Ngày vàng của Pencat Silat Việt Nam tại ĐH TDTT sinh viên ĐNÁ 13

Thứ Sáu, 22/12/2006, 12:51

Trong ngày 21/12, đội tuyển Pencat Silat Việt Nam đã góp thêm 4 HCV vào bảng thành tích của đoàn thể thao sinh viên Việt Nam tại ĐH TDTT sinh viên ĐNÁ 13. Sau 5 ngày thi đấu, đội tuyển Pencat Silat đã có 11HCV, 7 HCB.

Tính tới 15h ngày 21/12, Đoàn Thể thao Việt Nam tiếp tục ở thế thượng phong với 123 huy chương: 59 HCV, 39 HCB và 25 HCĐ; Đoàn Thái Lan về nhì với 83 huy chương: 29 HCV, 26 HCB, 28 HCĐ. Đoàn Indonesia về thứ 3 với 53 huy chương.

Trong ngày thi đấu thứ 5, cũng là ngày thi đấu cuối cùng của môn Pencat Silat; Đoàn Việt Nam tiếp tục ra quân để khẳng định ưu thế của mình ở vòng chung kết nội dung tanding (thi đấu đối kháng) các hạng cân.

Các võ sĩ của Việt Nam là Lê Thị Thanh Huyền, Lê Tuấn Anh, Lê Ngọc Anh, Vũ Ngọc Điệp đã tận dụng khá tốt những ưu điểm nhanh và chuyên nghiệp của mình để chiến thắng giòn giã trước các đối thủ Malaysia và Indonesia, giành thêm  4 HCV trong buổi sáng 21/12, nâng tổng số huy chương môn Pencak Silat của Đoàn Việt Nam tại ĐH là 18: trong đó có 11 HCV, 7 HCB.

Ngoài những võ sĩ trên, những cái tên làm rạng danh cho môn Pencat Silat của Việt Nam tại ĐH lần này là: Nguyễn Hồng Nhung, Phan Tú Phương, Nguyễn Như Thơm (nội dung regu nữ); Nguyễn Việt Anh, Nguyễn Huy Bảo (nội dung Galda nam); Lê Thị Hoàng Yến (nội dung Tunnggal nữ), Phạm Thị Huệ (hạng F nữ)...

Việc thi đấu  tốt của môn Pencat Silat tại ĐH đã giúp cho bảng thành tích HCV của Việt Nam dày thêm, chỉ đứng sau bảng thành tích của môn điền kinh.

Chuyện bên lề:

 

Ít HCV nhưng vẫn vui cho... bõ công sang Việt Nam

 

Đoàn Malaysia sang Việt Nam lần này với thành tích "nghèo nàn", tính tới trưa 21-12, ngày gần kết thúc các môn thi đấu, phía bạn mới chỉ giành được  2 HCV. Tuy vậy, các VĐV của Đoàn bạn luôn vui tươi, kể cả các VĐV vừa trượt... vỏ chuối trong thi đấu.

Theo lời của các bạn, sang Việt Nam tham dự ĐH lần này với mong muốn hiểu biết và học hỏi nhau là chính. Đoàn sang Việt Nam tham dự ĐH chủ yếu là sinh viên của các trường đại học, rất ít các VĐV chuyên nghiệp. Do quan niệm ĐH là giải của sinh viên nên thành tích không thành vấn đề, vui là chính!

 

Phía bạn không quan niệm "ăn chuối khi thi đấu là... trượt vỏ chuối"

 

Người Việt Nam khi đi thi thường tránh ăn chuối để không bị... trượt vỏ chuối. Tuy vậy, Đoàn Malaysia sang Việt Nam thi đấu trong những ngày đầu họ ăn kiêng rất chặt chẽ, không ăn các món ăn kiêng do các đầu bếp Việt Nam nấu, mà xài toàn đồ ăn của chính họ.

Phía bạn giải thích rằng, đồ ăn chay khi chế biến cũng phải có xoong nồi nấu riêng, dụng cụ chế biến cũng riêng. Trong hai ngày đầu ĐH, khá nhiều VĐV ăn chay, thứ quả họ hay ăn là chuối. Không biết có phải các bạn Malaysia ăn nhiều chuối nên khi thi đấu  luôn bị... trượt vỏ chuối hoài!

 

Ăn bốc bằng tay khoái hơn

 

Phần lớn các VĐV ăn cơm bằng bát, đĩa và thìa thì nhiều thành viên trong  Đoàn Malaysia vẫn khoái ăn bốc bằng tay hơn, tất nhiên đối tượng này chủ yếu là những thành viên trung niên và có tuổi.

Tối 21/12, để tỏ lòng biết ơn các bạn tình nguyện viên Việt Nam đã phục vụ Đoàn bạn tận tình trong suốt ĐH, Đoàn Malaysia mở tiệc mời các bạn tình nguyện viên chủ nhà tham dự. Không khí của buổi Gala Dinner sẽ không thú vị nếu thiếu kỹ năng ăn bốc.

 

Còn gì sáng tạo bằng các VĐV Singapore

 

Trong giờ nghỉ chuẩn bị thi đấu tại khách sạn La Thành, các VĐV nữ Singapore xinh đẹp thường tạo không khí vui bằng nhiều kiểu. Đi "đánh võng" theo kiểu... người mẫu song luôn tạo ra những pha gây cười.

Họ cũng tự tạo cho nhau nhiều kiểu tóc từ kiều diễm tới những kiểu "không giống ai", sau đó mang máy ảnh chụp làm mẫu để tặng nhau.

Văn Nguyễn
.
.
.