Nghệ nhân dân gian Bạch Huệ: Một đời thủy chung với đờn ca tài tử

Thứ Bảy, 19/10/2013, 15:28
Gắn bó với đờn ca tài tử từ thủa niên thiếu và nổi tiếng một thời, cho đến tận ngày cuối cùng của cuộc đời, nghệ nhân Bạch Huệ vẫn dành hết tâm sức cho bộ môn nghệ thuật độc đáo này của vùng đất Nam Bộ. Một đời dành cho nghệ thuật, không dành được tài sản gì cho riêng mình lúc cuối đời, điểm kết thúc cho cuộc hành trình miệt mài rong ruổi chốn nhân gian của bà là hoa viên nghĩa trang Bình Dương, một “ngôi nhà” chung và cũng là chốn hương khói từ nghĩa cử của ban quản lý nghĩa trang dành cho người nghệ sĩ họ kính trọng, yêu mến.

Đã hơn 1 năm trở lại đây, những người có dịp ghé thăm Viện Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM khá quen với bóng dáng di chuyển lịch kịch với công cụ hỗ trợ của nghệ nhân Bạch Huệ trong bầu không khí cô tịch của Viện. Sinh thời, lúc tuổi đã cao, không khỏe trong người nhưng bà vẫn là một trong số ít các lão nghệ sĩ vẫn năng nổ và gắn bó với nghề. Ngoài công việc truyền nghề cho học viên của các câu lạc bộ trong và ngoài thành phố, bà vẫn đảm đương vai trò giám khảo của khá nhiều cuộc thi về đờn ca tài tử, vọng cổ.

Đúng ngày cả nước để tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà cũng lặng lẽ ra đi, hưởng thọ 80 tuổi. Mặc dù là thời điểm quốc tang nhưng nghệ sĩ, học trò và nhiều khán giả từng hâm mộ vẫn không quản đường sá xa xôi, từ ngoại thành thành phố cho đến nhiều tỉnh, thành khác đều lặn lội về thắp hương cho người quá cố, trong đó có rất nhiều gương mặt nổi tiếng và có uy tín trong giới. Cựu ký giả Tần Nguyên, người quản lý chung của Viện Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM cho biết: một đời nổi danh, một đời thủy chung gắn bó với đờn ca tài tử, nghệ nhân Bạch Huệ là một trong những người từng được “tổ đãi”. Có danh, giàu nhiệt huyết nhưng cuối đời vẫn thanh bạch...

Không chỉ có uy tín với người trong nghề, với những người yêu thích và am hiểu, nghiên cứu về nghệ thuật dân tộc, Bạch Huệ là nghệ danh khó có thể thay thế trong đờn ca tài tử. Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê  kể rằng, bà là một trong những gương mặt thực sự gắn bó và “nghiêm túc” với đờn ca tài tử nhất từ trước đến nay mà ông biết. Bạch Huệ là con gái nghệ sĩ Sáu Tửng, một trong những “tay đàn” nổi tiếng trước đây. Từ lúc Bạch Huệ 13, 14 tuổi đã ca rất hay. Khi bà nên danh, Giáo sư Trần Văn Khê đã ở Pháp nhưng thấy danh tiếng đã lan cả sang Pháp.

Nghệ nhân Bạch Huệ trong một buổi biểu diễn đờn ca tài tử lúc sinh thời.

Năm 1963, Giáo sư nhờ người quen về Việt Nam thâu đĩa để mang sang UNESCO, mặc dù không chỉ định ai nhưng họ chọn ngay Bạch Huệ. Ở đĩa hát này,  Bạch Huệ ca Tứ đại oán, danh cầm Sáu Tửng đàn kìm. Đĩa hát được nước ngoài biết đến, công nhận thông qua “kênh” UNESCO. Sau này, trở về nước, nhiều buổi tổ chức đờn ca tài tử, cùng tham gia với Bạch Huệ, ông thực sự rất thích cách ca của bà. Bạch Huệ thông minh, học nhanh, ca chính xác, nhịp nhàng và là một trong những người ca mấy bài tổ chắc nhất. Thời gian phối hợp với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước mở lớp dạy nhạc cho bậc trên đại học, Giáo sư đã mời Bạch Huệ đến dạy. Bà rất nhiệt tình, không quản ngại khó khăn nhưng rất kỹ tính trong cách truyền dạy...

