Nghe ông Phó Chủ tịch tài chính nói... chuyện chuyên môn

Thứ Năm, 24/10/2013, 10:20
Xung quanh vấn đề đào tạo cầu thủ của trung tâm bóng đá trẻ VFF đang gây bất bình dư luận, hôm qua ông PCT tài chính VFF Lê Hùng Dũng đã chính thức có những phát ngôn đầu tiên. Ông Dũng bảo, đào tạo trẻ là một chức năng của trung tâm, chứ không như những gì Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nói trước đó, rằng “người hâm mộ đang hiểu sai về tên gọi của trung tâm này”. Và điều quan trọng nhất, ông Dũng khẳng định VFF sẽ học theo cách đào tạo trẻ đang được cho là rất thành công của bầu Đoàn Nguyên Đức hiện nay.

Thôi thì bỏ qua chuyện ông Dũng công khai “đá” ông Hỷ - một biểu hiện cho thấy ngay trong chính nội bộ VFF đã có những sự thiếu nhất quán trầm trọng, điều đáng bàn là VFF sẽ học bầu Đức như thế nào, và cách học ấy liệu có thể đem lại những hiệu quả ưng ý hay không? Ông Dũng chia sẻ rằng suốt những năm qua, trung tâm bóng đá trẻ VFF loay hoay trong việc tìm kiếm một mô hình hoạt động chuẩn xác, và phải đến bây giờ, khi thấy mô hình đào tạo Hoàng Anh Gia Lai JMG quá tuyệt thì VFF mới chính thức nhìn ra hướng đi cho mình. Cái hướng đi mà sau Đại hội VII vào đầu năm tới, có thể VFF sẽ kết hợp với một CLB lừng danh nước ngoài để kiên quyết tạo ra những lứa cầu thủ tài năng.

Chỉ vừa nghe ông Dũng phát biểu như thế, đã có một HLV lão làng điện thoại cho chúng tôi chia sẻ: “Thật nghịch nhĩ khi một Liên đoàn Bóng đá lại phải học theo cách làm của một CLB. Lẽ ra, Liên đoàn Bóng đá phải hoạch định phát triển cho các CLB, và chính các CLB mới phải đi theo Liên đoàn”. Thật ra thì đấy là một suy nghĩ đúng, bởi cách đây vài hôm Báo CAND từng có bài viết giới thiệu về mối quan hệ giữa Liên đoàn Bóng đá Đức với các CLB Đức. Mối liên hệ mà với nó, Liên đoàn Bóng đá Đức bắt buộc các CLB phải có những tuyến đào tạo trẻ bài bản, và phải trích từ 2 đến 5% lợi nhuận cho công tác đào tạo trẻ. Hay như ở Nhật, theo lời của ông Tanabe – người từng làm cố vấn cho Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng thì ở giai đoạn đầu của bóng đá chuyên nghiệp, Liên đoàn Bóng đá Nhật đã thuyết phục tất cả các CLB phải đào tạo cầu thủ trẻ theo một mô hình, một phong cách giống nhau để đảm bảo sự phát triển hệ thống. Và với sự hoạch định của Liên đoàn, đến lúc này, bóng đá Nhật đã có một hệ thống đào tạo trẻ bài bản, có phong cách.

Phó Chủ tịch tài chính VFF Lê Hùng Dũng (giữa). Ảnh: H.M.

Nhưng dẫu sao thì đấy cũng là những câu chuyện ở những nền bóng đá phát triển. Với bóng đá Việt Nam, nơi mà Liên đoàn Bóng đá luôn loay hoay tìm kiếm các mô hình phát triển (không chỉ trong lĩnh vực đào tạo trẻ, mà còn nhiều lĩnh vực khác như tổ chức giải đấu, tổ chức các đội tuyển Quốc gia…) thì chuyện một CLB nào đó đi trước Liên đoàn, và Liên đoàn phải học theo CLB cũng là chuyện cần phải được thông cảm. Vì thế điều đáng bàn ở đây không phải là VFF phải đi học bầu Đức, mà là cách học đó đúng hay chưa?

