NSND Thế Anh với phim “Điện Biên Phủ”: Ấn tượng về tính chuyên nghiệp

Thứ Ba, 15/04/2014, 10:25
Khi làm phim “Điện Biên Phủ”, NSND Thế Anh đã được đạo diễn Pierre Schoendoerffer lựa chọn vào vai ông Cọp, một chủ tiệm người Hoa chuyên buôn bán với Pháp. Trong dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên phủ, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với NSND Thế Anh về những ngày đóng phim này:

PV: Danh tiếng từ những bộ phim “Nổi gió”, “Mối tình đầu”, “Đường về quê mẹ”… đưa ông đến với đạo diễn lừng danh Pierre Schoendoerffer. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc Báo CAND về quá trình casting vai ông Cọp?

NSND Thế Anh: Theo lời mời, tôi có mặt ở Hà Nội trước ngày 5/1/1991 để trải qua một cuộc sát hạch về tiếng Pháp, trước khi thử vai cho đạo diễn xem.

Phim có 2 nhân vật người Việt có nhiều lời thoại là ông Cọp và nhà báo Vinh nên đạo diễn phải tuyển chọn diễn viên Việt Nam. Lần thử trước, có người nói tốt tiếng Pháp thì lại không biết diễn và người diễn được thì lại không nói được tiếng Pháp. Lần này, việc tuyển chọn có vẻ khắt khe hơn vì đạo diễn Schoendoerffer đã có ý định quay về Pháp để mời diễn viên Việt kiều trong đoàn Comédie Francaise”. Ông yêu cầu, trước ông kính, người diễn viên phải bình dị như cuộc đời. Ông đã phải chọn một Việt kiều cho vai nhà báo Vinh, là ông Thăng Long, sang Pháp sống từ năm 1952. Chỉ còn lại vai ông Cọp để chọn ở Việt Nam. Tôi đã thử vai trong một tình thế nhiều người đã thất bại vì không lọt vào “mắt xanh” của đạo diễn Schoendoerffer.

Cuộc gặp gỡ lần đầu với đạo diễn Schoendoerffer hết sức trang nghiêm. Ông tỏ vẻ hài lòng với vẻ ngoài của tôi, nhất là đôi mắt xếch, lông mày rậm và sắc. Đạo diễn Schoendoerffer trò chuyện khá cởi mở, say sưa nói về nhân vật ông Cọp, giúp tôi hiểu hơn về xuất xứ cũng như tính cách của vai diễn.

PV: Sau khi ông thử vai ông Cọp, đạo diễn Schoendoerffer lập tức ưng thuận?

NSND Thế Anh: Trong quá trình làm việc, đạo diễn Schoendoerffer luôn nhắc nhở diễn viên phải chú ý đến chiều sâu tâm lý của nhân vật ông Cọp. Đó là một người buôn bán và nếu thất bại, có thể ông Cọp sẽ đi Singapore, Malaysia, nhưng ông lại là người biết rất rõ về số tiền mà người ta đã cá cược về Điện Biên Phủ, cũng như số người đã chết vì chiến tranh. Những điều đó không có trong kịch bản, nhưng diễn viên phải thể hiện được giúp đạo diễn.

NSND Thế Anh vai ông Cọp trong phim “Điện Biên Phủ”.

Đạo diễn Schoendoerffer muốn nhân vật ông Cọp có vẻ bề ngoài hơi bí hiểm kiểu Á Đông. Vì thế, những động tác hình thể phải hết sức tiết chế, trong khi đôi mắt lại phải nói nhiều về những con số bí ẩn của chiến tranh. Sau khi trò chuyện cùng đạo diễn, tôi hiểu được ý đồ của ông nên đã vào vai ông Cọp tương đối chính xác. Những đoạn diễn thử được quay qua camera vô tuyến và chiếu lên xem ngay. Khi xem lại từng đoạn, từng chi tiết, đạo diễn đều dừng lại phân tích về cách diễn, cách tạo hình nhân vật. Cuối cùng, 2 trợ lý đạo diễn là Frederic và Jean Charles Smith đã chạy lại bắt tay tôi và giao kịch bản phân cảnh. Thế nhưng, ngay sau đó, đạo diễn Schoendoerffer đã… xin lỗi và lấy lại kịch bản để ông được suy nghĩ thêm trước khi quyết định chính thức. Mãi tới trước khi trở về Pháp, ông mới chính thức giao vai cho tôi. Còn một tháng nữa mới bấm máy, nhưng mọi người bắt đầu gọi tôi bằng cái tên “ông Cọp”.

PV: Ấn tượng nào để lại với ông trong quá trình làm phim “Điện Biên Phủ”?

