NSƯT Trọng Trinh: Đào hoa và trắc trở

Thứ Sáu, 10/07/2009, 16:12
Cuộc sống của Trọng Trinh, theo như anh đúc kết là những tháng ngày mê đắm trong những nhân vật, những thước phim. Nhưng dường như, thành công trong sự nghiệp lại đồng nghĩa với việc đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Anh ngậm ngùi chia tay một mối tình đẹp và lãng mạn với người con gái, người vợ anh từng yêu thương say đắm. Hơn một năm trôi qua, Trọng Trinh cũng đã vượt qua những khủng hoảng để nuôi dạy hai cậu con trai ăn học.

Trọng Trinh sinh ra trong một gia đình công chức. Bố anh nguyên là một cán bộ của Bộ Văn hóa nên gia đình được phân nhà trong khu tập thể văn nghệ sĩ. Từ thuở nhỏ, Trọng Trinh cùng với những đứa trẻ sống trong khu nhà văn hóa ấy quen với ánh đèn sân khấu của nhà hát như quen với cơm ăn nước uống hàng ngày. Những đêm diễn kịch, anh và chúng bạn thường đứng sau cánh gà xem các cô bác trong đoàn hóa trang cho từng vai diễn.

Trong ký ức của Trọng Trinh, mặc dù các bác Đoàn Dũng, Phạm Bằng, Trịnh Mai, Trần Hạnh… là những diễn viên kỳ cựu trên sân khấu nhưng luôn gần gũi, vui đùa với các cháu nhỏ, xem chúng như con cháu trong gia đình. Cũng chính sự gần gũi ấy đã gieo vào lòng cậu bé Trọng Trinh một sự đam mê sân khấu. Anh từng nghĩ: "Ôi, đi diễn kịch thì có gì khó nhỉ, các bác ấy cũng là con người giống như mình mà các bác ấy làm được thì chắc mình cố gắng cũng sẽ làm được thôi?". Trọng Trinh đã cùng chúng bạn trong khu tập thể bày ra nhiều vở kịch rồi tự diễn cho nhau xem, và anh thường là người làm “đạo diễn” cho những vở kịch thuở học trò ấy.

Mưa dầm thấm lâu, đi về trong khu văn nghệ sĩ, dần dần, nghề diễn đã ăn sâu vào máu của chàng trai hiền lành nhưng hiếu động và tài hoa. Đôi lúc Trọng Trinh mong ước được là nhân vật trong vở diễn vừa xem, được hóa thân thành một con người khác, sống một cuộc đời khác… để nhận được những tiếng cười, tiếng vỗ tay, thậm chí cả nước mắt của khán giả đang ngồi kín cả rạp hát.

Niềm đam mê ấy đã thành hiện thực. Trọng Trinh thi đỗ vào khóa 1 Nhà hát Kịch Trung ương. Bốn năm học là quãng thời gian anh được phân thân trong từng vai diễn. Anh đã tốt nghiệp loại ưu với vai diễn Côlêxốp trong vở "Cuộc chia tay tháng 6" do NSND Trọng Khôi dàn dựng.

Quãng những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều khán giả vẫn nhớ như in chàng Phó tiến sĩ Tiến Tùng trong vở "Hão", Trung úy công an Cường trong vở "Nhân danh công lý"... Nói về những vui buồn hồi còn là diễn viên kịch, Trọng Trinh kể: "Hồi đóng vở "Ngụ ngôn năm 2000", tôi phải dán râu giả. Suất diễn đêm ấy trời nóng quá nên mồ hôi đầm đìa và ria mép ở phía bên trái của tôi bị lệch. Tôi diễn say quá nên không nhận biết điều đó, mặc dù đã được bạn diễn khéo léo nhắc nhở. Nhìn vào cánh gà, nhiều người đưa tay lên môi ra ám hiệu nhưng tôi vẫn không hiểu. Thực tình khi diễn, tôi ít để ý đến những ngoại cảnh tác động mà mê đắm hóa thân vào nhân vật. Không tập trung dễ quên lời lắm. Cho đến khi một bên ria đã… rơi xuống. Lúc đó tôi mới vỡ lẽ thì khán giả đã được một trận cười vỡ bụng. Tuy nhiên, để rút kinh nghiệm thì suất diễn hôm sau tôi không dán râu nữa mà vẽ luôn trực tiếp vào da cho... chắc chắn".

