Nghe các nhà văn trải lòng tại Hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội

Thứ Năm, 24/09/2015, 17:30
Ngày 24/9, Hội nghị những người viết văn trẻ do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội và kéo dài đến 26/9. Candonline đã ghi lại những trải lòng của một số nhà văn với thế hệ cầm bút đi sau...

Có 4 cây bút trẻ công tác tại Báo CAND được mời dự hội nghị lần này: Nguyễn Thế Hùng, Đào Trung Hiếu, Du Nguyên và Trần Hoàng Thiên Kim.

Phát biểu tại hội nghị, nhà báo Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Thành ủy Hà Nội đánh giá cao sự kiện Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức Hội nghị cho những người viết trẻ. Bởi đây là dịp để Hội Nhà văn Hà Nội nhìn nhận, đánh giá lại công tác chăm lo thế hệ viết trẻ, từ đó có các biện pháp sát thực để hoạt động sáng tác văn học trẻ Thủ đô ngày càng phát triển.

Hội nghị những người viết văn trẻ là một sự kiện của đời sống văn học Hà Nội.

Cuộc sống hàng ngày từ những vấn đề trọng đại của đất nước, thành phố, đến những chuyện nhỏ nhặt bình thường của mỗi cá nhân phải luôn được người trẻ quan tâm, chú ý, nhất lại là người trẻ viết văn. ĐI xa tới tri thức, văn hóa của dân tộc và nhân loại. Người viết trẻ phải trang bị cho mình hành trang tinh thần này để sống trước hết làm một người có văn hóa và để trang văn của mình có hàm lượng văn hóa, có tư tưởng. Phải học và phải đọc, không phải chỉ để “không ai giết được mình” như Chế Lan Viên dặn con gái, mà còn để mình không tự giết mình và giết ai cả. ĐI sâu trong tư duy để cái nghe thấy, cái đọc thấy biến thành cái nghe hiểu, cái đọc hiểu, từ đó có những suy nghĩ riêng trước những hiện tượng, vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Sự dấn thân nhập cuộc có thể thấy rõ ở sự bùng nổ lòng yêu nước thời gian qua. Hòa trong khí thế của toàn dân, nhiều người viết trẻ Hà Nội đã có những sáng tác về đề tài biển đảo được phổ biến và yêu thích, chứng tỏ trong họ luôn thường trực mối quan tâm đến thời cuộc và vận nước nhà.

Các cây bút trẻ dự Hội nghị.

Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, cũng chia sẻ kinh nghiệm: Vấn đề đi tìm chất trẻ đích thực, chất trẻ từ bản chất, rút lại là ở chỗ ta biết nuôi dưỡng trí não, cách suy tư, cách cảm, cách tiếp cận với cuộc sống đa diện và luôn gây bất ngờ này như thế nào, để tâm hồn ta không sớm bị lão hóa và mỗi ngày được sống, được tiếp xúc với thế giới vẫn giàu có như ngày đầu tiên. Trẻ đích thực và trẻ từ bản chất không phải nhặt nhạnh, vơ váo đầu Ngô mình Sở mà thành. Tự nuôi lớn một nghị lực hết sức bền bỉ để vượt qua, để giữ được mình là mình, để ngọn lửa nồng hậu tin yêu con người và yêu cuộc đời vẫn cháy, chất men say của tuổi trẻ, những khát vọng chỉ thu vào bên trong thôi chứ không bao giờ mất đi. Có sức trẻ là phải luôn dám duy trì sự tìm tòi. Không thể tìm chập choạng lấy được, mà phải tìm trên cơ sở có lý luận khoa học dẫn lối, phải bình tĩnh và tỉnh táo học hỏi, chọn lọc, tích lũy, để lượng biến thành chất. Ném được một tác phẩm vào quỹ đạo để bay được  và tồn tại được trước mắt mọi người, cũng phải vất vất và đó là qui luật muôn đời.

Với mong muốn hội nghị sẽ góp phần nhận diện, định hướng và khắc phục những thiếu hụt của văn học trẻ, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Trưởng Ban Công tác nhà văn trẻ, nhấn mạnh: Văn học trẻ phải thắp lên ngọn lửa yêu nước và khát vọng của dân tộc, sẽ có được sự cộng hưởng, tri âm của người đọc. Không thể vay mượn cảm xúc và trải nghiệm khác để viết thơ, viết về đất nước. Bên cạnh đó, phải đổi mới nội dung đời sống trong thi ca đương đại. Điều này đòi hỏi phẩm chất tài năng, phẩm chất thi sĩ của nhà thơ, để giữ được đặc thù ngôn ngữ thơ – là sự khác biệt với một số cây bút cách tân đã nhân danh cái mới để lạ hóa thơ đến mức phản thơ.

Các đại biểu viết trẻ của Báo CAND dự hội nghị.

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng cho rằng, lao động nhà văn là một quá trình miệt mài tích lũy, tìm tòi trong sáng tạo, mới mong cho ra đời những tác phẩm văn chương đích thực. Còn nếu chỉ chạy theo phong trào thì hình như tác giả chỉ cho ra đời những tác phẩm “á văn chương”, chẳng giúp ích gì vào đời sống văn học nước nhà, dù trước mắt có thể sách của họ đang được bán rất chạy, cũng chính từ tâm lý đám đông của một lớp độc giả trẻ hiện nay.

Còn theo cây bút trẻ Mai Anh Tuấn, hãy làm cho mới chính là cơ hội của văn xuôi trẻ Hà Nội. Bởi xét cho cùng, làm mới vẫn không hề mất giá, dù vào thời đại này, thật hiếm cái mới nào thật sự tinh khiết dưới ánh mặt trời.

Thanh Hằng
.
.
.