Ngày Tết với 3 cô gái vàng

Thứ Hai, 03/02/2014, 10:26
Một võ sĩ đã vượt lên những nghịch cảnh đời thường, những nỗi ám ảnh thất bại tức tưởi để làm nên một cuộc phục thù ngọt ngào. Một chân chạy phải trở thành kẻ thế vai bất đắc dĩ nhưng vẫn oanh liệt giật 2 HCV SEA Games. Một kình ngư với sải tay dài đặc biệt, người đạt tới đẳng cấp “xuống nước là có Vàng”. Họ - những Văn Ngọc Tú, Đỗ Thị Thảo, Nguyễn Thị Ánh Viên chính là những gương mặt Vàng hội tụ đầy đủ cho sức sống, tầm vươn của thể thao Việt Nam trong năm 2013 và cho cả tương lai.

Võ sĩ Văn Ngọc Tú: Từ một thiếu nữ mộng du

Tú đến với judo một cách ngẫu nhiên chỉ để chữa căn bệnh… mộng du. Như một ngọt ngào của số phận, Tú không chỉ khỏi bệnh mà còn sớm trở thành một tài năng đặc biệt. Giành tấm HCV đầu tiên năm 2003 lúc 16 tuổi, Tú đã trở thành nhà vô địch tuyệt đối hạng 48kg nữ 4 kỳ SEA Games liên tiếp  trước khi bất ngờ bị truất ngôi tại SEA Games 26 bởi một sơ suất khó tin trong trận chung kết: Chị đã chủ quan để cho đối thủ người Thái quật ngã chỉ sau đúng 16 giây giao đấu.

Hai năm trôi qua, Tú vẫn không bao giờ thoát khỏi nỗi ám ảnh về thất bại tức tưởi ấy. Đó cũng là khoảng thời gian cô con gái nhà nghèo đất Sóc Trăng đã phải gồng mình vượt lên bao biến cố trong và ngoài thảm đấu. Đầu năm 2012, bố chị bị phát hiện ung thư bàng quang. Võ sĩ sinh năm 1987 đã giành suất chính thức dự tranh Olympic London trong tình trạng vừa cố gắng tập luyện vừa chạy đôn chạy đáo vay tiền lo phẫu thuật cho bố. Đến giờ, mọi khoản thu nhập của chị cũng chỉ đủ giúp bố mua thuốc và xạ trị 3 tháng/1 lần. Chưa hết, mấy tháng trước SEA Games 27, võ sĩ tuổi Mèo lại vướng vào khúc mắc đi /ở với thể thao Gia Lai - nơi chị về đầu quân đơn giản để có thêm thu nhập nhưng cuối cùng lại rơi vào cảnh bị nợ lương và cầm giữ. Tú đã phải nhờ cả luật sư, viết đơn cầu cứu lên lãnh đạo ngành thể thao mới được giải quyết.

Võ sĩ Văn Ngọc Tú.

Chính nỗi đau gia đình cùng sự cay đắng trong những bước chuyển của sự nghiệp  đã hun đúc cho Tú một ý chí sắt đá, thể hiện qua từng buổi tập, từng giải đấu. Sau khi đoạt tấm HCV Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á ở môn kurash, Tú đã có cuộc “phục thù” ngọt ngào tại SEA Games 27. Chị đã đã gia nhập “đội hình” những tuyển thủ hiếm hoi của thể thao Việt Nam đã giành được từ 4 đến HCV cả thảy.

Năm 2014, ngoài mong ước về sức khỏe cho bố và sự yên ổn của cả nhà, Tú còn khát khao giành một tấm huy chương tại ASIAD - thành tích không chỉ cho bản thân mà  cho cả ĐT judo và cả nền thể thao nước nhà. Mới đây, Tú  đã tìm được một đơn vị mới để đầu quân với chế độ đầu tư xứng đáng, mức lương 20 triệu đồng/tháng. Hy vọng đấy cũng là một lực đẩy quan trọng giúp Tú toại nguyện giấc mơ huy chương trong năm 2014.

Đỗ Thị Thảo: Người thế vai hoàn hảo            

Không phải Vũ Thị Hương với cuộc tái chiếm 2 tấm HCV cự ly ngắn mà chính Đỗ Thị Thảo mới là người hùng của điền kinh Việt Nam ở kỳ SEA Games 27 vừa qua. Ngôi sao lặng lẽ này đã cứu điền kinh Việt Nam khỏi nguy cơ trắng tay ở 2 nội dung 800m và 1.500m mà Trương Thanh Hằng để lại.

