NSND Kim Cương tri ân cuộc đời

Thứ Ba, 05/06/2012, 11:17
Mừng danh hiệu nghệ sỹ Nhân dân vừa nhận được sau gần 20 năm giã từ sân khấu, tưởng nhớ tới đấng sinh thành - NSND Bảy Nam nhân 8 năm ngày mất của bà, kỳ nữ Kim Cương sẽ xuất hiện trở lại trong đời sống nghệ thuật bằng 3 đêm diễn tại Nhà hát TP HCM vào ngày 6, 7, 8 tháng 8.

Người đàn bà tài sắc một thời muốn có dịp trọng thị nhất để tri ân cuộc đời, tri ân mẹ, bạn diễn, cộng sự và đông đảo khán giả yêu mến mình suốt nhiều thập niên qua. Từ nước Mỹ, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc đã tiết lộ những thông tin đầu tiên về chương trình, mà ở đó Nguyễn Thị Minh Ngọc được mời viết lời bình cho NSƯT Thành Lộc dẫn chuyện...

PV: Chị là một thân hữu của NSND Kim Cương, một cộng sự cùng xắn tay lo liệu cho 3 đêm diễn đặc biệt của kỳ nữ. Theo chị NSND Kim Cương muốn gửi gắm gì khi quyết định tái ngộ với khán giả sau nhiều năm chuyên tâm gia đình và chăm chút các hoạt động từ thiện?

Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc: Tôi được biết kỳ nữ Kim Cương rất lo lắng cho chương trình này vì lâu lắm rồi chị không diễn, các bạn diễn của chị lại cũng nhiều người đã mất. Nhưng khi nghe mình được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân chị đã rất mừng, rất xúc động.

Chị Kim Cương quyết định trở lại sân khấu như một cách chân tình nhất để tri ân cuộc đời, tri ân mẹ chị - cũng là người thầy của chị trong nghệ thuật, tri ân các bạn diễn (nhất là những nghệ sỹ đã khuất núi), cảm ơn các cộng sự và công chúng xa gần.

PV: Tại sao chị, dù đang ở rất xa, vẫn được NSND Kim Cương tin cậy giao viết lời bình cho chương trình này?

Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc: Công việc của tôi đơn giản chỉ là hiểu chị Kim Cương muốn gì để viết lời bình, kết nối chương trình cho NSƯT Thành Lộc dẫn chuyện. Dù đang ở Mỹ cùng gia đình chồng, nhưng tôi vẫn làm việc hàng ngày với đạo diễn Vũ Minh và NSƯT Thành Lộc.

Chúng tôi hy vọng sẽ ít nhiều dựng được chân dung nghệ thuật nhiều chiều, đa cạnh của NSND Kim Cương, một gương mặt văn nghệ không thể trộn lẫn ở phía Nam. Chị còn độc đáo, nổi tiếng hơn nữa vì được thi sỹ Bùi Giáng tặng thơ.

PV: Có phải thi nhân Bùi Giáng là người xưng tụng Kim Cương bằng biệt danh “Kỳ nữ”?

Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc: Không. Theo tôi được biết thì hình như là nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà.

NSND Kim Cương thời xuân sắc.

PV: Nét khác lạ trong bức chân dung Kỳ nữ Kim Cương được chị phác họa như thế nào?

Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc: Sau năm 1975, khi phụ trách đoàn kịch Kim Cương, chị đã rất quyết liệt khi mời đạo diễn Đoàn Bá dựng những vở kịch nổi tiếng của Liên Xô trên sân khấu. Ngày đó khán giả kịch TP HCM được xem “Tanhia, Cuộc chia tay tháng sáu, Câu chuyện Ieckut”… là nhờ Đoàn kịch Kim Cương.

Chị cũng chịu khó kết hợp với sân khấu phía Bắc để thực hiện các tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Đình Nghi, Lưu Quang Vũ như “Con nai đen, Lời nói dối cuối cùng”…

Kỳ nữ Kim Cương còn “dám” thể nghiệm vở “Một mình với tất cả” chỉ có hai diễn viên là chị và anh Ngọc Đức, do đạo diễn Xuân Đàm thực hiện. Đấy chính là những sự kiện thực sự của sân khấu Thành phố một thời.

PV: Cá nhân mình, chị chắc có nhiều kỷ niệm với NSND Kim Cương?

Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc: Khi chị đi tu nghiệp ở Bungari về, chị đã mời tôi và đạo diễn Hồng Phúc cùng làm một nhóm đạo diễn cho đoàn kịch Kim Cương. Chị cưng chiều các đạo diễn trẻ (tất nhiên là trẻ so với chị), sẵn sàng dành cơ hội cho người trẻ như tôi, Hồng Phúc, Đoàn Khoa, Minh Nguyệt... Lúc đó, chúng tôi đã làm với chị những vở như “Lôi vũ, Con gái chị Hằng, Trà hoa nữ, Nụ hôn đầu xuân, Sắc hoa màu nhớ…”.

Tác phẩm cuối cùng của Đoàn kịch Kim Cương là “Người mua hạnh phúc”, cũng do chị và tôi Việt hóa một kịch bản của Mỹ. Hồi đó, chúng tôi cùng với chị đi bán từng cái vé cho vở kịch cuối. Chị cười nói: “Em thấy chưa, đi đến đâu ai cũng yêu thích Kim Cương, đòi chụp hình chung nhưng ít người muốn tới rạp”.

PV: Dù gì NSND Kim Cương cũng đã vào tuổi “nhân sinh thất thập”, vậy có hợp lý không khi diễn lại những cảnh “mùi mẫn” trên sân khấu?

Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc: Ba đêm diễn của NSND Kim Cương sẽ có phần mở đầu bằng 45 phút ca nhạc như Đoàn kịch Kim Cương khi xưa. Sau đó là các trích đoạn trong vở “Trà hoa nữ, Lá sầu riêng”.

Ở “Lá sầu riêng” chị diễn lại lớp cận cuối là người mẹ khi con đã lớn. Còn “Trà hoa nữ” sẽ là lớp ông cha đến đòi hỏi người đàn bà phải hy sinh… Các lớp diễn này không đòi hỏi phải mùi mẫn, vì bạn diễn của Kim Cương phần nhiều cũng đã qua đời, nên “mùi mẫn” sao được nữa.

PV: Trân trọng cảm ơn nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc.

NSND Kim Cương (Nguyễn Thị Kim Cương) sinh năm 1938 tại Sài Gòn trong gia đình nghệ sỹ nổi tiếng, có mẹ là NSND Bảy Nam, bác ruột (chị gái mẹ) là Nghệ sỹ Năm Phỉ, cha là ông bầu Cương (Nguyễn Ngọc Cương)... Năm 1954 Kim Cương là đào chánh gánh hát Nam Phong của người dì ruột là bà Chín Bia.

Kim Cương diễn xuất rất hay, có tài dẫn dắt tình cảm của khán giả một cách rất tự nhiên. Vào đầu những năm 1960, Kim Cương lập Ban thoại kịch Kim Cương, và đoàn kịch Kim Cương từng hoạt động hiệu quả ở TP HCM những năm sau giải phóng cho tới khi tan rã, khoảng năm 1990.

Kỳ nữ Kim Cương vừa được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân vào tháng 5/2012.

Khánh Bằng (thực hiện)
.
.
.