Ngày Sách Việt Nam đầu tiên: Khơi lại dòng chảy tri thức truyền thống

Thứ Hai, 21/04/2014, 11:02
Sáng chủ nhật 20/4, trời chợt mưa lâm thâm, nhưng dòng người đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) vẫn rất đông, để tham dự Ngày Sách Việt Nam đầu tiên được tổ chức ngay sau Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bởi đây thực sự là một ngày hội đối với các em nhỏ và là dịp để tìm kiếm, tiếp cận những cuốn sách quý và được yêu thích với người lớn.

Sự quan tâm của công chúng đối với Ngày sách Việt Nam cho thấy, văn hóa đọc vẫn luôn là một phần trong cuộc sống hôm nay, những lo âu về sự quên lãng văn hóa đọc là thừa, nếu chúng ta biết đánh thức, khơi gợi. Bởi đọc sách và tiếp nhận tri thức từ sách, là truyền thống lâu đời của dân tộc ta. Hàng chục NXB, nhà sách tham gia hội chợ sách đã mang đến cho người yêu sách một thế giới tri thức ở nhiều lĩnh vực: văn học, thiếu nhi, khoa học, kỹ thuật, nuôi dạy con, sách dịch… Hầu hết các nhà sách đều tổ chức giảm giá, hoặc có những “chiêu” để kéo khách: Nhà sách Đông Tây có đồng giá 10.000đ/cuốn và nhiều loại giảm 50%, nhà sách Đống Đa giảm 40%, NXB Phụ nữ tổ chức để nhà văn Đỗ Bích Thúy ký tặng sách, nhà sách Quảng Văn áp dụng mua 2 tặng 1…

Không chỉ là giá cả, uy tín, thương hiệu của các nhà sách cũng dễ thấy qua lượng khách đến mua. Với sự phong phú của các tác phẩm đưa các em nhỏ lạc vào thế giới của tuổi thơ, NXB Kim Đồng vẫn là nơi yêu thích của rất đông các em nhỏ. Có nhà sách còn tổ chức riêng khu vực đọc sách miễn phí cho trẻ (sách có buộc dây để không mất). Với những người lớn tuổi, các cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Putin của các NXB lại thu hút họ. Sách của NXB Trẻ vẫn là một địa chỉ được các lứa tuổi tìm đến, bên cạnh đó là nhà sách Đông Tây, Người mẹ tốt, Liên Việt, Tràng An vv…

Nhiều hoạt động tôn vinh những người sáng tạo và cống hiến cho văn hóa đọc cũng diễn ra trong Ngày Sách Việt Nam, thực sự tạo được dấu ấn: Dọc từ cổng Văn Miếu vào trong, là các tấm pano lớn “đón khách”, giới thiệu chân dung, tiểu sử và sự nghiệp các nhà văn được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT: Vũ Cao, Thâm Tâm, Lê Lựu, Chu Lai vv…; gặp gỡ và giao lưu với thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký - một tấm gương về học và đọc.

Ngày Sách Việt Nam thu hút sự quan tâm của công chúng.

Cũng lần đầu tiên, khán giả của Ngày sách còn được thưởng thức chương trình trình diễn thơ và văn xuôi độc đáo, có tính chuyên nghiệp, do Ban Văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Bạn đọc được tiếp cận với các tác phẩm văn học đang thu hút sự chú ý của công chúng như “Phòng chờ” (nhà văn Nguyễn Thụy Anh) và trích đoạn tiểu thuyết “Nhắm mắt nhìn trời” (nhà văn Nguyễn Xuân Thủy), chùm thơ mang chủ đề “Mùa xuân của mẹ” của 3 tác giả trẻ, với phương cách độc đáo và hấp dẫn: sự thể hiện chuyên nghiệp của các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ, cùng sự tham gia của chính tác giả.