Thực tế, sự nghiêm túc với nghề của nghệ nhân Bạch Huệ nổi tiếng đến mức không ai không... lắc đầu và thán phục. Nhiều lần theo chân bà đến các buổi biểu diễn, truyền dạy học trò, cứ mỗi lần nghe nhạc công đánh thiếu, đánh sai một nốt nhạc hay người ca lỡ trật nhịp, chúng tôi lại thấy gương mặt bà khổ sở như người đang ăn cơm ngon lành cắn phải hạt sạn lớn kèm theo điệp khúc ca thán: bây giờ đám trẻ ca hư hết... Nhưng, ca thán thì cứ ca thán, truyền dạy thì vẫn cứ nhiệt tình truyền dạy. Đôi lần, bắt gặp bà hơ hải thuê xe ôm đến điểm diễn, tiền xe đi về gấp đôi thù lao được trả, nhiều người buột miệng bảo bà vơ việc làm gì cho nó khổ. Bà rầu rầu bảo: Lỡ mê ca rồi. Ăn cơm tổ đãi phải đền ơn tổ. Thấy đám trẻ thờ ơ với đờn ca tài tử, nhiều người ham ca mà ca trật hết, bà cầm lòng không đặng...

Cũng chính vì “cầm lòng không đặng” mà cho đến lúc cuối đời, bị ngã gẫy chân, chưa lành hẳn bà đã cặm cụi đi tham gia khá nhiều hoạt động. Nghệ nhân Hoàng Tấn, chủ nhiệm câu lạc bộ đờn ca tài tử TP HCM và cũng là đơn vị tổ chức truyền nghề cho hàng vạn học viên tại thành phố và các tỉnh lân cận cho biết: Sau giải phóng, Bạch Huệ bắt đầu tham gia công tác giảng dạy trong Trường Nghệ thuật sân khấu và tham gia hoạt động với các đơn vị văn hóa nghệ thuật. Ngay Nhạc viện, kể cả Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cũng mời đến giảng dạy.

Nhiều năm trở lại đây, bà là người cộng  tác đắc lực trong hoạt động chỉ dạy, truyền nghề. Tuổi cao, sức yếu, nhưng cứ 4 giờ sáng ngày cuối tuần là Bạch Huệ đã chuẩn bị sẵn sàng để tập hợp mọi người đến các điểm mở lớp dạy đờn ca tài tử, bất kể đó là điểm dạy nằm ở các quận, huyện ngoại thành hay tận Bình Phước, Bình Dương. Hiện nay, có cả trăm câu lạc bộ đờn ca tài tử đang hoạt động khá thường xuyên. Để  phong trào đờn ca tài tử được duy trì như hiện nay tại TP HCM, phải thừa nhận rằng có sự đóng góp rất tích cực của nghệ nhân Bạch Huệ.

Ngay trong ngày bà trút hơi thở cuối cùng, theo lịch sắp sẵn thì nữ nghệ nhân vẫn đang đảm nhận “nhiệm vụ” làm thành viên ban giám khảo của một cuộc thi đình đám trên đài phát thanh thành phố. Một trong những nhiệm vụ không ai buộc bà phải làm nhưng bà luôn buộc mình phải thực hiện. Bởi, nói theo cách của chính nghệ nhân Bạch Huệ lúc sinh thời thì đó là vì bà lo “đờn ca tài tử mai một”, lo “đám trẻ ca trật hết trơn, không giữ được cái chất của đờn ca tài tử” của cha ông nữa...

Ngọc Nguyễn
.
.
.