Nadal - Djokovic: Cuộc chiến của những số 1 đích thực

Thứ Tư, 11/09/2013, 00:42
Ở trận chung kết diễn ra rạng sáng 10/9 theo giờ Việt Nam, Nadal đã chiến thắng Djokovic 3-1, tỷ số các set là 6-2, 3-6, 6-4, 6-1. Đây là danh hiệu Grand Slam thứ 13 của Nadal, hiện anh chỉ còn kém Pete Sampras (14 danh hiệu) và Federer (17) trên bảng xếp hạng những tay vợt nam giành nhiều Grand Slam nhất.

Chức vô địch này cũng nối dài mạch trận bất bại của Nadal trên sân cứng trong năm 2013 lên con số 22 trận thắng, 0 trận thua, dành 4 danh hiệu lớn gồm 3 Master Series 1000 và 1 Grand Slam. Bên cạnh đó, Nadal cũng giành tổng cộng gần 4 triệu USD tiền thưởng với việc dẫn đầu bảng xếp hạng US Series và vô địch Mỹ mở rộng trong cùng năm.

Trận chung kết Mỹ mở rộng vừa diễn ra rạng sáng 10/9 thêm một lần nữa cho chúng ta thấy thế nào là cuộc đấu giữa những tay vợt số 1 thế giới. Kết quả, Nadal thắng Djokoviv với tỷ số 3-1 đoạt ngôi vô địch. Khoan hãy bàn đến trận đấu nhiều gay cấn, mà có một vấn đề quan trọng cần nhìn rõ, đó là cách biệt của những tay vợt số 1 đối với những tay vợt còn lại xa đến đâu.

Nếu lấy chức Wimbledon 2003 của Federer làm thước đo, thì trong một thập kỷ qua, chỉ có Federer, Nadal và Djokovic là ba tay vợt thay nhau ở ngôi số 1 làng quần vợt, và cũng chỉ có họ được mặc nhiên thừa nhận là những ứng viên hàng đầu cho những chức vô địch Grand Slam. Andy Murray là một ngoại lệ, anh đủ sức vô địch Grand Slam nhưng không đủ sức để lên ngôi số 1 một cách thuyết phục. Tức là nếu cần phải phân chia ranh giới, thì “Big 3” kể trên “ngồi cùng mâm” với nhau, Murray chấp chới giữa ranh giới một nhà vô địch Grand Slam và một tay vợt số 1 thế giới, ngồi “một mình một chiếu”, tốp dưới là những tay vợt còn lại, những người hiếm hoi lắm mới vô địch nổi ATP 1000, và đó cũng đã là một điều tương đối may mắn.

Điều dễ nhận thấy nhất ở những số 1 nói trên, là khi họ ở đỉnh cao phong độ, gần như không có chuyện họ thất bại trước những tay vợt xếp dưới mình, ngay cả khi đối thủ cũng ở trong top 10. Nadal có thể thỉnh thoảng bị loại sốc, nhưng những lúc đấy hoặc là anh chấn thương, hoặc là anh mới thi đấu trở lại. Djokovic từ năm 2011 năm nào cũng vào đến ít nhất 3/4 trận chung kết Grand Slam. Federer từ lâu đã là số 1 xuất sắc nhất lịch sử. Trong giai đoạn mà một trong ba tay vợt này ở ngôi số 1 thì họ chỉ thua lẫn nhau (vì những người khác cũng xứng đáng là những số 1), hoặc đôi khi thua Murray, còn những trường hợp như Del Potro đánh bại cả Nadal lẫn Federer để vô địch Mỹ mở rộng 2009 đã gần như trở thành sử thi. Tóm lại, khi họ đang ở ngôi số 1, các tay vợt còn lại đừng mơ có khả năng lật đổ.

Lấy ví dụ cuộc đấu ở bán kết Mỹ mở rộng tháng 9 này giữa Djokovic và Wawrinka. Tay vợt Thụy Sĩ dù đã chơi cực hay nhưng vẫn không thể khuất phục nổi Djokovic, người đang ở ngôi số 1. Xem trận đấu có thể dễ dàng nhận ra cách biệt giữa hai tay vợt ở những thời điểm cuối cùng. Đặc biệt ở hai set cuối, Wawrinka gần như không theo kịp Djokovic. Bản thân tay vợt người Serbia cũng biết anh không cần bung hết sức ở hai set đấu này, chỉ cần dẫn điểm an toàn và thắng vừa đủ. Đó là lý do anh đều cố ăn break sớm, rồi nhẹ nhàng kết thúc set đấu, vì anh biết đối thủ nào đang chờ đợi mình ở chung kết.

