NSND Như Quỳnh: “Người Hà Nội”

Thứ Tư, 25/02/2009, 11:22

Hiếm có nữ diễn viên nào cùng thế hệ NSND Như Quỳnh lại có tuổi nghề tỏa sáng lâu bền như chị, dù họ từng có một quá khứ vàng son như nhau. Tài danh và nổi tiếng, nhưng Như Quỳnh như một viên ngọc không tì vết, luôn tỏa ra thứ ánh sáng thuần khiết và nét văn hóa Hà Nội...

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài...

Sau nhiều lần hẹn hò rồi xếp lịch kỹ càng, chúng tôi mới có được cuộc gặp với chị. Bởi ngoài danh sách các phim chị tham gia luôn dày đặc, Như Quỳnh là người giữ các nguyên tắc riêng trong cuộc sống: Chỉ khi ở nhà một mình, chị mới tiếp khách riêng. Chị muốn giữ gìn những khoảng không gian riêng của gia đình, không muốn vì công việc của mình mà người thân bị xáo trộn.

Lần nào cũng thế, chị đợi chúng tôi đúng hẹn với một nụ cười dịu dàng và hơi nghiêm cẩn. Chỉ bước chân qua bậc cửa căn gác tầng 2 của chị trên phố Hàng Đào (Hà Nội), đã cảm giác lạc đến một chốn thanh bình, lắng sâu hồn Việt.

Bất chấp phía dưới là sự hiện diện ồn ào của những cửa hàng sầm uất nhất thủ đô, vẫn nguyên vẹn ở đây một không gian truyền thống rất Hà Nội với những nét độc đáo, mà phải là sản phẩm của một phông văn hóa sâu rộng.

Ván sàn gỗ nâu, bức tường sơn màu vàng từ đầu thế kỷ của ngôi nhà được giữ nguyên. Không phải là bộ salon hiện đại, mà giản dị một bộ bàn ghế tre đã lên màu nâu óng đặt một đĩa hoa quả nho nhỏ, xinh xinh - nét đẹp Hà thành không trộn lẫn.

Chiếc tủ tường là một góc sắp đặt nghệ thuật với những bình, lọ gốm sứ, bó hoa đồng nội, rồi chiếc giỏ đựng những kén tằm vàng óng, bên chiếc gạt tàn làm bằng gốc tre già, chiếc giỏ giấy đan bằng guột, mọi thứ đều giản dị, gần gũi khiến bất cứ ai cũng thấy thật thân quen mà cũng thật ấn tượng.

Bức bình phong đan bằng tre cho ta cảm giác bắt gặp đâu đây một đời sống thôn quê yên ả, những bức tranh Đông Hồ, Hàng Trống dán trên đó như muốn đưa ta về một quá khứ chưa xa.

Như Quỳnh là con nhà nòi. Sự nghiệp nổi danh của chị bắt nguồn từ truyền thống gia đình. Như Quỳnh là đời thứ 4 theo nghiệp sân khấu cải lương. Cha mẹ chị, những nghệ sĩ của Đoàn cải lương Chuông Vàng vang danh một thời trên sân khấu thủ đô: NSƯT Kim Xuân và NSƯT Tiêu Lang, với vai diễn Thúy Kiều - Kim Trọng mà không mấy ai không biết đến.

Đã ở tuổi 80, nhưng NSƯT Kim Xuân vẫn mang một vẻ đẹp quý phái và nụ cười luôn tươi tắn trên gương mặt. Trong ngôi nhà ở phố Bát Đàn, Hà Nội, bà kể nhiều về Như Quỳnh với những kỷ niệm thân thương và niềm tự hào không giấu nổi.

Gia đình hạnh phúc của NSND Như Quỳnh

Từ nhỏ, cả 3 chị em Như Quỳnh đều rất ý thức tự lập trong cuộc sống, bảo ban nhau ngoan ngoãn, lo toan việc nhà chu đáo, để cha mẹ yên tâm đi công tác xa, có khi biểu diễn cả tháng trời ở tuyến lửa Vĩnh Linh. Chẳng hiểu sao, dù mẹ không phải là người nội trợ giỏi, nhưng Như Quỳnh lại rất thích công việc đi chợ, nấu ăn, cắm hoa, trang trí nhà cửa.

Trong ký ức của NSƯT Kim Xuân vẫn nguyên vẹn hình ảnh của chị em Như Quỳnh: "Từ nhỏ, Như Quỳnh đã luôn làm cha mẹ vui lòng bằng cách sống đúng mực, chu đáo với mọi người, khiến chúng tôi chưa bao giờ phải phàn nàn hay lo lắng. Quỳnh nấu ăn ngon lắm, nhất là món nộm và bít-tết. Quỳnh còn chịu khó học làm đủ loại bánh: bánh táo, gatô..., đều rất ngon.

