Năm Thìn tìm hiểu vài câu chuyện về Rồng

Thứ Hai, 23/01/2012, 15:58
Năm mới đến, đem đến những vận may mới. Năm 2012, được coi là năm con Rồng. Rồng là loài biểu trưng cho các hoàng đế thời xưa, và đối với người dân đó là thần vật mang ý nghĩa đặc biệt may mắn. Bàn đến  năm Rồng, dưới đây chúng tôi xin giới thiệu vài câu chuyện, truyền thuyết về loài Rồng trong đời sống văn hóa người Trung Quốc.

Truyền thuyết về loài Rồng và 12 con giáp

Tương truyền rằng thời cổ xưa Rồng không có sừng, khi đó Rồng vẫn còn sống trên mặt đất. Rồng với thân hình cường tráng, vừa có thể bay vừa có thể bơi, nó muốn làm một trong những con vật đại diện của cung Hoàng đạo và cũng muốn làm vua các loài thú thay vị trí của Hổ. Vì thế mà thế gian xảy ra trận chiến giữa Rồng và Hổ, được gọi là Long tranh Hổ đấu - trận chiến bất phân thắng bại. Cuối cùng Ngọc Hoàng phải cho gọi 2 loài lên trời để phân xử.

Gần giờ xuất hành, Rồng nhận thấy mặc dù mình cao lớn, nhưng so với Hổ thì lại không được uy phong bằng, e rằng Ngọc Hoàng xem nhẹ mình và vì vậy, không những không làm được thú Vương mà còn không vào được cung Hoàng đạo. Nghe chuyện, chú Rết bé nhỏ liền mách với Rồng rằng, Gà trống có đôi sừng rất đẹp, nếu mượn đeo lên, Rồng sẽ trở lên uy phong hơn rất nhiều. Rồng nghe xong rất mừng, liền cùng Rết đi mượn, nhưng Gà không đồng ý. Rồng thấy thời gian thì sắp hết, nên liền thề độc với Gà rằng, nếu Rồng không trả sừng, khi về mặt đất sẽ chết liền. Rết cũng thề rằng nếu Rồng không trả sừng cho gà, thì nhìn thấy Rết ở đâu Gà cứ mổ chết luôn. Gà nghe liền tin và lấy sừng cho Rồng mượn.

Tại cung đình, Ngọc Hoàng thấy 2 loài Hổ và Rồng đều rất uy phong, liền phong cho Hổ làm Vua thú ở trên đất liền, Rồng làm Vua thú ở dưới nước. Khi trở về hạ giới, Rồng nghĩ rằng nếu trả lại sừng cho Gà thì sợ các loài dưới nước nhìn thấy mình xấu sẽ không phục, liền đi thẳng xuống nước, không lên lại mặt đất nữa. Gà giận đỏ cả mặt, đi tìm Rết đòi sừng. Đòi không được, cứ thấy Rết ở đâu là mổ, và luôn hướng cổ cao lên trời đòi Rồng trả sừng. Vì thế ngày nay mới có chuyện Gà ăn Rết và ngẩng cổ lên trời mỗi khi gáy.

Hình tượng Rồng trong dân gian

Rồng là hình tượng sáng tạo đặc biệt, là quan niệm trong văn hóa của người Trung Quốc. Với người Trung Quốc, Rồng mang nhiều hàm nghĩa. Rồng bao hàm quan niệm Mong muốn, là Mục đích và Những giá trị sống, lí tưởng như Trời đất và Con người, giữa Người với Người, thuyết Âm Dương, các yếu tố về văn hóa, nhằm hướng đến sự hòa hợp tương thích.

Một vài hình ảnh về trang trí Rồng của người Trung Quốc.

Rồng trong 12 con giáp tuy là loài động vật hư cấu, nhưng đối với người Trung Quốc và cả các nước ở Đông Á, luôn được tôn kính và có chút sợ hãi. Trong tâm niệm người Trung Quốc, Rồng chiếm một địa vị cao mà không loài nào có thể thay thế được. Rồng là thần vật có thể hô mưa gọi nắng, cưỡi mây đạp gió. Các hoàng đế Trung Hoa tự ví mình là dòng dõi loài Rồng, còn người dân thì coi mình là truyền nhân của loài Rồng. Dân cũng không ngừng tưởng tượng, hư cấu dựng nên truyền thuyết về loài Rồng, đem đặc tính các loài tập trung và tạo nên loài Rồng, như dã tính của thú, ngộ tính của người, linh tính của thần.

Qua những truyền thuyết và văn hóa càng làm loài Rồng được trở nên tôn kính, sùng bái hơn trong tâm niệm người dân. Cũng có thể vì thế mà Rồng thành một trong những loài tượng trưng cho cung Hoàng đạo 12 con giáp.

Giờ thìn (Rồng) khoảng 7-9h sáng, theo truyền thuyết là lúc mà quần long xuất hành đi làm mưa

Trường Minh
.
.
.