NSND Lê Hùng: Nhân vật của tôi luôn rất "đời"

Chủ Nhật, 05/09/2010, 16:00
Tự ví mình như kiếp "trâu cày", ít có dịp được ngơi nghỉ, kể cả khi đã thành đương kim Giám đốc hai Nhà hát hàng đầu Việt Nam: Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, NSND Lê Hùng vẫn cực kỳ đắt sô. Tên ông luôn là bảo chứng cho những vở diễn hấp dẫn, sinh động, đầy mảng miếng quái và lạ.

Nhạc chờ điện thoại ngừng reo. Đầu dây đằng kia đã bật máy: Tôi đang ở Thanh Hóa. Rồi im. Chỉ còn vọng lại tiếng nhạc, tiếng bước chân người rầm rập trên sàn gỗ, và tiếng những mệnh lệnh thức xối xả qua micro. NSND Lê Hùng lại tất bật công việc ở xa. Tự ví mình như kiếp "trâu cày", ít có dịp được ngơi nghỉ, kể cả khi đã thành đương kim Giám đốc hai Nhà hát hàng đầu Việt Nam: Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, NSND Lê Hùng vẫn cực kỳ đắt sô. Tên ông luôn là bảo chứng cho những vở diễn hấp dẫn, sinh động, đầy mảng miếng quái và lạ. Trước thềm "Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về Hình tượng người chiến sỹ CAND" lần thứ II, đạo diễn Lê Hùng càng bận rộn, bởi lời mời dựng vở tới tấp ùa về từ khắp nơi.

- Hà Nội trong ngày Tết Độc lập, "mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời", vậy mà ông vẫn phải đi xa, không được hưởng không khí quá đỗi dịu dàng ấy?

- Khổ quá, tôi có muốn thế đâu. Nhưng số tôi là số khổ, không thể nào dứt bỏ được sàn tập. Các nhà hát, đoàn nghệ thuật đang cấp tập chuẩn bị cho "Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về Hình tượng người chiến sỹ CAND", họ đề nghị mình làm đạo diễn, hoặc chí ít cũng cố vấn, hay đơn giản chỉ góp cho anh em một vài ý tưởng. Tôi làm sao từ chối được, nhất là ngày khai mạc liên hoan đang đến gần rồi.

- Các đơn vị nghệ thuật quả là biết chọn mặt gửi vàng. Lâu nay, đề tài Công an luôn là mỏ đá quý để ông khám phá và khai thác. NSND Lê Hùng đã từng tạo dấn ấn với nhiều vở diễn xây dựng hình tượng người chiến sỹ CAND?

- Cũng đơn giản thôi. Với tôi, đó là một đề tài quá hấp dẫn. Hấp dẫn cho cả sân khấu lẫn khán giả, và tất nhiên, hấp dẫn với người nghệ sỹ chúng tôi nữa. Tôi đi nhiều nước trên thế giới, thấy họ có những nhà hát chuyên về đề tài này, chỉ tập trung khai thác riêng khía cạnh công việc, bổn phận của các sỹ quan Cảnh sát, An ninh. Họ cho rằng, đấy là một cách giáo dục rất tinh tường, hiệu quả. Thông qua các vở diễn, người dân phần nào nhận diện được thế giới tội phạm, thức tỉnh chính mình để tránh xa các tiêu cực trong xã hội. Khán giả đi xem kịch về sẽ dễ dàng thấu hiểu: hành vi này là phạm pháp, con đường kia có thể dẫn tới nhà tù. Điều quan trọng nữa, công chúng cũng biết đến và chia sẻ, cảm thông hơn với muôn nỗi khó khăn, gian khổ của lực lượng Cảnh sát, An ninh, những người đang lãnh trọng trách thực thi pháp luật.

- Nhưng tiếc là với chúng ta lâu nay, đề tài Công an thường được mặc định là khô và khó dựng?

