NSƯT Tuệ Minh: "Lửa cháy trong lòng!"

Chủ Nhật, 05/03/2006, 07:57

Tôi đã rất phân vân khi lựa chọn đại từ nhân xưng để gọi NSƯT Tuệ Minh trong cuộc trò chuyện này. Đã ba mươi năm trôi qua kể từ khi lần đầu xem vở kịch "Cách mạng" (kịch bản: nhà văn Nguyễn Khải) do Đoàn kịch nói Điện ảnh trình diễn nhưng tôi vẫn nhớ như in hình ảnh Tuệ Minh trong vai nhân vật thiếu nữ Sài Gòn ngày đầu giải phóng: áo đỏ bỏ trong quần Âu trắng, trẻ trung, hồn nhiên, thẳng thắn, như chưa từng bao giờ phải biết thế nào là sợ. Và đặc biệt là giọng nói đầy mê hoặc...

Sau này, dù xem nhiều tác phẩm khác có Tuệ Minh và nghe không chỉ một câu chuyện buồn về cuộc sống trông bề ngoài thì dễ dàng và mãn nguyện nhưng bên trong lại không ít những éo le, những khúc ngoặt của người nữ nghệ sĩ tài năng này, tôi vẫn không quên được hình ảnh thanh tân trong "Cách mạng". Và dù khoảng cách tuổi giữa tôi và NSƯT Tuệ Minh không gần gụi lắm đâu, tôi vẫn gọi Tuệ Minh là chị... Xin ai đó đừng cho tôi như vậy là khiếm nhã.

Muốn được nhìn nhận đúng

- Thưa NSƯT Tuệ Minh!

- Xin cứ gọi tôi là nghệ sĩ. Chỉ cần hai tiếng như thế cũng đủ mênh mông... Mà trước tiên, tôi cũng xin được hỏi lại bạn đã, có phải bạn là người đã viết bài về tôi đăng trên Báo ANTG Cuối tháng năm trước không?

- Vâng, chính tôi!

- Vậy xin cảm ơn, chân thành cảm ơn bạn! Ta có thể nói chuyện cởi mở với nhau nhé!

- Thưa nghệ sĩ Tuệ Minh, thời gian không chỉ lưu lại dấu vết trên gương mặt chúng ta mà cả trong những suy tư nữa. Và có lẽ vì thế, đôi khi nhìn lại quá khứ, ta cảm thấy lạ lẫm với hình ảnh của chính mình thời trẻ. Chị có cảm giác thế nào mỗi lúc tình cờ hồi nhớ lại thời xưa?

NSƯT Tuệ Minh thời trẻ.

- Thực lòng, tôi rất ngại tiếp xúc với các phóng viên khi biết họ có ý định làm phim chân dung hoặc viết bài về mình.

"Xin cho tôi được tiếp tục bị lãng quên!
Máu nghề nghiệp trong tôi chưa tan loãng,
Nên tôi được mặc sức soạn bữa trong nhà bếp,
Có phải sẽ lợi ích và công bằng biết bao!"
Tôi thường tìm cách thoái thác như vậy với các nhà báo đấy. Với bạn, tuy là lần đầu gặp gỡ nhưng đã cho tôi ấn tượng tốt từ bài viết năm trước.

- Rất hân hạnh được chị ưu ái! Cũng xin nói thật là, tôi không hề muốn "tọc mạch" những chuyện đời tư của NSƯT Tuệ Minh, nhưng với tư cách một người hâm mộ, rất muốn biết rõ hơn về người nghệ sĩ mà mình yêu quý và kính trọng. Chắc là chúng ta sẽ khó tránh khỏi những câu hỏi về một thời đã qua, đã xa hoặc vẫn còn đang gần gụi... Thông thường các nghệ sĩ đều chỉ muốn để công chúng nhìn thấy mình ở những góc độ hào quang, chứ không mấy ai muốn "vạch áo cho người xem lưng". Nhưng được nhìn nhận đúng cũng là điều thích thú và bổ ích chứ. Và dám sống đúng với thực chất của mình mới là điều đáng mơ ước. Chị nghĩ thế nào?