Một kỷ niệm nữa khiến Trọng Trinh mỗi lần nhớ đến lại không khỏi cười thầm. Nó như bài học về lòng yêu nghề, say nghề. Số là trong vở diễn “Nhân danh công lý”, một người bạn diễn của Trọng Trinh phải đeo một hàm răng giả. Đóng cặp với nhau cả trăm suất diễn, nhưng hôm ấy hứng chí thế nào, trong một màn tức giận, người bạn diễn của anh đã quát đến... bật cả hàm răng giả ra sân khấu. Nó lăn lọc cọc vài vòng mới dừng lại. Khán giả được dịp cười bò cho dù ánh đèn sân khấu lúc ấy đã kịp tắt. Trong quá trình đi tìm răng, lúng túng thế nào người bạn diễn lại quên tắt loa đeo theo người, mấy câu hỏi "Răng nó rơi ở chỗ nào, có thấy không?", thậm chí có vài câu chửi thề vào míc vang hết cả sân khấu. Khán giả lại càng bò ra cười. Cuối cùng răng thì cũng tìm thấy nhưng phải mất cả tiếng để ổn định lại trật tự trong khán phòng và để diễn viên lấy lại cảm hứng. Đó là những "nghiệp nạn" hy hữu mà diễn viên sân khấu phải chấp nhận.

Sau khi bộ phim "Săn bắt cướp" được trình chiếu năm 1989, với gương mặt điển trai, hơi "lạnh lùng" và những pha bắt cướp ngoạn mục, Trọng Trinh (vai chàng chiến sĩ công an Nam Hà) đã làm xiêu lòng không ít cô gái trẻ. Trong đó, cây bút trẻ Đinh Thu Hiền đã có những vần thơ đề từ riêng tặng Trọng Trinh: "Tôi đã chôn sao anh cứ hiện về/ Nấm mồ ấy không một lần hương khói/ Vùi sâu anh trong quãng đời nông nổi/ Tôi bồi hồi… tôi bối rối… tôi yêu". Bài thơ tình lãng mạn và xúc động của nữ thi sĩ Đinh Thu Hiền cũng đã đoạt giải nhất cuộc thi Tác phẩm tuổi xanh năm 1989. Nó được hầu hết những người đã yêu, đang yêu chép vào sổ tay thơ, như là cách nói hộ tâm trạng của mình về một tình yêu không về tới bến. Nhớ lại câu chuyện ấy,

Trọng Trinh tâm sự: "Tôi hiểu tình cảm của Hiền. Nhưng tôi biết đó chỉ là tình cảm nhất thời của một người yêu nghệ thuật và yêu thích nhân vật của tôi. Ranh giới giữa việc yêu vai diễn và yêu người diễn vai đôi khi rất mong manh, mà tôi thì không có cơ hội để giải thích với Hiền. Khi ấy, tôi chỉ còn biết im lặng nhận thơ, mong cho thời gian qua nhanh, Hiền trưởng thành hơn và sẽ hiểu rõ giới hạn này. Cũng may mắn cho tôi, sau nhiều năm, Hiền đã thôi làm thơ tặng anh cảnh sát, còn tôi vẫn giữ lại được cho mình tình cảm yêu mến chân thành của cô gái hâm mộ".

“Nhưng thú thật - Trọng Trinh nói tiếp - nếu không có những tình cảm tốt đẹp ấy thì đời sống của người diễn viên có lẽ buồn tẻ biết bao nhiêu. Nghề diễn của tôi đủ ăn qua ngày đã là may, nữa là còn phải nuôi vợ, nuôi con... Trên màn ảnh, mình trở thành thần tượng, chứ hồi ấy, ngoài đời tháng nào gần như tôi cũng nợ mấy chục nghìn bà bán nước chè, bánh rán ở cổng cơ quan". --PageBreak--

Dù muốn hay không chàng trai hào hoa Trọng Trinh cũng có những phút xao lòng để làm "gia vị" cho đời sống mà không bao giờ vượt quá giới hạn cho phép. Trọng Trinh kể, đã có lúc anh phải vượt qua những ngày tháng "khó khăn" nhất trong cuộc hôn nhân kéo dài hơn 20 năm với người đẹp đất Cảng, người con gái mà anh đã phải vượt lên tất thảy những ngăn cản của gia đình, bạn bè để đi đến hôn nhân. Cuộc sống vợ chồng chật vật, đã có lúc anh từng phải nghỉ không lương ở Nhà hát Kịch để mở của hàng bán quần áo Sida, cho dù đối với anh, bỏ nghề để đi buôn là một bi kịch của nghệ sĩ. Nhưng anh không còn cách lựa chọn nào khác.

