Ngang nhiên mở đường qua khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối
Báo CAND đã có bài "Hãy cứu di chỉ Vườn Chuối sắp bị xóa sổ" phản ánh tình trạng người dân tự phát đào phá, gây hủy hoại di chỉ. Sau khi báo đăng, Cục Di sản Văn hóa - Bộ VH,TT&DL đã có công văn đề nghị Sở VH,TT&DL chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, phối hợp chính quyền địa phương có biện pháp bảo vệ hiện trường di chỉ; đề xuất phương án nghiên cứu bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Phạm Văn Hùng, Công an viên, Đội trưởng An ninh thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức cho biết: Khoảng 9h30' ngày 26/5, ông phát hiện có 4 người đàn ông đang vận hành 1 chiếc máy cẩu xúc ủi đất mở đường trên khu vực di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối thuộc địa bàn thôn Lai Xá. Ông Hùng đã báo cho trưởng thôn và cán bộ UBND xã Kim Chung tới, yêu cầu số người trên dừng ngay việc làm đường.
Phần đường mở trái phép đã vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hoá. |
Tại hiện trường, các đối tượng trên đã san ủi được một đoạn đường dài 43m, rộng 6m, ăn vào một phần khu vực phía Tây gò Vườn Chuối. Những người này cho biết họ chỉ là người làm thuê. Sau khi được ông Hùng thông báo, một cán bộ của Dự án Thăng Long 9 tới kiểm tra và cho biết "đã có sự nhầm lẫn". Sau đó, những người trên đưa máy xúc ra khỏi khu vực.
Ngay sau khi nhận tin, phóng viên Báo CAND đã cùng Thạc sỹ Bùi Hữu Tiến, cán bộ Bảo tàng Nhân học Việt
Theo báo cáo của Sở VH,TT&DL Hà Nội, di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối được phát hiện và khai quật lần đầu tiên vào năm 1969 với diện tích 100m2 do Viện Khảo cổ chủ trì, hai lần khai quật tiếp theo vào năm 2001 và 2009 do Khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn chủ trì với diện tích 100m2. Số lượng hiện vật thu được qua các lần khai quật rất phong phú về chất liệu và chủng loại: đồ đá, đồ đồng và đồ gốm.
Kết quả giám định khảo cổ cho thấy di chỉ có niên đại vào khoảng 3.000 đến 3.300 năm cách ngày nay, phản ánh quá trình phát triển của cư dân Việt cổ về văn hóa, đời sống, sản xuất thời kỳ tiền sơ sử, văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun (giai đoạn tiền Đông Sơn, đồ đồng) cho đến văn hóa Đông Sơn (sơ kỳ thời đại đồ sắt). Cụm di tích như vậy còn lại rất ít trên đất nước ta.
Tuy nhiên, toàn bộ di chỉ Vườn Chuối đang nằm trong quy hoạch Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch do Tổng Công ty CP Thương mại xây dựng là chủ đầu tư, hiện đang được tiến hành san lấp mặt bằng xây dựng. Ngày 24/3/2010, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 1204/VP-VHKG về việc bảo vệ di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, giao Sở VH-TT&DL Hà Nội phối hợp UBND huyện Hoài Đức và chủ đầu tư thực hiện dự án tại khu đô thị trên thực hiện theo quy định và đúng Luật Di sản.
Trong khi chính quyền xã Kim Chung và huyện Hoài Đức đang nỗ lực bảo vệ thì xảy ra sự việc mở đường ngang nhiên trên khu di chỉ khảo cổ trên. "Đây không phải hành động nhầm lẫn mà là cố ý" - Thạc sỹ Bùi Hữu Tiến nhận định.
Hiện vụ việc đang được chính quyền xã Kim Chung báo cáo lên UBND huyện và Công an huyện Hoài Đức để làm rõ đơn vị đã vi phạm.
Thạc sỹ Bùi Hữu Tiến bày tỏ sự quan ngại khi cả khu phức hệ di tích này đang nằm trong quy hoạch khu đô thị Kim Chung - Di Trạch, hiện đang tiến hành GPMB, do đó, khả năng vi phạm vào các di tích này là rất lớn, nếu không được sự quan tâm, bảo vệ từ các cơ quan chức năng