Federer, Nadal và Djokovic - 3 tay vợt cự phách nhất thế giới hiện nay.

Nói cách khác, sức bền của Wawrinka dưới hẳn Djokovic một bậc, khi tay vợt người Serbia được tôi luyện để chinh chiến triền miên, đó cũng là lý do Djokovic đã giữ ngôi số 1 suốt hai năm qua, và nếu như Nadal không xuất thần chiến thắng liên tiếp các giải gần đây, Djokovic đã có thể yên vị năm thứ ba liên tiếp. Các tay vợt yếu có thể gây bất ngờ ở những giải đấu có thể thức tối đa ba set, nhưng ở những giải Grand Slam đòi hỏi các tay vợt phải có thể lực và độ bền tuyệt đối, có thể nói là không có cơ hội cho các tay vợt khác đương đầu với “bộ ba quyền lực” kể trên.

Có thể kể ra đây thêm vài trận đấu năm set khác mà các tay vợt thuộc nhóm dưới tưởng chừng như đã tiến đến rất gần chiến thắng. Del Potro từng dẫn Federer 2-1 sau ba set ở bán kết Pháp mở rộng 2009, nhưng thua nhanh hai set cuối, để rồi huyền thoại người Thụy Sỹ, dù không ở trạng thái thể lực hoàn hảo, vẫn nhẹ nhàng bước vào chung kết và thắng trắng Soderling, người duy nhất từng thắng được Nadal ở giải đấu này. Hay Verdasco từng có một trận để đời với Nadal ở bán kết Australia mở rộng 2009, khiến “Vua sân đất nện” phải trải qua những thời khắc sinh tử suốt cả năm set đấu. Trận bán kết này được nhiều người cho là hay nhất trên mặt sân cứng trong thập kỷ vừa qua, nhưng cuối cùng Verdasco vẫn phải chịu thua và thực chất anh cũng không có cơ hội chiến thắng trong trận đấu đó. Cá nhân Nadal chứng minh nền tảng thể lực phi thường khi anh tiếp tục đánh bại Federer ở chung kết sau năm set.

“Máy bắn bóng” John Isner cũng từng dẫn Nadal 2-1 ở Pháp mở rộng 2011, nhưng cũng thua chóng vánh hai set sau khi không duy trì được độ bền. Hay mới nhất là trường hợp “mãnh thú” Tsonga thậm chí đã có nhiều hơn một matchpoint (điểm quyết định của trận đấu) trước Djokovic ở Pháp mở rộng 2012, lại được sự gầm rú cổ động của các khán giả nhà, nhưng vẫn không khuất phục nổi tay vợt người Serbia. Dường như vẫn có một ranh giới nhất định giữa nhóm các tay vợt tài năng và nhóm những tay vợt số 1 thế giới.

Thực chất, để lên được ngôi số 1, bản thân ba tay vợt kể trên cũng đã phải tính toán điểm rơi, thể lực và tập luyện suốt nhiều năm trời. Nadal đã phải “nằm” suốt ba năm từ khi lên số 2 (năm 2005) để truất ngôi được Federer; còn Djokovic, suốt bốn năm bị đè nén, mãi đến 2011 mới vùng lên ngôi số 1 và ở đấy cho đến giờ. Lấy Murray làm ví dụ sẽ dễ thấy hơn. Tay vợt người Vương quốc Anh có tài năng, nhưng anh đã thống nhất với Ban huấn luyện chỉ tập trung đánh Grand Slam, nghĩa là mục tiêu và giáo án của Murray đề ra là ngắn hạn, anh chỉ “săn” các giải danh giá và chấp nhận không lên ngôi số 1, trừ khi các đối thủ tuột dốc không phanh. Murray có thể vô địch một giải Grand Slam, nhưng sẽ là không thể nếu bắt anh “cày” liên tiếp các giải đấu để tích lũy điểm số cạnh tranh ngôi số 1.