Với chúng tôi, câu trả lời là chưa. Bởi vì bóng đá thế giới (và cả những trải nghiệm thời quá khứ của bóng đá Việt Nam, thể hiện ở sự thất bại của hai trường nghiệp vụ bóng đá do Liên đoàn tổ chức ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội) chứng tỏ một điều chắc nịch: Một Liên đoàn Bóng đá chỉ nên hoạch định chiến lược đào tạo trẻ cho các CLB, chứ không nên bắt tay vào việc thực hiện đào tạo trẻ. Do vậy, bầu Đức mở một Học viện bóng đá để tạo nguồn cầu thủ thì đáng hoan nghênh, nhưng VFF bắt chước bầu Đức để tuyển sinh, tạo nguồn cầu thủ thì lại rất dớ dẩn.

Nếu thấy mô hình bầu Đức là chuẩn xác, VFF có thể vận động và giúp đỡ các lò đào tạo khác đi theo mô hình này, chứ trong tư cách một đối tượng hướng đạo cho cả một nền bóng đá nói chung, VFF không thể trực tiếp xắn tay thực hiện công việc này. Và như thế, cái cách ông PCT tài chính Lê Hùng Dũng nói về vấn đề đào tạo trẻ tưởng là cầu thị và thuyết phục, nhưng thực chất nó lại là một cách nói, cách nghĩ… đi ngược lại xu thế phát triển của bóng đá hiện đại.

Chợt nhớ, mặc dù đảm nhiệm vấn đề tài chính VFF nhưng ông Dũng rất nhiều lần đụng tới vấn đề chuyên môn, và phần lớn những vấn đề ông “đụng” đều khiến mọi thứ diễn ra không như ý. Chẳng hạn như trước thềm SEA Games 26, ông Dũng bảo: “ĐT U.23 Việt Nam không có vàng thì coi như thất bại”, khiến HLV trưởng ĐT Calisto… tức phát điên, và đấy là một trong những lý do khiến ông “Tô” từ chức ĐT. Sau đó thì ĐT U.23 Việt Nam dưới thời Falko Goetz thậm chí không vào nổi chung kết, chứ đừng nói tới HCV SEA Games. Đến BTV Cup 2012 (một giải giao hữu truyền thống ở Bình Dương), ông Dũng ngồi xem U.22 Việt Nam đá chung kết, và chỉ từ cái trận chung kết ấy, ông tự tin khẳng định đấy là một đội bóng giàu chất lượng. Thế nên ông đưa ra ý tưởng phải nâng cao chất lượng ĐT này bằng cách “ném” nó vào sân chơi V.League, một ý tưởng mà sau đó bị các chuyên gia bóng đá “ném đá” te tua. Tiếp nữa, sau thất bại thảm hại ở AFF Suzuki Cup 2012, ĐTVN thất bại te tua, chính tướng Phan Thanh Hùng ra đi và ông Dũng đã can thiệp sâu sắc vào việc chọn thầy cho ĐT – cái việc vốn dĩ thuộc về phó chuyên môn Phạm Văn Tuấn. Hồi ấy trong khi ông Phạm Văn Tuấn chọn HLV Hoàng Anh Tuấn, và hai bên tưởng chừng đã “đi vào chung kết” thì ông Dũng lại đăng đàn nghi ngờ trình độ ông Hoàng Anh Tuấn, khiến nhà cầm quân triển vọng này nhanh chóng… bỏ của chạy lấy người.

Có thể ông Lê Hùng Dũng làm kinh tế rất giỏi, và kiếm tiền cho VFF cũng rất giỏi, nhưng trong những vấn đề chuyên môn bóng đá, hình như ông không phải một trí tuệ sành sỏi. Thành thử khi ông đăng đàn nói những vấn đề chuyên môn, đặc biệt là cái chuyên môn đào tạo cầu thủ trẻ đang nóng hổi hiện nay, người ta không khỏi lo những ý tưởng ấy rồi sẽ khiến ông và cả bóng đá Việt Nam phải trả giá đau (?)

Diệp Xưa
.
.
.