NSƯT Thái Bảo: Đàn bà tỉnh táo

Thứ Sáu, 08/10/2010, 15:54
Thái Bảo ngồi trong quán cà phê với quần bò áo thun, gương mặt gần như không trang điểm. Chị trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 47 của mình. Chị tâm sự: "Thời điểm này tôi thấy lòng có nhiều day dứt lắm. Mỗi buổi sáng ngủ dậy tôi hay tự hỏi đâu là ý nghĩa thực sự của đời sống? Mình đang có tất cả. Nhưng sao lòng vẫn trĩu nặng. Có lẽ cảm thức về thời gian vụt trôi đã khiến tôi hay vẩn vơ buồn. Tôi sợ nói về quá khứ, sợ nhắc lại những kỷ niệm đẹp vì khi đó cảm giác tiếc nuối sẽ dâng đầy...

Vâng, không ai trên đời lại chưa từng ở trong sự tiếc nuối khi nghĩ về quá khứ, nhất là khi nghĩ về tuổi trẻ đẹp đẽ của mình. Thái Bảo đâu đã già. Chị ngồi uống cà phê và tôi thấy chị vẫn đang rực rỡ tuổi trẻ đấy thôi. Nhưng tôi biết đằng sau gương mặt vẫn còn phảng phất nét trong sáng trẻ thơ kia là tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ. Tôi luôn nghĩ, đàn bà làm nghệ sĩ thì nhiều trắc ẩn trong lòng lắm. Vì họ nhiều chức phận. Cho dù Thái Bảo vẫn được đồng nghiệp đánh giá là một "đàn bà nghệ sĩ" vào loại tỉnh táo nhất, vừa biết giữ tổ ấm gia đình, vừa biết chăm nom cho sự nghiệp, thì tôi vẫn tin như một định mệnh, là chị đã biết cất giữ những tâm trạng nghệ sĩ của mình trong một cái "rương" nhỏ nào đó của đời sống. Và những phút chị trải lòng chính là những phút chị "mở" nó ra, đắm đuối buồn vui...

Trong câu chuyện của mình, Thái Bảo nói nhiều về tuổi thơ. Đó là những năm tháng chiến tranh, bom đạn, mẹ chị, một thủ thư của thư viện, với đôi quang gánh một bên là con, một bên là sách để đi sơ tán. "Tôi là con út trong gia đình có 6 anh chị em và được mẹ rất cưng chiều. Mẹ tôi thường bảo tôi là đứa con Trời cho mẹ, vì khi có thai tôi, mẹ gần chục lần tới trạm xá để phá thai, nhưng rồi bà không đủ can đảm, lại quay về. Cha tôi trước đây là Giám đốc Bảo tàng Kim Liên tại Nam Đàn. Gia đình chúng tôi là gia đình trí thức nghèo. Đông con, nên vườn rau lang của mẹ không bao giờ kịp trổ mầm cho chúng tôi hái. Những năm sơ tán, mặc dù cha làm giám đốc nhưng ông sợ mang tiếng nên mẹ con tôi đi sơ tán không được vào ở phòng riêng của ông. Mẹ đưa tôi ở trong một cái đình làng, bên cạnh là kho chứa thuốc sâu. Tôi đi học về thì đi nhặt lá đa khô cho mẹ nhóm lửa nấu cơm. Cha mẹ mong tôi sau này lớn lên sẽ học hành chu đáo để trở thành một nhà giáo. Nhưng rồi tôi lại là một ca sĩ...".

Trong câu chuyện của mình, có ba người được Thái Bảo nhắc đến với lòng biết ơn sâu sắc. Đầu tiên là nghệ sĩ đàn bầu Thanh Tâm. Bà đã phát hiện ra cô bé có bàn tay với những ngón trắng trẻo, thon dài và tuyển Thái Bảo vào nhạc viện.

