NSND Thế Anh: Đời còn lại một cái tên

Thứ Tư, 19/03/2008, 08:08
Trên sân khấu, complê, cavát lịch lãm, ngoài đời, quần bò áo kẻ đóng thùng, mũ kepy đội ngược, người đàn ông 71 tuổi Thế Anh trông như chỉ mới ngũ thập, vẫn còn trẻ trung và phong độ lắm với nụ cười mê hồn. Nụ cười ấy, năm xưa và cho đến nay vẫn nguyên nét hồn nhiên và bừng sáng trên gương mặt xi nê của một tài tử điện ảnh một thời lừng lẫy.
>> 10 năm nữa, điện ảnh Việt Nam sẽ cạn kiệt đạo diễn tài ba

Trở ra Hà Nội có dễ sau mấy chục năm, người đàn ông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, người Hà Nội gốc mấy chục năm lưu lạc ở xứ Nam như lại trở về với cội nguồn. Ký ức như một cuộn phim quay ngược thời quá khứ.

Đã ở tuổi "cổ lai hy", đời người như một thoáng chốc, ngẫm lại thế sự, ngẫm lại đường đời gian truân mấy nẻo, Thế Anh chép miệng: "Tôi may mắn gấp vạn lần những anh em nghệ sĩ khác. Có bao nhiêu người đi làm nghệ thuật cả một đời, thế nhưng không để lại nổi cái tên. Còn tôi, may mà đời vẫn còn lại là cái tên, thế là đã quá hạnh phúc".

Đời như phim

Dịp trở lại mảnh đất chôn rau cắt rốn, Thế Anh trở thành người hoài cổ khi nhớ lại một thời. Thế Anh nói vui rằng, ông đến với nghệ thuật, đến với nghề diễn viên âu cũng là cái nghiệp. Xuất thân trong một gia đình khá giả. Mẹ là tiểu thương buôn bán, cha là một người học hành đỗ đạt xuất sắc.

Thế Anh là con thứ 3 trong gia đình, năm ông lên 3 tuổi cha ông đỗ học bổng của Pháp và sang Pháp học bác sỹ. Ngày tiễn cha đi Pháp vào khoảng năm 1941-1942, mẹ dắt theo 3 đứa con thơ dại xuống bến tàu.

Mẹ kể lại, lúc đó Thế Anh khóc rất dữ, mẹ phải bế đi mua kẹo dỗ dành, để cho cha khuất bóng xuống tàu mới dám quay lại. Khi quay lại thì tàu đã rời bến, cả mấy mẹ con nước mắt nhạt nhòa.

Bắt đầu từ đó là những ngày khốn khổ trong cuộc đời của mấy mẹ con. Anh trai thứ hai không may bị ốm qua đời sớm. Mình mẹ nuôi hai đứa con. Cha sang Pháp học rồi từ đó bặt tin. Không một dòng thư, không một tín hiệu liên lạc, không một lời nhắn gửi.

Hai anh em Thế Anh thừa hưởng gien của cha nên học hành rất giỏi. Từ nhỏ cả hai anh em đã học ở Trường Lycée Albert Sarraut, Trường Tư thục Khai Thành, Minh Tân, Hoàng Hữu Nam.

Thế Anh đặc biệt giỏi môn toán, trong thâm tâm Thế Anh luôn hình dung mình là một kỹ sư, hay một nhà toán học. Năm lớp 10, ông trúng tuyển phi công. Chàng trai cao trên một mét bảy, khôi ngô, tuấn tú, qua các kỳ sát hạch gắt gao đã đạt tiêu chuẩn cho việc đào tạo để trở thành một phi công. Thế nhưng cũng chỉ vì lý lịch có cha đi Pháp và làm việc cho Pháp không rõ ràng mà Thế Anh không đạt yêu cầu.

