“Mùa gặt” đầu tiên của phim Tết Việt

Thứ Tư, 12/02/2014, 10:23
Tết năm nay, lần đầu tiên phim Việt chẳng những không bị lép vế trước phim ngoại, mà còn chiếm được ưu thế. 5 phim Tết ra rạp, gồm có “Cô dâu đại chiến 2”, “Tèo em”, “Năm sau con lại về ”, “Hai Lúa” và “Cưới chạy”, thì có 2 phim luôn “cháy” vé là “Cô dâu đại chiến 2” và “Tèo em”.

Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm chiếu phim Quốc gia, hân hoan về mùa phim Tết thành công đầu tiên của phim Việt: Cả 5 bộ phim Việt đều được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Mỗi ngày, trung tâm dành hơn 20 suất chiếu phim Việt và dù phim rất đa dạng, nhưng các phòng chiếu phim Việt đều hết vé trong suốt dịp Tết. Mặc dù “Tèo em” từng gây “cháy” phòng vé suốt hơn một tháng liền trước Tết, nhưng những ngày Tết, bộ phim vẫn tiếp tục được khán giả hào hứng đón nhận. Riêng “Cô dâu đại chiến 2” thì phải liên tục chiếu ở các phòng lớn và luôn cháy vé.

Theo bà Đỗ Thanh Huyền, đại diện truyền thông Galaxy-nhà phát hành phim “Cô dâu đại chiến 2”, thì chỉ trong vòng 5 ngày ra rạp, bộ phim đã có 600.000 lượt khán giả và có doanh thu khủng mà bất cứ nhà làm phim nào cũng phải thèm muốn: 40 tỷ đồng. Đạo diễn Victor Vũ có quyền hài lòng trước con số thu về lớn như vậy. Phim “Năm sau con lại về” của NSND Trần Ngọc Giàu - một đạo diễn cũng từng gây nhiều dấu ấn với khán gia ã- dù doanh thu thấp hơn “Cô dâu đại chiến 2”, nhưng con số được biết là 30 tỷ cũng là điều mà Công ty Sóng Vàng - đơn vị sản xuất phim - mong đợi. Phim “Hai Lúa” chưa thấy có thông tin chính thức, còn con số doanh thu 20 tỷ của “Cưới chạy” vẫn chưa được kiểm chứng.

Khán giả Thủ đô đi xem “Cô dâu đại chiến 2” trong dịp Tết.

Cả 5 phim chiếu Tết Giáp Ngọ đều thuộc thể loại phim hài và đều của các nhà sản xuất tư nhân. Mỗi phim đều cố gắng tạo cho mình những ấn tượng riêng để tiếp cận khán giả. Chia sẻ về nguyên nhân mùa gặt của phim Việt trong Tết này, ông Nguyễn Danh Dương cho rằng: Sau gần 10 năm có phong trào làm phim Tết, các nhà sản xuất đã đầu tư tốt hơn, để có được sự chuyên nghiệp, có chất lượng từ kịch bản đến nghệ thuật dàn dựng. Sự nhảm nhí, vô bổ đã được hạn chế. Thay vào đó, dù là phim hài thuần túy, các phim đều được làm nghiêm túc, thông điệp được chuyển tải khéo léo, tế nhị. Những phim thành công là đều thông qua nhân vật để thể hiện nội dung, ý tưởng, chứ không phải thể hiện ý đồ sống sượng. Thành công từ các phim hài cho thấy, khán giả mong muốn có những phút giải trí đích thực, bứt ra khỏi bao lo toan của cuộc sống bộn bề, từ những bộ phim có chất lượng.

