NSND Đoàn Dũng nhận định về LH "Hình tượng người chiến sĩ CAND”

Chủ Nhật, 03/10/2010, 10:11
Nhận xét về khâu tổ chức Liên hoan sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ CAND”, NSND Đoàn Dũng chỉ gói gọn trong hai từ: Tuyệt vời. Về nội dung các vở diễn, ông cho rằng đã “đi vào chiều sâu nhân vật chứ không còn hời hợt bề ngoài” để “khán giả nhận ra rằng người Công an cũng chính là người dân, họ sống trong nhân dân”.

Sau 10 ngày diễn ra liên tục tại Nhà hát Lớn, Trung tâm Thủ đô Hà Nội, Liên hoan nghệ thuật sân khấu (LHNTSK) về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" lần thứ II đã kết thúc. Thành công của Hội diễn không chỉ là niềm vui đối với những nghệ sĩ ngành sân khấu nói chung, mà đây thực sự còn là một món quà ý nghĩa dâng lên đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tôn vinh hình tượng người chiến sĩ CAND cũng chính là tôn vinh những người nghệ sĩ đã góp phần tô đẹp những hình tượng ấy. Khán giả Thủ đô đã thực sự có những ngày hội, khi họ được thưởng thức các vở diễn xuất sắc nhất về đề tài người Công an của các nghệ sĩ đến từ mọi miền Tổ quốc.

Hình ảnh người Công an nghiêm túc trong công việc, gần gũi, thân thương trong đời thường chính là những gì còn đọng lại trong cảm nhận của khán giả, từ đó họ thêm tin và yêu những người đang thầm lặng ngày đêm bảo vệ bình yên cho nhân dân. Hòa trong niềm phấn khởi của các nghệ sĩ, CAND cuối tuần đã có cuộc phỏng vấn với NSND Đoàn Dũng, một trong những người giữ vai trò "cầm cân nảy mực" trong suốt hội diễn….

- Thưa NSND Đoàn Dũng, sau một tuần ngồi ghế Ban giám khảo, ông đánh giá thế nào về số lượng và chất lượng các vở diễn trong LHNTSK về "hình tượng người chiến sĩ CAND" lần này?

+ Đây đã là lần thứ 2 ngành Công an tổ chức LHNTSK về đề tài người chiến sĩ CAND. Tôi không ngồi ghế Ban giám khảo trong kỳ liên hoan đầu tiên, nhưng theo như nhận định của NSND Đình Quang, thì trong liên hoan đầu tiên ấy, hình ảnh người chiến sĩ CAND qua các vở diễn chưa được sâu đậm. Chủ yếu vẫn là quần chúng nói về người chiến sĩ Công an chứ người chiến sĩ Công an chưa thực sự trở thành chủ thể của các vở diễn. Nhưng trong kỳ liên hoan lần thứ 2 này, mọi điều đã khác.

Về số lượng, nếu hội diễn lần đầu chỉ có 9 vở khắc họa trực tiếp hình tượng người Công an thì trong liên hoan lần này, cả 19 vở diễn đều lấy hình tượng người Công an, cũng như các hoạt động của họ làm nội dung chính cho tác phẩm của mình. Thể loại vở diễn cũng phong phú hơn, không chỉ là kịch nói mà còn là các vở chèo, cải lương, bài chòi… rất phong phú, với sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật từ Bắc tới Nam, trong đó có nhiều đoàn nghệ thuật danh tiếng như Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, sân khấu 5B Võ Văn Tần…

Về chất lượng các vở diễn thì tôi có thể nói rằng, các tiêu chí mà Ban tổ chức đặt ra đều đạt được. Trong hầu hết các vở diễn, khán giả được gặp những người chiến sĩ CAND nghiêm túc, tận tụy trong công việc nhưng khiêm tốn trong đời sống hằng ngày. Họ vừa là người Công an, nhưng họ cũng là những con người bình thường như bao người khác trong xã hội. Nghĩa là họ cũng có những bi kịch riêng, những tâm trạng riêng, thân phận riêng.

Tôi ví dụ ở vở diễn "Hoa thép", tác phẩm đoạt Huy chương vàng, do Đoàn Kịch Công an nhân dân dàn dựng, chúng ta đã được chứng kiến một cuộc đấu tranh quyết liệt trong tâm trạng của người chiến sĩ Công an. Nhân vật chính của vở diễn, người Công an ấy đã phải đương đầu với một lựa chọn khó khăn giữa gia đình và nguyên tắc công việc. Thực tế, không dễ dàng để có một sự lựa chọn, và người chiến sĩ Công an luôn phải sáng suốt với cái đầu lạnh, dù trái tim anh luôn nóng...