- Vâng, sự chân thực bao giờ cũng giá trị hơn mọi hào quang giả tạo...

- Mình sinh ra là để sống cuộc đời của mình cơ mà! Hình như văn hào Nga Gorky từng nói, phải có trí tuệ, dù nhỏ bé, nhưng là của mình. Tôi vẫn nghĩ rằng, ở đời, ai chẳng muốn thành đạt, nhưng thành đạt mà phải trả bằng cái giá là đánh mất mình, đánh mất những tiêu chí của mình thì thực quá đắt. Chẳng có gì ở đời xứng đáng để ta phải mất mát như thế! Thà để người ta không hiểu mình còn hơn là mình phải làm những việc không phải của mình.

- Đúng thế! Tôi cũng từng bị bức xúc khi nghe những ý kiến đánh giá không chuẩn xác về diễn xuất của mình. Tác động không nhỏ là, đôi khi sự áp đặt cách nhìn chủ quan của một vài nhà báo "nói dựa" đã làm không ít khán giả hoang mang khi tiếp nhận vai diễn này hay vai diễn khác. Tôi nhớ, khi tôi mới đi học ở Liên Xô về, vào vai Hương trong phim "Vợ chồng anh Lực". Có người lúc đó đã nói với đạo diễn, anh thật liều, anh đã chọn "Tây đầm" vào đóng nông dân. Tôi nghĩ, đạo diễn đã dũng cảm nhận cái kịch bản quá sơ lược đó để làm phim. Và anh ấy đã nói với hai diễn viên chính: "Ta cùng chết với nhau vậy! Nhưng tớ vẫn tin ở các bạn...". Kết quả là bộ phim đã thành công... Tôi đã diễn vai ấy một cách rất mềm mại, tự nhiên, diễn mà như không diễn. Anh cũng hiểu, mình diễn mà để cho người xem cảm thấy như mình không diễn, mình đang sống thực, là rất khó, đôi khi phải "tu luyện" một đời mới thành. Thậm chí, có khi "tu luyện" cả đời mà vẫn không bao giờ đạt được điều đó...

Rồi tới vai xơ Khuyên trong phim "Ngày lễ thánh", đây là một vai diễn có nhiều tâm trạng, tôi không thể diễn như vai Hương trong "Vợ chồng anh Lực" được. Tôi nghĩ, người diễn viên không có kỹ năng biểu diễn thì chỉ đóng được một vai minh họa chính mình là hết rồi... Khi đã biết diễn xuất (không hề diễn) thì đó là tài năng lớn, cao hơn rất nhiều so với sự không biết biểu diễn mà cứ tự nhiên, như nhiên... Tất nhiên, đánh giá bình luận thế nào về các vai diễn là quyền của mỗi khán giả, của mỗi nhà báo, nhưng tôi vẫn buồn khi thấy mình không được hiểu đúng, đánh giá đúng. Ở đời, được hiểu đúng là quan trọng lắm! Không phải lúc nào cái mình muốn chọn cũng là cái mình được chọn!

- Chắc chị cũng nhớ, cái thời chị học ở Liên Xô từng có một bộ phim truyền hình rất phổ biến là "Bước biến đổi lớn". Trong phim có một bài hát rất hay của một cô gái không được ý trung nhân để ý tới, lời có đoạn, tạm dịch là: "Ta chọn người, người chọn ta, Chẳng mấy khi trùng làm một"...

- (cười)...

Đóng vai bà già từ khi còn trẻ

- Chị còn nhớ mình bước chân vào làng nghệ thuật như thế nào không?

- Dạo đó là những năm 1952-1953. Tôi học ở Bắc Giang. Lớp học có nhiều lứa tuổi. Tôi vào loại bé nhất. Tôi còn nhớ, có lần lớp tôi học phải tham dự một khóa cải tạo tư tưởng. Cả lớp ngồi thảo luận với nhau. Các anh giục tôi phát biểu. Tôi lúc đó nhát lắm, mặc dù là cây văn nghệ khá nổi trong trường. Nghĩ mãi cũng chẳng biết mình phải cải tạo tư tưởng về chuyện gì đành chỉ nói gọn một tiếng: "Vâng, tôi cũng đồng ý!".--PageBreak--

- Bao giờ cũng thế, đồng ý là dễ nhất!