Cũng vì lý lịch mà việc lựa chọn nghề nghiệp với ông trở nên khó khăn hơn, cho dù khả năng của Thế Anh rất tốt. Cuối cùng, ông trở thành người lính công tác tại Trường Trung Cao cấp quân sự. Hai năm công tác trong môi trường quân đội, giấc mơ toán học chưa từ bỏ trong trái tim đầy nhiệt huyết của Thế Anh.

Năm 1961, Thế Anh thi đỗ xuất sắc vào Khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Lúc này dù đã vào đại học nhưng Thế Anh vẫn chưa được kết nạp đoàn viên. Sẵn có máu nghệ thuật vì khi còn đi học, Thế Anh từng đoạt Huy chương vàng trong vở kịch "Chàng lười lao động" nên ông ghi tên thi tuyển diễn viên của Trường Nghệ thuật sân khấu.

Lúc đó, chỉ nghĩ đơn giản rằng, đi vào con đường nghệ thuật thì cái lý lịch của mình đỡ vướng, đỡ gian truân hơn, cuộc đời mình đỡ phiền toái hơn nên Thế Anh dấn thân.

Không ngờ chàng sinh viên đẹp trai, to cao đã loại bỏ 700 lá đơn dự tuyển khác để trở thành 1 trong số 30 diễn viên trúng tuyển cùng với Ngọc Hiền, Mỹ Dung, Cao Khương, Đoàn Dũng, Trọng Khôi.

Tốt nghiệp loại ưu khóa diễn viên sân khấu chính quy đầu tiên năm 1964, Thế Anh về đầu quân cho Đoàn Kịch nói Trung ương.

Số phận nghề nghiệp của Thế Anh cực kỳ may mắn, khi vừa ra trường, ông đã được lựa chọn trong một vai diễn để đời, vai diễn làm nên tên tuổi và vầng hào quang sáng chói của ông. Đó là vai Trung úy Phương trong phim "Nổi gió". Lúc đó, bộ phim "Nổi gió" đã có diễn viên vào vai Trung úy Phương, trước khi Thế Anh là người thứ 13 vào thử vai thì bộ phim đã tiến hành quay được hơn 400m phim.

Số phận đã cho Thế Anh một cơ hội, và ông, ngay lập tức tỏa sáng hết mình trong cơ hội đầu tiên, để đường hoàng bước thẳng lên đỉnh vinh quang của nghiệp diễn.

Thành công vang dội ở Trung úy Phương, Thế Anh nghiễm nhiên là một ngôi sao sáng trong bầu trời điện ảnh. Hàng loạt vai diễn nổi tiếng không kém gì Trung úy Phương sau đó: Ba Duy trong "Mối tình đầu", "Đường về quê mẹ", "Không nơi ẩn nấp", "Ngày Lễ Thánh", "Tự thú trước bình minh", "Hồi chuông màu da cam", " Vụ án hồ con Rùa, "Người trong cuộc", "Vĩnh biệt chân trời cũ", "Gánh xiếc rong", "Đêm hội Long Trì", "Kiếp phù du".

Thế Anh bay vào Nam rồi lại ra Bắc như con thoi để đóng phim theo lời mời của các đạo diễn. Trên sân khấu kịch, Thế Anh để lại những ấn tượng sâu đậm trong các vai diễn: "Nila - Cô bé đánh trống trận", "Đôi mắt", "Chuông đồng hồ Điện Kremli. "Anh Trỗi", "Hoa anh túc", "Khúc thứ ba bi tráng", "Othenllo", "Hòn đảo Thần Vệ Nữ" v.v...

Người cha biệt tích và khoản thừa kế  

Mặc dù thành công rực rỡ, nhưng sự nghiệp của Thế Anh vẫn gặp khó khăn bởi cái lý lịch không rõ ràng. Cha thì vẫn bặt vô âm tín, không một liên lạc, không một hồi âm với người vợ mỏi mòn chờ chồng, hai đứa con ngóng cha với những hệ lụy vô cùng phiền muộn và khốn khổ.

