NSND Lê Khanh: Mình như Thị Nở lên phố

Thứ Sáu, 28/02/2014, 09:25
Tất bật sắp xếp tổ chức đưa chương trình “Thị Hến du xuân” vào Nam, NSND Lê Khanh chia sẻ rằng những ngày này chị nhiều việc, mệt đến phờ phạc. Thế nhưng, người tiếp xúc với Lê Khanh chỉ thấy lửa nhiệt huyết chực thổi bừng trong chị, qua nụ cười tưởng chừng không bao giờ tắt, đôi mắt đẹp hun hút luôn lấp lánh ánh vui và cả những câu chuyện như kéo dài bất tận của chị về một chủ đề: Thị Hến và chuyến du Nam đầu xuân. Chị tự trào: “Mình cứ như Thị Nở lên phố ấy!”

“Rón rén” thử tay nghề ở tuổi ngoài 50

Vẫn dịu dàng và nền nã với tà áo dài màu phấn, chuỗi ngọc trai đã khá quen thuộc trong không ít hình ảnh của NSND Lê Khanh nhưng sự xuất hiện của chị tại TP HCM lần này khiến chúng tôi có cảm giác như mình vừa khám phá ra một Lê Khanh khác, sôi nổi hơn, thân mật hơn, thậm chí có đôi chút bốc đồng. Nghe, nhìn cái cách chị nói về vở hài kịch dân gian “Thị Hến” - tác phẩm đầu tiên của chị tham gia với vai trò đạo diễn, người đối diện dễ liên tưởng đến niềm vui hồn nhiên của đứa trẻ bất ngờ nhận được món quà đã trông đợi rất lâu hơn là một người phụ nữ đã ngoài 50 tuổi. Chị bảo, thực ra lâu nay Khanh cứ miệt mài diễn bởi được... trời ưu ái cho diễn.

Khán giả biết đến Lê Khanh với vai trò diễn viên còn với đạo diễn, chị là cái tên mới tinh. Muốn thử sức trong vai trò mới nhưng chị dựng vở “Thị Hến” còn vì một lẽ: Lê Khanh rất mê nghệ thuật chèo, tuồng cổ. Ngay từ nhỏ chị đã bị mê hoặc bởi những làn điệu chèo, thỏa sức vẫy vùng trong thế giới tưởng tượng được gợi mở bởi các chiếu chèo, các vở diễn của sân khấu chèo mà chị có cơ hội tìm hiểu khá sớm. Trong đó, “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” là tác phẩm chị đặc biệt yêu thích, mơ ước được làm từ ngày mới vào nghề. Nhưng thích, mơ ước chị đều tạm gác lại, cuốn mình theo dòng chảy của cuộc sống, của các vai diễn. Khi quyết định dựng lại “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” dưới hình thức kịch dân gian “Thị Hến”, chị không trông chờ vào nguồn kinh phí của Nhà nước mà kêu gọi mọi người chung sức làm theo hình thức xã hội hóa. Nhà hát... góp rạp. Còn lại, tất cả mọi người từ đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, thiết kế sân khấu đều làm miễn phí. Vé bán được mới có thù lao. Không có khán giả coi như một cuộc chơi.

NSND Lê Khanh và cha, NSND Trần Tiến tại TP HCM.

NSND Lê Khanh cũng cho biết, với TP HCM hình thức hoạt động sân khấu xã hội hóa rất quen thuộc nhưng ở ngoài Hà Nội, xã hội hóa trong sân khấu vẫn còn khá mới. Trong khi đó,  nghệ thuật chèo đã không còn hấp dẫn với số đông khán giả bỏ tiền mua vé. Yêu chèo, tiếc cái vốn quý của cha ông mà dựng lại “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” nhưng đôi lúc chị vẫn ngờ rằng mình luôn lỗi nhịp với cuộc sống. Bắt tay vào làm “Thị Hến”, chị không hẳn tự tin. Nói theo cách của Lê Khanh là “chỉ dám rón rén làm từng phần việc”. Tính ước lệ trong sân khấu chèo truyền thống được chị kết hợp với yếu tố hiện đại trong thiết kế sân khấu hiện đại phù hợp với thị hiếu khán giả hơn.  Tuy nhiên, nghệ thuật khẩu thuật – một trong những vốn quý của cha ông rất đắc dụng trong các chiếu chèo xưa nay được Lê Khanh tận dụng triệt để. Từ các không gian cô quạnh trong ngôi nhà Thị Hến cho đến không khí căng thẳng, o ép đến ngột ngạt chốn công đường... đều mang dấu ấn của nghệ thuật khẩu thuật (diễn viên thể hiện bằng âm thanh, kể cả tiếng cóc nhái, mèo, thạch sùng...). Không có âm nhạc sáng tác riêng cho “Thị Hến”. Âm nhạc hiện diện, từ đầu đến cuối vở diễn chỉ là một bài đồng dao...