NSND Thế Anh: Đó là tính chuyên nghiệp trong toàn bộ quá trình làm phim. Bối cảnh phim được thực hiện ở Xuân Mai, Hòa Bình. Một Điện Biên Phủ giả được tái hiện tỉ mỉ, kỳ công, gần như thật, với sông Nậm Rốm, các quả đồi cứ điểm, hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát, đường băng… do đích thân đạo diễn bay sang thông qua. Để phục vụ cho cảnh quay đầu tiên, phía Pháp đưa sang 4 máy bay Đa-cô-ta và 2 máy bay T6. Khoảng 150 người Pháp, trong đó có 84 quân nhân đến Hà Nội để tham gia bộ phim lịch sử này.

PV: Ông từng rất ngưỡng mộ từ công tác chuẩn bị trang phục của người Pháp?

NSND Thế Anh: Trước ngày quay nửa tháng, người ta mời tôi đi thử phục trang. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến khu vực xưởng như một xí nghiệp may đo lớn. Từ họa sĩ phục trang, họa sĩ thiết kế, thợ may Việt Nam và Pháp đều tất bật chuẩn bị quần áo cho các nhân vật trong phim. Hàng nghìn bộ đồ được treo đều đặn trên mắc áo, có đánh số thứ tự, theo tên nhân vật. Trên tường là những bức ảnh chụp các bộ trang phục của sĩ quan Việt Nam và Pháp thời 1954 - tư liệu từ các bảo tàng. Nữ họa sĩ Francoise hỏi tôi đóng vai nào, tôi nói vai ông Cọp, liền được dẫn tới nơi để phục trang của nhân vật. Hàng chục bộ quần áo Tàu cùng comple được mang ra để tôi chọn và có mấy người hỗ trợ tôi thử đồ. Nhiều bộ tôi rất ưng ý, nhưng họa sĩ Francoise vẫn băn khoăn. Tiêu chí của họa sĩ Francoise đưa ra rất cao: Vì tôi đóng vai chính nên trang phục phải nghiêm chỉnh, nền nã, sạch sẽ, dù chỉ một vết ố nhỏ ở ve áo cũng không được. Họ luôn hỏi xem tôi mặc vừa không, thoải mái chưa hay có điều gì chưa ưng ý, khiến tôi thấy mình rất được tôn trọng.

Một câu chuyện mà tôi muốn kể ra đây là một kinh nghiệm làm phim mà Việt Nam cần học tập: Trong quá trình làm phim, đạo diễn luôn yêu cầu mọi người trong đoàn phải sống với những cảm xúc vui buồn cùng với Điện Biên Phủ. Một buổi sáng ở trường quay, khi phát hiện tất cả các bộ quần áo sĩ quan Pháp được là phẳng phiu, đạo diễn Schoendoerffer nổi giận cho gọi cô phục trang người Pháp đến: “Cô có biết hôm nay quay cảnh gì không?” Cô phục trang trả lời: “Dạ, hôm nay quay cảnh chiến đấu dưới hầm”. “Chiến đấu dưới hầm mà quần áo như đi dạ hội thế à?” - đạo diễn Schoendoerffer tức giận, cương quyết đuổi cô về nước, mặc cô khóc lóc. Ông là thế, không thể làm phim với những người không hết mình với nghệ thuật.

PV: Cảm xúc của đạo diễn Schoendoerffer với bộ phim “Điện Biên Phủ” mà ông từng biết?

NSND Thế Anh: Trong một bài viết riêng cho tờ Paris Match, Schoendoerffer đã viết: “Khi chúng tôi quyết định quay bộ phim “Điện Biên Phủ” ở Việt Nam, tôi đã cảm thấy hết sự quan trọng của việc này. Đó là một sự kiện lịch sử, sự hợp tác Pháp – Việt đầu tiên. Tôi muốn thử diễn tả cuộc sống tinh thần trong quân đội viễn chinh Pháp mà tôi đã sống 3 năm. Vượt lên tất cả, chúng tôi đã khám phá ra Việt Nam và đã mến yêu đất nước này. Phim “Điện Biên Phủ” đã ra mắt công chúng Hà Nội. Đó là đêm huy hoàng nhất của cả cuộc sống nghề nghiệp, cuộc đời làm người của tôi. Những người Việt Nam đã cảm nhận, hiểu được những điều mà tôi muốn thể hiện. Sự chú ý của họ với bộ phim cũng là bước đầu đi đến tình hữu nghị này. Đại tướng Giáp đã nói với tôi, Bộ trưởng Bộ Văn hóa đã nói với tôi, những người bạn Việt Nam đã nói với tôi điều đó… Từ lâu, tôi đã biết sự thông minh, tài giỏi, tinh tế và sâu sắc của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, một lần nữa tôi lại ngạc nhiên trước khả năng của dân tộc Việt Nam trong sự hiểu biết trí tuệ và cả những vấn đề của trái tim và tâm hồn. Có những điều mà chúng ta không thể tha thứ cho mình được, nhưng còn biết bao điều làm chúng ta có thể xích gần nhau, tôn trọng và yêu mến nhau. Đó là những điều tôi muốn nói qua bộ phim và đã được ghi nhận”.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.