NSND Nguyễn Đình Nghi - một nhân cách lớn

Thứ Ba, 18/11/2008, 10:17
Gia tài của ông, hành trang của ông đi suốt cuộc đời có lẽ không có gì đáng giá hơn là tủ sách sân khấu, là những kinh nghiệm quý báu trong "Nghiệp sân khấu" và cái quý nhất ông để lại cho cuộc đời, cho chúng tôi, những người học trò của ông chính là một nhân cách lớn: Nhân cách Nguyễn Đình Nghi.

Với những tình cảm thân thương nhất của một người học trò, một người đồng nghiệp đã được gần ông gần suốt nửa thế kỷ cả trong đời sống cũng như trong nghệ thuật, tôi muốn viết về ông - một nghệ sĩ chân chính đúng nghĩa nghệ sĩ với một nhân cách lớn mà không chỉ riêng tôi, tất cả những ai đã biết ông, đã được làm việc cùng ông đều ghi nhận điều đó với một tấm lòng yêu mến đặc biệt.

Từ cách đây non nửa thế kỷ cho đến hôm nay, lời dạy của ông đối với tôi vẫn còn nguyên vẹn. Lời dạy như thế này: Muốn làm sân khấu, trước hết phải luôn nhớ bắt đầu từ cái cánh gà, chừng nào những cánh gà trên sân khấu chưa được thẳng thì đừng nghĩ đến làm bất cứ một việc gì của sân khấu.

Hình ảnh một Nguyễn Đình Nghi đầy tài năng, hình ảnh một Nguyễn Đình Nghi đầy âu yếm nhưng cũng rất nghiêm khắc luôn theo tôi suốt cuộc đời…

Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ X, chúng tôi là học sinh của khóa 1 Khoa Kịch nói, Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, một khóa học đầy tự hào với những tên tuổi mà sau này trở thành những trụ cột lớn của sân khấu nước nhà như các NSND: Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Thế Anh,  Đoàn Dũng, Ngọc Thủy… cùng các NSƯT: Nguyệt Ánh, Hà Văn Trọng, Mỹ Dung, Bích Thu, Ngọc Hiền, Tuyết Mai, Kim Thư, Tú Mai… cùng rất nhiều anh chị em khác đã một thời làm rạng danh sân khấu nước nhà.

Có được thành tựu đó phải nói tới công ơn đào tạo của cả một đội ngũ những người thày vô cùng tài hoa và mẫu mực luôn luôn được anh em chúng tôi nhắc đến với một niềm kính yêu tha thiết. Đó là Giáo sư, Tiến sĩ NSND Đình Quang, NSND Ngô Y Linh, đạo diễn kiêm kịch tác gia Chu Ngọc, cô giáo Kim Oanh, tác giả Bửu Tiến, Giáo sư Vũ Khiêu… và người hôm nay tôi muốn dành trọn bài viết để tưởng nhớ về ông nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Đó là Tiến sĩ, NSND, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi - Người thầy nghệ thuật yêu quý của chúng tôi.

Có lẽ tôi là một trong số rất ít học trò may mắn được sống và làm việc với ông gần như trong cả cuộc đời nghệ thuật của tôi nên tôi biết rất rõ về ông.

Ông, một con người giản dị, khiêm nhường, tình cảm trong cuộc sống nhưng lại vô cùng khắt khe, khó tính và cực kỳ nghiêm túc trong nghệ thuật. Những đòi hỏi của ông với chúng tôi, những người học trò của ông bao giờ cũng là những điều mà ông đã trải nghiệm, đã đúc kết được qua cuộc đời làm sân khấu và chính ông là tấm gương để chúng tôi soi vào đó mà thấy cái hay, cái dở của mình để phấn đấu thành những nghệ sĩ chân chính.