Buôn bán chưa được bao lâu, cửa hàng nhỏ ấy cũng bị bọn trộm dòm ngó và cuỗm đi sạch đồ đạc cùng chiếc Honda 82. Buồn bã vì vận hạn, còn một thứ có giá trị trong nhà là chiếc catsette, Trọng Trinh đã quyết định bán để cùng một người bạn vào An Giang làm bầu sô ca nhạc, mở một nhóm hát và đóng kịch câm. Tiền kiếm được cũng khá nhiều, nhưng dường như, trong thâm tâm, anh vẫn luôn nhớ những buổi đạp chiếc xe đạp cà tàng đến Nhà hát kịch và hóa thân vào những nhân vật dưới ánh đèn sân khấu, nên anh đã quyết định trở ra Bắc chuyên tâm với nghề diễn.

Cuộc sống của Trọng Trinh, theo như anh đúc kết là những tháng ngày mê đắm trong những nhân vật, những thước phim. Nhưng dường như, thành công trong sự nghiệp lại đồng nghĩa với việc đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Anh ngậm ngùi chia tay một mối tình đẹp và lãng mạn với người con gái, người vợ anh từng yêu thương say đắm. Hơn một năm trôi qua, Trọng Trinh cũng đã vượt qua những khủng hoảng để nuôi dạy hai cậu con trai ăn học.

Anh tâm sự: "Trong cuộc sống tôi là một người đi theo tiếng gọi của bản năng chứ không mấy khi tính toán những đường đi nước bước như nhiều người vẫn làm. Vì thế nên khi gặp phải những vướng mắc của cuộc sống, tôi loay hoay mãi mới thoát khỏi nó được. Nhiều người biết đến cuộc sống của tôi, thỉnh thoảng vẫn đùa rằng tôi là một kẻ hào hoa nhưng gặp nhiều trắc trở".

Là một trong những diễn viên "đi tắt" sang nghề đạo diễn nhưng Trọng Trinh đã sớm gặt hái được những thành công với 2 giải vàng trong Liên hoan Phim truyền hình Toàn quốc năm 1998 và năm 2002 với hai bộ phim "Sân tranh" và "Sang sông". Những bộ phim Truyền hình của giới trẻ như "Nấc thang mới", "Ban mai xanh" cũng đã có những hiệu ứng tốt trong lòng khán giả. Giờ đây, gặp Trọng Trinh khó hơn, căn phòng làm việc của anh bề bộn băng đĩa, bản thảo kịch bản, cái đã quay, cái sắp quay...

Trong vai trò Trưởng phòng Nội dung III, Hãng phim Truyền hình Việt Nam, Trọng Trinh đi về như con thoi với những công việc của một người quản lý, những sự vụ trong ngoài chuyên môn. Lắm lúc bí bách, gương mặt anh trở nên cau có và... bất cần. Anh hẹn tôi 10 giờ sáng nhưng tới 12 giờ trưa anh mới xong việc. Trọng Trinh thở phào: "Xưa nay tôi là kẻ chăm chỉ và luôn tự tin với chuyên môn của mình. Trước một kịch bản khó, trước một cái kết cần nhiều công sức, thường thì tôi không bao giờ gặp phải khó khăn để "chỉ huy" cả một đội quân nhân vật. Nhưng trong đời thường, làm "sếp" khó thật, làm quản lý văn nghệ thì sự khó ấy lại nhân lên gấp bội".

Trọng Trinh không phải là một nghệ sĩ khéo ăn nói hay biết cách tự PR cho mình. Anh sống giản dị và chân thành, đôi lúc anh gàn như tính cách con người xứ Nghệ. Nhưng có lẽ chính những điều đó đã làm nên một Trọng Trinh biết đồng cảm và chia sẻ, làm lay động trái tim của những cô gái đang yêu "Ảo ảnh mãi thôi, ảo ảnh đến khôn cùng/ Mồ anh đó tôi chôn bằng nước mắt/ Hồn chìm nổi, lênh đênh, hồn phiêu bạt / Để lại về khắc khoải sống trong tôi..." (thơ Đinh Thu Hiền)

Trần Hoàng Thiên Kim - Văn nghệ công an số 107
.
.
.