NSƯT Tạ Duy Nhẫn “ước được sinh ở thời của cha mình”

Thứ Sáu, 31/07/2009, 17:53
“Giá như tôi được sinh ở thời của cha mình, có lẽ tôi sẽ hạnh phúc và sung sướng hơn bây giờ, vì đơn giản người nghệ sĩ xiếc khi ấy được trân trọng và những màn biểu diễn của họ nhận được những tràng tán thưởng rầm rộ…”, con trai ông tổ ngành xiếc Việt Nam “thú nhận”.

NSND Tạ Duy Hiển được coi như ông tổ, người thầy đầu tiên của bộ môn nghệ thuật xiếc ở Việt Nam. Trong số những người con của cố NSND, chỉ có con trai thứ hai Tạ Duy Nhẫn là nối nghiệp được cha mình. Anh Nhẫn đã bỏ gần như cả đời để theo đuổi và phát triển bộ môn xiếc thú ở Việt Nam. Nhưng trong cái cơ chế thị trường hôm nay, người nghệ sĩ xiếc nói chung và anh Nhẫn nói riêng đang phải sống trong nỗi buồn tủi sâu thẳm vì công chúng đang quay lưng với xiếc.

NSƯT Tạ Duy Nhẫn trong một tiết mục xiếc thú.

Nói về cha mình, anh Tạ Duy Nhẫn như được sống lại một miền ký ức đẹp. Cha chính là người anh tôn thờ và là người thầy anh kính trọng nhất trong nghề. Anh Nhẫn kể: “Quê gốc của ông cụ nhà tôi ở Quảng Minh, tỉnh Hà Sơn Bình cũ. Năm 1960, ông cụ theo gia đình lên Hà nội sinh sống. Thời Pháp chiếm đóng, cụ sống trong gia cảnh chẳng lấy gì sung túc, cuộc sống khó khăn và cụ đã phải bươn chải mưu sinh từ nhỏ”.

Thời cậu bé Tạ Duy Hiển ở Hà Nội là những năm đất nước vẫn đang sống dưới ách nô lệ của thực dân. Và xiếc đã chọn cậu bé nước Nam có tên Tạ Duy Hiển làm người đầu tiên khai phá bộ môn nghệ thuật chưa từng xuất hiện ở xứ sở này. Tình cờ được xem gánh xiếc An Tông (Anh) sang biểu diễn, cậu bé Hiển khi ấy phụ giúp mẹ bán hàng ở chợ Hàng Da đã mê đắm với những tiết mục nhào lộn trên không, đu bay, uốn lượn và môn xiếc thú kỳ lạ…

Anh Tạ Duy Nhẫn lớn lên và được nghe kể về nhiều giai thoại liên quan đến cuộc đời cha mình. Xiếc cũng “ngấm” vào anh lúc nào không hay. Từ khi mới 5 tuổi, anh đã được cha tập cho những động tác cơ bản như uốn dẻo, tung hứng. Nhưng điều khiến cậu con trai thứ 2 của NSND Tạ Duy Hiển tò mò nhất vẫn là những con thú ngộ nghĩnh, đáng yêu và rất thông minh của cha mình. Ai cũng biết, NSND Tạ Duy Hiển cây đại thụ lớn nhất trong làng xiếc Việt Nam nhưng không phải ai cũng hiểu hết tình yêu dành cho xiếc của ông Hiển, nếu không phải là những người trong gia đình.

Anh Nhẫn nói về cha mình: “Ông cụ rất yêu động vật, coi chúng như những người bạn. Không hiểu sao riêng về điểm này thì tôi rất giống ông cụ. Con vật nào tôi cũng coi như người bạn của mình. Ông cụ biết tôi yêu chúng nên cũng định hướng tôi  theo ngành xiếc thú”. Anh Nhẫn tốt nghiệp trường xiếc Việt Nam năm 1967, kế tục luôn cả sự nghiệp lẫy lừng của cha mình.

Ở Liên đoàn xiếc , nhắc đến xiếc thú bây giờ là người ta nhớ ngay đến nghệ sỹ xiếc Tạ Duy Nhẫn. Anh Nhẫn mừng bởi dẫu sao anh cũng kế thừa được một chút ít hoài bão của cha. Nhưng trong mắt người nghệ sĩ xiếc đã sắp đến tuổi “lục tuần” ấy những nét buồn vẫn trĩu nặng.