Bài học đầu tiên mà ông muốn chúng tôi phải xác định ngay từ khi mới chập chững bước vào nghề cho tới cuối đời đó là lòng yêu nghề. Ông thường nói: Cái nghề này nó khó lắm và đôi khi cũng "bạc lắm" vì nó sẵn sàng rời xa ta khi ngọn lửa nghề trong mỗi chúng ta không còn giữ được. Nơi đây không phải là nơi trú chân của những người muốn kiếm lời, muốn chỉ mưu lợi riêng cho mình. Ông thường lấy câu nói của Stanislapxki "Sân khấu là thánh đường" để nhắc nhở mỗi chúng tôi phải luôn luôn làm đẹp, làm trong sạch nó.

Ông chứng minh bằng cả cuộc đời ông không màng danh lợi và cái đích cuối cùng ông hướng tới bao giờ cũng là lòng say mê, xả thân cho nghệ thuật sân khấu với mục đích cao cả là đưa lại cho người xem những bài học, những điều tốt đẹp cho xã hội.

Từ buổi đầu tiên khi ông cùng cha ông là NSND Thế Lữ đi trong rừng ở chiến khu Việt Bắc, hai cha con cùng ngắm ánh mặt trời mới mọc qua kẽ lá. Thế Lữ đã lấy hai bàn tay bắt chéo nhau thành khuôn sân khấu để chỉ cho ông cái đẹp mà thiên nhiên đã lọt vào trong đó, rồi những bước đi chập chững đầu đời với những vai diễn phụ trong Đoàn Kịch Trung ương, rồi những năm tháng đi học tại Học viện Kinh kịch Bắc Kinh ở Trung Quốc, rồi về Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, trở thành đạo diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam, rồi đi Liên Xô làm luận án Phó Tiến sĩ sân khấu… cho đến những phút giây này, lúc nào tôi cũng thấy ông say mê với sân khấu và đặt hết tâm trí vào đó với một đam mê cháy bỏng.

Những ngày cuối cùng trước khi ra đi, tôi còn chứng kiến ông đắm chìm vào những lời thoại của vở kịch "Rừng trúc" do các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi Trẻ trình diễn để uốn nắn, chỉnh sửa cho lớp nghệ sĩ trẻ ngày hôm nay.

Bên cạnh lòng say mê nghệ thuật, những kỹ năng của nghệ thuật sân khấu ở tất cả các bộ môn từ kịch bản tới đạo diễn, họa sĩ, diễn viên… ông cũng đòi hỏi rất khắt khe. Ông thường nói với tôi: Chỉ đưa ra công chúng những tác phẩm sân khấu hoàn chỉnh và cái hoàn chỉnh tổng thể bao giờ cũng phải là sự tập hợp của những "chi tiết hoàn chỉnh". Và quả thực, qua các tác phẩm  của ông, không chỉ chúng tôi, những học trò của ông khâm phục mà hầu hết các bạn nghề và công chúng đều ghi nhận một cách "khẩu phục, tâm phục".

Từ những tác phẩm lớn như "Vua Lia" của Shakespeare, "Hecnani" của Victo Huygo, "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", "Rừng trúc"… cho đến những vở kịch mang tính xã hội nhẹ nhàng hơn như: "Ông không phải là bố tôi", "Ai là thủ phạm", "Đất sống của người", "Điều không thể mất"… của Lưu Quang Vũ đều được ông dàn dựng với một trình độ bậc thầy và đều đạt tới độ hoàn chỉnh với hiệu quả cao.

Những giải thưởng lớn như: Giải nhất cuộc Liên hoan sân khấu Moskva 1990 với vở "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", giải nhất vở "Rừng trúc" trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc 1989… đã chứng minh điều đó.

Cũng chính từ những đòi hỏi khắt khe của NSND Nguyễn Đình Nghi mà hôm nay, từ những học trò của ông, sân khấu chúng ta có được những nghệ sĩ lớn như: Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Thế Anh, Doãn Hoàng Giang, Ngọc Thuỷ, Hà Văn Trọng. Lê Khanh… và rất nhiều nghệ sĩ khác nữa.