Thế nhưng, cuộc đời luôn có sự công bằng, số phận còn có muôn vàn điều kỳ diệu vẫn còn ẩn nấp đâu đó trong bước đường đời của Thế Anh để bù đắp cho gia đình anh những thiệt thòi.

Chính nhờ sự thành công trong bộ phim "Nổi gió", trong một lần bộ phim được mang sang các nước công chiếu, trong đó có nước Pháp, chiêu đãi cho toàn bộ Việt kiều ở Pháp xem, Thế Anh đã viết một bức thư trình bày hoàn cảnh gia đình và nguyện vọng tìm lại người cha sinh thành hiện đang là bác sỹ tại Pháp, đã ra đi từ năm 1942, để lại mẹ và ba con trai từ bấy đến nay không một hồi âm.

Bức thư được ông Xuân Thủy phụ trách công tác ngoại giao thời đó mang sang Pháp giúp Thế Anh tìm lại người cha. Cuộc đời có duyên kỳ ngộ.

Thật may mắn xiết bao chính trong buổi công chiếu cho Việt kiều ở Pháp xem, cha đẻ của Thế Anh đã có mặt tại buổi chiếu đó và sau khi nghe ông Lâm Bá Châu, Chủ tịch Hội Việt kiều ở Pháp đọc bức thư của diễn viên chính Thế Anh trong vai Trung úy Phương kể về hoàn cảnh gia đình và người cha thất lạc ở Pháp, ông đã mừng tủi nhận ra con trai của mình.

Cha con nhận nhau qua màn ảnh, qua những thước phim đẫm nước mắt. Chính buổi chiếu hôm đó, cha anh đã đứng ra quyên góp tiền cho Cách mạng Việt Nam.

Từ đó trở đi, ông viết thư về thăm hai con Thế Anh và Thế Hùng. Nhưng cho đến lúc này, Thế Anh vẫn không lý giải được tại sao cha anh lại im lặng từ bấy đến nay và trong các bức thư gửi về thăm hai con trai sau khi cha con đã tìm được nhau, cha anh chưa bao giờ nhắc đến mẹ và hỏi thăm mẹ.

Mẹ anh là cô gái Hà Nội, từng là hoa khôi ở xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội, sinh ra trong gia đình gia tộc, quyền quý, bà buôn bán rất giỏi và một lòng thờ chồng nuôi con. Có lẽ đó là đau khổ lớn nhất của người mẹ hết lòng vì chồng, thờ phụng chồng, dốc lòng cho chồng ăn học nhưng đổi lại người chồng đã không bao giờ trở về, không cả một lời giải thích.

Cha con nhận nhau, thư từ thăm hỏi nhau nhưng cha anh cũng không một lần trở lại Việt Nam thăm vợ và các con. Trong thư cho hai con, ông nói ông huyết áp cao, không thể đi máy bay được. Với lại, thời đó, Nam Bắc còn chưa thống nhất, đất nước còn đang chiến  tranh, không có điều kiện để đi lại. Thế rồi cha anh mất, gia đình cũng không một lần được gặp lại ông.

Sau khi cha mất, hai anh em Thế Anh đã nhận được một bức thư của một luật sư người Pháp gửi thư về cho hai anh em Thế Hùng và Thế Anh công bố khoản tiền thừa kế cha anh để lại cho hai con trai ở Việt Nam.

Sau khi hoàn tất các thủ tục chứng minh mình là con đẻ của cha, hai anh em Thế Anh gửi hồ sơ sang Pháp và luật sư của cha anh đã chuyển khoản tiền thừa kế về cho hai anh em Thế Hùng và Thế Anh.

Mãi đến sau này, năm 1972, trong một lần đi dự liên hoan phim ở Pháp, Thế Anh mới có dịp đến ngôi nhà cha anh đã từng sinh sống, gặp người vợ của cha là một người Pháp, gặp 3 em trai cùng cha khác mẹ. Chính người vợ sau này của cha ông đã đưa Thế Anh viếng mộ cha mình.

