Ngang nhiên xâm phạm bản quyền của các tác giả quá cố

Thứ Hai, 11/08/2008, 12:28
Trong cuốn “Truyện vui danh nhân, thi nhân” do một vị tiến sĩ đứng tên tác giả xuất bản cách đây ít lâu, bài "Tản Đà một kiếm khách" của nhà văn Nguyễn Tuân đã bị... mất tên tác giả. Vị tiến sĩ nọ đã "luộc" của cụ tới 90% câu chữ, và cắt đi một số đoạn nối khiến bài viết của cụ Nguyễn thành ra hơi rối rắm, khiến người đọc hơi khó… tiếp nhận.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, trong một bài viết in trên Báo Văn nghệ cách đây hai tháng đã kể lại một vụ tai nạn xảy ra với chính anh: Lần ấy, đang trên đường về nhà, ở chỗ ngã tư rẽ sang đường Nguyễn Chí Thanh, anh bất ngờ bị một chiếc xe máy tông rất mạnh vào hông xe. Sau cú va đập kinh hoàng ấy, anh bị hất lên cao, văng khỏi xe và ngất đi trong ít giây. Trở dậy, anh phát hiện thấy hai chiếc gương xe vỡ nát. Chiếc túi đồ móc trên xe đã… không cánh mà bay.

Trên đường dong xe về nhà, Nguyễn Văn Thọ ngẫm nghĩ rất nhiều về việc này. Không phải những vết trầy xước trên cơ thể làm anh đau, mà chính "việc người ta hôi của, nhân khi có kẻ bị tai nạn… làm tôi suy nghĩ, đau đớn".

Liên hệ tới những vụ vi phạm bản quyền đang gây ồn ã trong làng văn Việt Nam, bỗng chốc tôi có một ý nghĩ: Hình như việc lợi dụng tình trạng các tác giả đã khuất núi (nghĩa là đã mất khả năng tự kiểm soát) để xâm phạm bản quyền của họ đang ngày một trở nên phổ biến?

Và vụ ông Đinh Văn Liên - tác giả cuốn "Bình Định - Đất võ trời văn" (NXB Trẻ ấn hành năm 2008), hiện đang bị cáo buộc là "xào xáo" (mà không chú thích nguồn một cách cụ thể) từ nhiều tác phẩm viết về Bình Định, trong đó có cuốn "Non nước Bình Định" của cố nhà thơ Quách Tấn, là một trong nhiều minh chứng cho hiện tượng nói trên?

Ông Nguyễn Văn Cừ, Giám đốc NXB Văn học cho tôi hay: Trước đây, ở Việt Nam ta, bộ "Tam quốc diễn nghĩa" luôn gắn với tên tuổi của hai nhà Hán học uyên thâm là cụ Phan Kế Bính và cụ Bùi Kỷ (người dịch và người hiệu đính. Cả hai cụ đều đã mất). Sau này, trong quá trình tái bản (vào quãng giữa những năm 80 của thế kỷ trước), phần hiệu đính đã được bổ sung thêm tên của một vị nữa.

Lý do phải hiệu đính lại, theo vị này giải thích là: "Chúng tôi sửa những tên Hán Việt dịch sai và in sai, những câu thơ, câu văn dịch sai hoặc dịch sót, đồng thời bổ sung một số bài thơ, bài phú và những đoạn văn mà bản dịch đã bỏ qua. Chúng tôi cũng sửa chữa những câu văn quá cũ và rườm rà…".

Theo ông Cừ, việc tham gia đứng tên chung như vậy đã là "quá đủ rồi", vậy mà, cách đây ít lâu, ông lại phát hiện thấy cũng bộ sách này, với nội dung y chang, được ấn hành bởi NXB Văn hóa Sài Gòn, thì ở trang 3, là phần theo quy định của Luật Xuất bản phải ghi tên tác giả (hoặc dịch giả, người hiệu đính - nếu có), các nhà làm sách đã  thẳng tay gỡ bỏ tên cụ Phan Kế Bính, cụ Bùi Kỷ, coi như không còn dấu ấn gì của hai cụ ở bộ sách này. "Thật là một sự chiếm đoạt trắng trợn" - ông Cừ nhận định.

Nhà phê bình văn học Mai Quốc Liên, trong bài viết in trên Tạp chí Hồn Việt số tháng 5/2008 cũng đã nêu đích danh trường hợp một nhà nghiên cứu tuy có danh tiếng nhưng đã có cách hành xử "chưa phải đạo" đối với một số bậc danh sĩ tiền bối, trong đó có người từng là thầy dạy (Hán học) của mình. "Nạn nhân" được nêu ra ở đây là cụ Nam Trân (đã mất năm 1967).

Cụ Nam Trân vừa là nhà thơ, vừa là dịch giả. Cụ đã dịch nhiều bài thơ trong "Ngục trung nhật ký" của Bác Hồ. Sau nay, vị học trò của cụ đã dựa trên bản dịch đó của thầy để tu chỉnh lại.

Thôi thì, nghệ thuật là một quá trình liên tục điều chỉnh để hướng tới sự hoàn thiện, vấn đề là có những bài - như nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên cho biết - chỉ sửa có một chữ, song vị này cũng vẫn "ký tên mình bên cạnh".

Thậm chí, khi dịch lại một bản dịch gồm 12 câu của cụ Nguyễn Sĩ Lâm, vị này tuy chỉ chữa có 2 chữ, song lại đưa tên mình lên trước tên của vị tiền bối "như là người dịch chính". Chao ôi, nếu cứ đà này thì các biên tập viên của các tòa báo cũng có thể đề tên "đồng tác giả" trên các bài viết của cộng tác viên cả hay sao?