- Như vậy là các vở diễn đã làm thay đổi cảm nhận của khán giả về hình ảnh người chiến sĩ CAND vẫn được số đông hiểu là khô cứng, lạnh lùng, thưa ông?

+ Đúng vậy. Khi những vở diễn đi vào chiều sâu nhân vật chứ không còn hời hợt bề ngoài thì khán giả sẽ nhận ra rằng người Công an cũng chính là người dân, họ sống trong nhân dân. Xã hội càng phức tạp thì nhân dân càng cần đến người Công an. Họ giống như là nước, là không khí vậy. Không có họ, sự bình yên của mỗi con người đều bị đe dọa.

Tôi cho rằng, không có ngành nào trong xã hội phải chịu đựng nhiều gian khổ thầm lặng như ngành Công an. Những chiến công của họ là những chiến công không phải lúc nào cũng được nhân dân biết đến. Thậm chí, không ít người còn phải chịu oan khuất, điều tiếng trong một thời gian dài. Người làm nghệ thuật phải biết khai thác những mảng khuất lấp ấy. Liên hoan lần này, so với lần trước đã có một sự lớn mạnh đáng kể về chiều sâu của vở diễn. Nó chứng tỏ ngày càng có nhiều đơn vị nghệ thuật quan tâm đến đề tài người chiến sĩ CAND. Nó thêm một lần khẳng định rằng đề tài người chiến sĩ Công an thực sự là một mảnh đất màu mỡ, đầy tiềm năng đang chờ các nghệ sĩ sân khấu đến để khai phá.

- Thực tế thì ai cũng hiểu rằng đề tài người chiến sĩ CAND là một đề tài hấp dẫn. Nhưng nó cũng là một đề tài khó. Theo ông thì cái khó nhất thách thức người làm nghệ thuật khi "chạm" vào đề tài này là gì?

+ Tự thân đề tài người Công an đã là hấp dẫn như chị đã nói. Vì nó chứa đựng những xung đột bất ngờ, những hành động gay cấn… Nó giống như truyện trinh thám bên văn học, rất thu hút người đọc. Xem một vở diễn về đề tài người chiến sĩ CAND khán giả thường hồi hộp hơn. Yếu tố bất ngờ rất thu hút công chúng nói chung, dù nó ở bất kỳ lĩnh vực nghệ thuật nào. Rất nhiều khán giả vẫn còn nhớ, thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước, vở diễn "Nhân danh công lý", một vở diễn về đề tài Công an đã hấp dẫn khán giả như thế nào.

Đó là ví dụ cho thấy nếu làm tốt, những vở diễn về hình tượng người Công an lúc nào cũng có thể làm cho các nhà hát chật ních khán giả. Tuy nhiên, đề tài người chiến sĩ CAND cũng là đề tài khó, vì nó dễ bị đơn điệu, trùng lặp. Người nghệ sĩ tài năng là người phải "phá" được cái ấn tượng ấy. Bằng cách xây dựng người Công an không căng cứng, lý tưởng quá mức, mà gần gũi hơn, bình dị hơn. Mà muốn được như vậy thì không có cách gì khác là người nghệ sĩ phải hiểu sâu sắc về ngành Công an.

- Sân khấu hiện nay tồn tại chủ yếu bằng những vở hài kịch. Một hội diễn nghiêm túc về một đề tài duy nhất là hình tượng người Công an diễn ra trong bối cảnh như vậy khiến ông có suy nghĩ gì?

+ Nhiều đoàn nghệ thuật hiện nay phải diễn hài để tồn tại, đấy cũng là khó khăn, thậm chí là bi kịch của họ. Vì sân khấu đích thực không phải chỉ có hài. Không ít vở hài kịch được làm ra chỉ để phục vụ một bộ phận khán giả kém về văn hóa và thẩm mỹ. Sân khấu luôn cần những vở diễn nghiêm túc, những kỳ liên hoan nghiêm túc, nơi thực sự để cho những nghệ sĩ chân chính đến thi thố tài năng, giao lưu học hỏi. LHNTSK về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" đã thực sự làm được việc này. Bằng chứng là nhiều đoàn nghệ thuật, nhiều nghệ sĩ hào hứng tham gia. Họ tìm thấy niềm vui, niềm khích lệ ở đây.

