Ngày Thơ Việt Nam lần thứ VIII: Nghĩ từ sân Thơ Trẻ
Không chính thức nhưng có một thành viên Ban tổ chức Ngày Thơ năm nay tại Văn Miếu ước tính có khoảng 15.000 người chen chân nghe thơ, ngắm thơ vào giờ cao điểm. Có vẻ như mỗi năm số lượng người yêu thơ đang tăng dần lên.
Nhưng nhà văn Ngô Thảo lại cắt nghĩa: "Chớ vội lạc quan đến thế. Thường ngày, nhất là những ngày đầu năm thì số lượng người đến Văn Miếu cũng đã đông rồi. Ban tổ chức nhìn vào số lượng khán giả đến với lễ hội thơ năm nay thì đã có thể nghĩ đến một không gian rộng rãi hơn Văn Miếu dành cho Thơ vào năm sau. Nhưng tôi cho rằng, trong số đông ấy, người đến vì thơ (tất nhiên) rất nhiều, song người đến vì tò mò với thơ cũng không hiếm. Thơ có một ngày là rất vui, rất nên, nhất là năm nay thơ cả cả nước hội tụ về Thủ đô với nhiều hình thức phong phú cho một đại lễ hội. Nhưng để đến với đời sống, đến với những công chúng thực chất hơn thì người làm thơ cần phải tìm cách "tỏa" đi muôn phương, chiếm lĩnh những không gian và thời gian khác".
Đành rằng các nhà thơ thì làm thơ quanh năm. Và sứ mệnh của nhà thơ, thì thời nào cũng thế đều được đòi hỏi nặng nề. Nhưng với một ngày hội thì xem ra mọi hoạt động của nó chỉ nên dừng ở ý nghĩa vui vẻ là vừa đủ. Công chúng, xét cho cùng cũng chả muốn đặt lên ngày hội thi ca một sứ mệnh quá nặng nề. Từ suy nghĩ này người viết muốn soi vào sân Thơ Trẻ- một góc của thơ năm nào cũng nóng nhất, đủ sức hút khán giả vòng trong, vòng ngoài với nhiều cảm xúc khác nhau.
Năm nay sân Thơ Trẻ treo cao chủ đề: "Chuyển động của cảm giác". Trong một vòng tròn khép kín, đúng là những cảm giác đã được chuyển động thú vị, có lúc nhịp nhàng (ở góc thơ truyền thống), có lúc cao trào (ở góc trình diễn) và có lúc lạ lẫm (ở góc sắp đặt). Hơn bao giờ hết, những người làm thơ trẻ được thỏa sức thể hiện mình ở không gian này. Nguyễn Quỳnh Trang "đánh đố" người xem, ra trò với màn treo chữ, thú vị nhưng mà hơi... khó đọc.
Huỳnh Lê Nhật Tấn sắp đặt kiểu thơ có thể đứng, ngồi, thậm chí nằm trên đất, nơi mà khán giả nếu muốn cứ hồn nhiên ngồi trên thơ, làm dáng mà chụp ảnh kỷ niệm. Còn anh chàng làm thơ trẻ (không trẻ mấy về tuổi đời) Lê Anh Hoài thì treo ngay chiếc xe máy đi làm hàng ngày, đã được "điểm trang" hình thức trong lồng sắt, cho phù hợp với thi phẩm "Nhu cầu" của mình.
Trong lúc góc thơ truyền thống nhà thơ đọc thơ theo kiểu cầm míc đơn giản, thì góc trình diễn sôi nổi với những màn kết hợp giữa thơ với nhạc, với ngôn ngữ hình thể, làm xôn xao khán giả. Người xem kẻ háo hức người tò mò. Mấy cụ già ngắm nghía các thi sĩ trẻ thì tặc lưỡi khen: "Chúng nó trẻ quá". Dễ hiểu thôi, vì các nhà thơ trẻ trên sân này phần lớn đến từ Khoa sáng tác, lý luận phê bình, thuộc Trường Đại học Văn hóa. Họ đang là những sinh viên theo đuổi giấc mộng văn chương và đang tự tin trình bày tác phẩm của mình trước công chúng.
Nhân ý kiến nhận xét của cụ già, xin lạm bàn về chữ Trẻ. Nhìn lại các thi sĩ tiền bối như Tản Đà, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên thì họ đều viết những tác phẩm để đời ngay từ khi họ chưa vào tuổi đôi mươi. Người làm thơ trẻ hôm nay, như quan sát của chúng ta trên thi đàn và ở chính sân thơ trẻ này, với những cái tên như Ngô Tự Lập, Bùi Hoàng Tám, Phan Huyền Thư, Nguyễn Phan Quế Mai, Huỳnh Lê Nhật Tấn... thì cũng đã là già so với cái trẻ của tiền nhân.
Sẽ là thiếu sức sống nếu sân Thơ Trẻ hàng năm không có những gương mặt mới tinh để trình làng. Bởi vì không có gì chán bằng mỗi mùa lễ hội qua đi, ta lại gặp những gương mặt cũ. Năm nay, những Lan Tử Viên, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Du Nguyên, Nguyễn Anh Vũ, Thái Bảo Anh, Đoàn Văn Mật, Lữ Thị Mai... đã làm nên một bức tranh mới cho thơ trẻ. Họ tự tin, và cả dũng cảm nữa để trình diện mình trước công chúng. Sự tìm tòi, sáng tạo trong hình thức thể hiện ít ra là cũng đã làm thỏa nhãn công chúng - một yếu tố rất cần trong lễ hội.
