Nâng cao vai trò của người dân Đường Lâm trong bảo tồn di tích

Thứ Hai, 17/06/2013, 13:27
Sau hàng loạt cuộc hội thảo, lấy ý kiến nhà khoa học, thậm chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã xuống tận làng cổ Đường Lâm lắng nghe ý kiến người dân, chính quyền Thủ đô đã có những động thái quyết liệt tiếp theo trong chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương thực hiện việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm.
>> Tiếp tục tìm cách bảo vệ làng cổ Đường Lâm

Trong chỉ đạo, UBND TP Hà Nội hơn một lần nhấn mạnh đến vai trò, cũng như sự tham gia tích cực của người dân, điều mà lâu nay, dường như, các cấp chính quyền, Sở ban ngành chưa thực sự quan tâm, khiến cho người dân Đường Lâm phải “kêu”, phải đòi trả danh hiệu di tích. Từ đó, lãnh đạo Hà Nội chỉ đạo, trước mắt, ngành văn hóa Thủ đô cần tập trung xây dựng những cơ chế, chính sách giải quyết các vướng mắc giữa bảo tồn và phát triển hiện nay. Việc đề nghị nâng hạng di tích phải được sự đồng thuận của chính quyền và người dân xã Đường Lâm.

 Ngoài yêu cầu “có sự đồng thuận của người dân về việc nâng hạng di tích”, UBND TP Hà Nội cũng giao chính quyền địa phương tiếp tục đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân sống trong khu vực di tích và ý kiến của các nhà khoa học, quản lý để hoàn chỉnh quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản, quy hoạch giãn dân. UBND thị xã Sơn Tây phải nghiên cứu, tổ chức lại Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, trong đó thành phố yêu cầu rất cụ thể: Thành phần tham gia Ban Quản lý di tích phải có đại diện cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và đại diện nhân dân xã Đường Lâm.

Ngoài ra, thành phố cũng yêu cầu thị xã Sơn Tây làm tốt công tác tuyên truyền vận động “để người dân hiểu, tình nguyện giữ gìn di tích”, cũng như kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo hướng công khai, dân chủ, tránh thiên vị, nể nang và đúng quy định, phòng ngừa, ngăn chặn không để tái diễn các vi phạm, ảnh hưởng đến việc bảo tồn di tích và tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

UBND thị xã Sơn Tây đã được giao lập kế hoạch tổng thể đầu tư, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm từ năm 2014, 2015 và giai đoạn 2016 - 2020. UBND TP cũng giao Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm tra, báo cáo thành phố trước 30/6/2013 về quy hoạch này, cũng như dự án quy hoạch xây dựng khu giãn dân phục vụ bảo tồn làng cổ Đường Lâm (tỉ lệ 1/500). Theo hướng, cân nhắc chọn lọc phạm vi không gian và đối tượng bảo tồn có tính đan xen giữa khu vực I và khu vực II theo hướng tập trung ưu tiên bảo tồn đối với thôn Mông Phụ, nơi có nhiều kiến trúc cổ, cảnh quan tiêu biểu có giá trị. Đối với 4 thôn còn lại, thành phố đồng ý bảo tồn có chọn lọc.

Theo lãnh đạo TP Hà Nội, giải pháp này cho phép tập trung nguồn lực, tránh đầu tư dàn trải, không có tính khả thi, cũng như tạo điều kiện cho người dân cải tạo, xây dựng nhà ở theo hướng dẫn. Cũng về vấn đề nhà ở, Sở Quy hoạch Kiến trúc được giao thiết kế nhà mẫu để người dân theo đó mà xây mới, sửa chữa, cải tạo những ngôi nhà không được xếp hạng nhưng nằm trong khu vực bảo tồn.

Với hàng loạt giải pháp từ cụ thể đến vĩ mô, TP Hà Nội đã tỏ ra thực sự cầu thị sau khi báo chí lên tiếng, người dân bức xúc. Thành phố đã hiểu rằng, “làm” di tích là phải vì người dân và ngược lại do chính người dân thực hiện. Vấn đề còn lại là cách triển khai, khi mà nhiều cơ quan tại Hà Nội vốn nổi tiếng thụ động…

N. Yến
.
.
.