Ngày 14 tháng Giêng: Khai ấn - Lễ trọng đất Thiên Trường

Thứ Bảy, 12/02/2011, 15:00
Di tích đền Trần luôn là nơi diễn ra các lễ hội, tín ngưỡng đa dạng, phong phú vào các ngày kỵ Hoàng đế (gần như các tháng âm lịch trong năm đều có). Lễ hội đầu năm, lễ trọng đất Thiên Trường là lễ Khai ấn diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng (âm lịch). Điều đặc biệt là lễ Khai ấn diễn ra vào ban đêm từ giờ Tý (11h đêm đến 1h sáng).

Ngày xuân đi thăm đền Trần Tức Mặc, ngôi đền nằm bên quốc lộ 10 mới mở, cách TP Nam Định chừng mươi cây số, hướng đi cầu Tân Đệ sang Thái Bình. Đền Trần Tức Mặc tại xã Lộc Vượng, Mỹ Lộc (ngoại thành Nam Định) quê hương của các hoàng đế đời Trần. Mùa xuân năm Nhâm Tuất (1262), sau cuộc chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất (1257 - 1258), Thái Thượng hoàng Trần Thái Tông về hành cung Tức Mặc, mở tiệc chiêu thần ban chỉ: "Đổi hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường".

Toàn cảnh đền Thiên Trường.

Nơi đây đã từng là thủ phủ quan trọng của thời Trần, có hệ thống cung điện như một đế triều, mà địa danh Nội Cung, Cửa - Triều, kho nhi còn tồn tại… Theo truyền thuyết và các thư tịch thì niên hiệu Chính Hoà thứ 15 (1694), các công trình đền Trần được tu sửa, trở thành ngôi đền chung của dòng họ Trần cũng như của nhân dân trong làng, trong tỉnh và toàn quốc.

Ngôi đền to cao là đền Thượng (đền Thiên Trường) thờ tổ tiên nhà Trần và các vị vua, có đại tự ghi "Triệu Cơ vương tích" (đặt nền phát tích của nhà Trần). Bên cạnh có đền Hạ còn gọi là đền Cố Trạch, nơi thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Phía Tây đền Trần có chùa Tháp, tên chữ là Phổ Minh tự, là ngôi chùa thờ Phật, thờ Nhị vị Vương cô thời Trần, thờ Tam toà Thánh mẫu.

Di tích đền Trần luôn là nơi diễn ra các lễ hội, tín ngưỡng đa dạng, phong phú vào các ngày kỵ Hoàng đế (gần như các tháng âm lịch trong năm đều có). Lễ hội đầu năm, lễ trọng đất Thiên Trường là lễ Khai ấn diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng (âm lịch). Điều đặc biệt là lễ Khai ấn diễn ra vào ban đêm từ giờ Tý (11h đêm đến 1h sáng).

Lễ Khai ấn đặt dấu ấn trang nghiêm về thời gian, được vua Lê (thế kỷ 18) nâng lên và phục hồi, còn duy trì cho đến ngày nay. Khai ấn là một phong tục đẹp, thể hiện kỷ cương của Nhà nước, thể hiện uy quyền pháp luật của một quốc gia độc lập có chủ quyền.

Trung tâm của lễ hội là con dấu, dấu ấn của vua - người đứng đầu quốc gia ban phát cho mọi người từ cao niên đến ít tuổi, từ người lãnh đạo chính quyền đến người nông dân, người buôn bán… tất thảy người dân đất Việt nghĩ tới điều quốc thái dân an, do đó đã cuốn hút hàng vạn người từ khắp mọi miền đến dự mong xin được dấu ấn Trần triều lấy may trong đời sống. Buổi lễ diễn ra trang nghiêm theo đúng phong tục.

Người lãnh đạo muốn được trao ấn kiếm, quyền lực của triều đình (Nhà nước) để thực thi nhiệm vụ, người dân muốn được nhận sự ban phát tài lộc, sự may mắn và quyền công dân trong cuộc sống đời thường. Vậy là việc xin ấn và được ban ấn không phải của riêng ai, lần lượt từ các vị lãnh đạo đến từng người dân đến nơi đây với tâm nguyện thành kính và lòng tin vào một phong tục đẹp đều nhận được ấn của triều Trần đất Thiên Trường, mang trong lòng hồn thiêng sông núi, hào khí Đông A

Duy Tường
.
.
.