Vừa hào hứng nhớ về cuộc đời người cha đáng kính khi quay sang những câu chuyện về thực tế cuộc sống, anh Hiển trùng hẳn giọng xuống. “Xiếc bây giờ bị người ta coi rẻ quá. Anh em nghệ sĩ xiếc ai cũng buồn tủi lắm nhưng cũng chỉ biết lao động và cống hiến hết mình vì công chúng, mong một ngày không xa khán giả sẽ trở lại với rạp đông hơn”- anh Nhẫn nói trong tiếng thở dài.

Nói về chuyện riêng, NSƯT Tạ Duy Nhẫn cũng chẳng sung sướng gì khi gắn cuộc đời mình với xiếc. Lao động nghệ thuật 40 năm năm trời nhưng anh thấy so với bạn bè cùng lứa với mình, những người làm kinh doanh hay thức thời với thương trường đều có cuộc sống sung túc hơn anh. “Cũng không vì thế mà tôi buồn. Thực ra tôi muốn con mình cũng nối nghiệp tôi và ông nó, chỉ có điều trời không cho”- Anh Nhẫn tâm sự. Con trai của anh Nhẫn cũng yêu xiếc thú chẳng kém gì anh nhưng một tai nạn ngã từ trên lưng ngựa xuống đất khi còn đang chập chững bước những bước đầu tiên vào nghề đã khiến cậu bé phải bỏ cuộc.

Xiếc buồn, anh Nhẫn sầu và lũ thú Chó, Khỉ, Voi, Gấu của anh cũng chẳng thể vui được. Người nghệ sĩ xiếc mấy chục năm trời làm bạn với chúng tâm sự: “Tôi không chỉ coi chúng như bạn mà còn coi chúng như những người nghệ sĩ không lời. Nhiều khi có “chú” nào bị ốm hay gặp chấn thương lúc tập luyện tôi cũng mất ăn, mất ngủ và buồn như người thân của mình đang gặp chuyện ấy”.

Khi anh Nhẫn dẫn tôi tới chỗ ở của những “người bạn diễn” của mình, tôi mới nhận ra quả thực khi xiếc khó khăn thì đến những động vật cao cấp tưởng như vô chi vô giác cũng buồn. Nơi nuôi dưỡng thú chật chội, ẩm thấp làm ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe và vẻ đẹp của những  “nghệ sĩ” đặc biệt này. Nhưng có một điều thú vị là 70 con dưới bàn tay chăm sóc của anh Nhẫn, thú nào cũng có tên, từ chú Chó Nhật xinh xắn cho đến chú Voi Tây Nguyên to cao lừng lững.

Đang tiếp mạch câu chuyện về xiếc Việt Nam trong thời buổi cơ chế thị trường, anh Hiển lại nhớ đến cha mình. Anh kể một giai thoại nổi tiếng về cụ Tạ Duy Hiển: “Cụ thành lập gánh xiếc có tên Đoàn xiếc Việt Nam từ thời Pháp thuộc. Những ngày đầu gây dựng, gặp không biết bao gian nan, vất vả nhất là cơ sở vật chất và con người tham gia diễn xiếc. Sau này khi đã có chút vốn liếng vừa đủ sống, đủ tiền trả cho diễn viên, cụ hỏi người Anh mua một con ngựa vằn thì bị chủ gánh xiếc An Tông thoá mạ: “Cả nước An Nam không mua nổi…” Từ đó cụ căm ghét chúng và càng nỗ lực gấp bội để xây dựng xiếc mang bản sắc dân tộc. Sau này ở thời đỉnh cao, Đoàn xiếc Việt Nam đã từng sang Cao Miên, Thái Lan… biểu diễn và chiếm được cảm tình khán giả quốc tế…Người Pháp tức giận cấm không cho đoàn xiếc Tạ Duy Hiển tự do biểu diễn nghệ thuật hoặc nếu muốn tồn tại thì phải đổi tên Đoàn xiếc An Nam. Bị xúc phạm, cụ Hiển không chấp nhận và vẫn nửa công khai, nửa bí mật biểu diễn xiếc cho dân Hà Thành xem. Đèn sân khấu đỏ hằng đêm, lượng khách chật cứng rạp không còn vé bán, ai muốn xem cho vào xem không lấy tiền. Sự đức độ và tấm lòng cao quý của cụ được công chúng mến mộ và tên tuổi của cụ cũng vang danh một thời…”

Nói đến đây, anh Nhẫn bỗng dừng lại khá lâu. Anh Hiển mơ ước: “Giá như tôi được sinh ở thời của cha mình, có lẽ tôi sẽ hạnh phúc và sung sướng hơn bây giờ, vì đơn giản người nghệ sĩ xiếc khi ấy được trân trọng và những màn biểu diễn của họ nhận được những tràng tán thưởng rầm rộ…”

Hải Châu
.
.
.