NSND Hoàng Dũng: Không đổ mồ hôi thì không có cái gì

Thứ Hai, 26/09/2011, 18:36
Các anh trong Ban lãnh đạo bảo Dũng nghỉ thế thôi, bây giờ phải tham gia vào hoạt động cho đoàn. Vì vở này chỉ 3 hôm nữa là đi dự Hội diễn sân khấu rồi. Hoàng Dũng chỉ có hai ngày tập, đóng thay vai cho Trần Vân. Anh tập quên ăn, quên ngủ. Vai diễn ấy, ở hội diễn năm đó đoạt Huy chương Bạc. "Nếu không đổ mồ hôi thì không bao giờ có cái gì cả", NSND Hoàng Dũng nói.

NSND Hoàng Dũng vẫn khuôn mặt đăm chiêu, ánh mắt buồn và giọng nói trầm ấm, nếu như lẫn trong đám đông thì với dáng vóc đấy không có gì là quá đặc biệt. Thế nhưng, khi lên sân khấu, người đàn ông ấy lại như có sức hút ma mị như thể sinh ra chỉ để làm nghệ thuật.

Quả thật, anh đã không chọn sai đường. So với những người bạn diễn cùng lứa, NSND Hoàng Dũng được coi là người thành đạt nhất. Một nghệ sĩ tên tuổi, được phong tặng NSND khi mới ngoài 40. Một chức danh khác khá oách, Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội. Một giảng viên nghệ thuật… Trong hành trình nghệ thuật, với hơn 30 năm trong nghề diễn trên truyền hình hay dưới ánh đèn sân khấu, anh đã sắm sanh cho mình bộ sưu tập vai diễn đáng tự hào. Và, hơn tất cả, anh có một tổ ấm nhỏ bình yên, không giông bão.

Phóng viên (PV): Kịch là đời, mà đời cũng là kịch. Từ nhân vật anh đã áp dụng được gì cho cuộc sống, hay từ cuộc sống anh đã học được gì để mang vào vai diễn trong tác phẩm văn học?

NSND Hoàng Dũng: Như ngồi với bạn bây giờ đây, tôi cho bạn cảm giác tôi rất hiền lành thì tôi mới có thể lấy cắp tiền ở trong túi bạn, chứ tôi tạo cho bạn cảm giác tôi không an toàn, bạn sẽ cảnh giác, đề phòng thì không thể nào tôi lấy cắp được của bạn. Trong "Tôi và chúng ta" kịch bản của Lưu Quang Vũ, căn cứ vào lời của nhân vật:  "Anh có biết hắn thuộc loại người nào không? Hắn thuộc loại người sau khi bắt tay mình thì mình phải xem bàn tay mình còn đủ 5 ngón hay không?". Cái loại mà cứ vồ vập bắt tay, bắt tay xong thì nó lấy của người ta rất là nhiều tiền. Thậm chí, nó lấy của người ta cả cái ngón tay thì nó phải là cái loại thế nào?

Đấy, từ một cái điều ấy trong kịch bản và ngoài cuộc sống là vậy. Nhân vật của tôi là như thế đấy. Tôi muốn diễn những cái từ bên trong nhân vật chứ không phải cái hoạt động bên ngoài…

PV: Có nhiều người khi đến đích thì thường phải trầy da tróc vẩy. Anh có đồng ý nếu người ta nói trên con đường công danh sự nghiệp, anh may mắn hơn các đồng nghiệp của mình?

NSND Hoàng Dũng: Bằng cảm nhận của tôi, tôi có thể khẳng định tôi yêu nghề hơn các bạn, say hơn các bạn. Ở nhà hát tôi có mấy chị lao công bây giờ về hưu cả rồi. Trước khi các chị ấy về có nói với tôi: "Nói thật là ngày xưa ghét sếp lắm, từ cái thời chúng tôi làm soát vé ở rạp Công Nhân ấy. Dễ cũng đã hơn 20 năm rồi, cứ mỗi khi có vở gì, ai diễn sếp cũng đến xem, cứ cười hề hề để được chui vào rạp mà không bao giờ có vé"…

Gần như tôi không bỏ vở nào cả. Đi xem chui đến độ nhẵn mặt. Các chị ấy bảo: "Cái cậu làm mình khó chịu, ai dè sau lại làm sếp của mình". Các chị ấy cũng nói,  trong lớp diễn viên này thì Dũng say nghề nhất, yêu nghề nhất. Và cộng thêm tôi có một chút may mắn.

