Hội diễn kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc:

NSND Hoàng Dũng: Chúng tôi không mong muốn vở diễn của mình được "ưu ái"

Chủ Nhật, 04/10/2009, 15:50
"... Chúng tôi không mong muốn vở diễn của mình được "ưu ái" theo cách mà người ta hay nghĩ. Chúng tôi muốn được công bằng. Hội diễn thì rất khó nói, tôi chỉ có thể nói là vấn đề giải thưởng có được hay không còn tùy thuộc nhiều thứ...".

Nhà hát kịch Hà Nội tham gia hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp 2009 với hai vở "Điện thoại di động" và "Mắt phố". "Điện thoại di động" đã quen thuộc với khán giả Hà Nội từ vài năm trước, còn "Mắt phố" với bản dựng của NSND Phạm Thị Thành mang đến những thông điệp khá nhân bản.

"Mắt phố" xoay quanh câu chuyện về gia đình Hà Nội, với rất nhiều bi kịch liên tiếp đến mức phi luân thường, tất cả bắt đầu từ vòng xoáy kim tiền. Nhà cổ chỉ là cái cớ, mà thông điệp lớn nhất mà tác giả muốn gửi đến, đó là trách nhiệm của những con người với Hà Nội.

Có một câu thoại giữa tiến sỹ Dũng và cha mình khá đắt giá, như một thông điệp lớn: "Một số người Hà Nội nhìn thấy rất rõ những cái chưa được, thậm chí cả những cái tiêu cực của Hà Nội. Ai cũng nghĩ rằng, Hà Nội to lớn thế, mình thì nhỏ bé thế, lo làm sao được. Chính vì suy nghĩ ấy ai cũng cố thủ trong ngôi nhà của mình, từ cửa nhà mình trở ra tức là của ai đó, ai đó phải có trách nhiệm lo, chứ không bao giờ là của mình. Cứ nghĩ rằng mình là 1 nhân khẩu nhỏ bé, lo cho sự yên ổn của cá nhân mình đã khó, lo sao được cho cái đại gia đình lớn thế này. Cũng chính từ những suy nghĩ ấy, cho nên không ai chia sẻ với ai, không ai gánh vác cùng ai, không ai thành thật với ai hết. Nó như một con thuyền trên sông, rất nhiều tay chèo, nhưng mỗi người chèo về một hướng. Đó là sự ích kỷ, dối trá, đó là sự tha hóa của một số người, trong đó có cả con nữa, bố ạ"…

NSND Hoàng Dũng tỏ ra tự tin với những vở diễn mà anh cho là chất lượng nhất của Nhà hát kịch Hà Nội. Anh chia sẻ:

- Mỗi khi mang đi hội diễn thì kịch Hà Nội luôn mang những gì tốt nhất, giới thiệu những gương mặt nghệ sỹ Hà Nội xuất sắc nhất. Và hội diễn thì sẽ còn liên quan đến giải thưởng, và giải thưởng thì sẽ còn liên quan đến những việc khác, như phong tặng các danh hiệu sau này, nên chúng tôi cũng sẽ đưa những nghệ sỹ xuất sắc nhất, đồng thời giới thiệu những gương mặt triển vọng nhất. Chính vì thế, trên sân khấu có hai thế hệ nghệ sỹ cùng diễn. Chẳng hạn, nghệ sỹ Hoàng Cúc rất lâu rồi không diễn, nhưng đã có một vai khá ấn tượng trong "Mắt phố", các diễn viên gạo cội như Trung Hiếu, Minh Hòa, Tiến Đạt cũng vẫn là những diễn viên quan trọng của các vở diễn, hay những diễn viên chưa từng tham gia hội diễn như Phú Thăng, Công Lý, Thu Hường, Thu Hạnh… cũng sẽ tham gia.

NSND Hoàng Dũng - Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội.

- Anh vừa nói đến giải thưởng, huy chương… và như vậy thì có vẻ như, cơn mưa giải thưởng sắp được giội xuống trong đêm bế mạc, còn chất lượng vở diễn thì có lẽ là chuyện muôn năm và sẽ được… tính sau?

- Thực ra, chúng tôi không mong muốn vở diễn của mình được "ưu ái" theo cách mà người ta hay nghĩ. Chúng tôi muốn được công bằng. Hội diễn thì rất khó nói, tôi chỉ có thể nói là vấn đề giải thưởng có được hay không còn tùy thuộc nhiều thứ. Với tình hình như hiện nay, Nhà hát kịch Hà Nội rất thuận lợi so với một số đơn vị khác. Bởi vì hiện tại để có kịch bản hay, phản ánh cuộc sống hiện tại chân thực và sâu sắc thì không nhiều, nếu không muốn nói là rất khó kiếm. Tôi thấy có lẽ so với một số kịch bản khác mà tôi biết trong hội diễn lần này thì kịch bản của chúng tôi ổn hơn. Rất nhiều đoàn phải mang lại những vở chiến tranh, để nói những vấn đề cũ mèm, thật bế tắc.

Còn huy chương mà tôi nói, nếu diễn viên xuất sắc thì được trao, đó là cái cần thiết. Chúng tôi là đoàn của Nhà nước, mọi khen thưởng, phong tặng các danh hiệu, đều phải có những thành tích cụ thể được ghi nhận thông qua những giải thưởng, những tấm huy chương từ các kỳ hội diễn, liên hoan. Và thêm được một huy chương, nghệ sỹ trẻ có cơ hội được phong nghệ sỹ ưu tú, nghệ sỹ ưu tú thêm vào thành tích để làm hồ sơ nghệ sỹ nhân dân. Điều đó, nghe thì thế, nhưng thực ra cũng là bình thường thôi.

- Anh có đánh giá thế nào về tính chất chuyên nghiệp của hội diễn này?

- Tôi chưa hình dung được ban chỉ đạo cũng như ban giám khảo sẽ lấy tiêu chí gì là quan trọng nhất để chấm giải. Nếu không cẩn thận sẽ bị những luồng trái ngược nhau. Tôi nhớ, năm 1990, cũng trong một cuộc thi như thế này, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp đang diễn ra thì bỗng nhiên đổi tên thành "liên hoan sân khấu", liên hoan thì vui vẻ thôi, và có cả huy chương vàng khu vực, nó mất đi sự chuyên nghiệp. Rất nhiều đơn vị lạ hoắc cũng đăng ký tham dự.

Thế nào là chuyên nghiệp? Chữ chuyên nghiệp cần phải bàn lại. Ta có thể có những vở ăn khách, có thể có những vở phục vụ đại đa số khán giả, khán giả bình dân… làm sao cho đơn giản, dễ hiểu, không cần triết lý sâu sắc, sao cho mọi người tiếp nhận dễ hơn. Nhưng khi chúng ta vào cuộc thi chuyên nghiệp, thì yếu tố đó có nên đặt ra hàng đầu không? Bởi vì tôi muốn nói, đừng tìm đến sân khấu như tìm một nơi xả stress.

Hội diễn chuyên nghiệp là hội diễn của những người làm nghề, để đánh giá những cái mới, những cái tích cực nhất, chứ không phải đánh giá những cái giải trí vui vẻ và nó có ăn khách hay không. Đến giờ tôi cũng khó biết tiêu chí nào là hàng đầu. Không cẩn thận sau hội diễn sẽ mất vui rất nhiều. Các nhà hát đang rất trông chờ vào tiêu chí bình xét giải, mà trước hết từ ban chỉ đạo và ban giám khảo.

- Xin cảm ơn anh!

Hoài Phố - Phước Hải (thực hiện)
.
.
.