Nghệ nhân tài năng mỏi mòn "chờ" danh hiệu

Thứ Năm, 11/04/2013, 10:28
Nhiều băn khoăn, bức xúc xung quanh việc phong danh hiệu cho các nghệ nhân được GS Tô Ngọc Thanh, GS Hoàng Chương, TS Đặng Văn Bài, NSND Phạm Thị Thành, nghệ nhân ẩm thực dân gian Ánh Tuyết, nghệ nhân quan họ Tạ Thị Hình, nghệ nhân hát văn Lê Bá Cao..v.v… đưa lên bàn hội thảo. Đó là việc xét và trao tặng đã rất chậm, nên nhiều nghệ nhân có tài đã ra đi, mà chưa kịp có danh hiệu gì.

10 năm vẫn chưa xong việc xây dựng tiêu chí, tên gọi cũng như quy trình xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân, khiến số nghệ nhân dân gian vốn đã ít, nay cũng đã ra đi một nửa. Vì thế, đã muộn, thì các tiêu chí xem xét các danh hiệu cho nghệ nhân, càng phải chính xác, là điều được các nhà khoa học, các nghệ nhân đưa ra trong buổi góp ý dự thảo Nghị định về việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân (NNND), Nghệ nhân ưu tú (NNƯT), tổ chức ngày 10/4 tại Hà Nội.

Nhiều băn khoăn, bức xúc xung quanh việc phong danh hiệu cho các nghệ nhân được GS Tô Ngọc Thanh, GS Hoàng Chương, TS Đặng Văn Bài, NSND Phạm Thị Thành, nghệ nhân ẩm thực dân gian Ánh Tuyết, nghệ nhân quan họ Tạ Thị Hình, nghệ nhân hát văn Lê Bá Cao v.v… đưa lên bàn hội thảo. Đó là việc xét và trao tặng đã rất chậm, nên nhiều nghệ nhân có tài đã ra đi, mà chưa kịp có danh hiệu gì.

Một số nơi đặt ra tiêu chí 80 tuổi trở nên mới được xem xét danh hiệu nghệ nhân, nên rất ít người còn sống và những người được xét tặng tuổi đều đã quá cao, sức yếu, răng rụng hết, không nói được nữa, chứ chưa nói đến hát, trình diễn.

Hiện cơ quan chức năng chưa quan tâm tới quy luật sáng tạo, khi nhiều người trẻ đã thâu tóm được tinh hoa, giỏi giang, nhưng không được công nhận. Vì thế, Nghị định nên sửa để phong tặng cho cả người trẻ, nhưng có quá trình đóng góp, chứ không phải bắt họ đợi mấy chục năm mới được phong tặng. Cần chú trọng năng lực sáng tạo, tài năng, để tránh hiện tượng sống lâu lên lão làng, những người đáng phong tặng lại không được.

Nhiều ý kiến đề nghị, việc truy tặng đợt đầu cần chú trọng dành tặng những người nổi tiếng, như nghệ nhân Cao Văn Lầu, mà không nên câu nệ nguyên tắc.

Các nghệ nhân, nhà nghiên cứu cũng đặt câu hỏi: Với quy định xem xét phong tặng danh hiệu nộp quá nhiều bộ hồ sơ, thì liệu có phiền hà với các nghệ nhân, nhất là các cụ đã 80-90 tuổi? Quy định hồ sơ xét phải có bản sao công chứng, hoặc chứng thực giấy chứng nhận, hoặc quyết định tặng thưởng huân, huy chương, giải thưởng, bằng khen… là quá nặng về hành chính.

Nhiều nghệ nhân người dân tộc thiểu số, sống ở vùng hẻo lánh, “có tài nhưng không có tiếng”, làm sao biết đến các thủ tục hành chính để mà làm. Do đó, cần cho phép một số tổ chức có trách nhiệm làm hồ sơ giúp các nghệ nhân. Chú ý đặc thù nghệ nhân dân gian là không được đào tạo bài bản và phải có tiêu chuẩn truyền dạy, vì đây là yếu tố quan trọng của di sản văn hóa và đề cao tiêu chuẩn cộng đồng suy tôn, vì điều này quyết định cho uy tín và khả năng tiếp tục phát huy tài năng.

GS Hoàng Chương chia sẻ: Cuộc sống giục giã, mà chúng ta đã chậm chân trong việc quan tâm tới nghệ sĩ, nghệ nhân. Nhiều người là báu vật Quốc gia, như cụ Hà Thị Cầu, mà đến lúc mất, cũng chưa được tặng danh hiệu gì. Đừng bắt nghệ nhân phải khai hồ sơ như với Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, mà cần lược bớt thủ tục vì nghệ sĩ có tài, đủ yếu tố phong tặng, mà bắt làm quá nhiều thủ tục khác nào hành hạ họ.

Các nét văn hóa truyền thống cần được giữ gìn.

Vướng mắc của việc phong tặng nghệ nhân là rào cản về tính định lượng, về tuổi tác. Trong tiêu chí dự thảo Nghị định đề ra, là NNND phải có thời gian 25 năm thực hành và phổ biến tri thức, còn với NNƯT là 20 năm, là bất hợp lý. Vì cuộc thi dân ca ở Phú Yên vừa qua, một cậu bé người Chăm 13 tuổi, nhưng đã thổi kèn bóp rất mượt, thậm chí còn hay hơn cả người luyện kèn 30 năm, thì đó là tài năng chứ!

Tài năng, sáng tạo thì phải có thăng hoa, vì thế khi Hội Văn nghệ dân gian phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, chỉ căn cứ vào tài năng chứ không căn cứ vào tuổi tác. Nếu cứ quy định cứng nhắc thời gian cống hiến thì với các nghệ nhân Hà Nhì sống ở Mường Tè, đến tuổi còn không biết, thì làm sao biết là cụ hát từ năm bao nhiêu để mà lấy mốc công nhận?

Nếu làm kiểu hành chính này thì tới đây sẽ có hàng ngàn nghệ nhân được phong tặng, tất nhiên, sẽ có cả trường hợp “rởm”. Chúng tôi luôn coi đó là những người thầy lớn để trân trọng, vì những số phận ấy đã mang theo toàn bộ những sáng tạo của các tiền nhân từ hàng chục thế kỷ, như nghệ nhân Hà Thị Cầu mất thì xẩm còn ai?

Nhiều đại biểu lo ngại việc xét trợ cấp cho nghệ nhân dễ dẫn đến hiện tượng xin cho. Có khi, người chưa thực sự khó khăn lại được cấp. Vì thế, nhiều ý kiến đề nghị có chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân và cụ thể hóa mức đãi ngộ một lần hay hằng tháng. Những người sống ở nông thôn, dân tộc, miền núi thì mức hỗ trợ vài trăm nghìn đồng một tháng cũng là sự khích lệ rất lớn. Một vấn đề cũng đặt ra là với những nghệ sĩ đang sinh sống ở nước ngoài có được xét tặng?

Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Đặng Thị Bích Liên cho biết, những ý kiến đóng góp sẽ được Bạn soạn thảo Nghị định, tiếp thu tổng hợp và chỉnh sửa, để đầu tháng 5 sẽ có dự thảo xin ý kiến. Với tính chất công việc, Ban soạn thảo sẽ tiến hành nhiều bước song song, để chính sách về nghệ nhân đến sớm với các nghệ nhân

Thanh Hằng
.
.
.