PV: Trong năm tháng khốn khó của thời kỳ bao cấp, nhiều người đến với nghệ thuật là do hơn cân đường, hộp sữa, lạng thịt. Anh đến với nghệ thuật là do tình cờ hay có tính toán?

NSND Hoàng Dũng: Tôi không tính trước. Hồi bé, tôi sớm bộc lộ năng khiếu văn nghệ rồi. Ngày còn nhỏ, anh của tôi chơi với nhóm bạn trường múa, mọi người đến nhà chơi, xem chân xem tay tôi bảo "chân tay mày thẳng lắm, có đi học múa không?". Tôi đã vào trong trường thi tuyển rồi đấy. Nhưng không học. Tôi thi Đại học Ngoại ngữ thiếu mất nửa điểm nhưng Trường đại học Sư phạm Ngoại ngữ lại thừa 1 điểm rưỡi. Lúc đấy cả nhà mình có chị gái, anh rể, anh trai, chị dâu, cả con bà cô bác đều làm giáo viên. Có đến 6, 7 giáo viên cùng ở trong một nhà, tôi không thích làm nghề giáo nữa. Đến khi bạn bè rủ vào trường nghệ thuật, thấy hay hay thì đi thi. Chỉ đơn giản thế thôi.

Từ lúc đang học ở Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội tôi thi tuyển vào Nhạc viện Hà Nội và vượt được qua hai vòng, đang định thi tiếp, nhưng nhà trường nói là còn đi thi nữa là trường đuổi nên tôi thôi. Tôi nghĩ đơn giản, nếu đi làm ca sĩ, đến 40 tuổi thì không hát được nữa, nhưng đóng phim, diễn kịch 60, 70 tuổi vẫn làm được.

PV: Trong suốt thời gian đi học, anh là một học sinh ưu tú chứ?

NSND Hoàng Dũng: Không đâu, là một học sinh cá biệt đấy.

PV: Vậy ư?! Nghe có vẻ khó tin…

NSND Hoàng Dũng: Khi tôi vào học tại trường được hai năm, thì hồ sơ của tôi được gửi lên Sở Lao động. Năm 1976, Sở có giấy gọi đi học đóng tàu ở Ba Lan, lúc đấy tôi đắn đo. Đi đóng tàu là công việc phải ra sông, ra biển chứ ai đóng tàu ở thành phố. Nghĩ thế là lại thôi.

Rồi có giấy gọi đi học làm pha lê ở Tiệp, theo diện xuất khẩu lao động. Tôi viết đơn xin nghỉ ở trường. Ngày mai đi nước ngoài rồi thì chiều nay người ta đến bảo tôi thiếu giấy chứng nhận. Mẹ tôi bị quy là thành phần tư sản sau đó xuống thành phần, muốn đi được thì phải có giấy chứng nhận là xuống thành phần. Mang giấy ấy đi công chứng cũng phải mất vài ngày. Bố tôi bảo: "Thôi con ạ, gần tối rồi, làm không kịp đâu. Không đi đợt này thì đi đợt khác". Thế là tôi lại không đi.

Các bạn trong lớp đi qua nhà tôi thấy tôi vẫn ở nhà mới bảo: "Ơ, thế cậu không đi à?". Mấy bạn nói với ông thầy giáo chủ nhiệm người Nga. Ông bảo hỏi nó xem có muốn đi học lại không? Ngay tối hôm sau thầy đến nhà tôi và sáng hôm sau nữa trong một cuộc họp thì thầy đưa trường hợp tôi ra.