- (cười): Lúc đó có phong trào thanh niên xung phong. Tôi muốn tham gia nhưng vì bé quá nên cứ bị gạt ra ngoài. Tôi đành phải tự tìm con đường khác để đến cùng thực tế kháng chiến. Tôi tìm lên chỗ bà cô, bà là em ruột nhà văn Kim Lân. Lên đấy, cô tôi bảo, nếu cháu muốn thì hãy tới cùng một đơn vị bộ đội đang đóng quân gần đây, gần Bắc Giang. Tôi nghe lời. Tôi vốn là người sợ máu, thế mà đêm đầu tiên ở cùng đơn vị bộ đội, đã gặp ngay cảnh một đồng chí bị hy sinh trong khi đi làm đường. Tôi phải tham gia vào việc khênh xác đồng chí ấy đi khâm liệm. Tôi hãi quá. Và điều này đã gây ra ấn tượng rằng tôi đi tham gia kháng chiến rồi mà còn "tiểu tư sản" quá!... Rồi sau đó đã diễn ra một cuộc gặp tình cờ. Có anh bộ đội trông thấy tôi đang lăn lộn cùng đơn vị làm đường, đã kéo tôi ra một chỗ mà bảo: "Em ơi, việc này đâu phải dành cho em. Hãy để cho những chàng trai lực lưỡng làm việc này. Chỗ của em phải là nơi múa hát!". Nghe thấy vậy, tôi buồn lắm. Tôi về lại chỗ bà cô. Tình cờ, nhà văn Kim Lân ghé ngang qua đấy. Hay chuyện, ông mới đưa tôi lên với Đoàn Văn công Trung ương ở gần Thái Nguyên. Lãnh đạo lúc bấy giờ của Đoàn là những ông Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Thế Lữ, Học Phi... Các ông ấy bảo tôi diễn thử, tôi cũng hát, múa thử ngay. Và được nhận vào Đoàn! Có một chuyện mà tôi nhớ mãi, lúc đó, tôi cứ gọi các ông ấy bằng chú với bác. Ông Thế Lữ mắng ngay: Đây đâu phải gia đình mà chú với bác, gọi là anh thôi! Thành ra từ đó về sau, tôi gọi Thế Lữ là anh và gọi Nguyễn Đình Nghi cũng là anh!

- Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi là con trai nhà thơ Thế Lữ...

- Thì thế! (cười) Tôi vẫn nhớ là, lần đầu tiên tôi lên sân khấu là trong hoạt cảnh "Trận cầu Vó ngựa", âm nhạc của anh Lê Yên. Trong hoạt cảnh này có đoạn nói về đoàn người tản cư, già có, trẻ có. Ông Thế Lữ chỉ tôi bảo, hóa trang cho cô bé này thành bà già! Thế là tôi thành bà già trong vai diễn đầu đời. Tan vở, ngồi một mình, nước mắt bất giác ứa ra, chắc mình xấu lắm nên đạo diễn bảo đóng bà già...

Không lạm dụng nghệ thuật vào đời thực

- Ai cũng bảo rằng nghệ sĩ hay xúc động, và nói xin lỗi chị, hay "léng phéng" với nhau. Ít ra là bây giờ thì tình hình như thế. Thế khi chị còn trẻ, các diễn viên ở thế hệ của chị có thế không?

- (cười):...

- Làm diễn viên là nghề của cảm xúc, của những rung động dễ dàng và trăng gió. Đứng đắn quá thì làm sao mà hóa thân tốt vào các nhân vật được, nhất là những nhân vật có tình yêu dành cho nhau?

- (lại cười):...