Người thứ hai là nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Ông đã nhận ra giọng hát trầm, khàn đặc biệt của Thái Bảo và cho Thái Bảo một cơ hội được phát triển giọng hát của mình. 17 tuổi, Thái Bảo trở thành nghệ sĩ của Đoàn Ca múa nhạc Trung ương, đứng chung sân khấu cùng với những tên tuổi như Kiều Hưng, Ái Vân, Lệ Quyên, Quang Thọ...

Người thứ ba là nhạc sĩ Trần Hoàn. Thái Bảo kể: "Năm 1990, tôi đến gặp nhạc sĩ Trần Hoàn để xin ông được hát một ca khúc về  Bác Hồ do ông sáng tác, làm tiết mục đi dự thi Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Nhạc sĩ Trần Hoàn sau khi nghe tôi trình bày, ông có vẻ không quan tâm lắm. Ông bảo: "Bài hát thì tôi có đấy, nhưng chắc chị không hát được đâu". Tôi vẫn xin ông bài hát "Thăm bến Nhà Rồng" về để tập.

Vốn khó tính, nhạc sĩ còn giội thêm một "gáo nước lạnh" vào lòng nhiệt tình của tôi nữa: "Chị hát bài này chắc là nghe như Tây hát chèo thôi". Tôi về tập, tuần sau đến hát cho nhạc sĩ nghe. Ông im lặng không nói câu gì và đồng ý cho tôi mang bài hát đi thi. Không ngờ, bài hát đã làm nên tên tuổi của Thái Bảo. Mặc dù ít khi được nhạc sĩ Trần Hoàn khen, vì ông rất kiệm lời, nhưng tôi lúc nào cũng biết ơn ông đã dành cho tôi sự tin tưởng và sự khích lệ".

Những năm 80 của thế kỷ XX, Thái Bảo là một hiện tượng trong đời sống âm nhạc. Hình ảnh cô ca sĩ trẻ trung, trong sáng ôm đàn ghi ta ngồi hát có một sức hấp dẫn đặc biệt với khán giả. Chị nhớ lại khi đi diễn ở Hải Phòng, khán giả vỗ tay không ngớt khi nghe Thái Bảo hát. Họ chờ đợi để được nhìn thấy Thái Bảo ở ngoài đời ra sao.

"Tôi rất hạnh phúc vì thời đó được khán giả vô cùng hâm mộ. Dù ca sĩ lúc đó nghèo lắm. Nghèo đến mức áo quần đi diễn phải đi mượn của một người chị, chứ không có tiền để may". Thái Bảo là ca sĩ giữa hai thế hệ. Chị nếm trải cả những năm tháng chiến tranh và chị cũng không xa lạ với những năm tháng sôi động của âm nhạc thị trường.

Hồi chiến tranh biên giới, chị theo đoàn đi diễn phục vụ bộ đội khắp các vùng biên giới và hải đảo. "Có lúc chân phải lội bùn đứng hát cho bộ đội nghe. Hát xong bài hát thì chân đã lún sâu xuống bùn, không bước ra được. Lại có lúc vừa hát vừa phải đứng lấp ló trên sân khấu thôi, vì sợ đạn bắn tỉa của kẻ thù có thể tới bất cứ lúc nào. Có những kỷ niệm xúc động đến nỗi chỉ nhớ lại đã ứa nước mắt. Là khi tôi hát ca khúc "Vết chân tròn trên cát" của nhạc sĩ Trần Tiến cho bộ đội nghe, các anh thích quá, lặn lội 15 cây số đường rừng trong đêm mưa tầm tã đến lán trại của Đoàn chỉ để được Thái Bảo chép cho phần lời của bài hát. Không có bàn ghế, tôi lấy lưng chiến sĩ làm bàn để chép nhạc. Nhìn bóng các anh đi khuất vào cơn mưa, tôi đứng lặng, âm thầm khóc vì thương các anh quá".

Một phút chạnh lòng, chị nói, các ca sĩ trẻ ngày hôm nay đầy đủ vật chất hơn, nhưng họ không có được những trải nghiệm ấy. Những chuyến đi phục vụ khán giả như vậy sẽ làm giàu có đời sống tâm hồn của người nghệ sĩ, giúp họ hiểu sâu sắc hơn về sứ mệnh của mình. Làm nghệ thuật đâu chỉ là câu chuyện của lợi nhuận vật chất như hôm nay nhiều bạn trẻ đang dốc lòng, dốc sức theo đuổi, và đạt đến nó bằng mọi giá.