Cuộc họp căng thẳng lắm, Ban giám hiệu không chấp nhận tôi và bảo trường học chứ không phải là cái chợ. Cũng may trong trường có một thầy dạy nhạc rất quý tôi. Thầy quý vì trong lớp chỉ có một mình tôi thi đỗ đại học mà không đi học đại học, còn các bạn đều chưa học hết phổ thông … Thầy đứng lên bênh vực và thế là tôi được học lại. Sau dạo đó thì không dám tơ tưởng, mơ màng đi đâu nữa cả…

PV: Sau khi ra trường, về đầu quân ở Nhà hát kịch Hà Nội, Con đường của anh đi có vẻ như được trải thảm xanh mướt mát và phủ đầy hoa hồng. Một người nghệ sĩ mà không có những khúc quanh co khúc khuỷu  mà cứ đường bằng phẳng lối đi như vậy, vậy cuộc sống có đơn điệu, tẻ nhạt quá không?

NSND Hoàng Dũng: Không có thành công nào đến dễ dàng cả. Năm 1978, 18 tuổi sau khi tốt nghiệp xong về đoàn kịch, tôi cũng gặp chuyện đâm ra chán chường chứ. Mọi người trong đoàn kịch nhìn tôi rồi bảo: "Cái thằng này mặt thì cứ trẻ măng ra, về đây để đóng phim Tây à? Kịch Tây à?". Nghe rất chán. Phim Tây, kịch Tây có mấy đâu? Kịch Việt mới nhiều chứ. Buồn lắm.

Chán là gần như cả lớp diễn viên đều có việc, đều được lên sân khấu, đều nói, đều thoại. Còn tôi thì gần như không có lời thoại nào cả. Trong các vở kịch, hầu như các bạn trong đoàn đi ra diễn một lớp, còn tôi thì toàn đi theo diễn đằng sau, vai quần chúng. Thậm chí, có vở được đi ra nói mỗi một câu: "vâng", "dạ" rồi đi vào, có vở còn không được nói câu nào, đi theo làm vệ sĩ, lính hầu rồi đi về.

Oái oăm là các bạn ấy ít tuổi hơn tôi. Chiều tối tôi tập cho các bạn ấy thì ngày mai các bạn ấy lại lên diễn. Bạn về tôi buồn hẳn, thời gian ấy kéo dài hơn một năm. Nghĩ mà chán, da tôi trắng, người thì gầy. Tôi nghĩ hay là mình không có vai. Tuổi trẻ lúc tự tin thì quá đà, khi thất bại thì suy sụp. Người động viên tôi rất nhiều là anh Trần Vân. Anh Vân nói: "Dũng cứ yên tâm, sau này những vai anh đóng rồi đến lượt Dũng hết". Lời anh nói như một cứu cánh.

PV: Mà cũng đúng như vậy nhỉ. À, vào giữa những năm 80 và đầu những năm 90, nhà hát nơi anh đóng quân mọi người rầm rộ có phong trào làm ăn kinh tế. Diễn viên Hoàng Cúc thì mở tiệm áo cưới, cà phê. Diễn viên Hồng Sơn vừa mới mất cũng mở tiệm áo cưới. Nghệ sĩ Tiến Đạt thì mở tiệm may. Thế còn anh?

NSND Hoàng Dũng: Thời đấy nghèo quá, hai vợ chồng tôi quyết định kinh doanh quần áo trẻ con tại nhà ở phố Hàng Đường ấy. Sau đấy tôi xin được nghỉ việc cơ quan, kiếm được tí tiền cũng ham. Đó là sau giai đoạn huy hoàng của "Tôi và chúng ta" (kịch Lưu Quang Vũ - pv). Kiếm được tiền cuộc sống đỡ vất vả hơn rất nhiều. Thậm chí thời gian ấy ai mời đóng phim diễn kịch thì mình từ chối một cách rất thoải mái vì đang ham với việc kiếm tiền.

Có thời điểm đắt hàng, vợ chồng tôi bán buôn cho các tỉnh, ham kiếm tiền đến nỗi bán từ 5h rưỡi sáng cho đến 1h trưa mới có thời gian nghỉ để đi đánh răng. Cuộc sống cứ hết đi vào lại đi ra, rồi cứ tối đến lại ngồi đếm tiền, tôi mới nghĩ tiền cũng là quý nhưng nếu chỉ đâm đầu vàp tiền thế này thì vớ vẩn quá.