Thị Hến là niềm tự hào dành tặng phụ nữ Việt Nam nhân dịp 8-3

Ngày vở diễn ra mắt khán giả ngoài Hà Nội, Lê Khanh đang cùng đoàn kịch khác của Nhà hát tuổi trẻ lưu diễn tại TP Hồ Chí Minh. Phấp phỏng, lo âu, chị quyết định không mời bất kỳ báo chí nào tham dự nhưng tổ chức phát phiếu trưng cầu ý kiến cho khán giả. Nhận cuộc điện thoại báo tin đêm diễn thành công khi vẫn đang đứng trước nhà hát TP Hồ Chí Minh, chị vỡ òa bởi hạnh phúc và sung sướng.

“Thị Hến” được khán giả đón nhận nồng nhiệt trong nhiều suất diễn tiếp theo, người trong nghề vẫn chưa một lần thấy sự xuất hiện của nghệ sĩ Trần Tiến, cha của NSND Lê Khanh và cũng là một trong những nghệ sĩ diễn vai Nghêu thành công nhất xưa nay. Mãi đến thời điểm chuẩn bị công diễn “Thị Hến” tại TP HCM (3/3), ông mới đồng hành cùng con gái. Lê Khanh bộc bạch: chị cũng như nhiều nghệ sĩ khác, rất sợ bị so sánh, huống hồ từ xưa đến nay đã có bao nhiêu người thành danh từ Nghêu, Sò, Ốc, Hến. Cũng vì sự e ngại ấy nên Lê Khanh cứ chần chừ, chưa dám mời bố đến xem “Thị Hến”.

Bao nhiêu tâm sức dồn cả cho tác phẩm đầu tay, Lê Khanh bảo “Thị Hến” như đứa con đầu lòng, yêu lắm nên càng muốn khoe nhiều, đặc biệt là nhân vật Thị Hến. Sở dĩ Lê Khanh chọn Thị Hến làm tên gọi cho vở diễn bởi Hến là hình tượng đáng tự hào của phụ nữ Việt Nam mà chị muốn “khoe”, đặc biệt là khi Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 gần kề. Người đàn bà đẹp, ở bất kỳ thời đại nào cũng đối mặt với nhiều cám dỗ và cạm bẫy. Hến đẹp vời vợi. Hến còn đảm đang, thông minh, khéo léo, sắc sảo, thủy chung. Không đảm đang, Hến không thể lo chu toàn cho cả gia đình, cho các con. Không thông minh, khéo léo, sắc sảo, Hến không thể khiến cả đám tham quan ô lại, trọc phú... liêu xiêu mà vẫn phải tâm phục khẩu phục mà Hến thì vẫn trọn nghĩa vẹn tình với chồng.

“Phụ nữ đẹp Việt Nam phải là người như Hến, chỉ khơi khơi như mấy cô hotgirl hiện nay thì quá dễ...!”. Nghe Lê Khanh khẳng định, tôi hỏi vui: “Có bao nhiêu phần trăm con người của NSND Lê Khanh trong vai Thị Hến trên sân khấu?”. Gần như ngay lập tức, chị dí dỏm: Mỗi thứ một tí, cả nửa thế giới cộng lại thành “nhiều tí”. Và rằng, chị yêu Thị Hến quá, vui quá. Đưa Thị Hến vào Nam, chị cứ như Thị Nở lên phố, chỉ mong, Thị Hến được công chúng phía Nam đón nhận, yêu mến, dù chỉ bằng một phần tình yêu của chị dành cho Hến.

Vở “Thị Hến” chính thức ra mắt khán giả TP HCM vào tối ngày 3/3 tại nhà hát thành phố. Cùng “du Nam” với “Thị Hến” còn có các vở diễn khác của Nhà hát Tuổi trẻ: Nhà có 3 chị em gái,  Nhà có 5 anh em trai, Cầu Vồng lục sắc và chùm hài kịch “Phụ nữ ơi, em là ai”. Các tác phẩm được công diễn tại Nhà hát thành phố, rạp Công Nhân từ 3/3 đến 12/3, sau đó được đưa lên phục vụ khán giả Đà Lạt, Lâm Đồng

Ngọc Nguyễn
.
.
.