- Chị trông rất là dễ thương, mà lại nghiêm ngắn trong quan hệ tình cảm đến vậy. Mà nói thực, đời nghệ sĩ ở thời nào cũng có quá nhiều cám dỗ. Dễ dãi và ngọt ngào. Nhưng riêng chị lại không "nữ nhi thường tình". Vì sao? Vì sợ bị kỷ luật ư?

- Không phải, đơn giản là tôi xác định rõ ràng ranh giới giữa cuộc đời và nghệ thuật. Tôi không lạm dụng quan hệ của nhân vật vào trong đời thực.

NSƯT Tuệ Minh thời trẻ.

- Có thể hiểu thế này, ngay cả những người làm nghệ thuật cũng vẫn có thể làm tròn chức phận mà vẫn giữ được trái tim tỉnh táo. Quan trọng nhất là phải có thái độ chuyên nghiệp đối với nghề và tinh thần trách nhiệm đối với cuộc đời của mình? Theo chị, có đúng như vậy không ạ?

- Đúng thế! Tôi là một phụ nữ "tiểu tư sản". Nhưng tôi không chấp nhận thứ tình cảm nhập nhằng... Không dám nhận rằng mình lúc nào cũng tỉnh táo, nhưng khi nhận thấy thứ tình cảm không lành thì tôi dám can đảm tự đương đầu và tự xử, trước tiên là đối với bản thân mình... Làm nghệ thuật, ai tránh được những sự rung cảm, xao xuyến...

- Nhưng từ rung cảm, xao xuyến tới mê nhau, yêu nhau vẫn còn một quãng đường dài...

- Đúng thế!

- Tôi hiểu là chuyện riêng tư quá khứ thì không nên bị thóc mách quá. Nhưng tôi vẫn muốn hỏi, chị gặp nhà văn Nguyễn Đình Thi lần đầu từ bao giờ?

- Từ trong kháng chiến chống Pháp. Anh Thi gửi bà mẹ vợ và 2 con nhỏ mồ côi mẹ cho đoàn tôi, khi anh đi chiến dịch Điện Biên Phủ...

Từ khi nào chị và nhà văn Nguyễn Đình Thi quyết định gắn bó số phận với nhau?

- Chuyện dài lắm. Tôi coi anh Thi như một người anh cả. Chính anh Thi đã gả chồng cho tôi, một người chồng có học, tử tế, có tâm hồn nghệ sĩ... Sau này, khi tôi và anh Thi đã sống cùng nhau, anh đã thổ lộ, anh mến em ngay từ trong kháng chiến, nhưng anh cảm thấy mình không có quyền tỏ tình với em vì em còn trẻ quá, còn anh thì góa vợ, lại có thêm mấy đứa con nữa...

- Chị nhớ gì về hình ảnh nhà văn Nguyễn Đình Thi những năm đó?

- Đó là một ông anh tốt, chân thành. Và tôi tin tưởng anh. Anh đã tâm sự với tôi bao điều. Chuyện anh yêu ai, vì sao anh lấy vợ, vì sao anh đã sống như thế...

- Và chị cảm thấy xót xa vì một người nghệ sĩ tài hoa mà lại phải khổ như vậy?

- Tôi chỉ thấy thương cho ông anh mình. Lúc đó, tôi chưa có khái niệm anh Thi là một người tài. Tôi thương anh bằng tình cảm của một cô em gái. Tôi nghĩ về anh ấy như về một người đàn ông trông có vẻ vững vàng trong mọi chuyện nhưng hóa ra lại có nhiều nỗi niềm đến thế. Mà phải nói rằng, anh Thi là một người rất dịu dàng...

- Đã từng làm thơ thì ai cũng dịu dàng với người phụ nữ mà mình cảm mến. Chị có nhớ kỷ niệm nào từ mùa thu xa xôi 1954 với nhà văn Nguyễn Đình Thi không?

- Anh Thi bao giờ trò chuyện với tôi cũng rất nhỏ nhẹ. Có lần, anh hỏi tôi: "Em đã đọc Kiều chưa?". Tôi đỏ mặt trả lời: "Chưa ạ!". Anh bảo: "Ấy chết, em phải đọc Kiều đi chứ!". Thế là tôi tìm "Truyện Kiều" đọc, anh mình đã bảo thì mình phải làm, không lần sau gặp, biết nói với anh thế nào!