Mối nhân duyên trọn đời

Vào đời với những vai diễn trên sân khấu cải lương, nhưng NSND Như Quỳnh lại thành danh với điện ảnh. Nhắc đến chị, khán giả dường như chỉ nhớ đến những vai diễn trên màn ảnh nhỏ, trong các bộ phim đều thuộc hàng ăn khách khi đó: "Đến hẹn lại lên", "Mối tình đầu", "Ngày lễ thánh", "Hà Nội mùa chim làm tổ" v.v...

Sau 4 năm gắn bó với ánh đèn sân khấu, tình cờ một lần, "Thúy Kiều" của Đoàn cải lương Chuông Vàng đã lọt vào "mắt xanh" của đạo diễn Nông Ích Đạt qua một tấm ảnh, khi ông đang chuẩn bị làm phim "Hai bà mẹ". Ông định mời Như Quỳnh vào vai đứa con trong phim, nhưng rồi, vì sức khỏe, ông không làm đạo diễn của bộ phim nữa, nên cơ hội đầu tiên đến với điện ảnh của Như Quỳnh vuột mất.

Song, gương mặt biểu cảm, dư âm từ những vai diễn trên sân khấu của Như Quỳnh lại gây ấn tượng với đạo diễn Trần Đắc và rồi, chính ông là người đã bắc nhịp cầu đầu tiên cho Như Quỳnh bước chân vào làng điện ảnh với vai diễn trình làng là cô y tá Mai trong phim "Bài ca ra trận".

Là những nghệ sĩ đích thực, nên cha mẹ chị cũng mong muốn con được thử sức ở lĩnh vực nghệ thuật khác, nên rất quan tâm và động viên Như Quỳnh để chị tự tin và hăng hái theo đoàn phim về tận Ninh Bình, vừa thực tế vừa quay phim.

Làm phim thời chiến vô cùng vất vả, nhất là đối với một cô gái Hà Nội chân yếu tay mềm, nhưng tình yêu nghề, lại thêm sự hăm hở, nhiệt tình của lần đầu được đóng phim đã cho Như Quỳnh sức mạnh để vượt qua mọi thử thách.

Hơn nữa, thời gian sơ tán về nông thôn, Như Quỳnh đã làm quen với công việc đồng áng, với cuộc sống thiếu thốn, nên chị nhanh chóng bắt nhịp vào cuộc sống mới ở đoàn phim cùng các anh chị diễn viên đi trước: Dũng Nhi, Trà Giang, Thanh Loan.

Cô gái bé nhỏ Như Quỳnh cũng lội suối, leo rừng, ngủ đêm giữa rừng già với vô vàn muỗi, vắt, rồi chui vào hang chăm sóc thương binh, học cách cứu thương và quan trọng nhất là nắm bắt tâm lý anh em bộ đội để làm sao vào vai cho ngọt.

Lối diễn "tinh tế, nhạy cảm và dễ nhập vai" của Như Quỳnh như nhận xét của diễn viên Dũng Nhi (vai Nam), đã góp phần đáng kể vào Giải thưởng Bông sen Bạc mà "Bài ca ra trận" được trao tại LHP Việt Nam lần thứ III.

Có lẽ, cái duyên điện ảnh với Như Quỳnh được bắt đầu từ sự lựa chọn của đạo diễn Trần Đắc. Khi "Bài ca ra trận" còn chưa hoàn tất, đạo diễn Trần Vũ đã về tận Cúc Phương xem Như Quỳnh diễn, tiếp đó là lời mời chị vào vai Nết trong "Đến hẹn lại lên" sau khi đã chọn rất nhiều người.

Đây là một là vai diễn tâm lý khá nặng ký, nhất là với một diễn viên mới ở tuổi 20, khi nhân vật Nết là một cuộc đời đầy sóng gió của cô gái làng quê quan họ với mối tình trắc trở, khổ đau.

Nghệ sĩ Kim Xuân nhớ lại: Lúc đó, ông bà đều rất lo lắng cho con gái, đến mức, đã đưa Như Quỳnh đến nhờ cậy Giáo sư Hoàng Như Mai để được ông giảng giải cho Quỳnh về thân phận các cô gái nông thôn vùng Kinh Bắc những năm 1930-1945 ra sao, đám cưới chạy tang là thế nào v.v... giúp Quỳnh có những kiến thức cơ bản về nhân vật mà chị sẽ đảm nhận. --PageBreak--

Như Quỳnh đã không phụ công của NSND Trần Vũ,  "Đến hẹn lại lên" đi vào lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam, không chỉ giành giải Bông sen Vàng LHP Việt Nam, Giải chính tại LHP Quốc tế Karlovy Vary 1976, mà còn đưa Như Quỳnh đăng quang tại LHP Việt Nam lần thứ III với giải "Diễn viên xuất sắc nhất".