- Trên cương vị là thành viên Ban giám khảo, ông nhận xét gì về khâu tổ chức của LHNTSK về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" lần này?

+ Về khâu tổ chức ư, tôi xin gói gọn trong hai từ: Tuyệt vời. Tôi sẽ dẫn chứng về những cái tuyệt vời sau đây. Đã từng tham dự nhiều hội diễn chuyên nghiệp và không ít lần bực mình vì khâu tổ chức, nhưng về hội diễn này tôi có thể nói là suôn sẻ từ đầu đến cuối. Các diễn viên được "diễn trong mơ", vì buổi diễn nào cũng chật ních khán giả. Trong tình hình sân khấu im ắng hiện nay thì được diễn trước đông đảo khán giả chính là niềm khích lệ lớn với anh em nghệ sĩ. Tuy là hội diễn của Bộ Công an tổ chức nhưng bằng khen dành cho các tập thể, cá nhân có sự chứng nhận của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, có nghĩa là có giá trị như các huy chương trong các kỳ hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, rất thuận lợi cho các nghệ sĩ khi làm hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Ngoài ra, Hội diễn đã chọn được một hội đồng giám khảo gồm những người vừa có tâm, vừa có tài.

Riêng nói về lễ trao giải trong đêm bế mạc thôi là tôi đã rất "phục" Ban tổ chức. Đó là một lễ trao giải quy mô, hoành tráng, với rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi tham gia. Sự trang trọng ấy khiến cho các nghệ sĩ sân khấu cảm nhận rằng họ đang được tôn vinh, trân trọng. Giá trị giải thưởng cũng là điều tôi muốn nói. Tuy nghệ thuật không thể đo đếm bằng tiền, nhưng việc Ban tổ chức dành một khoản tiền lớn để trao giải cho các đơn vị, cá nhân có thành tích cũng là một sự động viên cần thiết với các nghệ sĩ. Có thể nói đây là một liên hoan sân khấu kiểu mẫu, mà những người tâm huyết của ngành Công an đã dốc tâm, dốc sức vào.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước là người "chủ trò" ở đây, và tôi biết anh đã dành rất nhiều quan tâm, lo lắng, công sức để có được một kỳ hội diễn gây ấn tượng đẹp trong lòng khán giả như chúng ta đã thấy. Tôi xin nói lại rằng, với tình hình sân khấu hôm nay, không có thực tâm, không thiết tha và vô tư sẽ không thể tổ chức được chu đáo như vậy.

- Nếu có điều gì băn khoăn sau liên hoan lần này, cho những kỳ liên hoan tới được thành công hơn, thì nghệ sĩ sẽ nói gì?

+ Đây là một hội diễn mang tính chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp đầy ắp từng vở diễn. Tuy nhiên, bên cạnh những cái được vẫn còn những cái chưa được chứ (cười). Về mặt nghệ thuật thì phải sòng phẳng mà nói thế này, dù các vở diễn đã đi sâu vào việc xây dựng đời sống nội tâm của người chiến sĩ CAND với những số phận, bi kịch đời thường khác nhau, nhưng cảm giác chung của tôi là hiểu biết của người nghệ sĩ nói chung về ngành Công an vẫn còn khiêm tốn. Số lượng tác giả viết về Công an vẫn còn mỏng. Chúng ta muốn có một vườn hoa đẹp khi nói về sân khấu hình tượng người Công an thì chúng ta phải có nhiều bông hoa đẹp. Hiện nay, số lượng các bông hoa vẫn còn ít để có thể làm nên một vườn hoa.

- Vậy theo ông đâu là giải pháp cho vấn đề này?

+ Theo tôi cần phải thường xuyên có những lớp bồi dưỡng dành cho các nghệ sĩ, từ tác giả kịch bản đến đạo diễn, diễn viên. Các nghệ sĩ cần có những chuyến đi thực tế để hiểu sâu sắc về ngành Công an, cũng như đời sống của anh em chiến sĩ. Kế hoạch này phải được làm thường xuyên để mỗi năm chúng ta có thêm nhiều tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ muốn đến và ở lại trong vườn hoa chúng ta đã vun trồng. Việc mở những cuộc thi viết kịch bản về đề tài người chiến sĩ CAND cũng là gợi ý hay nếu chúng ta muốn phát hiện và tìm kiếm những tài năng mới trong tương lai.

- Xin cảm ơn NSND Đoàn Dũng!

Vũ Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.
.