PV: Đang kinh doanh làm ăn phát đạt thế, làm thế nào mà anh dứt bỏ chuyện kinh doanh để chuyên tâm với nghệ thuật được?

NSND Hoàng Dũng: Một hôm, có một đôi vợ chồng dắt cô bé con đi qua nhà tôi, hỏi có bộ quần áo 13 tuổi cho cô con gái họ không? Tôi bảo chỉ có bộ cho trẻ từ 8 tuổi trở xuống thôi. Họ cũng mua hai bộ quần áo. Trả tiền xong, anh chồng mới nói: "Mua rồi nhưng tôi đang phải nghĩ xem là tôi tặng cho cháu nào". Họ mua  mà trong đầu họ không biết mua cho ai, chỉ vì mua cho mình. Chào hỏi một lúc thì họ đi. Lát sau thì cô bé con quay lại nói với tôi: "Chú ơi chú, ba mẹ cháu bảo là chú đừng bỏ nghề nhé".

NSND Hoàng Dũng trong vở “Tháp đoạn hồn”.

Rồi lại cộng vào cái cảm giác kiếm tiền "đầu chổng vào, đít chổng ra" cũng làm tôi suy nghĩ. Đúng thời điểm ấy anh Trần Vân bắt đầu ốm, sau hơn một năm tôi không đi diễn tự nhiên mới có 7h sáng thấy ba, bốn ông đến nhà tôi, nhìn lên hóa ra là ba ông trong Ban lãnh đạo của đoàn.

Thì ra, tối hôm trước vừa mới duyệt vở mới "Nghĩ về mình" của tác giả Xuân Trình, anh Vân đóng vai chính, nhưng hai hôm sau thì anh Vân đã yếu quá rồi, mệt không nói được. Các anh trong Ban lãnh đạo bảo Dũng nghỉ thế thôi, bây giờ phải tham gia vào hoạt động cho đoàn. Vì vở này chỉ 3 hôm nữa là đi dự Hội diễn sân khấu rồi. Tôi chỉ có hai ngày tập, đóng thay vai cho anh Vân. Tôi tập quên ăn, quên ngủ. Vai diễn ấy, ở hội diễn năm đó đoạt  Huy chương Bạc. Nếu không đổ mồ hôi thì không bao giờ có cái gì cả.

PV: Các con anh có thích thú với sân khấu, truyền hình như cha chúng?

NSND Hoàng Dũng: Tôi có hai cậu con trai. Đứa bé đang học lớp 7, hồi trước thích đóng "Thư giãn" nhưng lớn lên lại không thích nữa. Thằng cả năm nay tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ.

PV: Ngoài say nghề ra, anh có còn say gì nữa không?

NSND Hoàng Dũng: Ồ! Tôi rất thích nuôi chim, cá, chó. Đợt vừa rồi tập vở mới, công việc lu bu ở nhà hát, bận quá nên phải nhờ cháu nó trông hộ vì không có thời gian. Chó của tôi là giống chó Anh, rất to, nặng 70 kg, lông màu trắng loang đen. Tôi có tất cả 7 con chim sơn ca. Chim sơn ca vùng Quảng Ninh, Quảng Yên, sơn ca Hải Phòng, Đà Nẵng,... Tôi nghe chúng hót rồi nghiệm ra cái con chim nuôi ở vùng Quảng Ninh ấy, khí hậu ấy, vùng miền ấy, nó hót hay hơn chim sơn ca ở vùng khác. Để ý mà xem, đấy cũng là lý do ca sĩ Quảng Ninh giọng rất tốt.

(Vẫn bằng cái giọng trầm ấm ấy, người nghệ sĩ nói với tôi nhưng cũng là nói cho chính mình)

Tôi không nghĩ cái đích phấn đấu của mình là thành tích hoặc là danh hiệu, tôi vẫn nghĩ rằng, vai diễn trọn vẹn để đời của tôi vẫn đang còn ở phía trước

Trần Mỹ Hiền (thực hiện) - ANTG số 1091
.
.
.