“Ngẫu hứng tranh Đông Hồ” - thêm một lần phá cách rối truyền thống

Thứ Hai, 27/06/2011, 09:56
Sau 3 năm cùng với NSƯT Anh Tú làm nên thành công cho “Trấn cổ Loa thành” đã được đánh giá là “bước ngoặt của sân khấu rối khi lần đầu tiên phả được hơi thở sáng tạo, phong cách độc đáo vào môn nghệ thuật truyền thống bằng sự kết hợp giữa kịch và rối”, ngày 14/6, đạo diễn Chí Kiên lại cho ra mắt vở rối kịch mang tên “Ngẫu hứng tranh Đông Hồ”.

Cũng mang phong cách đầy sáng tạo khi kết hợp giữa rối với kịch, “Ngẫu hứng tranh Đông Hồ” tiếp tục mở rộng không gian sân khấu biểu diễn của múa rối, chứ không đi theo lối mòn kiểu “vai mẫu” truyền thống là diễn viên hoàn toàn khuất mặt sau tấm vải căng ngang. Ở đây, các diễn viên múa rối tiếp cận khán giả cùng với các con rối, để tạo cho các con rối một đời sống mới mẻ và hấp dẫn, thay vì chỉ mình rối xuất hiện như trước.

Vở diễn được lấy cảm hứng từ tranh Đông Hồ, một nét văn hóa mang đậm hồn Việt, với sự kết hợp giữa tranh Đám cưới chuột và Hứng dừa để kể về một câu chuyện đã có từ 500 năm trước, phản ánh một xã hội phong kiến tham nhũng, thối nát với nạn mua quan bán chức. Nhưng điều đạo diễn muốn hướng đến chính là văn hóa truyền thống.

Hình ảnh mấy đứa trẻ xé nát bức tranh Đông Hồ chỉ là lời cảnh báo của đạo diễn trước nhịp sống hiện đại, đã khiến nhiều người quên đi việc giáo dục con cái về văn hóa dân tộc, khiến các em có nguy cơ mất gốc. Để các em vô tình với văn hóa truyền thống, lỗi không phải do các em, mà chính là người lớn, là ý nghĩa lớn lao mà vở rối mang lại.

“Ngẫu hứng tranh Đông Hồ”.

Ở “Ngẫu hứng tranh Đông Hồ” đạo diễn mạnh dạn kết hợp rối với sân khấu kịch qua các điệu múa, để diễn viên múa rối phải biểu cảm bằng tất cả các cái động tác hình thể, gương mặt vốn là sở đoản vì trước kia người ta theo lối cổ, diễn viên thường đứng khuất sau một cái màn đen. Với thể loại rối kịch, diễn viên được giải phóng, khoe gương mặt và hình thể. Với diễn viên múa rối, đây là cả một vấn đề.  Nhưng đạo diễn Chí Kiên đã mời biên đạo Như Lai ở Nhà hát Tuổi trẻ giúp đỡ về mảng này, nên các diễn viên đã tự tin và thể hiện vở diễn bằng ngôn ngữ hình thể, biểu cảm và rất ít sử dụng lời nói.

Đạo diễn Chí Kiên tâm sự: Rối chủ yếu diễn cho trẻ em, nhưng bây giờ các em cũng rất hiện đại, vì thường xuyên được tiếp cận với nhiều nền văn hóa, mà nếu mình không chịu thay đổi thì các em cũng không muốn xem. Tôi muốn thông điệp cần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc được chuyển tải không khô cứng và dĩ nhiên, cũng không chỉ dành riêng cho trẻ em ở vở diễn này. Tiếp tục đi theo con đường sáng tạo mới mẻ mà mình đã chọn, là sự dũng cảm của đạo diễn Chí Kiên. Anh chia sẻ: “Đây là dạng sân khấu thử nghiệm với tôi vì tôi tự biết, mình đang đi một con đường riêng trong tất cả nghệ sĩ múa rối, để tìm một con đường khác để tồn tại được và phát triển lên.”

Cách thể hiện không theo lối cũ, lối diễn gần gũi đã tạo được niềm yêu thích cho khán giả, nhất là khán giả nhí. Thành công ở “Ngẫu hứng tranh Đông Hồ” chính là đã đánh thức những cảm xúc mới trong câu chuyện xưa, để cảm nhận được nhiều ý nghĩa của đời sống hiện đại.

Với con đường đi riêng của đạo diễn Chí Kiên, “Ngẫu hứng tranh Đông Hồ” đã tiếp tục tạo được dấu ấn cho người xem, thắp lên niềm yêu thích cho các em nhỏ về một môn nghệ thuật truyền thống. Sự sáng tạo của Chí Kiên cũng làm phong phú hơn cho sân khấu nước nhà, dẫu rằng, trước những cái mới mẻ, khó tránh khỏi những ý kiến khen chê

Thái Hoàng
.
.
.