NSƯT Đức Long: Khúc buồn giữa hoàng hôn

Chủ Nhật, 07/02/2010, 12:49
Bài "Tôi đi giữa hoàng hôn" của Văn Phụng là một trong những bài hát tôi thích, nên lấy làm đầu đề của album. Tất nhiên, sự trùng hợp vô tình này lại có sự hữu ý bởi vì tính ra thì tôi cũng đã đến tuổi "hoàng hôn" rồi - NSƯT Đức Long tâm sự.

NSƯT Đức Long sinh ngày 26/12/1960 tại Hạ Long, Quảng Ninh. Trước khi đến với nghệ thuật chuyên nghiệp, anh là công nhân tại Công ty Than Hòn Gai. Khi bắt đầu đến với con đường nghệ thuật anh về Đoàn Nghệ thuật Phòng không - Không quân. Một thời gian sau anh về Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị và hiện nay anh công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, giảng viên thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Anh đã cho ra mắt album thứ 6 "Tôi đi giữa hoàng hôn".

- Thưa NSƯT Đức Long, album "Tôi đi giữa hoàng hôn" ra mắt vào những ngày mùa xuân nhưng hình như nó lại mang âm hưởng của… mùa thu nhiều hơn thì phải. Thực ra, anh xuất bản album này có nhân dịp đặc biệt gì không, thưa anh?

- Thực ra lý do tôi ra CD "Tôi đi giữa hoàng hôn" là vì tôi đã trót hứa với khán giả. Cách đây 2 năm khi ra CD "Xin còn gọi tên nhau", trong buổi họp báo, tôi và nhà sản xuất đã hứa với các nhà báo, các khán thính giả là sẽ tiếp tục phát hành CD "Tôi đi giữa hoàng hôn" với những ca khúc trữ tình lãng mạn.

Tất nhiên, ra đĩa ở thời điểm bây giờ thực tế là cũng muộn hơn lời đã hứa một thời gian rồi, vì tôi quá bận rộn, nhưng, thà muộn còn hơn không, đây cũng là một tiếng lòng tri ân của tôi đối với những khán giả yêu quý mình cũng như với dòng nhạc mà tôi theo đuổi.

- Cái nhan đề "Tôi đi giữa hoàng hôn" nghe nó buồn buồn và như bị ám ảnh bởi một điều gì đó?

- Đây là tên của một trong số các bài hát trong đĩa, bài "Tôi đi giữa hoàng hôn" của Văn Phụng. Đây là một trong những bài hát tôi thích, nên lấy làm đầu đề. Tất nhiên, sự trùng hợp vô tình này lại có sự hữu ý bởi vì tính ra thì tôi cũng đã đến tuổi "hoàng hôn" rồi, coi như là hát để kỷ niệm cho cả cái tuổi "trẻ đã qua, già sắp tới" của mình vậy!

- Trong album này, có nhiều tình khúc nổi tiếng như: "Dấu tình sầu" (Ngô Thụy Miên), "Kiếp dã tràng" (Từ Công Phụng), "Ngăn cách" (Y Vân), "Nửa hồn thương đau" (Phạm Đình Chương, thơ Thanh Tâm Tuyền), "Thành phố mưa bay" (Bằng Giang), "Thung lũng hồng" (Phạm Mạnh Cương), "Tôi đưa em sang sông" (Trần Nhật Ngân), "Tôi đi giữa hoàng hôn" (Văn Phụng). Đây là những ca khúc hay mà buồn lê thê. Anh nghĩ gì khi cho chúng vào trong cùng một CD vậy?

- Đúng là đây hầu hết là những tình khúc buồn, chầm chậm buồn nhưng ngấm vào hồn rất lâu… Tôi cũng không lý giải được việc tại sao mình lại chọn chúng vào cùng một CD, có lẽ vì do đi giữa hoàng hôn thì phải có chút sầu thiên cổ như vậy chăng? Tôi thấy, CD này cùng một tông nên nếu nghe trong cùng một trạng thái cảm xúc sẽ rất thú vị. Tất nhiên, đây là những ca khúc đã được kiểm chứng qua thời gian cho nên, cho dù buồn mà nó vẫn trong sáng, thiết tha. Đó là điều mà tôi tâm đắc.

- Nhớ lại thuở xưa, trước khi thành một nghệ sĩ, anh là một người công nhân. Con đường để anh "lột xác" có nhọc nhằn lắm không, thưa NSƯT Đức Long?

- Tôi có một tuổi thơ nhọc nhằn, tôi mồ côi cha mẹ từ năm 8 tuổi. Mặc dầu đói khổ, nhọc nhằn nhưng tôi không muốn mình sẽ là kẻ ăn bám người thân họ hàng suốt đời. Tôi vừa đi học vừa đi làm thêm để có đủ tiền mua tem phiếu trong những ngày bao cấp khó khăn. Học hết cấp hai, tôi đi làm công nhân, bỏ dở học hành (sau này khi trưởng thành, tôi suốt ngày phải đi học bổ túc mới xong). Tôi trở thành một thợ lái máy xúc tại mỏ than Hòn Gai. Âm nhạc đến với tôi rất tình cờ, qua một buổi giao lưu giữa 3 lực lượng Công an, Bộ đội và Dân quân tự vệ. Tôi có sẵn chút năng khiếu trời cho, đã tham gia chương trình. Máu nghệ sĩ như được khơi dậy trong tôi, đến năm 1984 tôi đã tham gia cuộc thi nghệ thuật quần chúng. Tôi trở thành ca sỹ của Đoàn nghệ thuật Phòng không - Không quân sau khi được huy chương vàng từ cuộc thi này, bắt đầu cuộc đời của một nghệ sỹ.