“Cô dâu đại chiến 2” phá kỉ lục ra mắt của tất cả các phim Việt chiếu Tết từ trước đến nay, trước hết là nhờ vào kịch bản hay, với những tình tiết tính mang tính giải trí, nhưng được một đạo diễn có tay nghề dàn dựng, cùng dàn diễn viên có tài năng diễn xuất và sản xuất với những thiết bị hiện đại, đã tạo nên sự tổng hòa, làm hài lòng khán giả. Những hình ảnh của phim được chau truốt, kỹ càng. Bên cạnh đạo diễn Victor Vũ chuyên nghiệp, vừa thành công với “Scandal-bí mật thảm đỏ” giành giải Bông Sen vàng, “Cô dâu đại chiến 2” còn có dàn sao Việt: Bình Minh, Lan Phương, Lê Khánh, Vân Trang, Maya... Khi công chiếu trên tất cả hệ thống rạp trên cả nước, “Cô dâu đại chiến 2” còn có “chiêu” hút khách bằng việc tổ chức  giao lưu giữa đoàn phim gồm đạo diễn Victor Vũ cùng các diễn viên trong phim và ký tặng poster phim cho người hâm mộ tại nhiều rạp ở TP Hồ Chí Minh, như một món quà đặc biệt để góp phần kéo người hâm mộ đến với bộ phim.

Trong khi đó, “Hai Lúa” của đạo diễn Charlie Nguyễn lại quy tụ nhiều cây hài để chọc cười khán giả: Thành Nam, Trấn Thành, Thuý Nga, Tấn Beo, Don Nguyễn, hoa hậu Diễm Hương... cùng hình ảnh dễ thương của Phương Mỹ Chi với giai điệu dân ca ngọt ngào. Sự góp mặt của danh hài Hoài Linh là tâm điểm của “Năm sau con lại về” để đem lại cho khán giả những tràng cười thư giãn với nhiều cảm xúc. 2 phim này đều lấy đề tài từ cuộc sống bình dị của người dân lao động, vì thế, những tình tiết gây cười cũng gắn bó với cuộc sống, mang đến sự gần gũi cho công chúng. Đặc biệt, nhân vật Hai Lúa không xa lạ gì với người dân miền Tây Nam bộ, lần này “bước” vào màn ảnh với những câu chuyện thú vị, khi Hai Lúa đi ra nước ngoài để mở mang tầm mắt, chứ không còn quanh quẩn trong những rặng dừa, mảnh ruộng vốn quá quen thuộc như trước. “Cưới chạy” không chỉ mang không khí Tết mà còn có cả tính thời sự khi phản ánh những vấn đề xã hội, nên cũng tạo được sự chú ý của khán giả.

Mặc dù vậy, cũng chưa thể nói điện ảnh Việt Nam đã có bước đột phá. Các phim Việt chiếu dịp Tết này đều là phim hài và dù đã có những tiến bộ nhất định, nhưng vẫn không tránh khỏi có những câu nhàm, nhạt, cố gồng lên để lấy tiếng cười của người xem; không phải phim nào cũng có được hình ảnh đẹp, trừ “Cô dâu đại chiến”. Nhìn tổng thể, người xem cũng chưa được thưởng thức một “mâm cỗ” tinh thần thực sự mang ý nghĩa vượt trội.

Song, chúng tôi đồng ý với quan điểm của ông Nguyễn Danh Dương rằng, dù sao, mùa phim Tết 2014 cũng đã là một bước tiến nhất định của Điện ảnh Việt Nam, khi không còn để phim ngoại hoàn toàn lấn sân như trước. Thành công bước đầu này không chỉ động viên các nhà sản xuất phim, mà còn chỉ ra những gì làm được và chưa được, để khắc phục và ngày càng đáp ứng thị hiếu khán giả. Những gì đọng lại sẽ giúp các nhà sản xuất có cái nhìn khách quan trong việc tiếp tục đầu tư cho những bộ phim ngày càng chất lượng trong mùa phim Tết năm sau, góp phần để khán  giả của môn nghệ thuật thứ bảy được tiếp xúc nhiều hơn với những tác phẩm điện ảnh đích thực, vừa mãn nhãn, vừa nhân văn, thân thiện

Dạ Miên
.
.
.