Nghe hát ở Trường Sa

Thứ Sáu, 23/05/2008, 10:11
Phải chứng kiến những buổi biểu diễn trên đảo, góc nhà trở thành sân khấu, khán giả ngồi trên… giường tầng nghe hát mới thấy, lính đảo trọng cái tình đến mức nào. Chẳng micro, chẳng amply, hát mộc thôi mà vẫn vỗ tay, vẫn hoan hô, vẫn ôm hôn trìu mến.

Vượt qua sóng gió, người khác ra đảo coi như đến chặng dừng chân, còn đối với văn công thì nhiệm vụ mới chỉ… bắt đầu. Trong chuyến đi Trường Sa vừa rồi, có nữ ca sỹ say sóng đến không đi nổi, lính đảo phải cõng từ xuồng xuống đảo.

Ấy thế mà chỉ ít phút sau, đã thấy chị bước ra "sân khấu". Mệt, say có thể làm chị hát chưa hay, nhưng bông hoa nào đẹp bằng hoa bàng vuông Trường Sa? Có sự hâm mộ nào bằng tấm lòng chân tình của người lính đảo?

Đại tá, Trưởng đoàn, NSƯT Phạm Nguyễn - Nghệ thuật QCHQ bảo, đã là văn công, lại là văn công Hải quân thì chuyện đi đảo… có gì đáng nói. Mà cũng đúng thế thật. Đoàn của anh ra đảo "như… cơm bữa". Đơn vị có 48 diễn viên cả chính thức lẫn hợp đồng đều được chia thành các tổ xung kích, mỗi tổ chừng 15 diễn viên các thể loại, năm nào cũng có tổ được đưa đi phục vụ đảo.

Minh Huyền, cô diễn viên múa, năm nay tròn 19 tuổi, trẻ nhất tổ xung kích lần này và cũng là người trẻ nhất của đoàn công tác không giấu nổi háo hức trong chuyến đầu tiên đi Trường Sa.

Chế độ thì đâu có gì. Một buổi biểu diễn, mỗi diễn viên được hưởng cát-sê 30 nghìn đồng. Tiền thanh sắc của diễn viên múa thì có cao hơn một số loại hình khác một chút, nhưng cũng đâu đáng kể. "Cái chính là được ra đảo để hiểu thế nào là sống có mục đích, có lý tưởng. Em cũng là người lính mà". Câu trả lời đơn giản nhưng thật hay.

Lính đảo thích xem văn công đã đành, mà trên thực tế, những buổi biểu diễn trên đảo cũng có ý nghĩa tinh thần vô cùng lớn đối với các lực lượng khác đang sát cánh cùng bộ đội ở nơi hải đảo xa xôi này.

Phạm Việt Hùng, nhân viên Trạm khí tượng Hải văn Trường Sa ở đảo Trường Sa lớn vừa tiếp chúng tôi vừa thấp thỏm chờ đến tối để được tham gia giao lưu văn nghệ. "Nói thật với anh, ở nhà ca nhạc quần chúng kiểu này, cho vé em cũng chẳng đi xem. Nhưng ra đến đây, tự dưng thấy nó cứ háo hức làm sao ấy. Giao lưu văn nghệ giúp chúng em đỡ nhớ nhà hơn",  Hùng tâm sự.

Ca sỹ Phương Anh, diễn viên hát của Đoàn, dù đã trở thành "người của công chúng" từ chương trình Sao Mai - Điểm hẹn nhưng cũng chưa từng một lần từ chối đi phục vụ Trường Sa. Chỉ duy có chuyến đi này, đáng ra đến lượt Phương Anh nhưng ngày ra đảo cũng là ngày cô lên xe hoa nên đã được lãnh đạo đoàn linh động. Anh chàng diễn viên - Thiếu úy trẻ, đẹp trai Lê Văn Bình có nghệ danh Thanh Bình chuyên hát dân ca rất hay, đã dăm lần bảy lượt xin đi ra đảo nhưng đều bị hạn chế quân số, không được đi, mãi lần này mới được toại nguyện.

Chuyện diễn viên hát Thu Thuỷ dù đã mang bầu vẫn hăng hái xin đi Trường Sa mà nhiều người trong đoàn đến nay cứ nhắc mãi. Năm ấy, Thủy mới xây dựng gia đình và mang bầu đúng đợt có tên trong danh sách đi phục vụ Trường Sa. Biết nói ra sẽ bị gạt khỏi danh sách, Thủy đã cố tình giấu biệt. Khi các chị em trong đoàn "phát hiện" ra và báo cáo lãnh đạo thì tàu đã gần ra đến đảo.

"Cũng may con bé nó sức khỏe rất tốt, nên cũng không xảy ra chuyện gì… Nói thế để thấy, anh chị em diễn viên của Đoàn chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng nhiệm vụ với quyết tâm cao nhất", Đoàn trưởng Phạm Nguyễn cười rất hạnh phúc.

Như hiểu được thắc mắc của chúng tôi, Đoàn trưởng Phạm Nguyễn bảo nhiều lúc bị tình cảm văn công - bộ đội, tình người trong đất liền - lính đảo xa quê cuốn đi nên hoạt động và chương trình biểu diễn của Đoàn cũng chẳng theo kịch bản được.

Mà có lẽ cũng phải chứng kiến những buổi biểu diễn mà góc nhà trở thành sân khấu, khán giả ngồi trên… giường tầng nghe hát mới thấy, lính đảo trọng cái tình đến mức nào. Chẳng micro, chẳng amply, hát mộc thôi mà vẫn vỗ tay, vẫn hoan hô, vẫn ôm hôn trìu mến.

Chợt nghĩ, đến lúc ấy thì cũng đừng đòi hỏi quá về cái gọi là giá trị nghệ thuật. Đối với nghề nghiệp, càng nghiêm túc càng tốt, nhưng người mệt đỡ mệt hơn, người nhớ nhà đỡ nhớ nhà hơn, âu cũng là những giá trị lao động không phải tự nhiên mà có

Phạm Miên - Việt Anh
.
.
.