- Chị còn nhớ chuyện gì nữa?

- Sau ngày tiếp quản Thủ đô năm 1954, hai anh em rủ nhau thăm Hà Nội và đi lên cầu Long Biên. Rét cứ là run lên!

Mùa đông mà. Và chị có thấy lúc đó "nghìn lá sắc trổ cờ trên ngọn mía" như một nhà thơ sau này viết không?

- Làm gì có! Lúc đó hai bên bờ sông Hồng trống vắng, chẳng có nhà cửa hay vườn tược gì đâu. Chỉ lơ thơ vài cái cây thôi...

- Và từ nỗi lạnh trong lòng mà nhà văn Nguyễn Đình Thi đã tỏ tình với chị?

- Không, không có chuyện ấy đâu. Khi anh Thi tới xin phép đơn vị cho tôi đi chơi cùng với anh, anh đã mua cho tôi một bó hoa hồng. Anh bảo, anh rất thích nhìn những cô gái xinh đẹp ôm hoa hồng. Tôi lúc ấy cứ thấy ngại vì thương anh Thi chỉ có đồng lương bộ đội, lại còn phải nuôi con nữa, mua hoa hồng thế này thì tốn tiền lắm!... Rồi hai anh em đi chơi khắp nơi và đi lên cầu, ngắm cảnh, chuyện trò, quên cả thời gian... Chợt tôi nhận ra rằng sắp tới giờ biểu diễn rồi, nếu tôi không về kịp giờ mở màn thì thể nào cũng bị kỷ luật. Tôi bối rối. Anh Thi bình tĩnh cầm tay tôi bước qua lan can vào đường tàu hỏa. Hai anh em nhích từng bước nhỏ, đi tắt nên cũng rút ngắn được thời gian! Tôi như rơi cả tim khi nhìn xuống phía dưới chân mình, nước sông Hồng cuồn cuộn chảy. Tới nơi, cũng kịp giờ mở màn. Sau này có lúc tôi nói, em sợ quá, sao anh bạo thế! Anh đáp, không thể để em muộn giờ được!...

- Hình như về sau chị có viết bài thơ về chuyện này?

- Tôi viết bài "Chiều đông" khi nhớ anh, nhớ về kỷ niệm 50 năm gặp gỡ từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Lần ấy, hai vợ chồng đi trên phố. Anh Thi sảy bước, loạng choạng, tôi cuống cuồng đỡ lấy anh. Tôi nhớ chiều đông năm 1954, anh đã dắt tôi đi trên cầu Long Biên: "Chiều đông xa mênh mang, Anh dắt em vững vàng. Sang chiều đông hôm nay, Đỡ Anh, em quáng quàng... Bước qua nửa thế kỷ, Chìm nổi hai cuộc đời!".--PageBreak--

"Sao mà em ngốc thế!"

- Tới năm nào thì chị và nhà văn Nguyễn Đình Thi bắt đầu sống với nhau?

- Sau khi anh Thi gả chồng cho tôi rồi, thỉnh thoảng anh em mới gặp nhau thôi, thường là trong những hoạt động chung của giới văn nghệ sĩ. Là anh em kết nghĩa nên anh Thi thương tôi lắm. Rồi nhiều chuyện xảy ra trong đời của mỗi người. Đến năm 1983, tôi đi sang Moskva trong thành phần đoàn điện ảnh Việt Nam tham dự một hoạt động quốc tế. Lúc đó, anh Thi sang Tiệp Khắc công tác. Khi hay tin tôi đang ở Moskva, mặc dù có thể ở Tiệp Khắc để nghỉ thêm một số ngày, anh Thi đã xách vali sang Liên Xô liền. Tôi lúc đó đang nghỉ ở khách sạn Rossia. Bỗng chuông điện thoại ở phòng vang lên. Tôi cầm máy và nghe thấy: "Anh Thi đây!". Lúc đó, ở Moskva cũng có một anh bạn tên là Thi, chưa bao giờ dám xưng anh với tôi, mà tôi cũng mới gặp xong. Tôi nghĩ thầm: "Ái chà, vừa thế đã lại dám xưng anh với mình à! Lắm chuyện nhỉ!". Và tôi giở giọng nghiêm nghị: "Thi nào ạ?". "Anh Nguyễn Đình Thi đây mà!". Tôi reo lên, em xin lỗi, anh đang ở đâu? Thế là hai anh em cuống quýt trò chuyện với nhau. Rồi anh bảo tôi tới khách sạn Ucraina, nơi anh trọ.

