Ngày thơ Việt Nam IV: Hấp dẫn hơn nhưng chưa tiếp cận công chúng

Thứ Hai, 13/02/2006, 08:02

Có thể thấy cho đến lần tổ chức thứ IV này, Ngày thơ Việt Nam đã có được một hình hài tương đối ổn định. Công chúng dường như đã có được một sự hình dung khá rõ ràng về nội dung và hình thức của ngày hội. Số lượng người yêu thơ quan tâm đến ngày hội đông hơn mọi năm, là một tín hiệu đáng mừng.

Trong tâm thức của nhiều người đã thành một thói quen, một nếp nghĩ về một ngày Nguyên Tiêu, điểm gặp gỡ đầu xuân của các nhà thơ nhiều thế hệ và công chúng thơ.

Sau lễ kéo cờ thơ là màn thả thơ ấn tượng, các chương trình văn nghệ tưng bừng ở sân khấu chính, nơi dành cho các nhà thơ "già", lễ kết nạp hội viên Hội Nhà văn mới diễn ra trang trọng và ấm áp.

Sân thơ trẻ năm nay thu hút được sự quan tâm đặc biệt của công chúng bởi sự độc đáo, chuyên nghiệp trong hình thức thể hiện. Mỗi nhà thơ trẻ đều có một poster giới thiệu hình ảnh của mình. Trong góc thơ riêng, mỗi tác giả thỏa sức trình bày những ý tưởng độc đáo, cá tính thơ của mình với bạn đọc. Ngoài ra, mỗi nhà thơ trẻ còn có một cây thơ được đặt tên dựa trên tinh thần sáng tạo của chính họ.

Năm nay có đông nhà thơ trẻ tham gia sân thơ trẻ hơn, với sự nhiệt tình hào hứng của những "người trong cuộc", khác hẳn với tâm lý khách mời, e dè của những năm trước. Sự phong phú trong cách thể hiện, sự đa dạng của nhiều phong cách thơ, lối thơ khác nhau và đặc biệt là sức trẻ trung lan tỏa cho thấy một diện mạo mới của thơ trẻ, tự tin và nhiều sinh khí. Với sự hỗ trợ "tinh thần là chính" của Hội Nhà văn, các nhà thơ trẻ đã tự mày mò, đóng góp công sức và ý tưởng nhằm mang đến cho độc giả một sân chơi hiện đại, bất ngờ.

Buổi tối, tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã diễn ra một chương trình đọc thơ giao lưu giữa các nhà thơ hội viên Hội Nhà văn Hà Nội với sinh viên. Hướng vào công chúng thơ là sinh viên là cách nhìn đúng của Ban tổ chức. Vì sinh viên là công chúng yêu thơ tinh túy nhất. Nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước cũng tổ chức các buổi giao lưu đặc biệt tại các trường đại học, cao đẳng để các nhà thơ gặp gỡ giao lưu với sinh viên.

Tuy có rất nhiều cố gắng từ phía Ban tổ chức, và Ngày thơ năm nay đã tạo được nhiều hứng khởi hơn cho công chúng so với những lần tổ chức trước, nhưng vẫn chưa tránh khỏi sự nhàm tẻ, đơn điệu. Còn quá ít những trò chơi hấp dẫn dành cho công chúng cho xứng với tên gọi của một ngày hội.

Trong sân chơi của các nhà thơ già, đã ít đi và ngắn hơn những bài diễn văn không cần thiết, song các gương mặt tham gia đọc thơ quá cũ. Quanh quẩn vẫn chỉ một số nhà thơ lên đọc thơ, nói chuyện thơ như mấy năm cũ. Thậm chí, những bài thơ được đọc cũng không phải là tác phẩm mới, gây cảm giác thiếu hứng thú. Nhiều ý kiến cho rằng, hàng năm, các nhà thơ cần phải có sự hoán đổi vị trí đọc thơ, đến các vùng miền khác nhau để đọc thơ và tiếp cận công chúng.

Những thành tựu về thơ trong suốt một năm cũng chưa được nổi bật lên, chưa có sự chọn lọc đích đáng. Các nhà thơ trẻ đã tự tin hơn khi đứng trước độc giả của mình, nhưng đội hình vẫn chưa đồng đều. Người thì tự tin thái quá, người lại quá rụt rè. Cung cách xuất hiện, ứng xử trước công chúng thơ vẫn chưa được các nhà thơ trẻ ý thức sâu sắc. ở một vài trường hợp, vẫn gây cảm giác… phản cảm cho độc giả.

Về quy mô tổ chức một ngày hội dành cho thơ, nhiều ý kiến mong muốn rằng, ngoài địa điểm chính Văn Miếu, chương trình phải được tổ chức rộng rãi ở nhiều địa điểm khác, hướng vào nhiều đối tượng khác, tạo ra một sự hào hứng rộng khắp và mở rộng công chúng thơ. Ở một khía cạnh nào đó, vẫn là người trong giới đến đọc nhau, nghe nhau là phần nhiều. Mở rộng công chúng là yếu tố quan trọng hàng đầu để ngày thơ mỗi năm thực sự trở nên có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của người Việt

Hội Quân
.
.
.