Năm Sửu nói chuyện trâu

Thứ Ba, 27/01/2009, 14:41
Trâu - con vật gắn liền với đời sống người nông dân Việt Nam, từ lúc gà chưa gáy sáng, con trâu đã cùng người băng qua màn sương lạnh lẽo để ra đồng, nào cày, nào bừa, rồi cộ lúa… con trâu đảm nhận phần lớn công việc nặng nhọc của nghề nông... Chưa hết, hình ảnh trâu còn gắn liền với bao sự kiện trong cuộc đấu tranh của dân tộc ta.

Còn nhớ, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, con trâu cùng anh bộ đội đã góp phần lập nên những chiến công vang dội, làm giặc phải khiếp kinh. Trận Tầm Vu là một trong những trận phục kích chặn đánh xe cơ giới của bộ đội chủ lực Khu 9.

Trận đánh diễn ra vào ngày 19/4/1948. Trong trận này, hơn 100 tên giặc bị tiêu diệt (trong đó có 1 tên quan ba); 14 xe vận tải quân sự địch bị phá hủy. Kết thúc trận đánh, ta thu được 1 khẩu pháo 105 ly, cùng nhiều súng máy, súng trường và quân trang, quân dụng khác.

Sau khi thu được khẩu pháo 105 ly của địch, bà con nông dân địa phương đã cho bộ đội Việt Minh mượn 2 con trâu cày để kéo khẩu pháo về căn cứ. Nhưng do đây là khẩu pháo hạng nặng mà chiến sĩ ta mới thấy lần đầu, bánh pháo đang ở tư thế bị khóa, do vậy khi rướn hết sức vẫn không kéo được, một con trâu đã bị đứt ruột chết tại chỗ. Nhưng sau đó bộ đội ta cũng tìm được cách kéo khẩu pháo này về căn cứ an toàn.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, con trâu đã góp phần không nhỏ vào việc chuyển đạn, tải thương, lương thực phục vụ chiến đấu. Không như loài bò hay rống, con trâu cứ im thin thít làm việc, nên giữ được bí mật nhất là vận chuyển ban đêm.

Nhiều con trâu cứ thấy lính Mỹ - ngụy mặc đồ rằn ri là mài sừng lao vào đâm tới. Có lẽ vì thế mà trâu cũng trở thành mục tiêu hủy diệt của kẻ thù. Trong các trận càn ở Đồng bằng sông Cửu Long trâu, bò thường bị giặc bắt dồn vào xe lội nước M113 để chở về căn cứ mổ thịt. Trên cánh đồng trống trải, trâu thường trở thành mục tiêu của máy bay trực thăng địch.

Từ lòng căm thù giặc, nhiều em bé chăn trâu đã giả bộ cho trâu gặm cỏ gần căn cứ địch và trở thành những trinh sát, giao liên cho bộ đội; có em còn dũng cảm mưu trí, lân la làm quen với giặc rồi bất ngờ cướp súng giặc, chiếm đồn.

Dũng sĩ diệt Mỹ Hồ Văn Nhánh ở Mỹ Tho vừa chăn trâu vừa nghiên cứu bãi mìn quanh căn cứ Đồng Tâm, khi được đích thân cha mình là bộ đội công binh của huyện Châu Thành chỉ dạy cách gỡ mìn, Hồ Văn Nhánh đã gỡ hàng ngàn trái mìn đem về cho bộ đội diệt Mỹ.

Bức ảnh tiêu đề "Từ thần sấm lộn cổ xuống xe trâu" của tác giả Văn Bảo đã lột tả hết nỗi nhục nhã ê chề của một phi công chiến đấu không lực Mỹ từng đi mây, về gió, gieo rắc bao tội ác trên bầu trời miền Bắc Việt Nam đã bị bắn hạ, may mắn nhảy dù kịp nên thoát chết, giờ phải cúi đầu ngồi trên chiếc xe trâu của một bác nông dân để trâu kéo về hướng trại giam.

Đương thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta dù bận trăm công ngàn việc, nhưng Người vẫn không quên đến việc nhắc nhở chăm sóc trâu, bò vốn là tài sản lớn, nguồn sức kéo quan trọng của nông dân ta.