Không ít ý kiến tranh luận về việc thơ nên đến với công chúng bằng hình thức nào. Liệu rằng ngoài giọng đọc, ngoài văn bản, Thơ có cần đến những hình thức phụ trợ khác để lòe công chúng không? Và hình như những năm qua các nhà thơ thuộc sân Thơ Trẻ của chúng ta đã quá lạm dụng những kỹ thuật của nghe nhìn để Thơ đến được với công chúng chăng?
Theo thiển ý người viết, thơ chẳng việc gì phải chối từ những hình thức ấy. Nhất là khi người ta trẻ, người ta làm thơ, thì người ta có quyền chọn lựa cách thức để đến với công chúng trong ngày hội dành cho mình. Đặt mình trên chông gai của dư luận cũng là việc rất nên làm, để nhận ra mình đang đứng ở góc nào trong mặt phẳng đa chiều của thơ cũng là điều tốt, đáng khích lệ.
Chỉ có điều rằng, một khi cái cốt lõi quan trọng, giống như chiếc chìa khóa vàng mở cánh cửa bước vào trí nhớ của công chúng chính là những câu thơ hay, những bài thơ hay bị quên đi, thì những kiếm tìm về mặt hình thức thể hiện kia chẳng mang lại ý nghĩa gì. Nói thật lòng thì ở sân Thơ Trẻ trong Ngày Thơ năm nay, khi phần mắt vui thì phần trái tim lại hơi... hẫng. Vì sự thiếu vắng những câu thơ khiến người ta phải suy ngẫm, giật mình...
Ông Trưởng ban Tổ chức kiêm Chủ tịch Hội Nhà văn cũng có chung nhận xét này. Ông cho rằng các nhà thơ trẻ thực sự đã có một sân chơi của riêng mình và thực sự đã để lại dấu ấn. Nhưng dấu ấn về hình thức thể hiện, những cố gắng làm lạ, làm mới, thậm chí làm "quái" đi thì nổi bật, mà dấu ấn đậm đà trong chính những bài thơ, câu thơ lại đang... nhạt.
Một nhà thơ cao, nhân nghe nhận xét này thì lại ngẫm ngợi một chút. Ông phản biện rằng, nếu chúng ta tỏ ý thất vọng về các nhà thơ trẻ mang thơ đến sân Thơ Trẻ trong ngày lễ hội thì chả nên. Bởi lẽ, không phải ai bước đến nơi đây rồi trở về đều trở thành thi sĩ. Họ đang tìm tòi, và công chúng dành cho họ một không gian để họ tới và nói tiếng nói của mình là quá đủ.
Chúng ta không nên đặt gánh nặng lên vai những người đang đi tìm kiếm con đường của chính mình. Trong số họ, có người tỏa sáng, có người sau phút thăng hoa là rơi vào im lặng, quên lãng, cũng là điều tất yếu. Đó là cuộc chơi sòng phẳng của ngôn từ, mà trong quy mô của một ngày lễ hội không thể nào giải trình hết được. Vậy hãy vui và mừng cho họ, những người đang có quyền năng trong tay là sức trẻ.
Trong lúc những quả bóng bay lung linh sắc màu kéo những câu thơ lên trời ở màn thả thơ đẹp mắt trong lễ hội, từ sân Thơ Trẻ tôi lại nghĩ sang những người làm thơ già. Lướt qua những câu thơ đang chìm dần trên nền trời xanh thẫm, ít thấy những câu thơ hay của nhà thơ trẻ được lựa chọn.
Dường như, trong một vài hoạt động cụ thể nào đó, người trẻ làm văn chương vẫn rất khó mà "mon men" đến ngồi cạnh những người già? Tôi chợt nghĩ, nên chăng Ban tổ chức Ngày Thơ hàng năm nên có một cuộc chọn lọc mở dành cho những câu thơ hay để thả lên trời. Mỗi năm nên là những câu thơ hay của chính năm đó, là tâm sự, trăn trở, day dứt của người làm thơ về bức tranh đời sống của nhân dân mình, đất nước mình trong năm đó.
Tất nhiên những câu thơ của tiền nhân nếu phù hợp cũng sẽ được chọn. Để khi những câu thơ bay lên trời xanh, đó sẽ là một câu chuyện kể có logic tình cảm, tâm linh của người Việt trong một năm qua. Và sẽ có nhiều người làm thơ trẻ cũng tham gia kể những câu chuyện đó. Vì những câu thơ được thả lên trời thực ra cũng chính là những câu thơ thả vào lòng nhân gian, vào lòng người....
Nhìn sân Văn Miếu chật ních người chen chân, xem thơ trên gốm, trên sân khấu và cả trên trời cao, chợt nghĩ về công chúng của thơ. Ngày hôm nay, liệu có thứ thơ nào dành cho tất cả công chúng đông đảo kia không, thì e rằng rất khó. Mỗi người làm thơ, may mắn lắm, sẽ có được một lượng công chúng nào đấy. Nên, sự phong phú, đa dạng của thi ca nằm ở những gương mặt khác biệt. Không mảnh đất nào trong văn chương chấp nhận sự bắt chước, giẫm chân nhau của người cầm bút.
Càng trở nên cá biệt họ sẽ càng có cơ may trở thành một dấu ấn của đời sống văn học. Người làm thơ trẻ có thể soi mình vào chân lý ấy để tự tin thể hiện mình, nhưng ít màu mè son phấn hơn, gạt đi những ảo tưởng hay sự thần thánh hóa, họ sẽ đến được với những mùa lễ hội thực sự của thi ca. Đó là những lễ hội trong lòng người yêu thi ca thực sự...