Tôi cứ rớt cả nước mắt: anh vừa đi chiến trường về, trông anh lúc ấy thực tội nghiệp, gày xanh, ốm yếu! Sức khỏe của anh bị xếp loại D, tức là không còn loại nào tồi tệ hơn nữa... Anh nhỏ nhẹ, anh đã có tình cảm với em từ lần đầu gặp gỡ nhưng anh biết là mình không có quyền gì với em, em trẻ trung, trong sáng như vậy... Nhưng hôm nay, anh phải nói với em điều mà anh từng dự định là sẽ sống để dạ chết mang theo... Anh không biết còn sống được hơn hai năm nữa không... Tôi cảm thấy đắng hết cả miệng, cúi gằm mặt nói: Hồi đó, em nghĩ anh có cảm tình với chị X; em từng cố gắng vun vào cho chị ấy với anh... Anh cốc một cái vào đầu tôi và bảo: "Sao mà em ngốc thế!". Đấy, anh ấy tỏ tình với tôi như vậy đấy!

- Chị đã sống với nhà văn Nguyễn Đình Thi 20 năm, cho tới khi ông qua đời. Theo chị, nhà văn Nguyễn Đình Thi có thể được đánh giá thế nào với tư cách một người chồng?

- Anh ấy là một người chồng mà khi còn sống, tôi chưa cảm thấy hết được tất cả tình cảm của anh ấy. Chỉ khi anh ấy qua đời rồi, tôi mới cảm nhận được hết tôi đã bị mất một điều to lớn thiêng liêng thế nào.

- Một chỗ dựa? Một niềm tin? Hay là...

- Không chỉ có vậy. Tôi cảm thấy một nỗi thiếu hụt khủng khiếp và đau đớn. Tôi cứ nghĩ, giá người chết đi là mình chứ không phải anh thì có lẽ mình sẽ dễ chịu hơn... Mới rồi sang Pháp chơi với cháu ngoại và con gái Phương Phương, lúc đi dạo bên bờ biển, nhìn thấy những cặp vợ chồng già cặp kè với nhau, tôi bất giác nghĩ, rồi về nhà mình phải kể cho anh Thi nghe chuyện này mới được, họ có đôi, mà mình lại phải một mình. Rồi sực tỉnh, mình lẩn thẩn rồi, kể làm sao với anh Thi được nữa, anh mất rồi!

- Chị vẫn chưa mất thói quen có gì cũng san sẻ với chồng, ngay cả khi nhà văn Nguyễn Đình Thi đã qua đời mấy năm rồi!

- (im lặng):...

- Khi viết, nhà văn Nguyễn Đình Thi có hay đưa cho chị đọc kiểm nghiệm không?

- Bao giờ tôi cũng là người đầu tiên được nghe anh Thi đọc khi anh viết xong. Khi tôi vào dạy trong Trường Điện ảnh TP HCM thì anh ấy đọc cho tôi nghe qua điện thoại những gì đã viết và hỏi: "Em thấy thế nào?".

- Nhà văn Nguyễn Đình Thi có nghe theo lời khuyên của chị để sửa những bài viết của mình không?

- Có chứ. Có lần đọc xong tôi nói, em thấy tên bài như thế này cũng được nhưng hơi khô... Anh Thi hỏi: Thế theo em thì nên đặt tên bài thế nào? Tôi nói ý kiến của mình và anh Thi sửa theo ngay...

