NSƯT Nguyễn Thước điềm tĩnh trước những "sóng gió"

Thứ Tư, 07/09/2011, 17:08
Ngay lúc cay đắng nhất, Nguyễn Thước vẫn bình tĩnh hạ hỏa sự nóng giận của một số người thân, đồng nghiệp, bạn bè, cứ khăng khăng đòi làm cho ra nhẽ, để mọi chuyện được êm xuôi, vì bất cứ một sự đình đám bề nổi nào, cũng đều không hợp với giới điện ảnh tài liệu, những người luôn định ra tiêu chí, tôn thờ sự thật như nó vốn có, chứ không phải cái sự thật mà người khác muốn được tung hô.

Bỏ sau lưng mọi ồn ào xáo động của những thị phi trong cuộc sống thường nhật, đạo diễn Nguyễn Thước lại bắt tay làm phim. Dự án mới nhất, bộ phim "Nếu chỉ còn một ngày được sống", Nguyễn Thước nhẫn nại ghi lại hành trình nhọc nhằn, đầy nước mắt và cũng ngập tràn tình yêu khi trở về hòa nhập với gia đình, làng mạc, với cộng đồng của ba chàng trai từng phải gánh chịu tận cùng sự nghiệt ngã của định mệnh mang tên số phận.

Vẫn vẻ lành lành hiền hiền cố hữu, Nguyễn Thước cùng các thành viên trong đoàn phim kiên nhẫn lắng nghe, tìm tòi, lựa chọn ra những thân phận, những câu chuyện thật nhất trong đời, để thực thi trách nhiệm của một nghệ sỹ, bằng tác phẩm, chứ không phải những tuyên ngôn hoa lá màu mè.

1. Cũng tự nhiên và giản dị như nhiều sự kiện xẩy ra trong đời mình, tháng 3 vừa qua, NSƯT Nguyễn Thước nhận lời đi quay hộ đồng nghiệp, và là học trò trong lớp đạo diễn, dưới Đài Phát thanh truyền hình Hải Phòng, cảnh một đám cưới đặc biệt diễn ra ở Hà Đông, mà cô bận không thể tới tham dự được. Từ chối những nhờ cậy của bạn bè, người thân là điều không có trong thói quen của Nguyễn Thước, nên anh rủ thêm vài cộng sự nữa hăm hở xách máy ra đi.

Đám cưới của chú rể Nguyễn Đình Tình, người thanh niên bị phơi nhiễm HIV, cùng hai bạn đồng cảnh ngộ vừa được tạm tha sau 10 năm ở trong trại giam, do bị vướng vào một vụ kỳ án đang chờ phiên giám đốc thẩm, với cô dâu trẻ trung, xinh đẹp, và lành mạnh, khỏe khoắn, đã có sự góp mặt của cả làng Yên Nghĩa đang chuyển mình đô thị hóa.

Không dưới ba lần, Nguyễn Thước, dẫu dạn dày và tiếp xúc với quá nhiều cảnh đời, cảnh người, cũng phải dừng tay máy, nép mình vào một góc vắng để lắng lòng, giấu đi những xúc động khó nén.

Tình yêu vượt lên tất cả những lý lẽ thông thường của cô gái 23 tuổi, cao ráo, duyên dáng mà Nguyễn Thước tự nhủ, nếu gặp ngoài đời, những người đàn ông như anh cũng rất dễ có cảm tình, với một bị án chưa được tuyên vô tội, lại mang trong mình căn bệnh chứa đựng trong đó đủ mọi kỳ thị, là phép lạ hiếm có trong đời.

Cô dâu, chú rể cùng bố mẹ, bạn bè, cả xóm làng đều chứa chan hạnh phúc, dù vẫn chưa biết ngày mai, số phận sẽ chuyển dịch ra sao. Lòng tốt, tình người tỏa ra từ đám cưới đặc biệt đã giúp nảy sinh trong đầu Nguyễn Thước những ý tưởng mới.

Anh chia sẻ với học trò của mình, gợi ý cô hãy cùng cộng tác với Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương, với chính Nguyễn Thước để làm một bộ phim tài liệu đầy đặn, nghiêm ngắn, và được đầu tư chu đáo, kỹ lưỡng hơn. Nguyễn Thước nhiệt tình động viên, giúp cô tự tin, vượt lên những mặc cảm tỉnh lẻ của mình để hào hứng bắt tay vào dự án chung.

Kịch bản phim tài liệu Nếu chỉ còn một ngày được sống, nhà báo Thiện Đoan viết như rút ruột rút gan mình, nhanh chóng được các Hội đồng duyệt thông qua, được cấp phép làm phim. Ngoài vai trò tác giả kịch bản, Nguyễn Thước còn để nhà báo Thiện Đoan cùng đứng tên đồng đạo diễn, như một sự sẻ chia và ghi nhận những đóng góp của học trò mình.