- Không, dứt khoát không có chuyện đó. Quan niệm như thế là hoàn toàn sai lầm và thuộc về quá khứ xa xưa. Tôi đã dựng hàng chục vở diễn lấy anh Công an làm nhân vật trung tâm, nhưng chưa bao giờ bị chê sáo mòn, thiếu sức sống. Nếu là khán giả, tôi cũng tò mò muốn biết bí mật của các vụ án, muốn được giải đáp xem trong trường hợp này, đối mặt với tên tội phạm ghê gớm kia, anh Công an sẽ xử lý thế nào? Ngược lại, người xem cũng phải hiểu, các chiến sỹ Công an đã chịu đựng gian khổ ra sao, vượt qua những trở ngại sừng sững như thế nào để hoàn thành nhiệm vụ. Công an, luôn là những con người bình thường, có buồn có vui, có đau khổ hạnh phúc, có những nỗi niềm riêng trong cuộc sống. Nhưng vì bổn phận, họ đã phải gác lại cá nhân mình, để trọn vẹn trách nhiệm với công việc.

- Từ cái hiện thực cuộc sống ấy, từ những chất liệu trong đời thường, ông đã làm cách nào để khán giả tới nhà hát, xem kịch và tin, luôn có những người chiến sỹ Công an như thế ngay bên cạnh mình?

- Bản thân câu chuyện kịch cùng những con người trong kịch đã rất thật, rất gần gũi, và vì thế, dễ dàng nhận được sự đồng cảm. Bạn đã xem "Những trái tim thầm lặng" tôi dựng cho Nhà hát Tuổi trẻ chưa? Cuộc sống của những chiến sỹ An ninh đấy, những mất mát đắng cay mà họ phải nhận về mình đấy, có thuyết phục, xúc động không? Tôi luôn nhìn họ như những con người rất đời, vì thế trên sân khấu, họ cũng chân thành, dễ dàng tác động vào trạng thái cảm xúc của khán giả.

- Làm nhiều kịch về Công an, ông đã từng một lần nào thử đi thực tế ở các đơn vị nghiệp vụ của ngành?

- Có chứ, nhiều là đằng khác. Có nhiều số phận, chi tiết ám ảnh tôi mãi không thôi. Khi dựng vở "Lời nguyền của biển", tôi có đến tìm chất liệu ở một đơn vị Cảnh sát biển. Một người lính tiếp chuyện tôi, kể cho tôi nghe công việc thường ngày của anh ấy và đồng đội. Chiều muộn, tôi thấy anh ấy cứ nhấp nhổm, có vẻ không an lòng. Rồi anh ấy xin phép ra về. Một lãnh đạo của anh ấy nói, sau giờ làm việc, cậu ấy về, cởi bỏ bộ sắc phục ra, vận quần áo đời thường vào, rồi chạy vài cuốc xe ôm tranh thủ kiếm thêm tiền cho con ăn học. Đấy, có phải vô cớ mà Bác Hồ nói: "Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ" đâu. Khoác trên mình bộ sắc phục ấy, tức là xác định cho mình bổn phận sẵn sàng xả thân, hy sinh, nếu nhân dân và Tổ quốc cần đến. Trong khi đó, cuộc sống riêng mình, họ cũng còn đầy những éo le, trắc trở mà ai biết chuyện, đều nhói lòng.

- Vậy tại sao, nhiều tác giả hình như còn e ngại, né tránh đề tài này?

- Một phần do họ chưa có điều kiện làm quen ở cự ly gần, chưa hiểu nhiều về chức trách, bổn phận của những người lính. Phần nữa là nhiều tác giả đeo đẳng tâm lý tránh đụng chạm, họ sợ vô tình sa đà vào những vụ án nhạy cảm, hay những tình tiết, câu chuyện chưa được công bố. Tôi biết trong lịch sử 65 năm của mình, ngành Công an đã có nhiều chiến công hiển hách, khám phá được nhiều vụ án phải nói là vĩ đại. Tất nhiên do nhiều nguyên nhân, một phần trong số đó không thể công bố rộng rãi được. Nhưng theo tôi, những vụ án nào phổ biến được với số đông, các đơn vị trong ngành nên sắp xếp để anh em tác giả, biên kịch, cả lĩnh vực sân khấu và điện ảnh tiếp cận với hồ sơ, tài liệu, với các nhân chứng sống. Bởi vì, đây là chất liệu cực kỳ quý giá của nghệ thuật, và cũng là cách thức giáo dục truyền thống bài bản, hữu hiệu.

- Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sỹ CAND" lần thứ nhất đã thành công ngoài mong đợi. Đấy thực sự là một sự kiện lớn của giới sân khấu. Còn lần này, ngoài tư cách đạo diễn có vở tham gia Liên hoan, ông trông đợi và hy vọng những gì, nhìn từ trọng trách của một nhà quản lý nghệ thuật.

- Tôi nói thật tâm, không hề khách sáo đâu nhé. Giới sân khấu phải cảm ơn Bộ Công an đã tổ chức liên hoan này. Không phải lúc nào công chúng cũng có điều kiện thưởng thức những vở diễn về một đề tài còn đầy bí ẩn mà những người làm sân khấu phải dụng công tìm hiểu, vun xới. Nếu các nhà tổ chức tạo được chu kỳ 2 năm một lần và giữ chu kỳ đó, 2 năm lại diễn ra một liên hoan sân khấu về "Hình tượng người chiến sỹ CAND" thì quá tốt. Sau những cuộc chơi nghệ thuật thế này, hình ảnh người chiến sỹ Công an trong lòng nhân dân chắc chắc sẽ trở nên thân thiện, đáng yêu hơn nhiều.

- Đúng là không gì thuyết phục công chúng tin và ám ảnh tâm khảm công chúng bằng những nhân vật được điển hình hóa, trở thành một Hình tượng sống động trên sân khấu?

- Tôi thấy rất bất công là trong đời thường, một số người còn chưa mấy hiểu và chia sẻ với công việc của các chiến sỹ Công an. Người dân cứ nhìn một anh Cảnh sát giao thông thu 50 nghìn đồng của người vượt đèn đỏ rồi không lập biên bản mà định kiến. Nhưng thử hỏi, Hà Nội, nếu một ngày không có CSGT thì đường phố sẽ hỗn loạn, tan tác đến thế nào. CSGT đứng nắng ròng rã cả mùa hè, đứng dưới trời mưa tầm tã để phân luồng, làm cọc tiêu sống báo hiệu một hố gas vừa bị bật nắp trong nước ngập, những hình ảnh đấy quá đẹp chứ. Và vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên khắp các nẻo đường. Rồi nữa, bạn đi ra đường, bị kẻ xấu xâm hại, bắt nạt, phản xạ đầu tiên của bạn là gì: Gọi Công an đi. Có họ, chúng ta, những người lương thiện sẽ yên tâm, thanh thản đi lại trên phố, học tập, làm ăn và tận hưởng cuộc sống.

- Hào hứng như vậy, tức là đề tài này còn theo đuổi NSND Lê Hùng đến rất lâu nữa?

- Không phải riêng tôi, nhiều đạo diễn sân khấu bây giờ cũng hưng phấn lắm. Họ ao ước được làm kịch, thậm chí cả chèo, tuồng, cải lương, cả dân ca kịch về đề tài Công an. Đấy, cứ tin tôi đi, liên hoan khai mạc ngày 21/9 tới đây sẽ tạo ra một hiệu ứng cực tốt, thu hút nhiều hơn nữa các nghệ sỹ lao vào chăm bẵm mảnh đất màu mỡ này. Một đề tài hấp dẫn, chất liệu ngồn ngộn và còn nhiều bí ẩn như thế, nghệ sỹ nào chả say mê, háo hức.

Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sỹ Công an nhân dân" lần thứ II năm 2010, kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam, 5 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ, chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc và hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Liên hoan do Bộ Công an phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức, diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội từ ngày 21 đến 30/9. Đã có 19 vở diễn của 16 nhà hát, đoàn nghệ thuật trên khắp cả nước, với đầy đủ các loại hình sân khấu: kịch nói, chèo, cải lương, dân ca kịch… đăng ký tham dự liên hoan. Đặc biệt, đây chính là cơ hội hiếm có, lần đầu tiên trong đời, nhiều đạo diễn, tác giả trẻ được quyền tham dự một Liên hoan tầm cỡ, như tác giả chèo Trần Đình Văn, đạo diễn - diễn viên Nguyễn Vĩnh Xương…

Khánh Bằng (thực hiện)
.
.
.