Hồi đó, mới làm điện ảnh, nhưng Như Quỳnh đã có nhiều nét đáng quý của một diễn viên chuyên nghiệp: ngoài năng khiếu thiên bẩm, là sự đam mê nghệ thuật. Lúc nào Quỳnh cũng ôm kịch bản để học lời thoại. Như Quỳnh là người rất nghiêm túc về giờ giấc, cũng chưa bao giờ phải nhắc về chuyện thuộc thoại. Đó là phẩm chất đạo đức của diễn viên, bởi nếu không thuộc thoại, làm sao diễn viên có thể thể hiện được vai diễn bằng tất cả sự rung cảm và tinh tế.

Nhấp một ngụm trà xanh như để giấu đi những cảm xúc xốn xang bất chợt ùa về, NSND Như Quỳnh đưa chúng tôi vào trong những kỷ niệm về bộ phim đã ghi dấu ấn trong nền điện ảnh Việt Nam.

“Mối tình đầu” là bộ phim điện ảnh đầu tiên của miền Bắc quay tại TP HCM ngay sau ngày đất nước thống nhất. Khi ấy, mọi thứ ở miền Nam đều vô cùng lạ lẫm đối với các nghệ sĩ miền Bắc, đặc biệt là lối sống của thanh niên Sài Gòn. Đây chính là thử thách với Như Quỳnh khi vào vai Diễm Hương - cô nữ sinh có tình yêu sâu sắc và hết sức lãng mạn.

Bởi từ nhỏ, giống như các cô gái miền Bắc thời đó, Như Quỳnh cũng được nuôi dạy với các quan niệm về đạo đức khắt khe, nếu không muốn nói là phong kiến, nên chị không dễ gì thể hiện được những hành động yêu đương lãng mạn. Như Quỳnh đã phải xem nhiều phim của Sài Gòn cũ, đọc sách, tham quan và gặp gỡ với nữ sinh của một số trường đại học ở TP HCM để tìm hiểu tâm lý, cách sống của họ. “Thế mà khi vào vai, tôi vẫn bị nhiều cú sốc” – một chút bối rối, một chút bồi hồi, NSND Như Quỳnh nhớ lại.

“Gừng càng già càng cay”

Thành công liên tiếp trong phim trường, rồi lấy chồng, cũng là một gia đình nghệ sĩ (2 anh trai chồng là NSND - quay phim Hữu Tuấn và đạo diễn Hữu Luyện, còn chồng chị, anh Hữu Bảo là một nhiếp ảnh gia có tiếng), chị đã nghe lời khuyên của gia đình chồng giã từ sân khấu để chính thức “kết duyên” với điện ảnh. Đây quả là một sự lựa chọn đúng đắn, cho cả cá nhân chị, cũng như cho nền điện ảnh Việt Nam, dù có lúc, chị phải trải qua không ít khó khăn trong cuộc sống nhưng tình yêu với môn nghệ thuật thứ 7 vẫn giúp chị trụ lại với nghề.

Giữa lúc danh tiếng nổi như cồn, thì hãng phim nơi Như Quỳnh công tác đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Không còn phim để đóng. Chấp chới trong cuộc thay đổi cơ chế nên đời sống người nghệ sĩ thời đó bấp bênh và cực kỳ khó khăn. Vì thế, dẫu là một nghệ sĩ lớn, nhưng từng có hơn 10 năm, ngôi sao điện ảnh trở thành người phụ nữ đích thực của gia đình để lo toan cho cái quán cà phê nhỏ mang tên “Quỳnh” ở Bát Đàn để kiếm sống.

Tôi hỏi nhỏ, một nữ diễn viên nổi tiếng lại đi mở quán kinh doanh có làm chị cảm thấy ngại ngần không? Như Quỳnh lắc đầu: “Lúc đó, kinh tế khó khăn nên tôi sẵn sàng làm mọi việc, để nuôi con và đảm bảo đời sống gia đình. Không ngại, nên tôi mới lấy tên quán bằng chính tên của mình”.

Nữ minh tinh từng giành giải Nữ diễn viên xuất sắc giờ phải lo đủ mọi việc, từ lau dọn bàn ghế, pha cà phê, vắt nước hoa quả, đến mang đồ uống tới từng bàn cho khách... Khá vất vả, nhưng bù lại, quán lúc nào cũng đông khách.

