Nghệ sĩ Hồng Linh, người gắn bó trọn đời với Điện ảnh CAND

Thứ Sáu, 14/07/2006, 08:21

Là một trong những người quay phim thế hệ đầu tiên của Điện ảnh và Truyền hình Công an, dù công tác ở đâu, ông cũng để lại những tình cảm tốt đẹp với bạn bè. Ông luôn thẳng thắn, chân thành và độ lượng, đặc biệt trong cách nói chuyện ông luôn hóm hỉnh mà sắc sảo làm cho người nghe luôn cảm thấy trìu mến và tin cậy…

Sau khóa học mà nghệ sĩ gọi nôm na là “Mặt trận” do Ban Thống nhất Trung ương và Cục Điện ảnh tổ chức để đào tạo phóng viên cho chiến trường miền Nam, chàng trai trẻ Hồng Linh thời ấy đã chọn cho mình một con đường: con đường điện ảnh.

Giờ đây đã ngoài 60 tuổi, ông vẫn luôn dõi theo từng bước đường của Truyền hình Vì an ninh Tổ quốc và Điện ảnh Công an nhân dân – nơi ông đã từng gắn bó hơn 30 năm cầm máy quay phim.

Từng là thành viên trong Đội bóng đá Hà Nội, nhưng ông lại rất đam mê chụp ảnh, đặc biệt là khuôn hình của những thước phim… Bây giờ, ông vẫn khiêm tốn khẳng định: ngoài một chút năng khiếu thì lòng đam mê điện ảnh đã làm nên sự nghiệp của ông.

Tốt nghiệp quay phim giữa lúc đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, khi Hà Nội, lúc Hải Phòng, Hồng Linh đã có mặt ở những trận địa ác liệt nhất để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của cuộc chiến tranh bằng chất liệu phim nhựa 16 mm.

Giờ đây mỗi khi nhìn những hình ảnh tư liệu ngày ấy phát trên truyền hình, ông lại thấy rạo rực một niềm vui khó tả. Với ông, máy quay cũng như một người bạn, mà đã là bạn thì phải đối xử tốt và chân thành với nó. Điều đó đã mang lại thành công cho những cảnh quay của ông trong điều kiện khốc liệt nhất.

Là một trong những người quay phim thế hệ đầu tiên của Điện ảnh và Truyền hình Công an, dù công tác ở đâu, ông cũng để lại những tình cảm tốt đẹp với bạn bè. Bạn bè tìm đến ông không chỉ để trao đổi nghề nghiệp mà còn coi ông như một chỗ dựa tinh thần. Ông luôn thẳng thắn, chân thành và độ lượng, đặc biệt trong cách nói chuyện ông luôn hóm hỉnh mà sắc sảo làm cho người nghe luôn cảm thấy trìu mến và tin cậy…

Ngoài hàng nghìn mét phim tư liệu nhựa có giá trị còn được lưu giữ tại Điện ảnh Công an và Viện Lưu trữ phim Quốc gia, nhiều người còn nhớ đến ông với những bộ phim truyện nhựa và video mà ông trực tiếp bấm máy như: “Tội và tình”, “Mưa rơi trên thành phố”, “Đằng sau vụ án Hồ Con rùa”, “Bí mật thành phố cấm”, “Chuyện tình thời Si đa”, “Người con gái Đất Đỏ”, “Ông cố vấn”…

Nhà quay phim Hồng Linh không chỉ để lại những tình cảm với đồng nghiệp điện ảnh, đồng đội trong ngành Công an mà còn  luôn tạo được thiện chí đối với nhiều đạo diễn ngoài lực lượng khi cộng tác làm phim với lực lượng Công an như: đạo diễn Trần Vũ, Lê Dân, Trần Phương, Quốc Long…

Là một người cầu thị, hầu như mỗi lần các rạp Hà Nội chiếu phim của Điện ảnh Công an, và đặc biệt là những bộ phim do ông trực tiếp quay, ông đến tất cả các rạp Tháng Tám, rạp Đại Đồng rồi Dân Chủ để xem và để nghe khán giả bình phẩm về phim của “nhà mình”. Tiếng chê cũng có, nhưng phần lớn là lời khen.. Từ lời khen chê ấy, ông đã rút ra kinh nghiệm để làm tốt hơn  những bộ phim sau.

Ông kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện làm phim, câu chuyện nào cũng ấn tượng và mộc mạc. Ông cho rằng mình là người gặp may khi được cộng tác cùng những đạo diễn tâm huyết với nghề. Nhờ vậy, ông có thêm nhiều cơ hội để được say mê với những khuôn hình, góc máy…

Được hỏi một số nhà quay phim cùng thời với ông sau này cũng trở thành đạo diễn, tại sao ông không theo con đường đó? Ông trả lời:

- Cầm máy quay phim là đam mê lớn nhất của ông. Được đứng trước máy quay, ông thấy “oai” lắm rồi. Nhất là khi “vồ” được những khuôn hình ưng ý, bắt được cái “thần” của nhân vật là cảm thấy sung sướng như người vớ được của…

Ông vẫn nhớ những ngày đầu vào nghề khó khăn chồng chất, phải đánh vật với chiếc máy quay cũ AMIRA của Tiệp Khắc sản xuất từ năm 1950 chạy bằng dây cót, thân máy han gỉ… Sau này đơn vị nâng cấp trang bị, ông được sử dụng  PAYAMOLEX của Thụy Sĩ, những chiếc máy này thỉnh thoảng vẫn trục trặc nhưng niềm say mê của chủ nó thì bao giờ cũng trơn tru!

Nhìn lại những bộ phim của Điện ảnh CAND giờ đây đã là quá khứ, nhớ lại những ngày vang bóng một thời, ông không khỏi nghĩ suy. Tuy vậy, mỗi lần trở về với ngôi nhà điện ảnh CAND, nhìn những gương mặt trẻ, ông vẫn có niềm tin vào một tương lai huy hoàng của Điện ảnh Công an sẽ hơn thế hệ ông.

Ngôi nhà 54B Hàng Chuối, nhà riêng của NSƯT Hồng Linh luôn là điểm hẹn của nhiều nghệ sĩ. Đến đây, họ được nói chuyện đời, chuyện nghề, được ngắm những giò hoa phong lan ngoài ô cửa sổ. Đến mùa, mấy chục loại hoa lan đua nhau khoe sắc, đưa hương. Nhiều người nói vui, nhớ hoa lan mà tìm đến chiêm ngưỡng. Thực ra họ nhớ một nghệ sĩ trọn đời gắn bó với Điện ảnh CAND mà chọn địa chỉ này để dốc bầu tâm sự

Phương Phương
.
.
.