Ngân vang tiếng cồng, chiêng từ Đội cồng chiêng nữ Buôn Trấp

Thứ Bảy, 26/12/2009, 15:27
Những ai có dịp ghé thăm tỉnh Đắk Lắk, về thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) được nghe nói, cảm nhận tiếng cồng, tiếng chiêng từ một đội chiêng toàn nữ "độc nhất vô nhị" vang danh được gọi là đội chiêng Buôn Trấp. Có những ngày giặc giã triền miên, người Êđê Bih phải chôn chiêng xuông đất nhưng tiếng chiêng chưa bao giờ rời xa tâm thức của họ.

Tiếng nhạc từ đồng ruộng

Trước năm 1945, sống dọc theo các bờ sông Krông Ana, Krông Nô có khoảng 10.000 người Ê Đê Bih. Khi hỏi về nguồn gốc dân tộc mình thì họ trả lời "Bih Jhô", nghĩa là "người Bih đánh chiêng Jhô". Với người Êđê Bih - một trong 5 dòng Êđê ở Tây Nguyên, đánh chiêng trong các lễ hội nhất định phải là người phụ nữ.

Ông Lương Thế Hằng, Phó phòng VH - TT huyện Krông Ana cho biết, người Ê Đê Bih ở Buôn Trấp theo chế độ mẫu hệ và không cho đàn ông tập chiêng. Vì thế, truyền thống đánh chiêng ở đây được truyền từ đời này qua đời khác cho những người phụ nữ.

Đón chúng tôi tại nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng Buôn Trấp là 7 "sơn nữ" đã qua tuổi thanh xuân với bàn tay gầy guộc, mái tóc điểm bạc và khuôn mặt đầy nếp nhăn. Vừa gặp mặt, người chơi trống già nhất trong đội là bà H'săn Ê Ban (năm nay 69 tuổi) vội trần tình: "Mình đang ở ngoài nương xa lắm, nhưng nghe tin có khách xa muốn nghe chiêng là mình bỏ nương về đây liền". Nói xong, bà vui vẻ gọi mọi người đi thay trang phục truyền thống để biểu  diễn cho chúng tôi xem. 

Với đội chiêng nữ Buôn Trấp, tiếng trống là linh hồn dẫn dắt nhịp điệu các bài chiêng và sau đó tiếng chiêng hòa theo nhịp trống. "Tùng, tùng, tùng…", tiếng trống bà H'săn vang lên, 6 người đàn bà  trong trang phục truyền thống cầm chiêng hòa theo như một dàn nhạc. Những tiếng nhạc cất lên nghe như tiếng hát từ đồng ruộng trở về.  

Gia đình chiêng

Buôn phó Buôn Trấp là anh Y Rem Ê Ban cho biết, ở buôn có 2 loại chiêng là chiêng K'nah (chiêng nam) và chiêng Jhô (chiêng nữ) nhưng các chị, em gái của anh được tập từ nhỏ, còn anh cũng như bao chàng trai trong làng phải lên nương rẫy, mỗi khi buôn làng có hội thì dự.

Bộ chiêng nam có 10 chiếc, trong đó chiêng lớn có núm Cing Ana là mẹ, chiêng bằng K'nah Di (chị cả), chiêng bằng H'liang (chị hai), chiêng H'luê H'liang (chị ba)… và trống H'gơr là bà. Còn bộ chiêng nữ nhỏ và nhẹ hơn với 6 chiếc (tất cả đều có núm ở giữa) cũng được phân ra thành 3 cặp chiêng mẹ - chiêng con - chiêng bố như trong một gia đình. Hai chiêng nhỏ nhất đầu tiên là chiêng mẹ, hai chiêng ở giữa là chiêng con và hai chiêng lớn nhất là chiêng bố.

Cùng với chiếc trống bắt nhịp, ba cặp chiêng tạo nên những hợp âm khác nhau: hợp âm Ana (cái) - Amí (mẹ), hợp âm Mdú (con) - Anac (con trai hoặc gái) và hợp âm Kano (đực) - Ama (bố). Chính vì thế, khi những tiếng chiêng vang lên là tiếng lòng người phụ nữ nói với đất trời, tổ tiên và gia đình.

Trong đội chiêng nữ Buôn Trấp bao giờ cũng có 7 người, trong đó 6 người đánh chiêng và một người đánh trống dẫn nhịp. Khi tiếng trống dạo đầu vang lên thì 2 chiêng mẹ bắt nhịp theo, rồi đến 2 chiêng con hòa nhập đi theo và chiêng bố vang lên cuối cùng. Cứ thế, âm điệu bài chiêng liên tục quay vòng từ chiêng mẹ đến chiêng con, chiêng bố rồi trở lại chiêng mẹ...

Vào năm 1986, huyện đã thành lập đội cồng chiêng nữ Buôn Trấp. Truyền thống của người Ê Đê Bih là mỗi thế hệ phải đào tạo ra những đội chiêng kế tiếp. Vì thế, vào mỗi tối thứ bảy và chủ nhật, các mí (mẹ) tập hợp ở nhà văn hóa cộng đồng để truyền dạy cho các em gái. Hiện nay, các mí đã đào tạo được đội chiêng trẻ đánh thành thục 3 bài chiêng, nhưng đang thiếu người đánh trống.

Bà H'săn Ê Ban trăn trở: "Mình đã tập cho nhiều đứa rồi mà không đứa nào đánh được. Lỡ mai mình về bến nước ông bà mà không có người đánh trống thay thế thì nguy mất". Nỗi trăn trở của bà H'săn Ê Ban cũng chính là nỗi khát khao truyền nghề của các nữ nghệ nhân cồng chiêng Buôn Trấp

Gia Bảo- C.H
.
.
.