Nên có một con đường mang tên Phạm Tiến Duật

Thứ Năm, 14/06/2012, 10:48
“Ở thành phố nào đó từng gắn bó với Trường Sơn, sao chưa có một đường phố mang tên anh? Quảng Bình, Vinh hay Hà Nội, nơi anh đi ra chiến trường từ Trường Đại học Sư phạm? Phạm Tiến Duật nên có một con đường”!

Trong bài báo đăng trên Văn nghệ Công an số đầu tháng 6 gửi về từ nước Đức, nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã tha thiết đề xuất ý tưởng: Nên có một con đường mang tên nhà thơ Phạm Tiến Duật: “Ở thành phố nào đó từng gắn bó với Trường Sơn, sao chưa có một đường phố mang tên anh? Quảng Bình, Vinh hay Hà Nội, nơi anh đi ra chiến trường từ Trường Đại học Sư phạm? Phạm Tiến Duật nên có một con đường”! Là một người lính trước khi trở thành nhà văn, trực tiếp cầm súng ở chiến trường miền Nam trong những năm tháng ác liệt nhất, hơn ai hết, Nguyễn Văn Thọ thấu hiểu sức động viên, khích lệ vô bờ trong những vần thơ của Phạm Tiến Duật tới một thế hệ.

PV: Xuất phát từ đâu ông lại đề nghị “Nên có một con đường mang tên Phạm Tiến Duật”. Thực ra, Phạm Tiến Duật cũng chỉ là một trong số các nhà thơ nổi tiếng của thời kỳ chống Mỹ?

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Nếu bạn trải qua những năm tháng chiến tranh, bạn là người lính đằm mình nơi bom đạn ác liệt, bạn sẽ hiểu. Phạm Tiến Duật là nhà thơ gắn bó nhiều nhất với một tầng lớp thanh niên Việt Nam từ năm 1969 cho suốt tới ngày chiến thắng và nhiều năm sau hòa bình.

Thơ Phạm Tiến Duật được anh em chiến sỹ thuộc và yêu thích nhiều hơn bất kỳ nhà thơ nào lứa chống Mỹ. Những nhà thơ khác được biết tới ít nhiều do tác động của các chương trình giáo dục học đường. Thơ Phạm Tiến Duật đến với người lính từ thường ngày, từ chính đời sống máu lửa, từ hy sinh mất mát… Những vần thơ đó giúp chúng tôi thêm dám sống và yêu sống để chiến đấu. Nó như một con đường sáng trong giai đoạn sau Mậu Thân 68, là thời kỳ khó khăn nhất, đòi hỏi người lính phải dũng cảm đối diện với mọi thử thách.

Chính sức mạnh tinh thần của thơ Phạm Tiến Duật đã giúp chúng tôi làm được như thế. Vậy sao không để các thế hệ sau biết tới con đường Phạm Tiến Duật? Thêm nữa, nói về văn học, Phạm Tiến Duật là những người tiên phong ở sự cách tân đổi mới thi ca cách mạng. Công lao của anh so với các nhà văn đi trước nào kém cạnh gì. Phạm Tiến Duật xứng đáng được đất nước ghi lại danh thơm này để có một con đường mang tên anh.

PV: Ông và lớp thanh niên nô nức tòng quân với tư thế “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” đã chịu ảnh hưởng như thế nào từ thơ Phạm Tiến Duật?

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tôi tòng quân từ năm 1965, trước khi anh Duật có bài thơ “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”. Tôi không rõ thế hệ sau tôi, vì câu thơ trên mà tòng chinh ra sao. Nhưng khi chúng tôi ở chiến trường, đọc bài thơ này, mà khi đó Trường Sơn là nơi vô cùng ác liệt, thì cảm giác chúng tôi được an ủi rất nhiều.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật (thứ 2 bên phải) tại Hội nghị mừng công của Bộ đội Trường Sơn mùa khô 1970-1971.

Những người lính ở chiến trường năm ấy nhìn bài thơ dưới một tâm thức khác. Chúng tôi không cho rằng câu thơ trên có sự giả tạo, nói theo tuyên huấn, tuyên truyền mê hoặc, bởi tổng thể của bài thơ là vẻ đẹp tâm hồn của chính lứa chúng tôi khi ấy, sự chia sẻ ở toàn tuyến, ở Đông và Tây, ở Nam và Bắc, ở hậu phương và tiền tuyến. Bài thơ làm ấm lòng người lính. Người lính không còn thấy cô đơn nữa dù họ một mình trong một cánh rừng già. Đó cũng là ý nghĩa lớn lao trùm kín ở thơ Phạm Tiến Duật.

PV: “Cái quan định luận”, một nhân vật được đặt tên đường, theo suy nghĩ thường tình của số đông, phải là người không những giàu tài năng, có đóng góp đặc biệt cho Tổ quốc mà còn phải có một cuộc đời đẹp, sống đẹp ngay trong thường ngày?

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Trên thế giới này nhiều thi sĩ chứ không riêng Phạm Tiến Duật có một cuộc sống cá nhân không bình an. Cuộc sống cá nhân của Phạm Tiến Duật cũng như thế, nhưng xét một con người như Phạm Tiến Duật, không đặt ở một bối cảnh xã hội phức tạp hậu chiến là một sự xét đoán thiếu công tâm.

Hơn nữa suy cho cùng, anh Duật vẫn là một con người. Ngọc còn có vết! Những gì anh đóng góp cho thi ca, cho cách mạng, cho sự nghiệp vun đắp nền văn học nước nhà và cả cho bè bạn văn chương, công lao lớn lắm, ít ai bì kịp. Tôi quan niệm, cuộc sống đẹp, có ý nghĩa của một con người, một đời người nằm trong những điều cơ bản ấy.

PV: Tên đường cho Phạm Tiến Duật, rồi lại sẽ có tên đường cho những nhà thơ, nhà văn chống Mỹ nhiều đóng góp nữa hay sao?

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Như tôi đã nói, thơ Phạm Tiến Duật ảnh hưởng rất lớn tới một thế hệ. Chính thế hệ ấy đã làm nên cuộc chiến tới ngày thắng lợi cuối cùng. Nó có công làm bớt đi rất nhiều nước mắt và máu cho chúng tôi. Cho chúng tôi chính là cho dân tộc, cho nhân dân.

Xét về mặt đóng góp: động viên tinh thần lạc quan chiến đấu, tinh thần thương yêu đồng đội, cùng nhau vượt qua cam go khốc liệt nhất của cuộc chiến thì không ai hơn Phạm Tiến Duật. Trên con đường mòn Trường Sơn mang tên Bác Hồ vĩ đại, đường Hồ Chí Minh, đâu có thi sĩ nào đóng góp hơn thi sĩ Phạm Tiến Duật?

Cũng có thể sau này có các nhà thơ khác ở các mặt đóng góp khác xứng đáng để đặt tên một con đường, nhưng lại là việc khác. Và điều này chỉ có thể so sánh với lý do để đặt tên như các con đường Nam Cao, Nguyễn Tuân v.v… Khi đã rạch ròi như vậy, chúng ta không sợ một tiền lệ để đắn đo trong việc này.

PV: Trân trọng cảm ơn nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Khánh Bằng (thực hiện)
.
.
.