Nguyễn Thước bảo, đó là điều bình thường trong giới làm phim tài liệu vốn luôn đối xử với nhau hòa thuận và tử tế. Cả Hãng phim xưa nay, chưa bao giờ có những chuyện thị phi điều tiếng nọ kia, chưa bao giờ phải lớn giọng với nhau trên công luận. Nhớ hồi đạo diễn Trần Văn Thủy hoàn thành xong phim Hà Nội trong mắt aiChuyện tử tế, bao đồn thổi thầm thì không chính ngạch cứ ập đến, khiến mọi người không khỏi hoang mang.

Nhưng không một ai lo lắng sợ hãi, co mình lại, mà Nguyễn Thước hồi ức: "Các đàn anh ở Hãng, những nghệ sỹ lão làng đều động viên, sát cánh bên đạo diễn Trần Văn Thủy, nhấn mạnh rằng, nếu ông không may gặp chuyện chẳng lành, mọi người sẽ thay nhau ở bên, lo lắng cho ông".

Thế nên, cái sự kiện cáo ì xèo vừa rồi, cái sự ầm ĩ trên nhiều diễn đàn báo chí do một vài cá nhân ở Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương khởi xướng, là điều "xưa nay hiếm", chuyện chưa có tiền lệ. Đơn giản, giới làm phim tài liệu, dẫu nghệ sỹ, dẫu là bậc thầy và giành được nhiều sự mến mộ như NSND Lê Mạnh Thích, Trần Văn Thủy hay những tên tuổi thành danh đương thời, không bao giờ tự coi mình là người của công chúng.

Họ chỉ trầm tư, lặng lẽ làm phận sự của mình, không quen những lập ngôn cầu kỳ, tránh xa những xô bồ ầm ĩ để sống, chiêm nghiệm, đi và quan sát, rồi làm nên những tác phẩm nghệ thuật, những bộ phim luôn mang hơi thở, những suy tư đau đáu của thời cuộc. 

2. Nguyễn Thước không tình cờ trở thành đạo diễn phim tài liệu. Anh đã chọn nó, như một cách đeo đuổi niềm đam mê của mình, ngay từ khi còn học cấp III. Thích quay phim từ nhỏ, mày mò tập tành đủ điều, để rồi tốt nghiệp phổ thông, thi vào khoa quay phim Trường Đại học sân khấu điện ảnh, Nguyễn Thước đã có nhiều khoảng thời gian dài, không xin được việc, tình nguyện trở thành chân sai vặt ở Hãng, cặm cụi theo các đoàn phim làm công việc phục vụ và nuôi ước mộng được trở thành tay máy chính.

Chính thức trở thành nhà quay phim của Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương, Nguyễn Thước lập tức đã giành được giải thưởng tại 3 kỳ liên hoan kế tiếp. Sự chăm chút cho từng khuôn hình đã tạo nên khả năng quan sát, nhận biết sự vật, cảm nhận cái đẹp tinh tế ở tay máy tài hoa.

Nhưng rồi, Nguyễn Thước muốn làm nhiều hơn thế, muốn được tự mình hiện thực hóa những ý tưởng của mình trên từng thước phim, nên anh đã tiếp tục hoàn tất khóa học đạo diễn. Ở cương vị đạo diễn, Nguyễn Thước vẫn thi đâu trúng đấy, vẫn đều đặn gặt hái thành quả bằng sự công nhận chính danh của Nhà nước và Hội nghề nghiệp.

Trái với một Nguyễn Thước quay phim, tiếp sức mạnh không lời cho từng khuôn hình, Nguyễn Thước đạo diễn lại chú ý hơn hết đến tính luận đề của từng bộ phim. Bắt gặp một ý tưởng, bật ra một ý tưởng là anh quay quắt với nó, sống chết với nó, để tới khi nào "nó" hoàn chỉnh là một bộ phim đủ sức biểu cảm, đạo diễn mới yên lòng.

Từ Ngày cuối cùng của chiến tranh, Nguyễn Thước đưa vào hình ảnh nhà văn Nguyễn Văn Thọ, anh trai mình, ngơ ngác giữa Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày 30/4/1975 và băn khoăn tự hỏi, không biết từ ngày mai, người lính chỉ biết đánh trận là mình sẽ làm gì để sống, để tồn tại giữa cuộc đời hòa bình không tiếng súng, không nỗi kinh hãi đạn bom, đến số phận những người nông dân trong Đất lạnh, bao giờ Nguyễn Thước cũng lọc ra được một cách nhìn khác biệt, một trăn trở thế sự khó tìm cho tròn lời giải.