Ngày Sách Việt Nam năm nay, còn có nhiều hoạt động bổ ích dành riêng cho các em nhỏ: “Chúng em viết, vẽ và chia sẻ về chiến thắng Điện Biên Phủ”, thi kể chuyện theo sách, trưng bày sách báo, tư liệu 60 năm chiến thắng Điện Biên, chủ quyền biển đảo Việt Nam, Góc thư viện dành cho thiếu nhi, vẽ tranh theo sách vv…

Cùng với ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhiều hoạt động cũng đồng thời diễn ra ở Hà Nội nhân Ngày Sách Việt Nam. Với chủ đề sách “Từ quá khứ đến đương đại”, Thư viện Quốc gia cho bạn đọc cơ hội tìm hiểu lịch sử tư liệu Việt Nam, từ các bản viết tay trên lá cây, in, khắc trên đá, gỗ, đồng, đến các sách in hiện đại, sách đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh, Sách đạt giải thưởng sách hay, sách đẹp. Đặc biệt, công chúng đã được giao lưu với những nhà văn, học giả hàng đầu và những cá nhân có nhiều đóng góp cho phát triển văn hóa đọc như GS Lê Văn Lan, GS Phong Lê, nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà văn Chu Lai, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh… Thư viện còn tổ chức tọa đàm về các tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài), “Đảo” (Nguyễn Ngọc Tư), “Chúc một ngày tốt lành” (Nguyễn Nhật Ánh) vv…

Nhiều hoạt động phong phú cũng diễn ra vào ngày này: quyên góp sách tặng trẻ em nghèo, hỗ trợ các thư viện vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; phát động, nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, dòng họ, trường học. Ở Ngày Sách Việt Nam tại Thái Nguyên, gian trưng bày sách của Trại giam Phú Sơn 4 đặc biệt thu hút sự chú ý của độc giả, bởi những bài viết của phạm nhân tham gia cuộc thi viết "Lời xin lỗi" và "Cảm nhận về việc đọc sách".

Ông Paul Blanchard, một nhà sản xuất băng đĩa nhạc người Thụy Sỹ đến từ Giơ-ne-vơ, không giấu được niềm thích thú khi du lịch đến Việt Nam lần này lại tình cờ được tham dự Ngày Sách Việt Nam đầu tiên với nhiều hoạt động thú vị. Ông cho biết, ở nước ông, Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4 tổ chức hàng năm, bắt đầu từ 22/4 đến 5/5, để độc giả gặp gỡ, giao lưu với các nhà văn tên tuổi mà họ yêu thích, để các tác giả ký tặng sách vv… Ngày Sách Việt Nam có nhiều hoạt động phong phú đặc trưng, mang lại không ít thú vị            

Phát triển văn hóa đọc ở trẻ em

Trong khuôn khổ Ngày Sách Việt Nam lần I tại TP Hồ Chí Minh, ngày 20/4, buổi tọa đàm chủ đề "Xây dựng và duy trì thói quen đọc sách ở trẻ em" được Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh niên thành phố.

Với sự tham gia của Thạc sĩ Nguyễn Tấn Thanh Trúc, Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT và bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, tác giả của rất nhiều tập sách và là thành viên trong chương trình Thai giáo từ trong bụng mẹ, chương trình được trông chờ là một buổi tọa đàm nhiều thú vị. Nhưng cũng từ buổi trao đổi về xây dựng và thói quen đọc sách ở trẻ cùng các độc giả này lại hé lộ một thực trạng chung khá phổ biến không chỉ của riêng một bậc phụ huynh hay bạn đọc nào.

Phát triển văn hóa đọc đúng nghĩa và khắc phục tình trạng đọc sách cho mục đích "học gạo" hiện nay, chắc chắn không phải trong thời gian một sớm một chiều, cần sự đồng thuận và chung tay góp sức của cả cộng đồng, từ hệ thống chính trị đến các tổ chức hội đoàn. Việc công bố quyết định của Thủ tướng về Ngày Sách Việt Nam chính là một trong những hoạt động góp phần rất lớn nhằm đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong thời gian tới. 

N.Nguyễn

Thanh Hằng
.
.
.