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Tuân rất khó tính trong việc in ấn, xuất bản. Có những trường hợp chỉ cắt của cụ một đoạn, cụ rút lại bản thảo, không đưa in nữa. Vậy mà kể từ khi cụ tạ thế tới nay, đã có những bài viết của cụ được in vào không ít các tập sách tuyển, trong đó có một số bài bị "cắt cúp" cho "hợp nội dung".

Thậm chí, trong cuốn “Truyện vui danh nhân, thi nhân” do một vị tiến sĩ đứng tên tác giả xuất bản cách đây ít lâu, bài "Tản Đà một kiếm khách" của cụ đã bị... mất tên tác giả. Vị tiến sĩ nọ đã "luộc" của cụ tới 90% câu chữ, và cắt đi một số đoạn nối khiến bài viết của cụ Nguyễn thành ra hơi rối rắm, khiến người đọc hơi khó… tiếp nhận.

Nhiều người đã biết, "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du ra đời cách đây khoảng 200 năm. Độc giả đương đại khi tiếp xúc với cuốn truyện thơ này bao giờ cũng cần tới sự hỗ trợ của các bậc thức giả, nhất là trường hợp họ gặp phải những từ ngữ cổ, mang nhiều điển tích. Chính vì lẽ ấy mà từ nhiều năm nay, bên cạnh tên tác giả, sách luôn in kèm tên người chú giải, hiệu đính.

Không biết có phải vì "giản tiện", muốn đỡ phần nhuận bút (cho người hiệu đính) mà cách đây 4 năm, có NXB ở phía Bắc đã thẳng thừng loại bỏ cách làm truyền thống. Sách dày tới 260 trang song tịnh không một dòng chú thích, biên khảo.

Theo như lời đầu sách thì lý do NXB này đưa ra thật… lạ. Ấy là "để cung cấp cho bạn đọc rộng rãi nắm bắt nhanh, dễ thuộc nằm lòng Truyện Kiều…". Thật là một cách nói… ngược. Thôi thì, họ muốn "qua mặt" cụ Đào Duy Anh (người có nhiều chú giải rất cần thiết cho việc tiếp cận "Truyện Kiều") hoặc một nhà nghiên cứu nào đó, song họ phải hiểu rằng, bản "Truyện Kiều" mà họ dùng đó, dù chỉ là in… suông, thì cũng thấm đẫm công sức của nhiều nhà sưu tầm, nghiên cứu thuộc nhiều thế hệ, chứ không phải là của "giời ơi đất hỡi", hoặc của riêng mình cụ Nguyễn Du thôi đâu.

Ở trên chúng tôi mới đặt vấn đề quyền nhân thân của tác giả, còn quyền tài sản nữa. Anh Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cho chúng tôi biết: Mặc dù hiện đã là Phó Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Kim Đồng, nghĩa là cũng có vai vế trong làng xuất bản, song với các cuốn sách tái bản của ông cụ thân sinh, cũng có lúc anh và gia đình vẫn bị… qua mặt.

Anh kể: Một lần, vô tình lên mạng, anh thấy một NXB ở phía Nam đang "mời chào" độc giả mua cuốn sách "Lá cờ thêu sáu chữ vàng" của cha anh. Kèm đó là một số thông tin, như số trang, giá bán và hình bìa sách. Nguyễn Huy Thắng tìm cách liên hệ với Giám đốc NXB nọ.

Phải vài lần mới gặp được và khi trao đổi vấn đề tiền bản quyền thì vị Giám đốc nọ, bằng một giọng rất "ốm o, hoàn cảnh" cho anh biết, cuốn sách "được làm" từ đời Giám đốc trước nên vị không hay biết gì và không biết phải giải quyết vụ việc như thế nào.

Cứ vậy, cho đến bây giờ, Nguyễn Huy Thắng vẫn chưa lấy được đồng nhuận bút nào và cũng chẳng thấy mặt mũi cuốn sách đâu, ngoài hình tấm bìa được đưa lên… mạng!

Cũng theo Nguyễn Huy Thắng cho biết thì chị Nhã Nam, con gái nhà văn Nguyên Hồng cũng rất phiền lòng khi thấy sách của cha mình in rải rác đây đó tới vài ba năm nhưng hiếm đơn vị nào liên hệ với gia đình để trả nhuận bút cả. Chỉ khi gia đình nêu thắc mắc họ mới giải quyết và sự việc cũng chỉ gọi là "được chăng hay chớ".

Nhân một lần đi công tác phía Nam, Nguyễn Huy Thắng có phát hiện một số nhà xuất bản trong đó cho tái bản các cuốn "Bỉ vỏ", "Những ngày thơ ấu" của Nguyên Hồng. Khi anh thông báo việc này với Nhã Nam thì được Nhã Nam cho hay: Chị chẳng biết gì về việc xuất bản những cuốn sách đó cả.

Bà Nguyễn Thị Doanh, vợ của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng có lần than phiền với tôi, rằng một số nhà xuất bản thời nay làm ăn tắc trách quá. Rất hiếm nơi tái bản sách của chồng bà mà báo lại cho bà. Bởi vậy, thi thoảng bà lại lọ mọ thân già thơ thẩn đảo qua các hiệu sách và cũng đôi khi  "nhón được một chú" (tức phát hiện được một cuốn sách nào đó của chồng mình được tái bản). Bản thân người viết bài này cũng có lần mách bảo cho bà một cuốn sách của ông đã in ra trước đấy mấy năm. Nhờ đó, bà đã tìm đến nhà xuất bản nọ và chỉ khi ấy, các nhà làm sách mới chịu… mở hầu bao.

Thật là muôn nỗi khổ ải mà thân nhân những nhà văn quá cố gặp phải trong hành trình đi đòi lại quyền lợi của chính mình

Phạm Khải
.
.
.