày diễn, kế hoạch vẫn thay đổi liên tục vì diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Cuối cùng, tất cả đều chuyển sang ghi hình, phát sóng. Dù hơi hụt hẫng vì không có khán giả trực tiếp nhưng các nghệ sĩ vẫn cảm thấy vui và được động viên khi các tiết mục nghệ thuật đã chuẩn bị công phu đến được với khán giả.

Với các nghệ sĩ Kịch nói CAND, thuộc Nhà hát CAND thì chuyến lưu diễn cuối năm 2020 là kỷ niệm khó quên. Nghệ sĩ Hoàng Công cho hay, trong gần nửa thàng, hơn 30 cán bộ, chiến sĩ, nghệ sĩ, công nhân viên đã thực hiện thành công hành trình qua hơn 10 tỉnh, thành phía Nam. 15 buổi biểu diễn vở kịch “Vẫn sống” – tác phẩm đạt giải Vàng tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ IV năm 2020, đoàn đã phục vụ hơn 3.000 khán giả.

Chuyến lưu diễn không chỉ góp phần đưa hình ảnh đẹp về người chiến sĩ CAND lan tỏa sâu rộng hơn trong nhân dân mà còn góp phần quảng bá thương hiệu của Nhà hát CAND. Có một điều may mắn và rất vui với cán bộ chiến sĩ của Nhà hát nói chung, các thành viên trong đoàn công tác nói riêng là chuyến lưu diễn khép lại đúng vào 27 Tết. Tất cả đã kịp an toàn về Hà Nội nên đều được đón Tết đoàn viên cùng gia đình. Nếu chỉ chậm thêm 1 chút, có lẽ sẽ “vướng” dịch, không được đón Tết như thông thường.

Những ngày này, Nhà hát CAND vẫn tiếp tục chuẩn bị cho nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật được đầu tư chiều sâu. Trước mắt, Nhà hát CAND đang chuẩn bị hoàn thiện vở kịch “Con đò của mẹ” – tác phẩm vừa tổng duyệt cuối năm 2020 và một vở mới khác với dự định sẽ đưa đi tham gia Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Các nghệ sĩ ca múa nhạc sẽ đầu tư 1 chương trình đặc biệt, hướng tới tham dự Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2021.

NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cũng cho biết, mặc dù năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng đây vẫn là một năm mà Nhà hát đã tổ chức được nhiều suất diễn phục vụ khán giả nhất. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, chắc chắn nghệ thuật biểu diễn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nhưng không vì thế mà nghệ sĩ nản lòng.

Riêng với bản thân Xuân Bắc, sau thành công của vở diễn “Đêm trắng”, tác phẩm ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh của Nhà hát Kịch Việt Nam (Xuân Bắc đạo diễn), anh vẫn đang ấp ủ nhiều dự định mới và hy vọng sẽ sớm được giới thiệu đến công chúng trong tương lai gần.

NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam thì tâm sự rất thật là đến thời điểm hiện tại, chị và các nghệ sĩ của đơn vị hài lòng sau nhiều nỗ lực vừa khắc phục khó khăn do dịch bệnh, vừa đầu tư hiệu quả cho nghệ thuật. Tại thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất, các nghệ sĩ của nhà hát đã đồng tâm hiệp lực tổ chức được chương trình biểu diễn online vui nhộn. Tập trung cho chủ đề nghệ sĩ với COVID-19, các nghệ sĩ biểu diễn ngay tại nơi ở. Người thì hát, người thì múa, người thì đàn, người thổi kèn, thổi sáo, thậm chí vừa múa ballet vừa… lau nhà. Chương trình mang tính giải trí cao, qua đó khán giả hiểu hơn về các nghệ sĩ của nhà hát, công việc của họ hàng ngày…

Dịch bệnh cũng khiến năng lượng sáng tạo của người nghệ sĩ sau những khoảng thời gian “đóng băng” hoạt động biểu diễn, kể cả tập luyện tập trung như chiếc lò xo bung nén. Những ngày cuối năm, khán giả yêu mến nhạc kịch còn một bất ngờ lớn, thú vị với vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”, khai thác từ tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào Victor Hugo.

“Đây là một dự án “dài hơi”, có quá nhiều "mảng miếng", nếu đi thuê ở ngoài thì không đủ tiền và họ cũng không có đủ thời gian làm… Riêng việc thiết kế chương trình ngắn lại từ 3,5 tiếng xuống còn 2 tiếng, bộ phận thiết kế chương trình đã phải mất cả tháng trời. Làm bản dịch cho tác phẩm là một solist của nhà hát, chị đã mất hơn 3 tháng cho việc này. Đây là công việc không dễ vì đòi hỏi người dịch vừa có khả năng ngoại ngữ, vừa am hiểu về âm nhạc… Nhân lực, vật lực được huy động tối đa cho dự án. Hát solist, hát hợp xướng tập riêng. Nếu “vướng” COVID-19 thì ở nhà online “vỡ” bài. Sau khi dịch tạm lắng là tập trung tập cả sáng, chiều hoặc tối…”. NSƯT Trần Ly Ly nhớ lại.

Nữ nghệ sĩ cũng cho hay, tiền nhà nước đầu tư cho vở diễn chỉ đáp ứng được 1/3. Nhà hát không đi vay mà ghi nợ. Từ âm thanh, ánh sáng, phục trang… nơi nào cho nợ được là nợ. Riêng nghệ sĩ được chi trả bằng tiền Nhà nước ngay vì mức thù lao rất thấp.

Nếu là biểu diễn, nghệ sĩ ballet được trả 200.000 đồng/ buổi, opera là 160.000 đồng/buổi, hợp xướng, hát bè là 120.000 đồng/ buổi. Nếu tập luyện, solist cấp độ 1 là 80.000 đồng, solist cấp độ 2 là 60.000 đồng, hợp xướng là 50.000 đồng. Nghệ sĩ tập rạc hết cả người nhưng vẫn động viên nhau. Nghệ sĩ Đồng Quang Vinh tập đến nỗi mệt nằm thượt ra ở phòng chỉ huy. Có nghệ sĩ thổi sáo tập nhiều đến bật máu môi. Ngày luyện tập trung, mỗi diễn viên “ôm” kịch bản ngồi một góc, tự ôn bài...

Vì vậy, dịch bệnh tạm lắng là Nhà hát đã kịp thời biểu diễn phục vụ khán giả. Các đêm diễn “Những người khốn khổ” ở Nhà hát Lớn Hà Nội chật kín người xem. Từ tiền bán vé, nghệ sĩ có thêm thu nhập. Nhưng có lẽ, với các nghệ sĩ, cảnh mọi người yên lặng lắng nghe, theo dõi và bàn luận, tán thưởng sau mỗi đêm diễn mới là niềm vui nhất. 

Hoa Nguyễn
.
.
.