Hầu hết các “ẩm khách” là người hâm mộ Như Quỳnh và giới nghệ sĩ lui tới để trò chuyện, hoặc chỉ để ngắm nhìn “Diễm Hương” hay “cô Nết” ngoài đời. Có lẽ, bà chủ quán chứ không phải là cà phê đã tạo nên lực hấp dẫn cho các vị khách. Nhớ về ngày đó, đôi mắt một mí sáng lên nét cười đôn hậu: “Chả ai bình luận về cà phê ngon hay không, mà chỉ nói chuyện về các bộ phim tôi đã đóng”.

Nhân duyên với điện ảnh dường như đã gắn chặt vào số phận chị. Ngay cả khi Như Quỳnh tưởng mình đã lui vào cuộc sống khác, thì vẫn có những đạo diễn đến tìm chị. Để rồi, chính họ đã thắp lại ngọn lửa yêu nghề trong trái tim đang bộn bề lo toan chuyện cơm, áo, gạo, tiền của chị, để chị lại đốt cháy mình, tiếp tục khẳng định giá trị qua từng vai diễn.

Dường như, bất chấp thước đo thời gian với gánh nặng tuổi tác, NSND Như Quỳnh luôn tỏa sáng trong từng nhân vật mà chị đảm nhận. Thậm chí, 2 giải thưởng danh giá đều đến vào lúc chị đã đi qua thời tuổi trẻ.

Tự nhận mình là “người không đẹp quá, cũng không hiện đại quá”, nhưng Như Quỳnh lại luôn là sự lựa chọn của các đạo diễn phim có yếu tố nước ngoài. Ngay khi các nhà làm phim Pháp vào Việt Nam, Như Quỳnh lại được mời tham gia phim “Đông Dương”, rồi “Bé Đa” của Nhật. Tiếp đó là hàng loạt phim: “Xích lô”, “Mùa hè chiều thẳng đứng”, “Sài Gòn nhật thực”, “Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc”, “Hạt mưa rơi bao lâu”, “Cô dâu vàng”... của các đạo diễn Việt kiều hay nước ngoài. Như Quỳnh trở thành nữ diễn viên có số lượng phim hợp tác với nước ngoài gần như ở vị trí đầu bảng và với những vai diễn của mình, chị đã là một nhịp cầu giới thiệu nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam ra thế giới.

Hẳn đến nay, đạo diễn lừng danh Regine Wagnier của phim “Đông Dương” vẫn chưa quên câu chuyện liên quan đến nữ diễn viên này: Khi quay cảnh gia đình bà Sao (Như Quỳnh) cùng Camile (Phạm Linh Đan) chạy trốn đến đèo Hải Vân, đạo diễn muốn bà Sao chia sẻ niềm vui sắp thoát nạn với Camile, nhưng Như Quỳnh cho rằng: “Người phụ nữ Á Đông luôn nghĩ đến chồng con, nên người đầu tiên bà Sao chia sẻ phải là chồng, chứ không phải là người ngoài”. Regine Wagnier không chỉ chấp nhận mà còn cảm ơn Như Quỳnh vì ý kiến của chị.

Trước khi quay “Áo lụa Hà Đông”, đạo diễn Lưu Huỳnh đưa cho Như Quỳnh phần kịch bản chỉ có một dòng “bà Phán chạy ra và gào thét bên chồng” và để tùy diễn viên thoại cũng như diễn xuất. Một dòng chữ ngắn ngủi, nhưng đã làm Như Quỳnh trăn trở để làm sao biểu đạt nhất tâm trạng đau xót của người vợ. Và với sự sáng tạo tuyệt vời, dù thời gian xuất hiện rất ngắn, nhưng Như Quỳnh đã thể hiện tâm lý nhân vật một cách hoàn hảo, đến nỗi, ngay khi cảnh quay kết thúc, người phụ trách kỹ thuật đã chạy lại xin chị chữ ký!

Từng xem nhiều vai diễn do Như Quỳnh đảm nhận, đạo diễn Thạc Chuyên đã hoàn toàn yên tâm khi thấy Như Quỳnh bàn bạc rất kỹ với anh từ cách thể hiện nhân vật đến kiểu tóc, màu sắc trang phục của vai bà mẹ mà chị đảm nhiệm trong “Chơi vơi”, để sao cho ra một bà mẹ hoàn toàn khác với những vai bà mẹ mà chị đã thành công trước đó, cho thấy sự lao động nghiêm túc của người nghệ sĩ.

Quả thật, hiếm có một diễn viên nào nổi tiếng đến như chị mà lại có cuộc sống khiêm nhường, lịch lãm và mang đậm “phong cách Hà thành”. Nói về Như Quỳnh, ta có thể gọi chị là “Người Hà Nội” theo đúng những gì tốt đẹp nhất về người Hà Nội

Ngô Thanh Hằng
.
.
.