Thái Bảo và Thanh Lam từng thành lập nhóm nhạc Bồ Câu Trắng đi biểu diễn xuyên Việt cùng nhau. Khi đó cả hai đều rất trẻ, thường lên sân khấu với trang phục quần trắng, áo đỏ, là thời trang mốt nhất lúc bấy giờ. "Sau đó tôi và Lam mỗi đứa một con đường nhưng Lam vẫn quý tôi như một người chị. Giờ phút này mỗi khi có buồn vui, tủi nhục gì Lam vẫn gọi cho tôi để chia sẻ".

So với Thanh Lam, Thái Bảo có một đời sống riêng bình yên, ít sóng gió hơn. Nếu như Thanh Lam sống và hát và yêu một cách bản năng thì Thái Bảo lại hoàn toàn lý trí. Khi nhìn Thái Bảo đứng trên sân khấu biểu diễn, tôi luôn có cảm giác rằng chị thật chỉn chu, thật khó để "bắt lỗi" chị.

Từ trang phục đến cách trang điểm, đến từng động tác đều được chị dụng công chăm chút. Chị hát hay. Nhưng chị ít có những giây phút khiến cho khán giả phiêu linh cùng chị. Chị cũng không làm khán giả có được cảm giác "đã" vì chút "điên", chút "lên đồng" cuồng nhiệt kiểu Thanh Lam. Có thể một phần do dòng nhạc chị lựa chọn, nhưng tôi vẫn tự hỏi phải chăng là chị đã làm nghệ thuật một cách tỉnh táo quá? Trả lời câu hỏi này của tôi là một cái gật đầu của Thái Bảo. Chị rất chịu hai chữ "bắt lỗi" tôi đã dùng.

Chị nói không chỉ trên sân khấu mà ngay cả trong đời sống thường ngày, người thân yêu của chị cũng rất khó mà "bắt lỗi" chị. Đơn giản vì chị lúc nào cũng sợ làm ai đó tổn thương hay không hài lòng về chị. Chị cũng thừa nhận, có rất ít những "cơn điên" nghệ sĩ tồn tại trong con người mình. "Có lẽ tôi không phải con nhà nòi làm nghệ thuật. Tôi được cha mẹ giáo dục từ nhỏ để lớn lên trở thành một cán bộ, một trí thức. Tôi rất rộng lượng với người khác nhưng tôi lại khắt khe với mình".

Đã từng có những thời điểm Thái Bảo đứng trước cơ hội để có thể trở nên nổi tiếng hơn, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn, nhưng chị đã không lựa chọn. Vì chị là mẫu người không ưa mạo hiểm. Bản năng đàn bà mách bảo chị rằng chị muốn có một sự an toàn. Làm nghệ thuật mà mong muốn an toàn có lẽ là một mâu thuẫn lớn.

Anh sẽ không bao giờ vươn tới những đỉnh cao, thậm chí anh sẽ không bao giờ là riêng biệt cả. Nhưng đỉnh cao là gì thì thật khó để bàn, và hình như nó cũng không có trong tham vọng của Thái Bảo. Song, sự riêng biệt thì chị có. Là chị có một lớp khán giả của riêng mình, không ồn ào nhưng cũng đủ để chật chỗ ngồi mỗi khi chị biểu diễn ở khán phòng nào đó.

Thời điểm này phong trào nhạc trẻ đã bão hòa, đã lắng xuống, và người nghe đang có xu hướng quay về với những ca khúc nhạc đỏ, nhạc trữ tình, đúng với sân chơi của Thái Bảo. Và cơ hội biểu diễn đến với chị nhiều hơn, không như mấy năm trước, chị phần lớn kiếm sống bằng việc đi biểu diễn ở các hội nghị, sự kiện...