NSND Thế Anh thời trẻ cùng NSƯT Bích Thu, NSND Đoàn Dũng trong vở kịch “Âm mưu và tình yêu”.

Liên tục vào Nam đóng phim, Thế Anh nhận ra rất sớm rằng mối tình với điện ảnh đã hớp hết hồn vía anh, cuốn anh vào vòng đam mê ma lực. Sẵn có tiền được thừa hưởng từ cha, Thế Anh đã làm cuộc Nam tiến đưa cả mẹ và vợ cùng hai con trai anh vào Nam sinh sống và lập nghiệp.

Miền Nam trở thành quê hương thứ hai của Thế Anh, là mảnh đất lành cho gia đình anh làm bến đỗ cuộc đời.

Thế Anh thừa nhận rằng, ông là đứa trẻ thiếu thốn tình cảm người cha, lớn lên mà không có cha bên cạnh dìu dắt nâng đỡ, nhưng về vật chất ông chưa bao giờ phải khổ, phải thiếu thốn, hay phải tất bật trong việc mưu sinh. Người mẹ tháo vát đã nuôi hai anh em Thế Anh trong một điều kiện kinh tế khá giả.

Sau này, nhận được khoản tiền thừa kế của cha để lại, Thế Anh đã sống một cuộc sống khá giả, không phải bon chen, cực nhọc vì đồng tiền. Ông bước vào điện ảnh với tất cả nỗi đam mê, dâng hiến, mà không phải sấp ngửa cơm áo như những người nghệ sỹ cùng thời.

Là một người thông minh, trí tuệ, bản lĩnh và nhập cuộc rất nhanh, thích ứng với mọi hoàn cảnh, Thế Anh được phong tặng Nghệ sỹ ưu tú trong đợt đầu tiên, thế nhưng phải mất 17 năm sau ông mới được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân.

Trung úy Phương và một gia đình hạnh phúc

Nghệ sỹ nhân dân Thế Anh có một tổ ấm gia đình rất bình an và hạnh phúc. Gia đình ông sống ở số 3 Trần Minh Quyền phường 10, quận 10, TP HCM. Ông có hai con trai đều thành đạt. Kỷ niệm hai vai diễn để đời, ông đã đặt tên Phương và Duy cho hai con trai của mình.

Nguyễn Thế Phương hiện là Tiếp viên trưởng, giảng viên Trường Đào tạo tiếp viên của hãng Hàng không Việt Nam. Nguyễn Thế Duy hiện là giảng viên tại Trường Đại học Sorbonne của Pháp, làm việc tại Trung tâm Kiểm toán thế giới. Nguyễn Thế Duy có may mắn được sang Pháp học từ rất sớm, chính em trai cùng cha khác mẹ của Thế Anh ở Pháp đã đỡ đầu cho việc học hành của cháu.

Hiện nay cả hai con của Thế Anh rất thành đạt và khá giả, không một ai trong số họ theo nghề diễn viên của bố mẹ. Sự im lặng của người cha trong quá khứ không làm cho những đứa con cùng huyết thống trở nên xa lạ với nhau.

Các em trai cùng cha khác mẹ của Thế Anh ở Pháp đã nồng nhiệt tìm về với hai người anh trai ở Việt Nam. Họ đã làm nên một gia đình lớn hòa thuận ở Việt Nam và Pháp. Pháp lại trở thành chốn đi về của Thế Anh khi hiện nay gia đình con trai của ông đang định cư ở đó.

Lần trở lại Hà Nội, đứng trên sân khấu của Nhà hát Lớn biểu diễn, dễ chừng đã 33 năm kể từ sau năm 1975, Thế Anh chia tay với sân khấu kịch để vào Nam lập nghiệp.