- Ngay từ hồi đó, anh đã chọn dòng tân nhạc làm sở trường của mình là do hợp "gu" hay là bởi sự ảnh hưởng của thế hệ các nghệ sĩ tài tử tiền bối trước đó?

- Có lẽ là do cả hai. Thời đó, nhạc tiền chiến là "mốt" cũng như dòng nhạc nhẹ của các bạn trẻ bây giờ. Một phần nữa là do giọng tôi trầm, ấm nên rất hợp với sự nhẹ nhàng, uyển chuyển của dòng nhạc tiền chiến, nên chuyển tải được tinh thần của bài hát. Tôi thấy nhiều bạn trẻ bây giờ cũng hát nhạc tiền chiến, nhưng họ cứ gồng mình lên mà hát lại chẳng hợp tí nào, nghe rất chối. Bởi vì, hát nhạc tiền chiến, có cái khó là ngoài kỹ thuật, phải hiểu và đắm mình vào không khí của nó thì mới thấy được cái chất tài tử, lãng tử của các cụ ta xưa.

- Thỉnh thoảng vẫn thấy anh hát nhạc nhẹ và cũng đã ghi dấu ấn được trong lòng khán giả, mặc dù bây giờ thì có thể hơi muộn, nhưng có bao giờ trong ý nghĩ của mình anh nghĩ đến việc, thử chuyển gam để tìm kiếm những thành công mới?

- Tôi có hát nhạc nhẹ, thậm chí, khi hát theo yêu cầu của khán giả thì tôi hát nhiều là đằng khác. Vào thời điểm đó, người ta ít tung hê như bây giờ, nhưng tôi cũng đã được bạn bè và đồng nghiệp biết đến và tôi tin, ở một mặt nào đó, nếu tôi theo đuổi dòng nhạc nhẹ thì tôi nghĩ là mình ít nhiều cũng sẽ có những thành tựu. Kể cả thời gian mới đây, có nhiều bài hát, tôi nghĩ mình hát khá thành công ví dụ như khi tham gia chương trình của Thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước, tôi hát bài "Thêm một" (phổ thơ Trần Hòa Bình), tôi thấy là mình đã hát như được trải lòng mình vậy. Bài hát này tôi sẽ thu và đưa vào album sau.

Thực ra, chọn riêng cho mình một con đường là tự trói mình vào một cái "mã" nào đó, nhưng phải biết hài lòng với những gì mình đã có. Ở tuổi này thì tôi cũng chẳng có ý định thử sức thêm một điều gì mới mẻ nữa. Bạn cứ thử tượng tượng xem, bây giờ nếu bạn nhìn thấy một Đức Long trên sân khấu, ăn mặc và hát những bài hát có tiết tấu gấp gáp, rồi gào thét thì sao nhỉ, chắc là không thể chấp nhận nổi!

- Bây giờ nhìn lại, âm nhạc đã mang lại cho anh (cũng như lấy đi của anh) những gì?

- Tôi được nhiều hơn là mất, hát là một cách trải lòng. Đôi khi buồn mà hát lên một khúc ca là quên hết những muộn phiền. Tôi cũng không tưởng tượng được, nếu hồi đó cứ theo nghề xúc than mãi thì bây giờ mình như thế nào. Đó là lý do buộc tôi phải lao động nghệ thuật nghiêm túc để hoàn thiện mình. Bởi vì giờ đây, ngoài việc là một nghệ sĩ, tôi là một "ông giáo" trên bục giảng, nghề đào tạo nhiều khi phải khắt khe với chính mình, mình vì mình nhưng cũng vì thế hệ trẻ, đó là điều mà tôi luôn trăn trở, luôn ghi nhớ.

- Nói về anh, người ta thường nghĩ tới một nghệ sĩ nghiêm cẩn với nghề, chi chút với nghề, trọng nghề. Nhưng chính điều này khiến thế hệ của anh đang bị đẩy ra xa dòng xoáy nhạc thị trường với sự xuất hiện ồ ạt, chóng vánh của các ca sĩ trẻ mới nổi. Một mặt nào đó, cũng chính là sự "ăn xổi" của dòng nhạc trẻ ngày nay. Có bao giờ anh thấy hụt hẫng vì điều đó?

- Thực ra thì dòng nhạc nào cũng có giá trị riêng và khán giả riêng của nó. Tôi chẳng buồn vì mình không tiếp ứng với thị trường như cách mà các bạn trẻ vẫn làm, tôi chỉ buồn vì thế hệ trẻ chưa làm nên được các giá trị riêng của họ. Họ nổi và chìm chóng vánh. Tôi nghĩ, nếu lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc để đưa đến cho công chúng những tác phẩm có giá trị nghệ thuật đích thực thì dòng nhạc nào, lứa tuổi nào cũng được khán giả yêu mến!

- Xin cảm ơn anh!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.
.