NSƯT Tường Sơn: 86 mùa xuân én vẫn bay

Thứ Năm, 13/01/2005, 07:26

Vóc dáng bé nhỏ, chân đi vòng kiềng, giọng nói có tật nhưng nghệ sỹ kịch nói quân đội Tường Sơn vẫn miệt mài khổ luyện để trở thành một nghệ sỹ tài danh với những vai diễn để đời, mẫu mực cho các diễn viên trẻ nhìn vào mà học tập, rèn luyện. Giờ ở tuổi 86, ông vẫn giữ nguyên trong mình niềm đam mê và tình yêu với sân khấu.

Tôi đến thăm ông vào một chiều đông cuối tháng 12/2004, phải chào rất to ông mới nghe thấy, nghễnh ngãng là chuyện bình thường vì năm nay ông đã ở tuổi 86. Ông quỳ và gõ hai đầu gối xuống nền gạch như đánh trống, nghe rõ tiếng cùng cục của xương bánh chè, tôi vội thốt lên:
- Ơ kìa! Anh làm gì thế anh Sơn?
- Tớ vẫn tập hình thể đấy, ha ha ha!
- Nhưng anh còn làm nghề nữa đâu mà tập ghê thế, vỡ bánh chè thì sao?
- Còn lâu, mà đã là thói quen luyện tập 40 năm nay rồi, bỏ sao được.
Tôi đỡ ông ngồi lên ghế vì chỉ sợ có chuyện gì xảy đến với đầu gối của ông:
- Anh ngồi tiếp chuyện em đã rồi tập sau.
Xưng hô với ông như vậy nhưng thực ra ông hơn tôi những 20 tuổi, suy cho cùng nghệ sỹ làm gì có tuổi, xưng hô thế nào cũng được cốt là ở sự tôn trọng. Vâng, chúng tôi rất tôn trọng nghệ sỹ lão thành khoác áo lính với cái tên vững như bàn thạch: Vũ Tường Sơn.

Năm nay kỷ niệm 50 năm thành lập Đoàn kịch Quân đội, tôi đến mời ông tham gia màn nghệ thuật truyền thống mà tôi nhận trách nhiệm cấu trúc kịch bản và đạo diễn, ông sẽ vào vai "đinh" của ông đã từng thể hiện 40 năm trước trong vở kịch nổi tiếng của đoàn, đó là vai "Chánh Tòng" trong vở Chị Nhàn, tác giả Đào Hồng Cẩm. Có thể nói đó là một vai để đời của ông, thuộc loại kinh điển, mẫu mực cho các thế hệ diễn viên trẻ nhìn vào đó mà học, mà rèn luyện.

Mấy chục năm rồi tôi vẫn nhớ như in những câu đối thoại, những cử chỉ của ông trong vai Chánh Tòng, chứng tỏ vai diễn của ông đã ăn sâu vào tiềm thức của các nghệ sỹ cùng trên sàn diễn với ông và khán giả thời đó. Phải có một thái độ lao động nghiêm túc, tìm tòi sáng tạo chi tiết từng động tác hình thể, từng lời nói được trau chuốt bằng cảm xúc nghệ thuật, bằng tư tưởng, ý thức công dân mới đạt đến đỉnh đó, đến nỗi các bậc thầy và đồng nghiệp không còn chê vào đâu được. Sẽ còn rất lâu mới có ai đó đóng vai tên địa chủ bán nước đạt tới mức sâu sắc hoàn chỉnh như vậy.

Tất cả việc rèn luyện hình thể, tiếng nói của ông bao nhiêu năm qua là để phục vụ cho nghề nghiệp. Bản thân ông có những nhược điểm về vóc dáng như người bé loắt choắt, chân đi vòng kiềng, tiếng nói cũng có tật, vậy mà ông đã vượt qua bằng khổ luyện. Một lần ông ngã lộn từ cửa sổ tầng 2 xuống đất chẳng hề hấn gì cũng là nhờ rèn luyện hình thể thường xuyên.

Sau tuần trà nóng, ông nói với tôi:
- Thú thực trong hàng loạt vai được đảm nhiệm, tớ tâm đắc nhất với vai "Nghị hụt" vì vai đó có một kỷ niệm khó quên, mà vai đó là một thể nghiệm thành công của mình những gì đã học được qua hề Charles, hồi còn bé xem phim của Pháp.

Tôi biết rõ vở Nghị hụt là của tác giả Đào Hồng Cẩm viết vào cuối thập kỷ 50 thế kỷ trước, tuyên truyền cho cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam, đả phá sự thối nát của chính quyền ngụy Sài Gòn, một bức tranh biếm họa, một nhân vật hài hước đã được ông Tường Sơn tạo dựng ấn tượng, gây tiếng vang trên sân khấu nước nhà lúc bấy giờ, khi hài kịch chưa thành trào lưu như hôm nay, là điều đáng khích lệ. Ông còn khoe với tôi: - Cậu có biết không? Hôm đoàn được biểu diễn cho Bác Hồ và các cán bộ Trung ương xem vở Nghị hụt, sau khi xem xong, Bác gọi: "Ông Nghị hụt đâu? Chú Tường Sơn đâu?".  Mình hơi hoảng, tưởng Bác nhận xét phê phán vai mình diễn, không ngờ Bác đến đưa đĩa kẹo cho mình rồi nhón một chiếc và bảo: "Chú diễn rất đạt, Bác mời chú và chú mời các cô chú cùng ăn". Lời khen của vị Chủ tịch nước, của Nhà văn hóa lớn, còn sung sướng hơn tất cả những phần thưởng mà mình có được.

50 thành lập Đoàn kịch Quân đội, ông lại sống với nhân vật Chánh Tòng trong trích đoạn Chị Nhàn. Khi vở diễn bắt đầu, mọi người im phăng phắc, đặc biệt là các vị tướng tá đã qua thời kỳ 40 năm trước được xem vở này với những hồi ức khó quên. Khi ông Tường Sơn bước ra và cất tiếng nói của nhân vật, tiếng vỗ tay vang dậy, rồi những nghệ sỹ cùng thời với ông mắt đỏ hoe vì cảm kích, xúc động như quá khứ đang sống dậy trong lòng. Một đồng nghiệp bên cạnh ghé tai tôi: Không biết lớp trẻ hôm nay có vai diễn nào để 40 năm sau được khán giả nhớ tới như thế này? Rồi ông lại tự giải đáp: Khó, rất khó, không tích lũy vốn sống, không chịu khó rèn luyện, làm gì có thành công vững bền.

Một đời nghề 50 năm thật đáng trân trọng biết bao! Thành công của ông là tình yêu và lao động miệt mài vì nghệ thuật sân khấu, thế hệ cháu con phải học những đức tính cần cù, chịu khó rèn luyện của ông, phải chịu quan sát, tích lũy vốn sống, nếu muốn có những sáng tạo nghệ thuật để đời.

Năm mới chúng ta cầu chúc cho Nghệ sỹ ưu tú Tường Sơn có một sức khỏe dồi dào để truyền nghề cho lớp kế tiếp của sân khấu quân đội. Chúng ta tự hào một nghệ sỹ khoác áo lính ở tuổi xưa nay hiếm - 86 mùa xuân én vẫn bay

Đức Trung
.
.
.