Hơn ba mươi năm mới có dịp trở lại, Thế Anh xúc động đến trào nước mắt. Ông diễn như chưa bao giờ được diễn, với tất cả niềm say mê rung động chân thành.

Thế Anh tâm sự: Cuộc sống của ông sau vầng hào quang của điện ảnh là một cuộc sống thực tế và giản dị. Ông không phải lo lắng nhiều về tiền bạc, cứ vậy sống ung dung thong thả và chờ đợi những vai diễn mới.

Thế nhưng cũng phải hàng chục năm nay, nền điện ảnh của Việt Nam bước vào một giai đoạn khác, những kịch bản dễ dãi, những bộ phim thị trường, tất cả những sự xô bồ của phim trường làm cho những người nghệ sỹ đích thực như ông chạnh lòng.

Để mình không bị già cỗi đi, để nuôi ước vọng và chờ đợi vào một sự thay đổi của điện ảnh, Thế Anh lặng lẽ chôn giấu niềm đam mê của mình. Ông học tiếng Anh để chờ đợi một vai diễn nào đó của hãng phim nước ngoài.

Ông rèn luyện thân thể, tập thể dục với bài "Suối nguồn tươi trẻ" để cơ thể luôn nhanh nhẹn trẻ trung, đọc sách nhiều, đi du lịch nhiều ở nước ngoài, luôn luôn tích lũy kiến thức cho mình để một ngày nào đó biết đâu ông lại được hóa thân vào một vai diễn mới lạ, có tầm vóc.

Niềm đam mê nghệ thuật chưa bao giờ nguội tắt trong một người đàn ông đã hơn 70 tuổi nhưng vẫn tráng kiện và trẻ trung như mới ngoài 50. Nếu không có một đời sống nhẹ nhàng, bình an, một phong cách vui tươi, lạc quan yêu đời, Thế Anh không thể giữ được phong độ như vậy.

Mới đây, sau 30 năm, ông đột ngột làm khán giả sân khấu kịch TP HCM phải ngạc nhiên bởi tài diễn xuất nội tâm cực kỳ sắc ngọt mà uyển chuyển, dày dặn và có phần bùng nổ trong vai diễn Trần Luận trong vở kịch: "Người thi hành án tử".

Ở vai diễn nội tâm phức tạp này, một lần nữa Thế Anh lại thể hiện đẳng cấp của một diễn viên ưu tú. Thế Anh nói rằng: "Xin chớ coi thường phút lơ đãng của hổ. Hổ không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào có thể.

Ra Hà Nội trong chương trình "Ngẫu hứng Hữu Ước" cũng là một cơ hội tuyệt vời đấy". Thế Anh cũng không giấu được nỗi khát khao bỏng cháy về một vai diễn để đời.

Ông nói rằng: "Nếu bây giờ có một kịch bản hay, một vai diễn tốt, mình sẵn sàng chơi tới cùng. Mình đóng phim miễn phí luôn, miễn là được vào vai mình thích. Nhưng khó quá, Việt Nam mình không có một Trương Nghệ Mưu, một Trần Khải Ca, vì vậy những diễn viên tài năng đành phải ẩn mình trong đời sống.

Cũng may là Thế Anh, còn một ngày sống nào, vẫn còn nuôi hy vọng. Một sáng thức dậy, nếu Thế Anh không còn háo hức với cuộc sống nữa, không còn ngạc nhiên trước cuộc sống nữa, thì lúc đó Thế Anh coi như không tồn tại".

Chia tay Hà Nội, "Trung úy Phương" lên đường trở về Sài Gòn, quần bò, áo sơ mi kẻ sọc, mũ lưỡi trai đội ngược, ông vẫy tay cười. Chao ôi, nhìn ông kìa! Nụ cười vẫn vẹn nguyên sức hút ma lực của một tài tử điện ảnh, nổi tiếng một thời

Như Bình
.
.
.