Ai cũng biết là việc Trương Thành Hằng -  nhà vô địch tuyệt đối của 4 kỳ SEA Games liên tiếp bất ngờ bị tai nạn giao thông, phải nghỉ thi đấu từ tháng 9 năm ngoái đã buộc Đỗ Thị Thảo bất đắc dĩ phải sắm vai trụ cột. Trước đó, cô gái quê Sơn La vẫn luôn sát cánh cùng đàn chị, song chủ yếu làm nhiệm vụ “quân xanh” cả trong tập luyện lẫn thi đấu. Thế nên khi buộc phải gánh vác trọng trách thay đàn chị, Thảo đã xác định phải nỗ lực phấn đấu tới cùng, mà không còn cách nào khác phải lao vào tập và tập như… điên. Tại đường chạy của Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng, người ta thấy Thảo luôn đến sớm nhất và rời sân muộn nhất. Chị còn tranh thủ tối đa giờ nghỉ vào buổi trưa để tập tạ rèn thể lực. Nhờ thế, các thông số thành tích của chị đã tiến bộ không ngừng.

Chân chạy Đỗ Thu Thảo.

Và Thảo đã có một điểm rơi phong độ tuyệt vời tại SEA Games 27, nơi đánh dấu một cột mốc quan trọng của chị cả về khả năng chuyên môn lẫn bản lĩnh thi đấu. Trên đường chạy 800m, chị đã chứng tỏ sự vượt trội hoàn toàn khi vượt lên ngay từ đầu rồi tạo ra một khoảng cách ngày càng xa so với các đối thủ để cán đích đầu tiên. Đến nội dung 1.500m, ngoài trình độ, Thảo còn thể hiện cả sự mưu trí của mình khi đã “nhử” cho đối thủ sớm bung hết sức, chấp nhận chạy sau, trước khi tăng tốc mãnh liệt trong chặng cuối.

Đoạt cả hai HCV song Thảo vẫn chưa hài lòng bởi chưa thể phá được kỷ lục SEA Games như kỳ vọng đặt ra. Nhưng hai chiến tích Vàng này chắc chắn sẽ là một cú “hích” quyết định giúp chị gia nhập nhóm tuyển thủ hàng đầu của môn điền kinh. Mục tiêu mà tài năng trẻ sinh năm 1991 này đang hướng tới trong năm 2014 là tiếp cận và chinh phục đỉnh cao châu Á. Và như Thảo tâm niệm, bây giờ chị sẽ không chỉ là sự thay thế xứng đáng cho Trương Thanh Hằng mà sẵn sàng làm "đối thủ" xứng tầm với đàn chị của mình.

Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên: Một sải tay kỳ lạ   

Việc kình ngư 17 tuổi thi đấu bùng nổ tại SEA Games 27 khi giành 3 HCV,  phá tới 2 kỷ lục SEA Games thực ra đã được dự báo từ trước. Nó là một cái kết hoàn hảo cho cả một năm đột phá mà Viên giành trên 20 HCV trên các đấu trường quốc tế - một kỳ tích xứng đáng đưa vào sách kỷ lục Việt Nam. Trong đó, đáng kể nhất, thiếu nữ đất Cần Thơ đã có 1 lần đăng quang ở Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á, 3 lần bước lên bục cao nhất tại Á vận hội trẻ.

Lãnh đạo ĐTQG bơi Đinh Việt Hùng đã dùng khái niệm “báu vật” không một chút ngại ngần khi đánh giá về Viên – một “hiện tượng” mới của làng bơi châu Á. Chỉ cách đây 6 năm, Ánh Viên còn đang phải “ngụp lặn” một cách nghiệp dư tại địa phương. Cô gái Vàng có sải tay dài tới 1m99, kém huyền thoại Phelps đúng 4cm mới  thực sự tập luyện chuyên nghiệp chưa đầy 3 năm. Cũng chưa có tay bơi Việt Nam nào chỉ mới ăn cơm đội tuyển 7 tháng đã đoạt được 2 huy chương SEA Games (1 bạc, 1 đồng) như Viên cách đây 2 năm cả.

Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên.

Bước ngoặt với Viên đến từ đầu 2012 khi ngành thể thao quyết định chi tiền tỷ đưa “ngọc thô” này sang Mỹ tập huấn dài hạn. Tại đây, Viên được đặt vào một quy trình đào tạo chuyên biệt  theo đúng chuẩn quốc tế, dưới sự kèm cặp của 2 chuyên gia hàng đầu. Nhờ thế, tố chất đặc biệt, sự khổ luyện của Viên đã được phát huy tối đa, với những bước tiến ngoạn mục, thậm chí có thể thấy rõ qua…  từng tuần. Cũng cần phải nhắc lại, ngay từ năm ngoái, Viên đã mang về  suất Olympic chính thức đầu tiên cho bơi Việt Nam. Hiện tại thông số của Viên ở ít nhất 3 nội dung gồm 200m ngửa, 200m và 400m hỗn hợp đã ngang ngửa mức huy chương châu lục, kể cả Vàng.

Ánh Viên cho biết mình sẽ sang Mỹ tập huấn ngay từ đầu năm để chuẩn bị cho việc giành huy chương ASIAD 2014. Giấc mơ của cô Thiếu úy trẻ nhất toàn quân tại kỳ ASIAD này không phải là đồng, là bạc, mà là vàng - rõ ràng như thế!

Tường Nhi
.
.
.