NSND Quang Thọ: Mang tâm hồn, tình cảm tới khán giả

Thứ Bảy, 25/11/2006, 09:42
"Báo CAND với tôi như một người bạn thân thiết từ lâu, nay được biểu diễn trong một chương trình có tầm cỡ do chính Báo tổ chức, với tôi, quả là niềm vinh dự, Vì thế, sẽ không chỉ là hát, chúng tôi còn mang tâm hồn, tình cảm của mình đến với khán giả truyền hình, với mong muốn đêm thơ - nhạc của Báo CAND càng đậm tình thân ái" - NSND Quang Thọ tâm tình.

Cũng phải nhiều lần hẹn, tôi mới gặp được NSND Quang Thọ. Bởi với giọng ca hùng tráng và sâu lắng, vang vọng như ngày nào, NSND Quang Thọ vẫn là sự mến mộ của khán giả trong cả nước. Ngoài ra, công việc quản lý của một Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc, Nhạc viện Quốc gia Hà Nội, khiến anh vô cùng bận rộn. Nhưng có lẽ, lý do chính là anh ngại "bị" giới thiệu trên mặt báo.

NSND Quang Thọ tỏ ra rất kiệm lời và cẩn trọng khi nói về bản thân và gia đình. Anh chỉ vắn tắt cho biết, cả gia đình anh đều hoạt động âm nhạc và 2 cậu con trai cũng đang theo học tại Nhạc viện. Điều anh có thể bàn luận say sưa hơn cả là nghệ thuật với mối quan tâm lúc này là đào tạo được ngày càng nhiều ca sĩ giỏi và yêu dòng nhạc chính thống, để tạo đà cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam, dù biết điều này không dễ dàng.

Gần 4 thập kỷ thủy chung với dòng nhạc truyền thống là một quãng thời gian dài NSND Quang Thọ phấn đấu bền bỉ, khổ luyện để có được một giọng hát với âm vực rộng lớn, sâu thẳm, đi vào lòng người. Nhắc đến các bài hát "Tình ca" (Hoàng Việt), "Lá đỏ" (Hoàng Hiệp - Nguyễn Đình Thi), "Sông Lô" (Văn Cao) và "Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam!" là người ta nhắc đến tên anh với những cảm xúc rộn ràng, không khí hào hùng của một thời vinh quang và máu lửa của dân tộc. NSND Quang Thọ có quyền tự hào vì tên tuổi anh gắn liền với những tác phẩm đã đi vào tâm thức khán, thính giả.

Trong thời buổi các loại hình giải trí đa dạng, trình độ thưởng thức âm nhạc của công chúng chưa thật đồng đều, người nghệ sĩ của dòng nhạc chính thống còn chịu nhiều thiệt thòi, khi vô cùng khổ luyện, nhưng so với ca sĩ nhạc nhẹ có cátxê vài chục triệu một đêm, thì công sức của ca sĩ nhạc cổ điển lại bị trả giá rất thấp.

Tuy vậy, chưa bao giờ NSND Quang Thọ cảm thấy nuối tiếc vì sự lựa chọn với âm nhạc hàn lâm. Trái lại, anh luôn tự hào về con đường mình đã đi và nhận thấy trách nhiệm nặng nề nhưng vinh quang trong việc đào luyện các ca sĩ trẻ phục vụ nền âm nhạc còn non trẻ của đất nước, nhất là trong lúc hoạt động ca hát đã mang tính xã hội như bây giờ.

Bản thân NSND Quang Thọ luôn là một tấm gương mẫu mực về cách sống cũng như rèn nghề, dù anh đã là một nghệ sĩ lớn. Nhưng NSND Quang Thọ cũng có quan điểm rất mở: Thế hệ nghệ sĩ chúng tôi tự hào đã trải qua cuộc chiến tranh, nhưng giờ đây, không thể bắt các em học sinh sống và làm việc như chúng tôi ở thời kỳ đã xa. Trách nhiệm lớn lao của những người đi trước như chúng tôi là hướng cho các em hiểu và biết những gì mà dân tộc ta, đất nước ta đã trải qua, để giúp các em cảm nhận và thể hiện các tác phẩm được sâu lắng hơn.

Sự kế tục xứng đáng của Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Lan Anh và Anh Thơ có phần đóng góp không nhỏ từ NSND Quang Thọ.

Trong đêm thơ - nhạc "Vì bình yên cuộc sống", NSND Quang Thọ sẽ cùng với các học trò Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn một lần nữa mang ca khúc "Việt Nam trên đường chúng ta đi" đến với khán giả cả nước, với mong muốn nhắc gợi niềm tự hào dân tộc trong trái tim mỗi người, nhân dịp một sự kiện quan trọng của Báo CAND diễn ra

Thái Hoàng
.
.
.