Sự khám phá và cảm hứng sáng tạo cũng là điều mà Nguyễn Đình Nghi luôn đòi hỏi ở mỗi chúng tôi. Ông không chấp nhận những lối suy nghĩ theo cách "ăn sẵn" và dễ dãi trong sáng tạo. Ông muốn mỗi một thành quả nghệ thuật của từng bộ phận cấu thành vở diễn đều phải được hình thành từ những cảm hứng nghệ thuật mang tính tư duy cao và đóng góp thật tốt cho nội dung vở diễn một cách hiệu quả nhất. Qua những lần ông dựng vở, tôi thấy ở ông, phẩm chất này thể hiện rất rõ. Xin đơn cử ví dụ: Khi tiến hành dàn dựng vở "Vua Lia" cho Nhà hát Kịch Việt Nam.

Ông chọn nghệ sĩ Trọng Khôi vào vai vua Lia. Tất cả chúng tôi đều ngỡ ngàng vì từ lâu nay, mọi người đều hình dung ra một vua Lia gầy gò, xơ xác và rất tội nghiệp. Nhưng nghệ sĩ Trọng Khôi lại to béo và đầy sức sống. Ông bảo: Chính đấy là sự khám phá vì ông muốn hình tượng nhân vật vua Lia phải là cái gì đó tương phản của bên ngoài và bên trong thì hiệu quả sự suy sụp của vua Lia sau này mới càng cao. Và quả nhiên, khi vở diễn ra đời, người xem mới thấy sự khám phá và suy nghĩ của ông rất có lý và rất thuyết phục.

Hoặc trường hợp ông chọn nghệ sĩ Trần Tiến vào vai Nguyễn Trãi trong vở "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" cũng gây những bất ngờ lớn cho mọi người vì lâu nay, Trần Tiến chỉ đóng những vai có tính cách mạnh mẽ và nặng về những vai hài. Ấy vậy mà ông đúng và quả nhiên trong Hội diễn Sân khấu CNTQ, Trần Tiến đã đoạt Huy chương vàng với vai diễn Nguyễn Trãi.

Những người quen tác phong làm ăn cẩu thả và tuỳ tiện thì rất khó chịu với những đòi hỏi của ông vì quả thực, ông vô cùng nghiêm khắc với mỗi chi tiết nhỏ trên sân khấu. Tôi đã có lần chứng kiến ông ném cả chiếc dùi trống lên sân khấu khi thấy một diễn viên đùa trên sàn diễn và có lần, ông đã bắt một nghệ sĩ nhắc đi, nhắc lại hai mươi lần hai từ "xám xịt" chỉ vì diễn viên này phát âm thành "Xờ ám Xờ ịt".

Hết lòng vì nghề nghiệp như vậy nhưng ông lại cho chúng tôi thấy một bài học về sự xả thân mà không vụ lợi vì ông quan niệm: ở cái nghề này, nếu chỉ vì những mục đích tầm thường của cuộc sống và dựa vào đó để "vinh thân, phì gia" thì chắc chắn đó không thể coi là nghệ thuật chân chính được.

Đặc biệt, ông không thích "thương mại hóa sân khấu" vì ông cho rằng điều đó làm mất đi tính tôn nghiêm của nghệ thuật sân khấu. Đã không ít lần tôi chứng kiến rất nhiều đoàn hát đến với ông với những khoản đãi ngộ rất cao nhưng kịch bản không hoàn chỉnh và ông không có cảm hứng với tác phẩm nên ông nhất quyết không nhận cho dù hoàn cảnh kinh tế gia đình lúc đó cũng chẳng khấm khá gì.

Chính vì vậy nên ở vào vị trí và danh tiếng của ông thì đáng lẽ ông phải có một cuộc sống rất sung túc và giàu có. Nhưng cho đến cuối đời, ông vẫn sống với cuộc sống đạm bạc và khiêm nhường.

Gia tài của ông, hành trang của ông đi suốt cuộc đời có lẽ không có gì đáng giá hơn là tủ sách sân khấu, là những kinh nghiệm quý báu trong "Nghiệp sân khấu" và cái quý nhất ông để lại cho cuộc đời, cho chúng tôi, những người học trò của ông chính là một nhân cách lớn: Nhân cách Nguyễn Đình Nghi

.
.