Bác viết bài "Cần chăm sóc trâu bò trong vụ rét sắp tới", để khuyên bà con đề phòng trâu, bò bị rét chết bởi cái lạnh thấu xương nhất là ở vùng rừng núi phía Bắc. Bài báo của Bác có đoạn: "Việc chăm sóc trâu, bò là nhiệm vụ chung của cả hợp tác xã. Cán bộ địa phương đều ra sức làm tốt. Đó cũng là một cách thiết thực của đồng bào nông dân ở hậu phương tham gia sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước".

Vậy là, đối với Bác, không có việc nào là nhỏ, nếu như mỗi người, kể cả người chăn trâu, bò, làm tốt công việc của mình, đều góp phần vào sự nghiệp "chống Mỹ, cứu nước".

Nhắc đến nỗi vất vả của người chăn trâu, không thể nào quên tấm gương của Anh hùng Lao động Hồ Giáo. Ông sinh năm 1929, tại thôn Bình Phước, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 10 tuổi, ông đã phải đi chăn trâu, ở đợ cho địa chủ. Khi cách mạng bùng nổ, ông thoát ly đi bộ đội. Sau Hiệp định Genève (1954), được tập kết ra Bắc.

Đến năm 1960, ông xin chuyển ngành về Nông trường Ba Vì (Sơn Tây). Dưới bàn tay thuần dưỡng khéo léo cộng với tình thương yêu của ông, số lượng và chất lượng đàn bò sữa ngày nâng cao. Ông đã góp phần làm rạng danh cho Nông trường Ba Vì. Năm 1966, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động lần thứ nhất.

Năm 1977, Chính phủ Ấn Độ tặng cho Việt Nam 500 con trâu sữa Mura, Viện Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp cử ông vào tỉnh Sông Bé trực tiếp phụ trách chăn nuôi và nhân giống loại trâu sữa này. Từ 500 con trâu ban đầu, dưới bàn tay chăm sóc, thuần dưỡng của ông và một số đồng nghiệp khác, hàng ngàn con trâu sữa tiếp tục ra đời và được nhân giống ra khắp mọi miền đất nước. Những thành quả lao động đó đã đem lại cho ông danh hiệu Anh hùng Lao động lần thứ hai vào năm 1986.

Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, hình ảnh con trâu lại tiếp tục gắn bó với người nông dân trên những cánh đồng: "Trên đồng cạn, dưới đồng sâu. / Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa". Con trâu đã cùng với người nông dân chứng kiến những năm tháng đầy khó khăn, vất vả của nền kinh tế đất nước trong những năm 70, 80 thế kỷ trước, khi mà người nông dân phải rơi nước mắt nhìn những cánh đồng bạt ngàn bị bỏ hoang, trong khi trong bồ lúa không còn một hột.

Vượt qua những khó khăn của bữa ăn bằng bo bo và những chuyện bi hài của một thời bao cấp, người nông dân ngày hôm nay có quyền tự hào khi đã có công đưa một đất nước có thời kỳ phải nhập khẩu lương thực để giải quyết cái ăn, nay đã trở thành một nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới.

Với ý nghĩa như thế nên tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games 22 do Việt Nam đăng cai tổ chức vào năm 2003, trâu được chọn là linh vật dùng làm biểu tượng vui đặt tên là Trâu Vàng. Với bản chất hiền lành, hòa đồng và chăm chỉ, hình ảnh con trâu gần gũi, thân mật với người dân trong nền văn minh lúa nước của Việt Nam và các nước Đông Nam Á.

Trâu Vàng (còn gọi là Kim Ngưu) gắn với sự tích Hồ Tây của Thủ đô Hà Nội. Trâu Vàng tượng trưng cho ước vọng về mùa màng tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc, sức mạnh và tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam.

Chào năm 2009, năm Kỷ Sửu - năm con trâu hy vọng rằng sẽ mang đến cho mọi người một biểu tượng của sức khỏe dồi dào, cùng tính nết cần cù chịu thương chịu khó trong lao động, sản xuất và luôn gặp điều may mắn, thành đạt trong cuộc sống

Trần Thắng
.
.
.