- Một người rất là tin ở vợ!

- Rất tin ở vợ! (Khẽ lắc đầu) Nhưng không bao giờ tôi vì thế mà lại lạm dụng lòng tin của anh ấy. Sống với anh Thi, tôi mới thấy hết sự chịu đựng vất vả, khổ sở đến thế nào của anh. Anh Thi đã luôn nhịn miệng cho người khác. Có lần, tôi với anh đi đâu đó lên trên mạn Hàng Đào, Hàng Ngang. Thấy mấy người đeo kính đen ngồi bán hàng trên vỉa hè, anh Thi hỏi: "Họ làm gì thế hả em?". Tôi đáp: "Họ bán hàng đấy anh ạ, họ bị mù!". Anh chép miệng: "Khổ quá! Hôm nào có nhuận bút thơ, ta sẽ giúp họ!". Tôi mới bảo: "Anh muốn tặng cũng được nhưng đừng nghĩ là họ khổ hơn anh. Bữa ăn của họ còn sang hơn của anh, có cá, có thịt, chứ anh ăn thì toàn là rau!".

- Đó là thời bao cấp!

- Thời bao cấp! Vậy nên khi sống với anh Thi, tôi cố gắng làm tròn chức phận người vợ, săn sóc anh, bù trì cho anh... Có lần, anh nói, em chiều anh quá, anh giờ cứ sướng như một ông vua ấy!

- Những người từng chịu nhiều mất mát trong đời sống tình cảm rất dễ xúc động trước những sự săn sóc, chăm chút của người khác dành cho mình.

- Có lúc tôi đã giận anh, tại sao anh lại nói vậy. Anh phải được hưởng những gì anh xứng đáng được hưởng. Cả đời, anh Thi cứ luôn bị chi phối bởi công việc, bởi nghĩa vụ. Anh ít sống cho mình quá!...

"Em lửa cháy trong lòng!"

- Chị đã từng viết trong một bài thơ: "Em chưa về, Anh đứng ngồi không yên, Lúc vắng Anh, Em lửa cháy trong lòng!". Mộ của nhà văn Nguyễn Đình Thi ở Mai Dịch. Chị có thường xuyên vào đấy không?

- Lúc anh ấy mới mất thì một tuần tôi vào 2 lần, có tuần vào 3 lần. Bây giờ một tháng độ 2-3-4 lần... Tôi nhớ, ngày trước, khi hai vợ chồng đi vào mộ của các cụ nhà anh Thi, thắp hương lên rồi, anh ấy cứ ngồi ở cạnh mộ mà lầm rầm, các cụ hẳn vừa lòng với cô con dâu này rồi...

- Nhìn lại quá khứ, có điều gì còn làm chị phải nuối tiếc không?

- Tôi luôn luôn cảm thấy mình muốn làm việc mà chưa khi nào được làm việc đúng sức mình cả. Tôi muốn làm tốt hơn cho những người mình thương yêu, nhưng đôi khi "lực bất tòng tâm". Ai cũng có lúc như thế, phải không bạn?!

- Cuộc đời là một chuỗi những cơ hội bị bỏ lỡ. Tôi hiểu là trong quá khứ đã có nhiều chuyện phiền toái đến với chị vì những việc mà chị không có lỗi. Nhưng dẫu sao, chị đã từng hạnh phúc? 20 năm sống với một nhà văn lớn, đó là khoảng thời gian đâu có ngắn ngủi!

- Đã có hạnh phúc và đã có những bất hạnh. Nhưng đó là cuộc sống, phải không bạn?

- Đó là cuộc sống. Tôi nhớ là chị từng có câu thơ viết tưởng niệm nhà văn Nguyễn Đình Thi: "Tránh không được nỗi đau trần thế, Chẳng việc chi thân thể đọa đầy! Từ đây Anh thảnh thơi bay, Trong vòng tay trời đất an bài!". Hiểu được như thế là hiểu được lẽ đời rồi... Xin cảm ơn chị đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này!

.
.
.