Đất lạnh, những ám ảnh về người nông dân vẫn một nắng hai sương trên cánh đồng vàng vọt của mình, dẫu nhân loại từ lâu bước sang thiên niên kỷ mới đã đem lại cho đạo diễn Nguyễn Thước "Bông sen vàng" Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16.

Dẫu vậy, Nguyễn Thước vẫn tiếc khi, Đất lạnh, dù sở hữu cả Bông sen vàng lẫn Cánh diều bạc và giải thưởng báo chí quốc gia năm 2008, nhưng lại chưa một lần được trình chiếu trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, để những người nông dân lam lũ Thái Bình được một lần thấy hình ảnh của chính mình.

Nguyễn Thước tự sự, có thể do ai đó còn e ngại những vấn đề mà bộ phim động chạm tới, cái sự thật vốn là bản chất của phim tài liệu, dẫu phim đã được thẩm định ở đủ mọi ban giám khảo các cấp ngành.

Được tiếng lành hiền tử tế, không bon chen tranh giành với ai bao giờ, Nguyễn Thước hồn hậu tưởng người như mình, chắc chả lẽ nào lại bị ai kiện cáo ghét bỏ. Vậy nên lúc cơ sự xảy ra, ông đạo diễn, dù đang chậm bước đến tuổi già, còn hai năm nữa là về hưu mới quá ngạc nhiên, chưng hửng và ngác ngơ, lạ lẫm. Tự coi mình như lớp đàn anh, những người đi trước, Nguyễn Thước tâm niệm, giúp được gì cho các đàn em trẻ thì làm, âu cũng là một cách đơn giản tự trẻ hóa, làm dịu lòng mình.

Vài năm trước, khi một nữ thi sỹ dính vào ì xèo chuyện "đạo văn", bị đưa ra làm "mồi" cho dư luận, Nguyễn Thước cùng ông anh mình, nhà văn Nguyễn Văn Thọ, hai người con trai của họa sỹ thế hệ đầu tiên Trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương Nguyễn Văn Thiệu đã nhiệt thành gây độ nhậu, để năn nỉ một số nhà thơ, nhà phê bình gai góc đừng "phang" thêm tác giả kia nữa. Anh cũng từng nhận được tin nhắn cảm ơn chân thành nhất của nữ tác giả nọ, vì những sự giúp đỡ cần kíp nhất, lúc hoạn nạn.

Rồi khi bản thân mình đang yên lành vô cớ trở thành "bị hại", Nguyễn Thước lại tặc lưỡi, thây kệ, cũng đơn thuần chỉ vì có những người trẻ, dấn thân vào đời nghệ sỹ, đã "quá sốt ruột với sự nổi tiếng của chính mình" mà không chịu nhìn ngang ngửa, trước sau, trên dưới.

Ngay lúc cay đắng nhất, Nguyễn Thước vẫn bình tĩnh hạ hỏa sự nóng giận của một số người thân, đồng nghiệp, bạn bè, cứ khăng khăng đòi làm cho ra nhẽ, để mọi chuyện được êm xuôi, vì bất cứ một sự đình đám bề nổi nào, cũng đều không hợp với giới điện ảnh tài liệu, những người luôn định ra tiêu chí, tôn thờ sự thật như nó vốn có, chứ không phải cái sự thật mà người khác muốn được tung hô.

Đạo diễn Nguyễn Thước hoạch định trong đầu, từ nay đến cuối năm, phải hoàn thiện bộ phim Nếu chỉ còn một ngày được sống, gắng cho kịp tham gia Liên hoan phim lần thứ 17 ở Phú Yên. Anh cùng đoàn phim đang sửa soạn tổ chức cho vợ chồng Nguyễn Đình Tình về Yên Bái, quê của cô dâu, cố lắng nghe thêm lần nữa, và lý giải, sức mạnh nội tại nào đã giúp Thủy, xinh tươi là thế, tương lai là thế, lại tự nguyện cột cuộc đời mình với một chàng trai lương thiện, bị số phận trêu ngươi.

Cách mà đạo diễn Nguyễn Thước sống ở đời, cũng đơn giản như lời tự sự của nhân vật trong phim, người chồng đang mãn nguyện với hạnh phúc không thể đong đếm, đo lường nổi: Nếu chỉ còn một ngày được sống, cũng phải sống đúng bản chất của mình, một người tử tế, lương thiện, và không thử thách nào trong đời, dù chông gai, ngang trái đến đâu, cũng có thể tước đoạt cái quyền làm người tốt của cá nhân mình

Ngô Hương Sen - ANTGGT số 43
.
.
.