Hướng đi của Murray có phần giống với Serena Williams ở giải nữ, khi bản thân tay vợt người Mỹ đã ngoài 30 không thể kham nổi lịch đánh cả năm, và chỉ vì các tay vợt nữ còn lại quá thiếu tính cạnh tranh nên Serena mới ở ngôi số 1 một thời gian dài. Làng quần vợt nam dĩ nhiên không đơn giản như vậy. Ngay như Federer, dù đã bị cho là hết thời, vẫn nhắm đến ngôi số 1 bằng một lịch trình cắt giảm các giải đấu phụ nhưng vẫn đảm bảo số lượng các giải đấu cần thiết, chỉ tiếc rằng sức anh bây giờ không nghe theo cái đầu (Murray đánh nhiều giải hơn Federer nhưng không đặt nặng tham vọng ở những giải không phải Grand Slam, chỉ đánh cầm chừng lấy cảm giác bóng).

Với Nadal và Djokovic, hai tay vợt đang so kè ngôi số 1 năm nay và có thể vài năm nữa, lịch thi đấu của họ rất nặng. Djokovic đã chơi trên trăm trận một mùa từ lâu, còn bản thân Nadal dù mới trở lại sau chấn thương nhưng cũng đã đánh trên chục giải gần như không nghỉ (việc vô địch hay không là chuyện khác). Họ có hẳn một đội ngũ chuyên gia biết cần phải làm gì để đạt được ngôi số 1, điều thách thức hơn rất nhiều so với việc chỉ bung sức để giành Grand Slam. Nói tóm lại, kỹ năng của những tay vợt hàng đầu có thể không quá vượt trội hay đặc sắc so với những tay vợt khác, nhưng chính bản thân cơ thể của họ là một sự hoàn hảo hơn rất nhiều, vì nó được xây dựng nên để chịu đựng một cường độ tập luyện và thi đấu xuyên suốt.

Xem Wawrinka bung trái trận bán kết Mỹ mở rộng vừa rồi với Djokovic phải nói là rất sướng mắt, từ sau khi Federer tụt dốc mới có một tay vợt bung trái ăn điểm trong một trận hay đến thế. Nhưng cứ giả sử anh thắng được Djokovic sau năm set, chắc cũng không còn cầm nổi vợt để đấu lại Nadal ở trận chung kết vừa rồi. Nhiều lần các tay vợt hàng đầu phải giải quyết trận đấu với những đối thủ yếu hơn sau năm set, không phải là họ không thể thắng được chỉ với ít thời gian hơn, nhưng nếu quá dồn sức để thắng trong một thời gian ngắn dễ dẫn tới kiệt sức và không đảm bảo mục tiêu, vì đối thủ ở vòng tiếp theo không đơn giản. Họ chấp nhận mất một, thậm chí hai set, khi cần để bảo toàn thể lực, miễn là không thua và chỉ bung sức ở những thời điểm cần thiết.

Cũng có thể đôi khi các tay vợt chiếu dưới quá xuất sắc, ngoài dự kiến của những số 1, nhưng nhìn chung đại cục họ vẫn nắm trong tay. Ví dụ như Federer từng mất năm set để loại Del Potro ở bán kết Pháp mở rộng 2009, nhưng khi dốc toàn lực thì chỉ mất ba set ở chung kết để thắng Soderling, tay vợt được cho là xuất sắc hơn ở sân đất nện thời điểm đó. Nghĩa là nếu không phải ở thời điểm quyết định, các tay vợt hàng đầu không dại gì bung hết sức. Djokovic không cố sống cố chết để thắng một Wawrinka đang thăng hoa trong ba set, anh chấp nhận chơi dưới sức ở một vài thời điểm nhưng vẫn duy trì nhịp độ, khiến tay vợt Thụy Sỹ gần như kiệt sức sau set thứ ba, và thắng nhẹ nhàng hai set còn lại. Nhìn qua thì tưởng Djokovic cũng vất vả khi phải trải qua năm set đấu, nhưng cách phân phối sức lực này thực chất không khiến anh bị vắt kiệt so với việc phải trải qua liên tiếp ba set căng thẳng.

Để kết luận, các tay vợt số 1 thế giới không hẳn là siêu nhân bất khả chiến bại, nhưng khi họ đang ở ngôi số 1, gần như không có cửa cho các tay vợt khác làm nên bất ngờ. Đơn giản vì họ là tay vợt số 1 thế giới, và chỉ cái danh xưng đấy thôi là đủ để nói lên đẳng cấp của họ. Hay nói cách khác, tay vợt số 1 thế giới sẽ không thua những tay vợt khác, họ chỉ thua những số 1 khác mà thôi, dù khi đó tay vợt chiến thắng đang không giữ vị trí số 1 vì nhiều lý do

Thái Hưng
.
.
.