Những ca khúc như "Thời hoa đỏ" (Nhạc: Nguyễn Đình Bảng, thơ: Thanh Tùng), "Màu hoa đỏ" (Nhạc: Thuận Yến, thơ: Nguyễn Đức Mậu), "Vết chân tròn trên cát" (Trần Tiến), "Thăm bến nhà Rồng" (Trần Hoàn)... vẫn gắn bó với tên tuổi Thái Bảo và vẫn được khán giả đón nhận. Chị nói, bài hát gần đây nhất mà chị tâm đắc là ca khúc viết về đề tài chiến tranh: "Lời ru cỏ non" của Trung tướng nhà văn Hữu Ước (thơ: Nguyễn Thị Kim Châu).

Trò chuyện với Thái Bảo tôi thực sự thích thú với quan điểm làm nghề của chị. Tôi thấy rằng câu chuyện đẳng cấp trong nghệ thuật như cách người ta hay nói bây giờ thật quá xa vời với Thái Bảo. Nghệ thuật với chị đơn giản là sự hết lòng với khán giả.

"Có khi 12h đêm vẫn có khán giả gọi điện tới nói muốn nghe Thái Bảo hát, thế là tôi có thể ngồi gật gù hát qua điện thoại cho họ nghe. Mùng 1 Tết có khán giả ở tận Sài Gòn muốn tôi mừng tuổi một bài hát, tôi sẵn lòng vừa nhặt rau vừa áp điện thoại vào tai hát "mừng tuổi” họ. Tôi đối với khán giả như thế thì tôi tin, những người yêu quý giọng hát Thái Bảo sẽ không bao giờ quay lưng lại với mình. Khi đi hát ở nhà hàng tôi không sợ bị coi thường như nhiều ca sĩ khác. Quan niệm của tôi, ở đâu có khán giả của mình thì mình phục vụ họ. Hơn nữa, mình lao động chân chính bằng công sức của mình, có điều gì phải ngại? Nếu mình hát hay khán giả thưởng cho mình thì có sao nhỉ? Nhưng mình dứt khoát không phải kiểu ca sĩ đánh rơi nhân cách xuống đất để kiếm tiền. Trong đời ca sĩ, không ít lần tôi thấy buồn vì những khán giả kém hiểu biết. Họ nghĩ họ có thể lợi dụng được ở mình điều gì đó ngoài giọng hát. Nhưng lại cũng có nhiều khán giả làm tôi "chạnh lòng" khi nhớ đến. Vì tôi luôn chịu ơn họ và không biết cách nào có thể trả ơn họ...".

Thái Bảo thẳng thắn nhưng mà khéo léo. Sự khéo léo của chị đáng yêu ở chỗ nó xuất phát từ cái Thật. Cây ngay thì bóng sẽ tròn, chị tin như vậy. Biết điểm dừng và thu vén cho cuộc đời riêng của mình để tránh những đổ vỡ, tổn thương là ưu điểm của sự lý trí mà Thái Bảo có được.

Thái Bảo cắt nghĩa: "Khi mình sống bản năng mình thường nuông chiều mình hơn, ích kỷ hơn. Và cái được là những phút thăng hoa nhưng cái mất có khi cũng cận kề luôn đấy. Tôi thì hiểu đàn bà Việt Nam chúng ta muốn được hạnh phúc phải biết hy sinh, nhẫn nại. Vì thế, tôi chỉ là nghệ sĩ khi trên sân khấu. Còn khi về nhà tôi là người phụ nữ của gia đình. Hai vợ chồng tôi đều là nghệ sĩ, nếu mình không biết tước bỏ cái tôi nghệ sĩ bớt đi thì rất khó để có một gia đình bình yên thực sự".

Tôi tin hạnh phúc bao giờ cũng là một sự vun vén. Người đàn bà tỉnh táo là người đàn bà biết quên mình đi. Và ngôi nhà của họ sẽ ấm êm hơn. Vì họ biết cách làm cho mọi bão dông cuộc đời chỉ có thể đứng ở bên ngoài cánh cửa...

B.N.T. - Chuyên đề An ninh thế giới cuối tháng số 110
.
.
.